HƯỞNG ỨNG NGÀY NƯỚC THẾ GIỚI (22-3): Thay đổi cách sử dụng, tiêu thụ, quản lý nguồn nước

07:39, 22/03/2023

Năm nay là tròn 30 năm sự kiện quốc tế thường niên hưởng ứng Ngày Nước thế giới (22-3) được tổ chức nhằm thu hút sự chú ý của người dân trên khắp trái đất để thấy được tầm quan trọng của tài nguyên nước, đặc biệt là các nguồn nước ngọt, và góp phần tăng cường quản lý bền vững nguồn tài nguyên quý giá này. Ngày Nước thế giới năm 2023 có chủ đề “Thúc đẩy sự thay đổi” nhấn mạnh vai trò của nước là nền tảng cho tất cả các khía cạnh của cuộc sống và là cốt lõi của sự phát triển bền vững ở mỗi quốc gia; đồng thời hướng đến giải quyết cuộc khủng hoảng về nước và vệ sinh môi trường trên toàn cầu.

Thời gian qua, tỉnh ta đã chủ động thực hiện đồng bộ các biện pháp để hướng đến mục tiêu khai thác, sử dụng hiệu quả, hợp lý và bảo vệ tài nguyên nước nhằm giảm suy thoái và giữ gìn, chống suy thoái chất lượng nước. Trong đó, việc phát triển cơ sở hạ tầng, công trình khai thác sử dụng nước theo hướng từng bước hoàn chỉnh hệ thống đáp ứng yêu cầu sử dụng tổng hợp và bền vững được các ngành, các địa phương chú trọng. Các biện pháp quản lý, chống thất thoát, lãng phí nước và tăng cường bảo vệ chất lượng nguồn nước từ các công trình, hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước, đặc biệt là các công trình thuỷ lợi và cấp nước tập trung được tăng cường nhằm đảm bảo nguồn cấp nước ổn định, đạt vệ sinh. Công tác bảo vệ môi trường nước từ hoạt động xả thải tại các khu đô thị, khu công nghiệp tập trung cũng ngày càng được siết chặt quản lý.

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng cán bộ chuyên ngành kiểm tra công tác đảm bảo chất lượng cấp nước sinh hoạt tại Nhà máy nước Trung Đông (Trực Ninh).
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng cán bộ chuyên ngành kiểm tra công tác đảm bảo chất lượng cấp nước sinh hoạt tại Nhà máy nước Trung Đông (Trực Ninh).

Hiện nay, tất cả các ngành kinh tế đều phải sử dụng đến nguồn nước; tuy nhiên ở tỉnh ta, nhu cầu khai thác, sử dụng nước chủ yếu tập trung ở ngành nông nghiệp với 86,4% tổng nhu cầu toàn tỉnh, gấp khoảng 11 lần nhu cầu sử dụng nước của ngành công nghiệp (ngành xếp thứ 2 về nhu cầu sử dụng nước của tỉnh). Với tỷ lệ sử dụng nước này, các ngành, các địa phương đã quan tâm xây dựng quy hoạch, tổ chức sản xuất nông nghiệp xét theo các vùng, có đảm bảo tính phù hợp về điều kiện thổ nhưỡng, tập quán canh tác, nguồn nước cấp, mức tăng trưởng dân số. Chú trọng hướng dẫn kỹ thuật canh tác theo từng điều kiện cấp, thoát nước nhằm đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn nước. Khuyến cáo nông dân sử dụng hợp lý các loại vật tư, hóa chất trong canh tác như phân bón vi sinh, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ có thời gian phân giải ngắn không gây hại ra nguồn nước mặt. Trong phát triển thuỷ sản, tăng cường hướng dẫn các hộ nuôi thực hiện tốt các biện pháp quản lý, chăm sóc ao nuôi, đặc biệt là phòng chống dịch bệnh, chống nóng, chống sốc; quản lý tốt chất thải, nước thải đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh, nhất là những ao nuôi có bệnh. Khuyến khích các hộ nuôi thủy sản tăng cường áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao trong nuôi trồng thủy sản thâm canh; hạn chế sử dụng kháng sinh, hóa chất, đẩy mạnh sử dụng các loại chế phẩm sinh học trong chăm sóc thủy sản và xử lý môi trường; hướng dẫn tu sửa công trình thủy lợi nhỏ, cầu cống nhỏ, chủ động nâng cấp cơ sở hạ tầng vùng nuôi.

Hàng năm, các ngành, các địa phương trong tỉnh cũng đẩy mạnh trồng rừng, nâng cao độ che phủ và sử dụng hợp lý tài nguyên đất nhằm điều hòa nguồn nước, giảm lũ, tăng lưu lượng mùa kiệt nước. Ngoài ra, tỉnh chú trọng huy động mọi nguồn hỗ trợ, bố trí hợp lý nguồn vốn xây dựng mạng tự động và giao ngành Tài nguyên và Môi trường thường xuyên tiến hành quan trắc, giám sát khai thác sử dụng nguồn tài nguyên nước trên các tiểu vùng, hệ thống sông chính nhằm phát hiện sớm các vi phạm trong bảo vệ tài nguyên nước. Đặc biệt, tỉnh đã phối hợp với các tỉnh, thành lân cận thực hiện chương trình bảo vệ môi trường nước quy mô liên vùng lưu vực sông Nhuệ - Đáy.

Nhờ những nỗ lực kể trên, hiện trạng nguồn trữ lượng nước của tỉnh được đánh giá có nguồn nước mặt dồi dào và có tổng trữ lượng tài nguyên nước dưới đất tiềm năng khoảng 271.638 m3/ngày, tương đương với 99 triệu m3/năm. Hiện chất lượng nước mặt trên địa bàn tỉnh vẫn đạt mức khá tốt, thích hợp với sinh trưởng, phát triển của cây trồng; các sông lớn nhìn chung có chất lượng nước tốt là chủ yếu, nhiều đoạn sông nước có thể sử dụng tốt cho mục đích cấp nước sinh hoạt; chất lượng nguồn nước ngầm còn sạch đáp ứng được nhu cầu sản xuất và sinh hoạt.

Bên cạnh đó, tỉnh đã tích cực thu hút, hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia xây dựng nhà máy cấp nước sạch quy mô liên xã để chủ động thực hiện chiến lược lâu dài là có thể cung cấp những nguồn nước sinh hoạt an toàn đã qua xử lý và cải thiện hệ thống vệ sinh phục vụ nhu cầu thiết yếu của con người và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Theo đó, các sở, ngành, địa phương đã áp dụng các cơ chế, chính sách ưu đãi theo quy định như được miễn thuế, giảm tiền thuê đất; tích cực phối hợp tạo điều kiện, hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết, tháo gỡ những khó khăn phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện dự án đầu tư. Các ngành, các địa phương cũng tích cực tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo vệ an toàn nguồn nước, bảo vệ các công trình cấp nước tập trung và sử dụng nước sinh hoạt đảm bảo vệ sinh. Đến nay toàn tỉnh đã có 53 công trình nước sạch nông thôn tập trung được đầu tư, xây dựng, cung cấp nước sạch cho người dân 147 xã, thị trấn; số hộ dân nông thôn được cung cấp nước sạch đạt khoảng 76%. Hiện nay, nhiều dự án nước sạch nông thôn đang tiếp tục đầu tư xây dựng để có thể cung cấp nước cho toàn bộ dân cư nông thôn của tỉnh.

Tuy nhiên, theo Sở Tài nguyên và Môi trường, công tác bảo vệ trữ lượng và chất lượng nguồn tài nguyên nước của tỉnh cũng đã phát sinh, tồn tại những vấn đề cần lưu tâm. Theo kết quả quan trắc môi trường nước ngầm hàng năm cho thấy, mực nước dưới đất có xu hướng tăng/giảm theo mùa và hạ dần theo năm; mức độ sụt giảm mực nước và chất lượng nước dưới đất khác nhau giữa các khu vực trong tỉnh. Ngoài ra, môi trường nước mặt trên địa bàn tỉnh cũng ngày một chịu thêm nhiều áp lực từ các nguồn: công nghiệp, nông nghiệp, làng nghề, y tế và sinh hoạt của các khu dân cư do lượng nước thải ngày càng gia tăng cả về lưu lượng thải và phức tạp về thành phần chất thải. Vì vậy, dù chất lượng nước mặt của tỉnh hiện được đánh giá khá tốt, song đã xảy ra hiện tượng ô nhiễm cục bộ với các chất lơ lửng, chất hữu cơ và vi sinh vật tại một số điểm. Các đoạn sông chảy qua các khu đô thị, khu sản xuất công nghiệp có chất lượng nước bị suy giảm sau khi tiếp nhận nước thải chưa qua xử lý đạt yêu cầu. Một số ao hồ, kênh mương tiếp nhận trực tiếp nước thải sinh hoạt các khu đô thị, khu dân cư bị ảnh hưởng bởi các chất hữu cơ và vi sinh. Toàn bộ 11 sông nội đồng hiện chưa có dấu hiệu bị ô nhiễm bởi hóa chất bảo vệ thực vật (DDTs, BHC, Dieldrin) nhưng chất lượng nước các sông đã có dấu hiệu bị ô nhiễm chủ yếu bởi các chất hữu cơ, dinh dưỡng và vi sinh vật. Môi trường nước mặt tại các hồ trên địa bàn tỉnh đang bị ô nhiễm bởi chất hữu cơ, vi sinh vật; chất lượng nước mặt hồ đều chỉ ở mức trung bình và xấu. Chất lượng nước biển ven bờ về tổng thể tương đối đạt quy chuẩn môi trường quốc gia, tại một số vị trí quan trắc hàng năm về mùa mưa có một số thông số quan trắc cao hơn quy chuẩn môi trường cho phép, chủ yếu là độ đục của mực nước ngầm còn do nhu cầu khai thác và sử dụng nước của con người.

Hưởng ứng Ngày Nước thế giới (22-3) năm nay, không chỉ bám sát chủ đề Liên hợp quốc phát động, tỉnh còn phát động, thúc đẩy thực hiện các chương trình phù hợp với thực tế địa phương. Tỉnh đặc biệt lưu ý đến việc khắc phục những khó khăn, bất cập trong công tác bảo vệ trữ lượng, chất lượng nguồn tài nguyên nước ở địa phương; chú trọng xây dựng kế hoạch và đẩy mạnh huy động nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình, dự án thuộc lĩnh vực tài nguyên nước, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu, thúc đẩy và thu hút các dự án xanh, năng lượng tái tạo nhằm phục vụ tốt hơn các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao đời sống dân sinh. Tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương, các cơ quan, đơn vị tổ chức nhiều hoạt động hưởng ứng thiết thực, phù hợp như: Treo pano, băng rôn, áp phích tại các khu vực công cộng, đường phố, trụ sở cơ quan và các địa điểm thích hợp; lựa chọn sử dụng các khẩu hiệu tuyên truyền, tăng thời lượng truyền thông các nội dung về giá trị của nước ngầm, thời tiết và khí hậu, công tác dự báo và cảnh báo phòng chống thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường. Cùng với đó xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, dự án nhằm tăng cường bảo vệ, khai thác, sử dụng bền vững nguồn nước ngầm. Quan tâm công tác quy hoạch, khai thác hợp lý, điều chỉnh phương án khai thác nước dưới đất hiện tại cho phù hợp, đảm bảo tổng lượng khai thác không vượt quá trữ lượng của nước dưới đất, không vượt ngưỡng giới hạn khai thác an toàn. Nghiên cứu, áp dụng các giải pháp để tăng cường khả năng trữ nước ngọt, giảm dần việc khai thác nước ngầm; áp dụng các giải pháp lưu giữ nước mưa ở các khu đô thị, khu dân cư tập trung nhằm giảm bớt tình trạng ngập úng, đồng thời bổ sung nhân tạo cho nguồn nước dưới đất.

Thông qua các hoạt động thiết thực này, các cấp chính quyền, ngành chức năng, các tổ chức, đoàn thể của tỉnh kêu gọi cộng đồng cùng thực hiện các chương trình hành động bảo vệ tài nguyên nước để tạo ra sự khác biệt bằng cách thay đổi cách thức sử dụng, khai thác và quản lý nước trong cuộc sống hàng ngày./.

Bài và ảnh: Thanh Thuý

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com