Chương trình OCOP - giải pháp tạo nguồn lực để xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu: Kỳ 2: Tiêu thụ trên môi trường số - Đột phá thị trường cho sản phẩm OCOP

07:48, 04/04/2023

Chương trình OCOP - Giải pháp tạo nguồn lực để xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu - Kỳ 1: Khi cả hệ thống chính trị vào cuộc

Kỳ 2: Tiêu thụ trên môi trường số - Đột phá thị trường cho sản phẩm OCOP

Qua thực tế triển khai chương trình OCOP của tỉnh thời gian qua cho thấy, một trong những giải pháp quan trọng đang được các cấp, ngành, địa phương và người dân áp dụng hiệu quả để thúc đẩy Chương trình là tăng cường tiêu thụ sản phẩm OCOP trên môi trường số.

Được sự giúp đỡ của các cấp, các ngành, anh Trần Văn Phúc, chủ cơ sở sản xuất nước mắm, mắm cáy Ninh Cường, thị trấn Ninh Cường (Trực Ninh) đã tích cực tham gia các hội chợ, mang sản phẩm đi trưng bày tại các hội nghị nhằm giới thiệu quảng bá về sản phẩm truyền thống của gia đình. Đặc biệt là việc khai thác các nền tảng ứng dụng, mạng xã hội như: Facebook, Zalo, Tiktok để đăng tải thông tin giới thiệu sản phẩm và bán hàng online. Qua đó, lượng sản phẩm OCOP 3 sao “Nước mắm Ninh Cường” và “Mắm cáy Ninh Cường” của gia đình anh bán ra tăng rõ rệt. “Thời đại công nghệ 4.0 nên tôi cũng phải đổi mới cách thức bán hàng. Nhờ áp dụng chuyển đổi số, bán hàng trên mạng nên tôi đã kết nối với nhiều khách hàng ở nhiều nơi, mọi giao dịch mua, bán giữa 2 bên diễn ra trực tuyến nhanh chóng và thuận lợi”, anh Phúc chia sẻ.

Sản phẩm OCOP của các địa phương luôn được các sở, ngành, địa phương tạo điều kiện hỗ trợ tham gia trưng bày, quảng bá, tiêu thụ tại các hội chợ thương mại tổ chức trong và ngoài tỉnh.
Sản phẩm OCOP của các địa phương luôn được các sở, ngành, địa phương tạo điều kiện hỗ trợ tham gia trưng bày, quảng bá, tiêu thụ tại các hội chợ thương mại tổ chức trong và ngoài tỉnh.

Không riêng anh Phúc, nhiều chủ thể sản phẩm OCOP cũng xem việc bán hàng trên môi trường số là giải pháp quan trọng để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, từ đó phát triển sản xuất, tạo việc làm và thu nhập cho người lao động. Đánh giá về sự thay đổi tích cực này, đồng chí Nguyễn Văn Hữu, Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới (NTM) tỉnh cho biết: “Trong điều kiện dịch bệnh diễn biến khó lường cộng với xu thế mua, bán các loại sản phẩm hàng hóa trên mạng đang dần phổ biến, thời gian qua, các cấp, các ngành, địa phương đã tăng cường hỗ trợ, hướng dẫn các cơ sở, doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm trên môi trường mạng nhằm thúc đẩy tiêu thụ nông sản nói chung, sản phẩm OCOP nói riêng”. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức quảng bá, xúc tiến thương mại cho các nông sản và sản phẩm OCOP thông qua các hội nghị, gian hàng trưng bày trực tuyến; hỗ trợ đăng tải thông tin sản phẩm OCOP trên một số website như: ocopnamdinh.vn; ocopvietnam.gov.vn. Văn phòng Điều phối NTM tỉnh đã hỗ trợ các chủ thể có sản phẩm OCOP tạo và hướng dẫn sử dụng các gian hàng trên sàn thương mại điện tử: Voso.vn, PostMart.vn, Shopee… để bán sản phẩm. Đến nay, toàn tỉnh đã có trên 150 sản phẩm OCOP được đăng tải bán trên các sàn thương mại điện tử. Theo đồng chí Phó Chánh Văn phòng Điều phối NTM tỉnh, để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP, năm 2022, Văn phòng đã phối hợp với Công ty TNHH Tư vấn và Phát triển dịch vụ công nghệ Lâm Hải tổ chức ngày hội livestream với chủ đề “Tăng cường chuyển đổi số trong truyền thông về chương trình OCOP”. Chương trình diễn ra dưới hình thức livestream trực tuyến trên Fanpage “Sản phẩm OCOP Nam Định” với sự tham gia của các chủ thể gần 30 sản phẩm trong tỉnh. Đồng chí Nguyễn Văn Hữu chia sẻ: “Chương trình livestream đã thu hút đông đảo người xem và tương tác trực tuyến về các sản phẩm OCOP trên nền tảng Facebook. Đại diện các chủ thể đã mang đến chương trình những sản phẩm OCOP tiêu biểu của địa phương. Thông qua buổi livestream, các sản phẩm OCOP đã đến gần hơn với người tiêu dùng, từng bước tạo nền tảng vững chắc để sản phẩm OCOP có mặt trên thị trường cả nước”. Có thể thấy, Chương trình OCOP đã bắt kịp với các hình thức quảng bá mới, hiện đại và phù hợp với chủ trương xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số của tỉnh. Thông qua việc áp dụng công nghệ số, các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), cơ sở sản xuất, hộ gia đình đã giúp nhiều chuỗi sản xuất cung ứng nông sản, sản phẩm OCOP không bị đứt gãy, đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm an toàn của người dân; mở ra hướng đi mới hiệu quả, vững chắc trong việc nỗ lực đưa sản phẩm OCOP đến với người tiêu dùng.

Giám đốc HTX Chăn nuôi đa dạng sinh học Trực Thái, xã Trực Thái (Trực Ninh) Nguyễn Văn Thục cho biết: Với quy mô tổng đàn lợn dao động từ 350-500 con lợn/lứa, HTX đã đầu tư lò giết mổ công suất 10 con lợn mỗi ngày đảm bảo an toàn thực phẩm. Lợn sau khi giết mổ được sơ chế pha lọc, thái miếng cung cấp cho khách hàng. Ngoài cung ứng thịt lợn sạch tươi sống, HTX còn chế biến sâu thành các sản phẩm: giò, ruốc, xúc xích… Bên cạnh cửa hàng bán và giới thiệu sản phẩm tại chỗ, HTX chú trọng đẩy mạnh kênh bán hàng trên mạng internet tại fanpage facebook “Nông sản sạch Trực Thái”. Nhờ đó, HTX đã liên tục mở rộng thị trường tiêu thụ, sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Anh Thục tâm sự: “Áp dụng phương thức bán trực tuyến giúp HTX kết nối, tương tác được với nhiều khách hàng ở nhiều địa bàn hơn. Do đó, đầu ra cho sản phẩm của HTX được bảo đảm, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho các thành viên của HTX”.  

Nhanh nhạy nắm bắt xu hướng thị trường, nỗ lực tiếp cận và ứng dụng kênh tiêu thụ sản phẩm OCOP trên môi trường số đã giúp các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất… tháo gỡ được “nút thắt” cố hữu của thị trường tiêu thụ nông sản, khắc phục tình trạng “được mùa, mất giá”, phụ thuộc thương lái dẫn đến ép cấp, ép giá; xây dựng được thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP thuận lợi và bền vững hơn.

(Còn nữa)
Bài và ảnh:
Văn Đại

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com