Gia tăng cơ hội tiếp cận vốn cho doanh nghiệp

08:22, 20/04/2023

Những tháng đầu năm 2023, trên địa bàn tỉnh, các tổ chức tín dụng (TCTD) đã áp dụng nhiều chính sách tín dụng ưu đãi lãi suất dành cho doanh nghiệp và người dân như: Chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn (theo Nghị định 116/2018/NĐ-CP ngày 7-9-2018 của Chính phủ); cho vay ưu đãi nhà ở xã hội; cho vay phát triển công nghiệp hỗ trợ, cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch; cho vay thực hiện chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp; cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 theo Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13-3-2020 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), hỗ trợ giảm lãi suất 2% đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20-5-2022 của Chính phủ. Các chương trình chính sách ưu đãi của ngành Ngân hàng đã và đang lan tỏa, tiếp sức đà phục hồi sản xuất, kinh doanh cho các doanh nghiệp và người dân.

Giải ngân vốn tiếp sức sản xuất, kinh doanh tại Agribank Chi nhánh huyện Ý Yên.
Giải ngân vốn tiếp sức sản xuất, kinh doanh tại Agribank Chi nhánh huyện Ý Yên.

Tính đến hết quý I năm 2023, tổng dư nợ cho vay nền kinh tế đạt 92.276 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn đạt 47.984 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 52% tổng dư nợ cho vay; dư nợ cho vay nhà ở xã hội đạt 136,5 tỷ đồng với 341 khách hàng; cho vay hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp đạt dư nợ 5,8 tỷ đồng với 51 khách hàng. Thực hiện chính sách hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 theo Thông tư số 01/2020/TT-NHNN, đến ngày 30-6-2022, các TCTD đã thực hiện miễn, giảm lãi vay đối với 907 khách hàng, số tiền lãi được miễn, giảm là 15 tỷ đồng; cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với 1.818 khách hàng; cho vay mới 2.092 khách hàng. Bên cạnh việc hỗ trợ khách hàng theo Thông tư số 01/2020/TT-NHNN, các TCTD cũng thực hiện điều chỉnh giảm lãi suất trung bình từ 0,5-1,0%/năm đối với đồng Việt Nam và 0,3%/năm đối với đồng USD nhằm đồng hành chia sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp. Tổng dư nợ được giảm lãi suất khoảng 32.091 tỷ đồng, với 95.265 khách hàng, số tiền lãi được giảm ước tính 126,7 tỷ đồng. Ngoài ra, các ngân hàng thương mại trên địa bàn đã thực hiện hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP đối với 9 khách hàng (gồm 5 doanh nghiệp và 4 hộ kinh doanh), số tiền lãi được hỗ trợ là 195 triệu đồng. Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh đã tiến hành rà soát đối tượng và thực hiện hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 36/2022/NĐ-CP trong quý I năm 2023 đối với 32.809 khách hàng, số tiền lãi đã hỗ trợ là 18,808 tỷ đồng.

Tính đến hết quý I năm 2023, trên địa bàn tỉnh có 1.816 khách hàng doanh nghiệp có quan hệ tín dụng với ngân hàng, với dư nợ cho vay đạt 27.683 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 30% tổng dư nợ cho vay trên địa bàn; trong đó, cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 15.041 tỷ đồng, chiếm 16,3% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế và  và chiếm 54,3% dư nợ cho vay doanh nghiệp. Lũy kế từ năm 2014 đến hết quý I năm 2023, các TCTD đã ký 524 hợp đồng kết nối với doanh nghiệp, tổng số tiền cam kết cho vay là 13.399 tỷ đồng, tỷ lệ giải ngân so với cam kết đạt trên 90%. Các doanh nghiệp tham gia chương trình đều sử dụng vốn hiệu quả, không có nợ xấu phát sinh. 

Bên cạnh các kết quả tích cực đã đạt được, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp một số vướng mắc khó khăn trong tiếp cận các gói vay vốn ưu đãi của Chính phủ nhất là chương trình hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP trong thời gian qua. Tại hội nghị kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp đầu năm 2023, đồng chí Đặng Văn Kim, Giám đốc NHNN Việt Nam Chi nhánh tỉnh chia sẻ: “Thời gian qua, ngành Ngân hàng tỉnh đã “vào cuộc” triển khai chương hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ với tinh thần quyết liệt, công khai, minh bạch, sẵn sàng lắng nghe, đồng hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn. Tuy nhiên, kết quả đạt được chưa tương xứng với kỳ vọng”. Qua rà soát, tổng hợp trên thực tế, nguyên nhân chủ yếu do đa số khách hàng hộ gia đình sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, hóa đơn chứng từ mua bán giữa các cá nhân nên không xuất được hóa đơn VAT, không có đăng ký kinh doanh chứng minh ngành nghề hoạt động... Việc xác định mục đích sử dụng vốn để được hỗ trợ lãi suất gặp khó khăn do khó xác định đối tượng thụ hưởng theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP. Cụ thể, đối với khoản vay vốn lưu động, khách hàng hoạt động trong ngành sản xuất và kinh doanh thức ăn chăn nuôi gặp vướng do quy định, mã ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi thì được hỗ trợ lãi suất nhưng mã ngành kinh doanh mặt hàng này thì không được hỗ trợ lãi suất. Tuy nhiên, khách hàng nhập nguyên liệu với số lượng lớn về vừa để chăn nuôi vừa kết hợp kinh doanh thương mại (bán lẻ cho người chăn nuôi nhỏ chẳng hạn) nên khó bóc tách phần nguyên liệu cho mục đích sản xuất để thực hiện hỗ trợ lãi suất cho khách hàng. Bên cạnh đó, qua khảo sát, tổng hợp về nhu cầu vốn, nhiều khách hàng thuộc đối tượng hỗ trợ lãi suất nhưng không có nhu cầu. Kinh phí hỗ trợ sử dụng từ nguồn ngân sách Nhà nước nên nhiều khách hàng thuộc đối tượng hỗ trợ lãi suất còn thận trọng trong việc nhận hỗ trợ hoặc ngại thủ tục phức tạp nên chủ động từ chối xin hỗ trợ. Về phía ngân hàng thì gặp khó khăn trong việc xác định khách hàng “có khả năng phục hồi” theo quy định tại khoản 4 Điều 3 Nghị định số 31/2022/NĐ-CP. 

Nhằm tháo gỡ và thúc đẩy khả năng tiếp cận vốn ngân hàng của doanh nghiệp, thời gian tới, NHNN Việt Nam Chi nhánh tỉnh sẽ tích cực phối hợp với các sở, ngành, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa, các đơn vị liên quan tổ chức các hội nghị đối thoại trực tiếp giữa Ngân hàng và doanh nghiệp bằng hình thức, quy mô phù hợp để thông tin, phổ biến cơ chế chính sách về tiền tệ, tín dụng và các chính sách khác có liên quan. Từ đó, có giải pháp tháo gỡ kịp thời và giải đáp, phản hồi thỏa đáng các ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp. NHNN Chi nhánh tỉnh tích cực chỉ đạo các TCTD trên địa bàn tiếp tục đồng hành, đối thoại lắng nghe ý kiến, giải quyết những vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn. Tuyên truyền, phổ biến đến doanh nghiệp về cơ chế, chính sách tiền tệ, tín dụng, đặc biệt là những cơ chế, chính sách mới. Công khai minh bạch, đơn giản hóa quy trình, thủ tục cho vay, tiếp tục cải tiến, đa dạng hóa, tối ưu các sản phẩm dịch vụ ngân hàng, đảm bảo an toàn, hiệu quả, dễ tiếp cận, phù hợp nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi về tiếp cận vốn tín dụng. Tập trung triển khai ngay chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11-3-2023 của Chính phủ. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, tiết giảm chi phí hoạt động để có điều kiện giảm lãi suất cho vay. Ngoài ra, ngành Ngân hàng cũng mong muốn các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục nâng cao năng lực quản trị, năng lực cạnh tranh, năng lực tài chính, tính minh bạch và hiệu quả trong các dự án đầu tư nhằm nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay ngân hàng của doanh nghiệp./.

Bài và ảnh: Đức Toàn
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com