Nâng tầm giá trị hạt gạo Nam Định

20:05, 23/03/2023

Nam Định là vùng sản xuất lúa với nhiều thương hiệu gạo đặc sản thơm ngon nổi tiếng khắp cả nước. Những năm gần gây, nhờ những đổi mới trong phương thức sản xuất, canh tác an toàn sinh học, đầu tư đóng gói bao bì, gạo Nam Định ngày càng vươn xa, khẳng định thương hiệu trên thị trường.

Mô hình sản xuất gạo mầm của hợp tác xã Nam Đại Dương tại xã Minh Tân (Vụ Bản).
Bài và ảnh: Ngọc Ánh
Mô hình sản xuất gạo mầm của hợp tác xã Nam Đại Dương tại xã Minh Tân (Vụ Bản). 

Hiện nay, sản xuất nông nghiệp nói chung, sản xuất lúa gạo của tỉnh nói riêng đang chuyển dần từ “lượng” sang “chất”. Các chỉ tiêu về gạo đặc sản, gạo chất lượng cao, gạo “sạch” và các loại sản phẩm chế biến từ gạo; tỷ lệ gạo có thương hiệu của Nam Định đều tăng dần qua từng năm. Điều này thể hiện rõ hiệu quả hướng đi của ngành Nông nghiệp là duy trì diện tích, sản lượng để tập trung nâng cao chất lượng giá gạo và giá bán. Đây là mục tiêu đúng và phù hợp với tình hình sản xuất và xuất khẩu gạo hiện nay, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đã ký hiệp định thương mại tự do (FTA) với nhiều thị trường quốc tế. Điều này cũng đòi hỏi chất lượng sản phẩm lúa gạo của tỉnh không ngừng vươn lên để đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường và hướng đến xuất khẩu. 

Khoảng chục năm trở lại đây, người dân xã Nghĩa Tân (Nghĩa Hưng) đã mở rộng diện tích sản xuất lúa nếp thơm Giáo Lạc - một giống lúa đặc sản của địa phương. Với hơn 200ha gieo trồng mỗi vụ, các hộ dân ở xã Nghĩa Tân cung cấp trên 1.400 tấn gạo thành phẩm cung ứng cho thị trường các tỉnh Nam Định, Hà Nam, Thái Bình, Hà Nội… Đặc biệt, thực hiện xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, xã Nghĩa Tân đã quy hoạch vùng sản xuất tập trung quy mô 30ha được tổ chức sản xuất theo chuỗi áp dụng quy trình “chuẩn hóa” đồng bộ từ các khâu gieo cấy, chăm sóc, thu hoạch, chế biến, đóng gói, bảo quản sau thu hoạch. Ngoài ra, xã đã chỉ đạo HTX sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Nghĩa Tân xây dựng thành công thương hiệu “Gạo nếp thơm Giáo Lạc” thông qua Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP). Từ đó tạo ra các sản phẩm có chất lượng tốt nhất, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tới tay người tiêu dùng. Hiện sản phẩm “Gạo nếp thơm Giáo Lạc” đang có giá bán 28-30 nghìn đồng/kg, cao hơn 1,5-2 lần so với các loại gạo nếp đại trà.

Sản phẩm “Gạo tám xoan bao tử” của Công ty cổ phần Nông sản hữu cơ Hải Hậu, xã Hải An (Hải Hậu) được UBND tỉnh chứng nhận sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2021. Ông Hà Minh Đức, Giám đốc Công ty cho biết: Sở dĩ gạo tám xoan bao tử của Công ty có giá bán cao do được áp dụng quy trình sản xuất hữu cơ hết sức nghiêm ngặt. Không bón phân hóa học, Công ty chỉ sử dụng các loại phân vi sinh, phân xanh ủ mục (hỗn hợp cây điền thanh, chùm ngây, ốc bươu vàng ủ đến khi phân hủy), phân gà hữu cơ Nhật, vôi bột… để bón cải tạo đất và bón cho lúa trong các thời kỳ sinh trưởng, phát triển. Công tác phòng trừ sâu bệnh từ khi lúa bén rễ đến thu hoạch được thực hiện định kỳ 2-5 ngày/lần với thuốc BVTV “hữu cơ” điều chế bằng hỗn hợp các loại vật liệu tự nhiên như vôi bột, tỏi, ớt, dấm… thay cho thuốc BVTV hóa học. Phương pháp “đặc biệt” này không chỉ diệt sâu bệnh triệt để mà vẫn giữ an toàn cho quần thể thiên địch trên đồng ruộng. Gạo tám xoan bao tử được gặt non và sản xuất theo quy trình hữu cơ nên gạo rất mềm, thơm ngon được nhiều người tiêu dùng trong nước ưa thích. Sản phẩm gạo tám xoan bao tử được đóng túi, ép hút chân không với quy cách trọng lượng mỗi gói là 1kg, 2kg, 5kg, 10kg và được bán trực tiếp tại địa phương, qua hệ thống các đại lý trên toàn quốc và bán trực tuyến trên website, các nền tảng mạng xã hội Zalo, Facebook của Công ty. Sản xuất theo quy trình hữu cơ nâng cao chất lượng sản phẩm, chú trọng đổi mới cách thức đóng gói, mẫu mã bao bì hợp lý nên hiện gạo tám xoan bao tử của Công ty cổ phần Nông sản hữu cơ Hải Hậu đang được thị trường đón nhận tích cực, là một trong những sản phẩm gạo có giá trị cao; giá bán dao động từ 100-120 nghìn đồng/kg, cao gấp 6-8 lần so với gạo Bắc thơm số 7. Giá trị hạt gạo, hiệu quả sản xuất tăng cao, đến nay, diện tích gieo cấy lúa tám xoan bao tử được mở rộng lên 37ha tại các xã Hải Toàn, Hải An. “Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục mở rộng diện tích sản xuất gạo tám xoan, hoàn thiện quy trình sản xuất đến “chất lượng - an toàn tuyệt đối”, phát triển thêm các điểm kinh doanh mới, mục tiêu hướng đến xuất khẩu, cụ thể là thị trường Hà Lan” - Ông Hà Minh Đức cho biết thêm.

Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các địa phương tiếp tục điều chỉnh cơ cấu sản xuất phù hợp, hiệu quả hơn gắn với nhu cầu thị trường, từng bước đảm bảo chất lượng gắn với an toàn thực phẩm; phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung theo chuỗi giá trị bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong sản xuất lúa, ngành Nông nghiệp đã chỉ đạo các doanh nghiệp, HTX, nông dân tiếp tục chuyển dịch cơ cấu theo hướng chất lượng, hiệu quả, áp dụng các quy trình canh tác tiên tiến để nâng cao chất lượng, tăng tỷ trọng sản phẩm chất lượng cao và hàng chế biến, giá trị gia tăng cao. Tăng cường sử dụng các giống lúa chất lượng cao và tổ chức sản xuất theo mô hình “cánh đồng lớn” gắn với chế biến và tiêu thụ, đẩy mạnh áp dụng sản xuất theo quy trình VietGAP, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, cơ giới hóa… Hiện toàn tỉnh xây dựng được 3 chuỗi chế biến và tiêu thụ lúa gạo; 29 sản phẩm gạo được chứng nhận OCOP đạt 3 sao, 4 sao. Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư công nghệ hiện đại trong chế biến, góp phần giảm tổn thất sau thu hoạch, nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm lúa gạo. Toàn tỉnh có 20 cơ sở, nhà máy chế biến lúa gạo công suất chế biến từ 4-40 nghìn tấn/năm và hàng chục cơ sở chế biến bún, bánh… Một số nhà máy đầu tư máy móc, công nghệ hiện đại trong chế biến, thực hiện các mô hình liên kết, điển hình là các Công ty TNHH Cường Tân, Công ty cổ phần Sản xuất và Thương mại Xuân Trường… Nhiều doanh nghiệp, HTX đã tiến hành xây dựng thương hiệu gạo cao cấp như Công ty TNHH Thương mại Thanh Đoàn (Trực Ninh) với 3 nhãn hiệu “Gạo sạch Quỳnh Thanh 999”, “Gạo sạch Quỳnh Thanh ST25”, “Gạo sạch Quỳnh Thanh Bắc thơm số 7”; Công ty TNHH Toản Xuân (Ý Yên) cho ra đời “Gạo sinh thái ruộng rươi”, “Gạo sạch chất lượng cao 888”, “Gạo Toản Xuân 888 ST25”; HTX sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Nghĩa Bình (Nghĩa Hưng) nổi tiếng với thương hiệu “Gạo Nếp bắc Nghĩa Bình”, “Gạo Huyết rồng hữu cơ”… Những nỗ lực thay đổi từ khâu sản xuất đến chế biến, phân phối đã góp phần nâng cao chất lượng và giá trị tăng của các loại gạo chất lượng cao lên 1,5-5 lần so với giá gạo đại trà, nâng cao vị thế hạt gạo Nam Định trên thị trường.

Việc nâng tầm giá trị hạt gạo sẽ giúp cho nhiều nông dân Nam Định không “quay lưng” với việc trồng lúa khi giá trị lao động và thu nhập của nông dân tăng lên, đồng thời tạo điểm nhấn về sự phát triển của nghề trồng lúa trong giai đoạn mới./. 

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com