Tăng cường quản lý vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông, lâm, thủy sản

08:32, 05/04/2023

Những năm qua, công tác quản lý vật tư nông nghiệp (VTNN) và an toàn thực phẩm (ATTP) nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh được các cấp chính quyền và sở, ngành quan tâm chỉ đạo thực hiện. Qua đó, đã góp phần nâng cao nhận thức của người kinh doanh, giảm thiểu vi phạm trong lĩnh vực này, đồng thời hạn chế được rủi ro cho người nông dân.

Cán bộ Chi cục Thú y kiểm tra việc chấp hành quy định về kinh doanh vật tư nông nghiệp ở một cơ sở kinh doanh thuốc thú y tại xã Yên Bình (Ý Yên).
Cán bộ Chi cục Chăn nuôi và Thú y kiểm tra việc chấp hành quy định về kinh doanh vật tư nông nghiệp ở một cơ sở kinh doanh thuốc thú y tại xã Yên Bình (Ý Yên).

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) đã kịp thời tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành công tác quản lý chất lượng VTNN, ATTP nông, lâm, thủy sản, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trên địa bàn tỉnh. Công tác phổ biến, hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật về bảo đảm chất lượng VTNN, ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp tiếp tục được quan tâm tổ chức có hiệu quả. Các hoạt động tuyên truyền có nhiều đổi mới, được cải tiến cả nội dung lẫn hình thức, phù hợp với yêu cầu thực tiễn địa phương đã nâng cao hiệu quả tuyên truyền. Trong năm 2022, Sở NN và PTNT đã tổ chức 68 lớp tập huấn, hội nghị tuyên truyền trực tiếp cho 4.751 lượt người tham dự; thực hiện 61 phóng sự phát trên truyền hình; 56 bản tin trên báo, đài phát thanh, website của Sở; tổ chức 4 đợt tuyên truyền lưu động; treo 49 pa-nô, áp phích; in gần 22 nghìn tờ rơi, 120 sổ tay phát cho cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản và tại những điểm tập trung đông người… đã góp phần thay đổi đáng kể nhận thức, trách nhiệm của đại đa số các cơ sở và cộng đồng. Ngoài ra, Sở NN và PTNT còn thực hiện niêm yết công khai kết quả thanh tra, kiểm tra công tác quản lý Nhà nước về chất lượng VTNN và ATTP nông, lâm, thủy sản; thông báo cảnh báo nguy cơ sản phẩm thực phẩm không đảm bảo an toàn lưu thông trên thị trường để người dân biết và cùng tham gia giám sát. 

Các chương trình giám sát nguy cơ về ATTP nông, lâm, thủy sản được triển khai đồng bộ trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định và kế hoạch được phê duyệt, giúp phát hiện sớm nguy cơ, kịp thời cảnh báo và hướng dẫn các địa phương, cơ sở thực hiện những biện pháp phòng ngừa, xử lý khi phát sinh sự cố về ATTP. Nhờ đó, sản phẩm nông nghiệp của tỉnh tiếp tục được tiêu thụ mạnh tại thị trường trong nước và xuất khẩu sang một số thị trường khó tính như EU, Nhật Bản. Trong năm 2022, các đơn vị chức năng của Sở NN và PTNT đã tổ chức lấy 1.368 mẫu giám sát các chỉ tiêu về chất lượng, ATTP nông, lâm, thủy sản, chất lượng VTNN. Trong đó đã giám sát ATTP 1.263 mẫu, tập trung vào các sản phẩm được tiêu dùng hàng ngày, sản phẩm có nguy cơ cao như: rau, thịt; thủy sản nuôi; giám sát vùng nuôi thủy sản, nuôi nhuyễn thể... Kết quả 1 mẫu nước vùng nuôi ngao phát hiện tảo độc Pseudonitzschia.spp ngưỡng cho phép, đã kịp thời cảnh báo nguy cơ và tổ chức triển khai các biện pháp khắc phục, ngăn chặn, không để phát sinh sự cố ATTP. Các đơn vị đã lấy 105 mẫu thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), thuốc thú y, phân bón… để giám sát chất lượng VTNN và phát hiện 1 mẫu thuốc BVTV không đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn công bố, đã xử phạt hành chính và nhắc nhở cơ sở kinh doanh không buôn bán hàng kém chất lượng.

Hoạt động thanh tra, kiểm tra VTNN và ATTP nông, lâm, thủy sản được triển khai đúng quy định, đảm bảo nguyên tắc không chồng chéo, có đổi mới về phương thức với mục đích giảm thiểu các chi phí, thời gian cho cơ sở để cơ sở đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh. Trong năm 2022, toàn ngành nông nghiệp đã triển khai thực hiện 6 cuộc thanh tra, kiểm tra ATTP theo kế hoạch; phát hiện và xử lý vi phạm hành chính đối với 5 trường hợp vi phạm. Các đơn vị trực thuộc Sở cũng đã đẩy mạnh phối hợp với Công an tỉnh, các cơ quan chức năng liên quan và các địa phương thực hiện kiểm tra phối hợp, đột xuất giúp nâng cao hiệu quả quản lý. Điển hình là Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản phối hợp với Đội quản lý thị trường số 1 (Cục Quản lý thị trường Nam Định) kiểm tra đột xuất 1 cơ sở kinh doanh thực phẩm phát hiện vi phạm về không lưu trữ đầy đủ thông tin nguồn gốc thực phẩm; Chi cục Thủy sản phối hợp với Bộ đội Biên phòng tỉnh kiểm tra đột xuất 1 tàu cá phát hiện vi phạm về hết hạn giấy phép khai thác thủy sản, hết hạn giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP và không có nhật ký khai thác. Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với Phòng Cảnh sát Môi trường (Công an tỉnh) xử phạt 8 xe vận chuyển sản phẩm động vật vi phạm không đảm bảo yêu cầu quy định… Bên cạnh đó, các đơn vị trực thuộc Sở đã hoàn thành 12 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành về chất lượng vật tư nông nghiệp tại 234 cơ sở sản xuất, kinh doanh. Qua đó đã phát hiện 9 cơ sở vi phạm, phạt hành chính với tổng số tiền là gần 133 triệu đồng. Đã lấy 105 mẫu gồm: 3 mẫu thuốc BVTV, 2 mẫu phân bón, 100 mẫu thức ăn chăn nuôi để kiểm nghiệm các chỉ tiêu; phát hiện 1 mẫu thuốc BVTV không đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn công bố. Thời gian qua tình trạng sản xuất, kinh doanh, sử dụng VTNN, giống cây trồng, phân bón, thuốc trừ sâu, thức ăn gia súc… chất lượng kém, không rõ nguồn gốc, ngoài danh mục lưu hành trên thị trường có diễn biến phức tạp nên công tác thanh tra, kiểm tra cũng gặp nhiều khó khăn hơn.

Trong 3 tháng đầu năm 2023, Sở NN và PTNT chỉ đạo các đơn vị tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý. Tập trung tuyên truyền, hướng dẫn cơ sở đẩy mạnh chế biến sâu, xây dựng và phát triển thương hiệu; phát triển sản xuất theo liên kết chuỗi, gia tăng giá trị; ứng dụng khoa học công nghệ để đa dạng hóa sản phẩm phù hợp với nhu cầu phát triển và hội nhập. Thực hiện đồng bộ các chương trình giám sát ATTP nông, lâm, thủy sản theo hướng dẫn của cục, tổng cục quản lý chuyên ngành. Lồng ghép hoạt động giám sát chất lượng sản phẩm trong công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm để nâng cao hiệu quả trong công tác thực thi pháp luật về chất lượng, sản phẩm hàng hóa nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể đẩy mạnh hoạt động giám sát cộng đồng, tạo điều kiện để hội viên, người dân tham gia giám sát ngay tại cơ sở. Tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất, trong đó tập trung vào các vụ việc cụ thể, vấn đề nóng đang được quan tâm nhằm kịp thời cảnh báo và kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm; chú trọng thanh, kiểm tra cơ sở buôn bán giống cây trồng, giống vật nuôi, phân bón và thuốc BVTV, hóa chất xử lý cải tạo môi trường và các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thiết yếu nông, lâm, thủy sản. Tập trung, hướng dẫn, phối hợp với các địa phương đẩy mạnh công tác kiểm tra, ký cam kết sản xuất, kinh doanh an toàn các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ theo phân cấp.

Có thể nói, công tác phối hợp trong triển khai thực hiện nhiệm vụ của ngành Nông nghiệp với các sở, ngành liên quan và các tổ chức đoàn thể Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân... ngày càng chặt chẽ, hiệu quả phối hợp được nâng cao. Sự tham gia giám sát, phát hiện vi phạm của các tổ chức, đoàn thể, người dân đã góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, kiểm soát tốt chất lượng sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn, giảm thiểu rủi ro, bảo đảm sức khỏe người tiêu dùng./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com