Thúc đẩy chuyển đổi số trong các hợp tác xã

08:46, 28/03/2023

Hướng tới mục tiêu nâng cao giá trị sản phẩm, tạo năng lực cạnh tranh và thích ứng với xu hướng thị trường, các hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh đang nỗ lực chuyển đổi số (CĐS), bước đầu thu được kết quả khả quan cần lan tỏa và nhân rộng.

Sản phẩm giấm mơ trà xanh của hợp tác xã Thanh niên Bách Cốc, xã Thành Lợi (Vụ Bản) được khách hàng ưa chuộng.
Sản phẩm giấm mơ trà xanh của hợp tác xã Thanh niên Bách Cốc, xã Thành Lợi (Vụ Bản) được khách hàng ưa chuộng.

Toàn tỉnh hiện có trên 500 HTX, Quỹ tín dụng nhân dân và Liên hiệp HTX. Thích ứng với xu thế mới, đã có nhiều HTX vượt lên khó khăn nội tại, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong quá trình sản xuất đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng, hướng tới xây dựng thương hiệu và phát triển sản phẩm bền vững, trong đó có nhiều điển hình tiên tiến đi đầu trong CĐS. HTX sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Toàn Thắng, xã Hải Toàn (Hải Hậu). Nhận thức rõ hạn chế trong công tác quản lý điều hành và phát triển thị trường cho sản phẩm, HTX đã tranh thủ sự hỗ trợ của Liên minh HTX tỉnh, tổ chức Hỗ trợ phát triển nông nghiệp Hà Lan (Agriterra) tập huấn nâng cao năng lực marketing, quản lý điều hành cho cán bộ và xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh gạo hữu cơ. Nhờ đó, HTX đã xây dựng thành công chuỗi giá trị sản xuất gạo đặc sản Tám xoan bao tử theo quy trình hữu cơ và tạo lập quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm. HTX cũng đã xây dựng và vận hành trang thông tin điện tử để quảng bá sản phẩm, trao đổi thông tin với các thành viên và các đơn vị khách hàng trên môi trường điện tử… 

Với HTX Thanh niên Bách Cốc, xã Thành Lợi (Vụ Bản) mới thành lập cuối năm 2022 nên đã nhận thức thức rõ vai trò, ý nghĩa của CĐS đối với sự phát triển của HTX; CĐS không chỉ đơn thuần là ứng dụng công nghệ thông minh trong sản xuất, mà trong toàn bộ chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm, phát triển các giá trị gia tăng cho sản phẩm và thương hiệu thông qua công nghệ và hình thức thương mại điện tử… Do vậy, ngay từ đầu HTX đã đẩy mạnh CĐS từ việc số hóa dữ liệu đầu vào nguyên liệu, quy trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và tổ chức, điều hành. Hiện tại sản phẩm giấm mơ trà xanh Cô Tâm của HTX đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao và được giao dịch trực tuyến trên các sàn giao dịch thương mại điện tử lớn, góp phần giúp HTX tìm kiếm thêm thị trường trên ứng dụng số, cắt giảm chi phí và nâng cao hiệu quả hoạt động, khả năng cạnh tranh, thích ứng với bối cảnh mới thuận lợi hơn. Cùng với 2 HTX trên, thời gian qua, nhiều HTX khác trên địa bàn tỉnh cũng đã bước đầu triển khai CĐS trong một số khâu của quá trình sản xuất, kinh doanh. 

Theo Liên minh HTX tỉnh, hoạt động CĐS của các HTX trên địa bàn tỉnh ở từng lĩnh vực có sự khác nhau. Trong đó, hầu hết các HTX vận tải, Quỹ tín dụng nhân dân áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý hành trình, hoạt động của phương tiện; quản lý khách, sản phẩm hàng hóa; 60% HTX thương mại - dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng áp dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý; khoảng 15% HTX nông nghiệp áp dụng công nghệ cao trong canh tác, nuôi trồng, bảo quản; áp dụng công nghệ sinh học, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và kinh doanh, phần mềm quản lý và có khoảng 70% HTX nông nghiệp bán các sản phẩm trên nền tảng thương mại điện tử, sử dụng website để giới thiệu, quảng bá, bán hàng, thực hiện phương thức tiếp thị trên các nền tảng số, quảng cáo trên facebook, zalo... 

Như vậy, có thể thấy thực trạng CĐS ở các HTX của tỉnh nhỏ lẻ, manh mún, mới tập trung ở một số khâu như quản lý điều hành sản xuất (công nghệ tưới tiêu, chế biến...), truy xuất nguồn gốc (dán tem, mã QR…), giao dịch thương mại điện tử…. Nguyên nhân hạn chế là do nội lực của các HTX yếu; hạ tầng kỹ thuật nghèo nàn, chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất công nghệ cao; công tác tổ chức và quản lý của các HTX thiếu chặt chẽ; nhân lực, trình độ cán bộ quản lý HTX chưa đáp ứng yêu cầu của CĐS; nhiều HTX còn chưa biết nhiều thông tin về CĐS; sản xuất, tiêu thụ còn manh mún, nhỏ lẻ, đặc biệt ở các HTX nông nghiệp… Ông Lê Văn Bản, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nuôi trồng thuỷ sản Xuân Hoà, xã Xuân Hoà (Xuân Trường) cho biết: Qua tìm hiểu thực tế và tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về CĐS, tôi hiểu việc CĐS toàn diện trong các khâu sản xuất, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm rất quan trọng đối với sự phát triển của HTX. Tuy nhiên, các thành viên đều lúng túng về cách triển khai, mặt khác ngành nuôi thủy sản diện tích bao phủ lớn, chủ yếu ở ngoài trời hay bị ảnh hưởng bởi thiên tai nên mức đầu tư lớn, vượt khả năng của HTX. Cùng với những khó khăn kể trên, còn một số khó khăn hạn chế khác như: nhiều HTX khác trên địa bàn chưa xây dựng được thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm; thị trường tiêu thụ bó hẹp, sản phẩm làm ra chủ yếu phục vụ nhu cầu của thành viên và người dân địa phương; chưa phát triển được nhiều vùng nguyên liệu tập trung…

CĐS trong các HTX đang ở giai đoạn bước đầu với nhiều khó khăn, thách thức nhưng cũng là cơ hội để người nông dân tiếp cận với công nghệ hiện đại, từ đó tạo ra những đột phá mang tính chuyên nghiệp, hiệu quả. Do đó thay đổi nhận thức, tư duy cho cán bộ quản lý Nhà nước về kinh tế hợp tác, chủ thể HTX là điều quan trọng nhất. Đồng thời tiến hành xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành về HTX, liên thông với các cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành khác; tập trung xây dựng một số nền tảng số để phục vụ, hỗ trợ cho HTX về thông tin thị trường, khoa học công nghệ; trao đổi, tư vấn pháp luật, chính sách; đào tạo; sàn giao dịch điện tử; hợp tác quốc tế... Liên minh HTX tỉnh đang cùng các cơ quan liên quan có giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn để các HTX tiếp cận và ứng dụng CĐS nhanh chóng, hiệu quả. Trong đó, tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ HTX về hạ tầng kết nối thông tin, hạ tầng dữ liệu để áp dụng công nghệ số vào sản xuất, kết nối thông tin, giao dịch thương mại điện tử, truy xuất nguồn gốc hàng hóa… để HTX thật sự làm vai trò cầu nối, dẫn dắt thành viên trong sản xuất, quảng bá, xúc tiến thương mại và tiêu thụ sản phẩm. Tăng cường lồng ghép các chương trình, đề án, dự án để triển khai thực hiện chủ trương về quy hoạch xây dựng vùng nguyên liệu gắn với chuỗi giá trị hàng hóa; hỗ trợ HTX tham gia hội chợ, triển lãm, diễn đàn kinh tế hợp tác và các sàn giao dịch thương mại điện tử. Liên minh HTX tỉnh cần tham mưu cho UBND tỉnh hoàn thiện và ban hành các cơ chế chính sách khuyến khích nhằm thúc đẩy CĐS, kinh tế số trong phát triển HTX theo hướng bền vững; huy động nguồn lực để hỗ trợ các HTX; hỗ trợ trang thiết bị, công cụ phục vụ CĐS dựa trên định hướng phát triển sản phẩm chủ lực của địa phương./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com