Trồng ngải cứu xuất khẩu - Hướng sản xuất mới cho người nông dân

08:05, 21/03/2023

Ngải cứu là cây rau - thuốc được trồng phổ biến, song chỉ tiêu thụ cho nhu cầu tiêu dùng nội địa. Trước khi anh Phạm Tiến Dũng, đội 2, thôn Cốc Thành, xã Nghĩa Đồng (Nghĩa Hưng) thử nghiệm trồng thành công ngải cứu đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc, không ai ở đây nghĩ rằng cái cây rau đơn giản này lại có thể “xuất ngoại” mang ngoại tệ về. Hiện tại trang trại hơn 7ha của gia đình anh Dũng đang cung ứng khoảng 15 tấn ngải/tháng, mở ra hướng sản xuất mới cho người trồng rau trong tỉnh.

Trao đổi kỹ thuật chăm bón, phát hiện sâu bệnh trên cây ngải cứu ở trang trại gia đình anh Phạm Tiến Dũng, xã Nghĩa Đồng (Nghĩa Hưng).
Trao đổi kỹ thuật chăm bón, phát hiện sâu bệnh trên cây ngải cứu ở trang trại gia đình anh Phạm Tiến Dũng, xã Nghĩa Đồng (Nghĩa Hưng).

Sinh năm 1979 tại thành phố Nam Định nhưng anh Dũng lại bén duyên với vùng đất bãi ven sông Đào từ hơn 10 năm trước với mô hình chăn nuôi lợn theo công nghệ Thái Lan. Quá trình sản xuất anh đã nắm bắt và nuôi dưỡng ý tưởng làm nông nghiệp tuần hoàn, tái sử dụng chất thải của lợn làm chất đốt, phân bón hữu cơ cho cây trồng. Tuy nhiên phải mất 7 năm ý tưởng này mới thực hiện được bởi vùng đất này đã bị khai thác hết lớp đất mặt để nung gạch nên không còn độ màu mỡ, có nhiều thùng, vũng có thể phát triển chăn nuôi nhưng khó trồng cấy. Không quản ngại khó khăn, anh bắt tay vào cải tạo đất, quy hoạch vùng sản xuất, tạo môi trường phù hợp với canh tác rau màu: vượt lập tạo mặt bằng trồng cấy và thiết lập hệ thống ao chạy dọc theo thân đê để nuôi thủy sản, tạo “hàng rào mềm” ngăn cách trang trại với hoạt động dân sinh bên ngoài, hạn chế các nguy cơ xâm nhiễm mầm bệnh. Toàn bộ chất thải của hơn 2.000 con lợn đã xử lý theo quy trình cải tạo đất khu vực trồng cấy. Trang trại nằm ven đê nên hàng năm luôn có nguy cơ ngập úng vào mùa mưa, nên anh Dũng phải tính toán tìm loại cây trồng phù hợp. Anh đã trồng thử nghiệm nhiều loại, từ cỏ voi, đào cảnh, khoai, đậu, rau má… Loại thì không hợp với thời gian nắng quá nhiều, có loại thì không chịu được úng ngập, nhu cầu thị trường không ổn định. Cuối cùng anh nhận thấy cây ngải cứu có nhiều ưu điểm nổi trội bởi dễ trồng, là cây thuốc nên có tính kháng sâu bệnh tự nhiên, vì vậy tốn ít công đầu tư, chăm sóc. Cây trồng cho thu hoạch nhanh, có thể trồng một lần nhưng cho thu hoạch quanh năm với tần suất nửa tháng một lần. Hơn nữa ngải cứu có tính năng chống xói mòn đất do có hệ thống thân ngầm phát triển mạnh, rễ ăn sâu trong lòng đất nên có tác dụng giữ đất, chống sụt lở bờ bãi. Về thị trường tiêu thụ nội địa và xuất khẩu đều rất rộng mở bởi ngoài làm thực phẩm, cây ngải cứu còn liên quan tới 20 loại dược phẩm, chế phẩm dành cho chăm sóc sức khỏe, được người dân các nước trong khu vực châu Á rất ưa chuộng. Mặt khác, trên địa bàn tỉnh lại có giống ngải cứu bản địa của xã Nam Điền (Nam Trực) với đặc tính bản lá dày, xanh mướt, phủ tuyết trắng ở búp non, thân to, hàm lượng tinh dầu cao phù hợp với các tiêu chí ngải cứu xuất khẩu. Trang trại lại có đầy đủ điều kiện để canh tác ngải cứu theo quy trình hữu cơ, cách ly hoàn toàn với thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học.

Từ các phân tích, tính toán kỹ lưỡng, anh Dũng quyết định chọn cây ngải cứu là cây trồng chủ lực của trang trại và nhanh chóng mở rộng diện tích. Định hướng phát triển cây ngải cứu, anh Dũng tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật, sử dụng phân chuồng hoai mục để bón cây nên ngay từ lứa đầu tiên, sản phẩm rau ngải cứu của trang trại đã được Công ty TNHH Ớt Việt Nam (Ninh Bình), Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Liên Hưng Phát (Bắc Giang) ký hợp đồng bao tiêu lâu dài với giá 8.000 đồng/kg để xuất khẩu sang Hàn Quốc làm thực phẩm. Hai đơn vị này cũng đã đưa nhiều chuyên gia của các nước xuất khẩu sang tham quan, đánh giá chất lượng vùng trồng trước khi lựa chọn sản phẩm. Kết quả kiểm nghiệm, phân tích các mẫu đất, mẫu rau trồng tại trang trại không những đảm bảo an toàn, không tồn dư các hóa chất độc hại, mà còn có tỷ lệ hoạt chất rất tốt. Đây là cơ hội để trang trại của anh mở rộng quy mô sản xuất ngải cứu trên toàn bộ diện tích 7ha. Không dừng lại ở thị trường Hàn Quốc, đến nay nhiều khách hàng từ Trung Quốc và Nga cũng đã tìm đến trang trại để ký hợp đồng tiêu thụ trực tiếp sản phẩm ngải cứu tươi; là địa chỉ tin cậy của các hộ dân, trang trại khác trong khu vực tìm đến để học hỏi kinh nghiệm và mua giống về trồng cấy. Anh Phạm Tiến Dũng, chủ trang trại cho biết: “Trung bình 1ha ngải cứu, sau khi trừ chi phí cho thu lãi 300-500 triệu đồng, cao hơn nhiều lần so với các loại cây trồng truyền thống như: khoai, ngô, đỗ, lạc. Đây chính là hướng phát triển kinh tế hiệu quả cho người nông dân ở nhiều địa phương. Hiện tại nhu cầu của khách hàng lên đến 35 tấn ngải cứu/tháng nhưng do quỹ đất hạn chế nên trang trại mới chỉ đáp ứng được một phần. Tôi đang tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích trồng ngải cứu. Đồng thời tiếp tục nghiên cứu, hợp tác để chế biến ngải cứu thành các chế phẩm chăm sóc sức khỏe như điếu ngải, tinh dầu ngải, bột ngải và làm nguyên liệu cho các sản phẩm thủ công gia dụng như chăn, đệm, gối, nệm… Như vậy vừa gia tăng giá trị sản xuất đối với cây trồng này, vừa tạo thêm việc làm cho lao động địa phương”.

Nắm bắt cơ hội để đưa cây rau tạp thành cây trồng xuất khẩu có giá trị cao, anh Dũng đã góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả theo mục tiêu kinh tế nông nghiệp hàng hóa. Nếu được hỗ trợ về mặt bằng, vốn đầu tư sẽ giúp anh Phạm Tiến Dũng tạo vị thế vững chắc, lâu dài cho việc trồng cây ngải cứu, tạo thêm việc làm cho lao động nông thôn, phát triển mô hình nông nghiệp hiệu quả./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com