Nương tựa biển khơi để phát triển sinh kế bền vững

19:57, 20/04/2023

Giao An là xã ven biển của huyện Giao Thủy. Để có thêm thu nhập, nhiều người dân địa phương mưu sinh bằng đánh bắt tôm rảo, tôm sú, cá đối, cá tráp sẵn có trong luồng, lạch, bãi bồi sát với Vườn Quốc gia Xuân Thủy. Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây môi trường sinh thái bị ô nhiễm khiến nguồn lợi hải sản tự nhiên ngày càng cạn kiệt. Đau đáu ý tưởng xây dựng vùng sinh thái ven biển nhằm phục hồi, phát triển sinh kế bền vững, sống hòa thuận với thiên nhiên tại địa phương, chị Doãn Thị Thoa, một người con làng biển từng rời làng lên Hà Nội lập nghiệp đã khăn gói trở về xây dựng nên Hợp tác xã (HTX) Khang Tường, tập hợp những thành viên cùng chung ý tưởng nuôi thủy sản sạch, thuận tự nhiên ở khu vực đánh bắt và nuôi trong đầm thuộc khu vực Vườn Quốc gia.

Nương tựa vào biển phát triển sinh kế 

Chị Doãn Thị Thoa, Chủ tịch HĐQT HTX Khang Tường cho biết: “Trong ký ức tuổi thơ của tôi, hình ảnh quê hương gắn liền với những rừng ngập mặn xanh mướt đầy sú, vẹt tự nhiên cao vút, nhiều tôm, cua, cá, hến, rạm… Đây cũng là nơi bố mẹ tôi lặn ngụp suốt hơn 30 năm trời bắt tôm, cua, cá mưu sinh nuôi 4 anh em tôi học hết bậc Đại học. Vì thế, sản vật từ rừng ngập mặn tại Vườn Quốc gia Xuân Thủy rất có ý nghĩa với gia đình tôi”. Năm 2018, chứng kiến cơn bão đi qua, càn quét những ao đầm hoang tàn; rừng sú, vẹt bị tàn phá, giá hải sản thường xuyên “được mùa, mất giá - được giá, mất mùa”, chị Thoa quyết tâm từ bỏ công việc ổn định ở Hà Nội để về gây dựng vùng sinh thái ven biển, giúp mọi người sống và làm giàu bền vững với thiên nhiên nơi đây. 

Giới thiệu các sản phẩm hải sản sạch của Hợp tác xã Khang Tường ở xóm 6, xã Giao An (Giao Thủy)cho khách hàng.
Giới thiệu các sản phẩm hải sản sạch của Hợp tác xã Khang Tường ở xóm 6, xã Giao An (Giao Thủy) cho khách hàng.

Lúc mới trở về, nhớ lời mẹ dặn, nhờ có biển mà nuôi được các con, chị chọn cách chỉ tiêu thụ sản vật từ những đầm có rừng sú, vẹt ở khu vực Vườn Quốc gia Xuân Thủy rồi xây dựng thương hiệu, chào mời tới các cửa hàng thực phẩm sạch. Theo chị Thoa, khởi đầu này giúp cho chị vừa có thêm thu nhập, vừa nâng cao nhận thức về tầm quan trọng, giá trị của nguồn lợi tự nhiên từ rừng ngập mặn của mọi người. Từ đó, mới có thể vận động người dân không chặt phá rừng ngập mặn và trồng rừng thay thế. Năm 2019, chị Thoa thành lập HTX Khang Tường với 11 thành viên để bao tiêu đầu ra thủy sản cho bà con theo tiêu chí “ngon, sạch và sinh thái”. Hiện có 20 chủ đầm, đại lý đang cùng hợp tác, cung ứng hải sản sạch cho HTX. Hiện tại, HTX Khang Tường chuyên cung cấp các loại hải sản sạch, hải sản tự nhiên với tiêu chí “3 không”: Không chất bảo quản, không hóa chất, không nuôi công nghiệp. Theo đó, hải sản sạch của HTX được nuôi thả tự nhiên tại khu đầm rộng 10ha thuộc khu bảo tồn thiên nhiên rừng ngập mặn Ramsar thuộc Vườn Quốc Gia Xuân Thủy. Nơi đây có rất nhiều cây sú, vẹt nên là nơi trú ngụ của nhiều loại hải sản tự nhiên như cua biển, cáy mật, cá đối mục, cá đối trứng, cá hói, cá vược, cá song, tôm sú, tôm he, tôm rảo… Các loại hải sản ở đây có đặc điểm là thịt rất ngọt bởi được sống trong môi trường trong lành và thả giống lớn tự nhiên. Sau khi thu hoạch, hải sản được sàng lọc phân loại, làm sạch, cấp đông sâu ở âm 30 độ C và hút chân không để đảm bảo độ tươi ngon và vận chuyển đến tay người tiêu dùng vẫn vẹn nguyên hương vị vốn có. Thị trường nhanh chóng đón nhận sản phẩm giúp HTX ngày càng lớn mạnh và càng khẳng định hướng đi đúng của mô hình phát triển sinh kế bền vững gắn với rừng ngập mặn của HTX đã theo đuổi trong những năm qua. Đến nay, HTX Khang Tường đã từng bước khẳng định thương hiệu với 8 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao gồm ruốc tôm he, nõn tôm he hấp, nõn tôm rảo sấy khô, tôm sú, cá vược cắt khúc Khang Tường, tôm rảo, cá bống đục, tôm he và hàng chục sản phẩm độc đáo khác như rau câu, mật ong... Hải sản Khang Tường đã có mặt tại một số hệ thống cửa hàng thực phẩm sạch tại Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang, Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Đà Nẵng. Do vậy, trong 2 năm ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, HTX vẫn đạt doanh thu hơn 10 tỷ đồng/năm, lợi nhuận thu về từ 1-1,5 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho 11 lao động thường xuyên. Thu nhập của lao động trong HTX cũng tăng gấp 5-7 lần so với trước đây. 

Trồng rừng để “trả ơn” biển

Chị Thoa chia sẻ: “dựa vào sinh kế từ biển khi trở về quê, tôi luôn lấy khẩu hiệu “Nương tựa biển khơi” làm tôn chỉ kinh doanh. Tôi nghĩ rằng mình được ân huệ từ thiên nhiên quá nhiều, mình phải làm cái gì đó trả lại thiên nhiên và trồng rừng là giải pháp đầu tiên tôi nghĩ đến. Theo tôi, phá rừng thì có thể có tiền ngay, nhưng tiền thì không mua được rừng. Có tiền thì có thể bạn no bụng, nhưng không đảm bảo bạn được ăn uống lành mạnh. Có tiền có thể mua được máy lọc nước tốt nhất, nhưng không có rừng thì không có nước sạch; có thể mua được máy lọc không khí, nhưng không có rừng thì không có không khí trong lành để thở. Có tiền có thể mua được loại thuốc đắt nhất, bác sĩ giỏi nhất, bệnh viện tốt nhất, nhưng không mua được sức khỏe. Vì thế, chỉ dựa vào biển, vào rừng ngập mặn, tự nhiên nó trở thành sinh kế bền vững; sẽ không lo được mùa mất giá, lại bền vững trong tương lai”. Tâm niệm thế, nên từ phần lợi nhuận của HTX, năm nào chị Thoa cũng trích ra để tham gia đầu tư trồng rừng ngập mặn để bù đắp, “trả ơn” lại cho biển. Năm 2020, chị Thoa đã trích lợi nhuận 20 triệu đồng, năm 2021 là 38 triệu đồng. Ngoài ra, chị còn động viên các chủ đầm chung tay cùng tái tạo, phục hồi rừng ngập mặn. 

“Tiếng lành đồn xa”, từ 5ha trồng rừng ngập mặn của chị Thoa đang phủ xanh trở lại, chị tiếp tục được tin tưởng để hỗ trợ cho 5 đầm ngao giống trồng lại rừng. Bất cứ ai có nhu cầu về trồng rừng ngập mặn, chị đều đón tiếp và sẵn sàng hỗ trợ. Mới đây, dự án về “Làng sinh thái ven biển” của chị đã lọt vào chung kết cuộc thi “Khởi nghiệp Nông nghiệp - Đổi mới sáng tạo” năm 2022 do Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức và được Ban Tổ chức đánh giá cao. Không chỉ khởi xướng phong trào trồng rừng ngập mặn tại các hộ có diện tích ao, đầm, chị còn tích cực tham dự các hội thảo, tham quan các mô hình phát triển sinh kế bền vững gắn với rừng ngập mặn của các địa phương khác trong cả nước như Bến Tre, Cà Mau, Thành phố Hồ Chí Minh để trau dồi thêm kinh nghiệm. Đồng thời, mời chuyên gia hướng dẫn người dân địa phương trồng trọt, chăn nuôi thủy, hải sản thuận tự nhiên (không sử dụng các chất hóa học trong chăn nuôi hay sử dụng thức ăn công nghiệp), loại bỏ dần mô hình nuôi thuỷ sản phải chặt phá những cây tự nhiên trong đầm và sử dụng chất hóa học; sử dụng các sản phẩm hữu cơ có thể tái chế, thân thiện với môi trường, không phát sinh rác thải vật lý; phát động phong trào “Mùa hè xanh” như trồng cây xanh, dọn và phân loại rác… cho học sinh, sinh viên địa phương vào dịp hè nhằm lan tỏa nhận thức và nâng cao ý thức người dân bảo vệ rừng ngập mặn nói riêng và môi trường biển nói chung. 

Dựa vào tài nguyên phong phú của biển, chị Doãn Thị Thoa đã bước đầu thành công với các sản vật từ biển ngay trên mảnh đất quê hương, góp phần gìn giữ bảo tồn rừng ngập mặn, cải thiện thu nhập cho người dân địa phương, mở ra hướng phát triển kinh tế biển xanh bền vững. Hơn thế, còn khẳng định lời cha ông xưa đã truyền lại “người trồng rừng, rừng sẽ chở che, nuôi sống người”./.

Bài và ảnh: Đức Toàn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com