Kỳ 2: Nhận diện khó khăn, bất cập
Tuy đạt nhiều kết quả tích cực nhưng việc phát triển làng nghề hiện nay còn nhiều khó khăn, bất cập cần quan tâm. Đáng kể là tình trạng còn nhiều cơ sở, doanh nghiệp làng nghề quy mô nhỏ, sử dụng các công nghệ, thiết bị máy móc lạc hậu; chưa chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; thị trường tiêu thụ nhiều sản phẩm còn hạn chế, chưa ổn định...
Sản xuất hàng mộc mỹ nghệ tại làng nghề La Xuyên (Ý Yên). |
Qua công tác kiểm tra, rà soát thực tế, các huyện, thành phố đã nhận diện nhiều khó khăn, bất cập trong phát triển làng nghề. Theo UBND huyện Hải Hậu, trong tổng số 44 làng nghề trên địa bàn huyện, có một số làng nghề có nguy cơ mai một, ngày càng bị thu hẹp quy mô. Cụ thể 3 làng nghề dệt chiếu ở các xã Hải Phương, Hải Bắc, Hải An hầu như không còn hoạt động, chỉ còn một số ít hộ còn sản xuất nhưng không thường xuyên do các vùng trồng nguyên liệu không còn; trên thị trường có nhiều sản phẩm khác thay thế mẫu mã đẹp, giá cả phù hợp hơn so với chiếu cói truyền thống. 2 làng nghề xây dựng xã Hải Phong và xã Hải Phúc số lao động và ban điều hành đều đi làm ăn ở xa, làng nghề phát triển không ổn định. Làng nghề trồng cây dược liệu, chủ yếu là cây thìa canh và đinh lăng tại xã Hải An, Hải Quang, Hải Lộc hiện phát triển cầm chừng. Một số làng nghề như sản xuất cơ khí, đúc nhôm còn gây ô nhiễm môi trường sinh sống.
Theo UBND tỉnh, đánh giá trên phương diện toàn tỉnh cho thấy: Nhìn chung, hoạt động của các làng nghề nông thôn còn mang tính tự phát, quy mô của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong các làng nghề còn nhỏ, hạn chế về nguồn lực tài chính, việc đầu tư máy móc thiết bị mới vào sản xuất cũng như đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường, xử lý chất thải còn khó khăn. Nhiều làng nghề vẫn đang nằm xen kẽ trong khu dân cư, chưa được quy hoạch tập trung nên mặt bằng sản xuất của đại đa số các làng nghề còn chật hẹp. Nhiều chủ cơ sở, doanh nghiệp còn thiếu kiến thức tổ chức quản lý, kỹ năng phát triển thị trường, tìm đầu ra cho sản phẩm còn yếu nên bị động trong tiêu thụ sản phẩm, chủ yếu vẫn xuất khẩu hàng hóa qua khâu trung gian. Hiện nay, chưa có cơ chế hỗ trợ trực tiếp cho việc duy trì và phát triển làng nghề, làng nghề truyền thống, nghề truyền thống do nguồn lực của địa phương còn yếu. Việc hỗ trợ cơ sở, doanh nghiệp làng nghề tiếp cận khoa học kỹ thuật tiên tiến phục vụ cho sản xuất của các cơ sở làng nghề còn yếu; công tác xúc tiến thương mại, phát triển thị trường cho sản phẩm còn hạn chế, thị trường tiêu thụ sản phẩm của một số làng nghề có sản phẩm xuất khẩu chưa ổn định. Mặt khác Việt Nam đã hội nhập kinh tế quốc tế nên trong thời gian qua, sản phẩm của các làng nghề đã và đang phải cạnh tranh gay gắt với sản phẩm cùng loại tại thị trường khu vực trong nước và thị trường quốc tế.
Cơ sở hạ tầng ở các làng nghề còn nhiều hạn chế như hệ thống giao thông phục vụ cho việc vận chuyển nguyên liệu, tiêu thụ sản phẩm chưa được đầu tư đồng bộ. Công tác bảo vệ môi trường tại các làng nghề của tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, trong đó một số xã có làng nghề chưa lập và trình phê duyệt phương án bảo vệ môi trường theo quy định. Nhiều làng nghề chưa có điểm tập kết chất thải rắn đáp ứng yêu cầu; chưa có biện pháp xử lý nước thải, khí thải trước khi xả thải ra ngoài môi trường. Nước thải sản xuất được thải chung với nước thải sinh hoạt của các hộ dân cùng xả ra kênh, mương thoát nước của địa phương sau đó thải ra ngoài môi trường nên gây ô nhiễm cục bộ lưu vực sông nội đồng chảy qua làng nghề. Vì vậy, nước mặt ở khu vực làng nghề cũng đang trong tình trạng ô nhiễm ở từng thời điểm, một số thông số kỹ thuật vượt quy chuẩn cho phép như COD, BOD, phốt phát nhưng ở mức độ khác nhau. Ngoài ra, môi trường nước mặt tại một số làng nghề cơ khí còn bị ô nhiễm bởi kim loại như: Cr (VI) (làng nghề Bình Yên, Đồng Côi), Fe (làng nghề Tống Xá)... Ô nhiễm môi trường không khí tại các làng nghề chủ yếu là ô nhiễm bụi, khí độc, hơi kim loại, mùi và tiếng ồn. Tại một số làng nghề, ô nhiễm mùi vẫn xảy ra và rất khác nhau về chủng loại, mức độ, phụ thuộc vào đặc điểm sản xuất của làng nghề. Tuy chỉ xảy ra theo thời điểm, không liên tục nhưng tại các làng nghề chế biến nông sản, thực phẩm như làng nghề làm bún phở Phong Lộc (Nam Phong), làng nghề nước mắm Sa Châu (Giao Châu)... xảy ra ô nhiễm mùi do quá trình phân hủy các chất hữu cơ trong bã thải sản xuất làm phát sinh mùi thối, khó chịu và phát tán mùi trên diện rộng. Nồng độ bụi tại các làng nghề chưa có dấu hiệu vượt quy chuẩn cho phép nhưng hàm lượng bụi tại một số vị trí làng nghề như Bình Yên, xã Nam Thanh (Nam Trực) và làng Sắc, xã Mỹ Thắng (Mỹ Lộc) cao hơn các vị trí khác. Tiếng ồn tại các làng nghề cũng tương đối cao, nhất là tại các làng nghề cơ khí, tái chế kim loại tiếng ồn đã vượt quy chuẩn cho phép như làng nghề Bình Yên, xã Nam Thanh; làng nghề Vân Chàng, thị trấn Nam Giang; làng nghề Giáp Nhất, xã Quang Trung; làng nghề Tống Xá, xã Yên Xá…
Những năm gần đây, tỉnh rất chú trọng phát triển làng nghề truyền thống gắn với du lịch nhưng cũng gặp không ít khó khăn, thách thức như: Một số nghề, làng nghề có lịch sử truyền thống lâu đời có nguy cơ bị mai một, thất truyền như là nghề thổi thuỷ tinh Xối Trì, nghề thêu Phú Nhai, nghề sản xuất gối mây Tiên Hào, nghề ươm tơ, dệt vải Cổ Chất. Kiến thức, kinh nghiệm phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn chưa nhiều. Số lượng, chất lượng nguồn nhân lực cho hoạt động du lịch nông thôn... còn thấp. Công tác truyền thông, quảng bá sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn còn yếu; thiếu gắn kết giữa chính quyền địa phương, người dân với các doanh nghiệp lữ hành. Sự liên kết phát triển du lịch giữa các ngành chức năng chưa thực sự chặt chẽ. Nguồn kinh phí dành cho phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn chưa nhiều. Công tác lồng ghép, tích hợp quy hoạch, xây dựng các khu vực đủ điều kiện phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với các làng nghề truyền thống chưa được thực hiện. Ngoài ra, năng lực của đội ngũ quản lý Nhà nước về phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn còn hạn chế cũng là một trở ngại lớn để phát triển mô hình du lịch làng nghề truyền thống trong xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, số lượng các hộ, cơ sở sản xuất tại làng nghề hiện đang có xu hướng giảm mạnh qua từng năm. Năm 2013, toàn tỉnh có trên 23,4 nghìn hộ, cơ sở với 55,2 nghìn lao động tham gia sản xuất tại làng nghề thì đến nay chỉ còn 18,7 nghìn hộ, cơ sở tham gia với 44,7 nghìn lao động. Theo thống kê, các làng nghề đang sử dụng hơn 30% lao động công nghiệp trong toàn tỉnh, nhưng phần lớn trong số này chưa tạo được việc làm ổn định, mức thu nhập chưa cao.
Thực trạng kể trên đặt ra yêu cầu với các cấp chính quyền, ngành chức năng của tỉnh phải tập trung triển khai các giải pháp thiết thực, nâng cao hiệu quả, chất lượng phát triển làng nghề.
(còn nữa)
Bài và ảnh: Thanh Thúy
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin