Nỗ lực giữ vững tốc độ tăng trưởng kinh tế

08:30, 04/04/2023

Năm 2023 là năm có ý nghĩa quan trọng, năm tạo đà hoàn thành các mục tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025) và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX. Đặc biệt là năm quyết định cho việc triển khai đúng tiến độ theo kế hoạch đối với các công trình trọng điểm, các dự án tạo nguồn lực bao gồm cả đầu tư công và đầu tư ngoài ngân sách. Bên cạnh những thuận lợi, kinh tế của tỉnh vẫn phải đối mặt với những khó khăn, thách thức, tiềm ẩn nhiều rủi ro do tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, khó lường; đại dịch COVID-19 còn tiềm ẩn phức tạp. Để phấn đấu hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đã được HĐND tỉnh thông qua, các cấp, các ngành, các đơn vị căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ và giải pháp đã đề ra ngay từ những ngày đầu, tháng đầu năm.

Thi công các hạng mục tuyến đường bộ ven biển đoạn qua địa bàn huyện Giao Thuỷ.
Thi công các hạng mục tuyến đường bộ ven biển đoạn qua địa bàn huyện Giao Thuỷ.

Ngay từ đầu năm, các giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án, công trình, nhất là dự án hạ tầng giao thông, để tăng cường giao thương và liên kết vùng, tạo động lực phát triển kinh tế đã được triển khai đồng bộ, quyết liệt. Hoạt động đầu tư, xây dựng cơ bản trên địa bàn tỉnh đạt kết quả khá tích cực. Vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn quý I-2023 ước đạt 10.118 tỷ đồng, tăng 13,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: vốn Nhà nước 1.976 tỷ đồng, chiếm 19,5% và tăng 16,8%; vốn ngoài Nhà nước 7.500 tỷ đồng, chiếm 74,1% và tăng 15%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 642 tỷ đồng, chiếm 6,4% và giảm 11,7%. Trong khu vực Nhà nước, vốn đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước (NSNN) do địa phương quản lý quý ước thực hiện 1.434 tỷ đồng, đạt 16,7% kế hoạch năm và tăng 17,8% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, vốn NSNN cấp tỉnh là 1.330 tỷ đồng, đạt 17,0% và tăng 15,2%; vốn NSNN cấp huyện 55 tỷ đồng, đạt 11,5% và tăng 131,1%; vốn NSNN cấp xã 49 tỷ đồng, đạt 17,4% và tăng 25,7%. Ngay từ đầu năm, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương đôn đốc nhà thầu thi công đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án: Xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Nam Định; Tỉnh lộ 488B, 485B; Khu Trung tâm lễ hội thuộc Khu di tích lịch sử - văn hóa thời Trần; Bệnh viện Đa khoa tỉnh; Cải tạo, nâng cấp một số đoạn đê xung yếu trên tuyến đê sông tỉnh Nam Định; Các dự án xây dựng hạ tầng khu đô thị, khu (điểm) dân cư tập trung, khu tái định cư của các huyện, thành phố. Đồng thời tỉnh cũng tập trung chỉ đạo các địa phương quyết liệt triển khai công tác giải phóng mặt bằng, thi công các dự án mới khởi công: Dự án xây dựng tuyến đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình giai đoạn II; Dự án xây dựng cầu qua sông Đào; Dự án xây dựng tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - Đường bộ ven biển. 

Nhằm thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, tỉnh linh hoạt tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư, đẩy mạnh các dịch vụ cung ứng, hỗ trợ các dự án sau cấp giấy chứng nhận đầu tư, đăng ký đầu tư; kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh. Theo số liệu của Sở Kế hoạch và Đầu tư, tính đến giữa tháng 3-2023, toàn tỉnh có 277 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 2.438 tỷ đồng và 3.911 lao động đăng ký, tăng 3,7% về số doanh nghiệp, tăng 15,8% về vốn đăng ký và bằng 50,2% về số lao động so với cùng kỳ năm 2022. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 8,8 tỷ đồng, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm trước. Tỉnh cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới và điều chỉnh tăng vốn cho 6 dự án với tổng số vốn đăng ký 578 tỷ đồng và 6,7 triệu USD (bao gồm 4 dự án đầu tư trong nước và 2 dự án FDI); trong đó cấp mới cho 3 dự án (2 dự án đầu tư trong nước và 1 dự án FDI) với tổng số vốn đăng ký 361 tỷ đồng và 3,2 triệu USD.

Hoạt động xây dựng trong quý I-2023 trên địa bàn tỉnh diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn, giá nguyên vật liệu và lãi suất ngân hàng tăng cao. Việc các công trình trọng điểm gồm cả đầu tư công và đầu tư ngoài ngân sách đảm bảo tiến độ theo kế hoạch; cùng với đó quá trình xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu được quan tâm thực hiện giúp ngành xây dựng đạt kết quả khá. Quý I-2023, giá trị sản xuất ngành xây dựng theo giá so sánh năm 2010 tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước. Các dự án của Nhà nước tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công, giải phóng mặt bằng: Dự án xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Nam Định (2020-2024) có tổng mức đầu tư 2.655 tỷ đồng, có mặt bằng thi công gần dài 49km; Dự án kênh nối Đáy - Ninh Cơ (2020-2023); Dự án cầu Bến Mới (2022-2024) có tổng mức đầu tư 360,7 tỷ đồng; Dự án tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - Đường bộ ven biển (2022-2027) có tổng mức đầu tư 5.995 tỷ đồng. Các công trình phát triển cơ sở hạ tầng xúc tiến thu hút đầu tư tiếp tục được huy động tối đa nguồn lực như các khu công nghiệp, cụm công nghiệp: Dệt may Rạng Đông, Mỹ Thuận, Bảo Minh mở rộng, Yên Bằng, Thanh Côi đảm bảo tính đồng bộ của hạ tầng kỹ thuật (về điện, nước, xử lý nước thải, viễn thông...), đồng thời xúc tiến, thu hút các nhà đầu tư thứ cấp. Cùng với các dự án đang triển khai, tỉnh cũng quyết liệt chỉ đạo các sở, ngành  tập trung tham mưu hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án mới như: cầu Ninh Cường có tổng mức đầu tư dự kiến 582,5 tỷ đồng, hiện đang chờ Quốc hội thông qua; cầu vượt sông Đáy nối tỉnh Ninh Bình và tỉnh Nam Định; tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Dự án của doanh nghiệp ngoài Nhà nước tiếp tục được đầu tư xây dựng, thi công: Dự án Nhà máy sản xuất cấu kiện bê tông đúc sẵn thuộc tổ hợp thép xanh Xuân Thiện Nam Định (2022-2024) có tổng mức đầu tư 900 tỷ đồng; Nhà máy dệt và may Công ty TNHH Ramatex Nam Định tổng mức 1.814 tỷ đồng; Xưởng nhuộm tấm Công ty Cổ phần Dệt nhuộm SUNRISE,… Nhờ đó, quý I-2023 tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) theo giá so sánh 2010 của tỉnh ước đạt 12.220 tỷ đồng, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm trước; là mức tăng trưởng khá so với các tỉnh, thành phố trong vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước. Trong đó, công nghiệp và xây dựng tăng 10,76%; thương mại - dịch vụ tăng 7,01%. 

Phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới, tỉnh tiếp tục tập trung quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành, huy động tối đa mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển, xây dựng cơ bản để đẩy nhanh tốc độ phục hồi của nền kinh tế, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Một trong những giải pháp tỉnh quyết liệt chỉ đạo là đảm bảo tiến độ và nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, quản lý và thực hiện quy hoạch. Cụ thể: khẩn trương hoàn thành hồ sơ, trình thẩm định và phê duyệt Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; triển khai các bước lập Quy hoạch xây dựng vùng liên huyện Nam Trực - Trực Ninh đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch chung đô thị mới Đại Đồng, huyện Giao Thuỷ; điều chỉnh Quy hoạch xây dựng chung đô thị các thị trấn đến năm 2030; các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết theo điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Nam Định đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công, giải phóng mặt bằng, thực hiện thủ tục các dự án trọng điểm của tỉnh: Xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Nam Định; tỉnh lộ 490 giai đoạn II và các tỉnh lộ 488B, 485B; Xây dựng cầu qua sông Đào; Xây dựng tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - Đường bộ ven biển (tỉnh lộ 484); Đường trục phía nam thành phố Nam Định (đoạn từ đường Vũ Hữu Lợi đến Quốc lộ 21B); Khu Trung tâm lễ hội thuộc Khu di tích lịch sử - văn hóa thời Trần (giai đoạn II); Bệnh viện Đa khoa tỉnh;... Đẩy nhanh tiến độ thi công đối với các dự án đã đấu thầu xây lắp và tiếp tục tập trung hoàn thiện thủ tục để sớm khởi công các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30-1-2022 của Chính phủ. Phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải thực hiện dự án trọng điểm Cụm công trình kênh nối Đáy - Ninh Cơ; cầu Bến Mới; khởi công xây dựng cầu Ninh Cường. Thực hiện tốt công tác thẩm định, nghiệm thu, quyết toán,... nâng cao chất lượng các công trình và hiệu quả sử dụng các nguồn vốn đầu tư. Thường xuyên rà soát, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2023. Tập trung khắc phục một số tồn tại, hạn chế và nâng cao chất lượng trong công tác đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý vốn đầu tư công; đẩy mạnh công tác đấu thầu qua mạng; các cấp, các ngành hỗ trợ tối đa cho nhà đầu tư trong và ngoài nước hoàn thiện các thủ tục và triển khai thực hiện dự án sử dụng vốn của nhà đầu tư đảm bảo theo quy định.

Với những giải pháp đồng bộ, quyết liệt nêu trên, toàn tỉnh đang nỗ lực, quyết tâm phấn đấu thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kinh tế năm 2023 như: tổng sản phẩm GRDP tăng từ 9-9,5%; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng từ 14,5%; kim ngạch xuất khẩu đạt 3,3 tỷ USD; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tăng 17%./.

Bài và ảnh: Thành Trung
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com