Ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất cho vay, khơi dòng tín dụng

08:09, 24/04/2023

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã tích cực giảm lãi suất cho vay, tăng cường tiếp cận doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, giúp khơi thông dòng tín dụng.

Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Công ty TNHH Sản xuất thương mại dệt may Việt Thái, xã Yên Trị (Ý Yên).
Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Công ty TNHH Sản xuất thương mại dệt may Việt Thái, xã Yên Trị (Ý Yên).

Tất cả 4 Ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) vốn Nhà nước lớn đều đồng loạt hưởng ứng với nhiều chính sách ưu đãi về lãi suất để doanh nghiệp tiếp cận với dòng vốn rẻ. Trong đó, hệ thống Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) trên địa bàn tỉnh vừa chính thức triển khai gói 50 nghìn tỷ đồng cho vay ưu đãi phục vụ sản xuất, kinh doanh lĩnh vực khác. Từ nay đến hết 31-5-2023 (hoặc đến khi hết quy mô gói), khách hàng sẽ nhận được lãi suất ưu đãi với kỳ hạn linh hoạt như: 7,5%/năm đối với khoản vay có kỳ hạn dưới 6 tháng và 8,5%/năm đối với khoản vay từ 6 tháng đến 12 tháng. Tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), từ ngày 15-3 đến hết ngày 30-6-2023 chính thức triển khai chương trình tín dụng cho khách hàng doanh nghiệp vay ưu đãi với quy mô lên đến 100 nghìn tỷ đồng và 500 triệu USD. Theo đó, các doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả, có nhu cầu vay ngắn hạn (dưới 12 tháng) để bổ sung vốn lưu động nhằm triển khai các phương án sản xuất, kinh doanh hoặc doanh nghiệp cần vay vốn hỗ trợ hoạt động xuất khẩu, sẽ được vay lãi suất ưu đãi thấp hơn tới 1,5%/năm đối với khoản vay giải ngân bằng đồng Việt Nam và 1%/năm đối với khoản vay bằng USD, so với mức lãi suất hiện hành, tùy theo từng kỳ hạn cho vay, hồ sơ cụ thể của doanh nghiệp đề nghị vay vốn. Trước đó, Agribank cũng đã chủ động điều chỉnh giảm lãi suất tối đa 3%/năm so với lãi suất cho vay đang áp dụng đối với các khoản vay kinh doanh bất động sản và dành 30 nghìn tỷ đồng với lãi suất ưu đãi dành cho khách hàng mua nhà ở xã hội. Tương tự, từ nay đến hết 30-6-2023, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) cũng dành 100 nghìn tỷ đồng cho vay với lãi suất ưu đãi chỉ từ 7,1% nhằm hỗ trợ nhu cầu sản xuất, kinh doanh cho khách hàng cá nhân có nhu cầu vay vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, thời gian vay lên tới 12 tháng. Còn Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) thì dành 100 nghìn tỷ đồng triển khai chương trình ưu đãi lãi suất cho vay sản xuất, kinh doanh ngắn hạn dành cho khách hàng cá nhân, hộ kinh doanh vay bổ sung vốn lưu động phục vụ sản xuất, kinh doanh với mức lãi suất đặc biệt ưu đãi với từng thời hạn vay; thấp nhất chỉ từ 7,5%/năm với khoản vay dưới 3 tháng... Khách hàng cá nhân nhận lương qua Vietcombank khi vay vốn sẽ được giảm lãi suất thêm 0,1%/năm so với lãi suất vay thông thường. 

Không chỉ nhóm ngân hàng TMCP vốn Nhà nước, nhiều ngân hàng TMCP cũng có xu hướng giảm lãi suất vay. Đơn cử như Ngân hàng TMCP Quân đội Chi nhánh Nam Định triển khai chương trình ưu đãi lãi suất chỉ từ 8,5%/năm đối với khách hàng cá nhân kinh doanh, sản xuất. Trước đó, nhiều ngân hàng thương mại khác như Techcombank, Sacombank, SeABank trên địa bàn tỉnh … cũng đã công bố các gói tín dụng ưu đãi lãi suất với mức giảm từ 1-2% so với lãi suất thông thường. Ngoài các gói lãi suất nêu trên, các chương trình tín dụng đang thực hiện qua Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh cũng là những động lực quan trọng hướng dòng tín dụng đến với các đối tượng thụ hưởng, giảm bớt gánh nặng chi phí tài chính cho nền kinh tế.

Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, việc các ngân hàng giảm lãi suất cho vay được thị trường đón nhận khá tích cực, bởi đây là thông điệp khẳng định các doanh nghiệp có thể tiếp cận vốn vay với chi phí tài chính thấp hơn trong thời gian tới. Bên cạnh đó, các ngân hàng rất muốn giảm lãi suất hỗ trợ khách hàng, bởi hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp có khởi sắc, thì hiệu quả kinh doanh của ngân hàng mới được nâng lên. Ngược lại, lãi suất cao, hoạt động kinh doanh của khách hàng suy giảm, ngân hàng lại “đau đầu” lo nợ xấu tăng. Tuy nhiên, bài toán khó nhất của ngân hàng hiện nay không phải là giảm lãi suất mà là tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, chỉ khi đó iệc giảm lãi suất của các ngân hàng mới có thể phát huy hiệu quả. Trong 3 tháng đầu năm 2023, tổng dư nợ các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đạt 92.276 tỷ đồng, giảm 851 tỷ đồng (giảm 0,91%) so với đầu năm. Qua khảo sát thực tế, nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp dệt may, hiện đang gặp khó do thiếu đơn hàng, doanh thu sụt giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Sức tiêu thụ của người dân kém do tâm lý thắt chặt chi tiêu để ứng phó với lạm phát, khiến nhu cầu vay vốn không cao bằng năm ngoái; thị trường bất động sản khó khăn khiến nhu cầu suy giảm. Ngoài ra, với nhiều doanh nghiệp, vấn đề giãn, hoãn nợ đang cấp bách hơn vấn đề tiếp cận vốn mới khi hàng loạt khoản vay cũ có nguy cơ chuyển nhóm nợ. 

Để dòng vốn có thể “chảy” vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, ngoài động thái từ phía Ngân hàng, rất cần có thêm các chính sách hỗ trợ khác, nhất là chính sách thuế, đất đai, thủ tục hành chính, giãn hoặc hoãn nợ... để cộng hưởng cùng chính sách tiền tệ để dòng vốn “chảy” vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ lớn cho doanh nghiệp. Cùng với đó, ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục ứng dụng mạnh mẽ chuyển đổi số trong công tác cải cách hành chính, cắt giảm những thủ tục không cần thiết, công khai minh bạch quy trình, thủ tục để người dân và doanh nghiệp tiếp cận dễ dàng. Đồng thời, khai thông sự phối hợp giữa ngân hàng với các sở, ngành trong giải quyết hồ sơ, thủ tục của doanh nghiệp, nâng cao trách nhiệm công vụ đối với từng cán bộ, nhân viên… Tích cực truyền thông các chủ trương, cơ chế chính sách về tiền tệ, hoạt động ngân hàng nói chung và của các tổ chức tín dụng nói riêng nhằm nâng cao hiểu biết và tạo sự đồng thuận của người dân, xã hội. Chủ động nắm bắt thông tin, vấn đề dư luận quan tâm đối với hoạt động của đơn vị, kịp thời báo cáo NHNN Việt Nam các sự cố xảy ra để có phương án xử lý phù hợp. Tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương các giải pháp xử lý kịp thời những vấn đề phát sinh trong thực tiễn, nhất là khi triển khai các chính sách, chương trình tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ./.

Bài và ảnh: Đức Toàn
 



App h5 vay nhanhBlog Credit card Chia sẻ kiến thức thẻ tín dụng dịch vụ thành lập công ty Thủ tục vay tiền bằng thẻ tín dụng

BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com