Những năm qua, tận dụng thế mạnh về điều kiện tự nhiên, nhiều địa phương đã đưa hoa, cây cảnh trở thành ngành kinh tế chủ đạo, từ đó nâng cao thu nhập cho người dân. Nhiều mô hình phát triển kinh tế từ trồng hoa, cây cảnh do phụ nữ làm chủ ngày càng hoạt động hiệu quả.
Bà Nguyễn Thị Hằng, xã Nam Toàn (Nam Trực) chăm sóc quất chum. |
Huyện Nam Trực được coi là “thủ phủ” của các loại hoa, cây cảnh trong đó tiêu biểu như các xã: Điền Xá, Nam Toàn, Nam Mỹ… Những năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Điền Xá đã thành lập mô hình “Tổ phụ nữ liên kết trồng hoa cây cảnh” nhằm tuyên truyền, vận động, tập hợp phụ nữ có tay nghề trồng hoa, cây cảnh tham gia sinh hoạt, nâng cao kiến thức, kỹ năng, cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm để đưa ra những mẫu mã mới đáp ứng nhu cầu thị trường. Những hội viên, phụ nữ tham gia “Tổ phụ nữ liên kết trồng hoa cây cảnh’’ còn tích cực tuyên truyền, vận động các hội viên, phụ nữ khác nhân rộng nghề, phát triển kinh tế gia đình. Cùng với đó, các phong trào “Phụ nữ làm kinh tế giỏi”, “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình” tiếp tục được đẩy mạnh. Từ các phong trào đã xuất hiện nhiều tấm gương phụ nữ làm kinh tế giỏi, không chỉ vươn lên làm giàu mà còn tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động tại địa phương như các chị: Nguyễn Mai Hà, Vũ Thị Tính… Chị Nguyễn Mai Hà ở xóm Hoàng Thụ là chủ cơ sở trồng cây cảnh, cây ăn quả, cây bóng mát phục vụ trong các công trình xây dựng, công ty, doanh nghiệp, cơ quan hành chính sự nghiệp. Hiện vườn của chị Hà có quy mô rộng hơn 4ha. Chị Hà cho biết: “So với trồng cây nông nghiệp đơn thuần, nghề kinh doanh cây cảnh phục vụ các công trình có giá trị kinh tế cao. Trồng cây công trình có rất nhiều lợi thế: tốn ít công chăm sóc, vốn đầu tư ít hơn trồng cây cảnh lâu năm, phù hợp với nhiều không gian trưng bày, đối tượng khách hàng nên thị trường rất rộng mở”. Hàng năm, nhà vườn của chị cung cấp ra thị trường từ 2-3 nghìn cây phục vụ khách hàng ở Hà Nội, Hà Nam, Quảng Ninh, các tỉnh khu vực miền Trung, miền Nam... Trừ chi phí, mỗi năm chị thu lãi từ 1-3 tỷ đồng, đồng thời tạo việc làm ổn định cho 12 lao động với mức thu nhập từ 9-10 triệu đồng/người/tháng. Chị Hà đang dự định mở rộng hệ thống vườn ươm để đa dạng các loại cây công trình; tìm kiếm thêm thị trường mới nhằm nâng cao hơn nữa giá trị của các loại cây cảnh, giới thiệu các mặt hàng cây cảnh của tỉnh đến với nhiều địa phương trong cả nước.
Cũng như ở xã Điền Xá, xã Nam Toàn cũng có nhiều hội viên phụ nữ năng động, mạnh dạn phát triển kinh tế từ trồng hoa, cây cảnh. Tiêu biểu như các bà, các chị Hoàng Thị Yến, Nguyễn Thị Hằng, Phạm Thị Phượng… Vốn sinh ra ở làng nghề trồng cây cảnh nên chị Hoàng Thị Yến sớm am hiểu về nhiều loại cây, các dáng, thế cũng như cách chăm sóc cây hiệu quả. Với thâm niên hàng chục năm làm nghề, hiện nay chị Yến đang tập trung trồng và kinh doanh cây sanh. Với diện tích hơn 2.000m2, khu vườn của chị Yến có hàng trăm cây sanh với nhiều dáng, thế khác nhau. Cây sanh trong vườn có giá trị nhất đang được khách trả tới trên 200 triệu đồng. Các loại cây cảnh vừa và nhỏ có giá dao động từ 10-20 triệu đồng/cây. Khác với chị Yến, bà Nguyễn Thị Hằng lại phát triển kinh tế từ trồng quất chum và cây mẫu đơn. Vườn của bà Hằng hiện có trên 600 cây quất chum và hơn 1.000 cây mẫu đơn. Sau Tết, vườn quất của bà Hằng lại được dọn dẹp, tu sửa lại để trồng lứa quất mới. Để có được những cây quất khỏe khoắn, đẹp để phục vụ khách hàng chơi Tết là biết bao công sức, vất vả của người trồng. Theo bà Hằng, ngoài việc lựa chọn những cây có sức sống dẻo dai thì việc ủ phân và làm đất cũng rất quan trọng. Phần lớn cây quất hiện nay ở vườn của bà Hằng được trồng vào chum ngay từ đầu nên cần đủ dinh dưỡng và lượng đất cho cây phát triển quanh năm. Hàng năm, trừ chi phí, nhà vườn của bà Hằng có thu nhập hàng trăm triệu đồng từ trồng quất chum và mẫu đơn. Ở huyện Hải Hậu, nhiều chị em phụ nữ cũng mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất ven sông, ven biển, đất nông nghiệp kém hiệu quả để đầu tư trồng các loại hoa, cây cảnh có giá trị kinh tế cao. Tiêu biểu như chị Phạm Kim Dung, xã Hải Lý có vườn trồng cây sanh, si, cây bonsai mini với diện tích hơn 1.000m2, thu nhập bình quân trên 100 triệu đồng/năm. Nhờ trồng cây cảnh, cây bonsai mà gia đình chị đã có thêm thu nhập, tạo điều kiện để con cái học hành, mua sắm được các trang thiết bị tiện nghi phục vụ cuộc sống hàng ngày.
Về làng hoa Mỹ Tân, xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc) là đầu mối cung cấp hoa chủ yếu cho thành phố Nam Định và các tỉnh lân cận, chúng tôi được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của rất nhiều loại hoa cũng như không khí lao động sản xuất hăng say của người dân nơi đây. Gia đình chị Vũ Thị Tuất, xóm Liên Minh có hơn 1 mẫu vườn trồng hoa cúc, hoa dơn và bán giống hoa phục vụ các hộ lân cận, mỗi vụ hoa cúc mang lại cho gia đình chị thu nhập từ 25-30 triệu đồng/sào, bình quân hai vụ hoa trong năm gia đình chị thu nhập 50-60 triệu đồng/sào. Chị Tuất cho biết, trước kia gia đình chị vẫn cấy lúa, nhưng khoảng 20 năm trở lại đây thì chuyển đổi sang trồng hoa. Nhờ vậy, kinh tế gia đình ngày càng ổn định. Để tạo điều kiện thúc đẩy nghề trồng hoa phát triển đạt giá trị kinh tế cao hơn, địa phương đang đề xuất với tỉnh đầu tư xây dựng chợ hoa đầu mối tại địa bàn xã Mỹ Tân giúp người dân tiết kiệm chi phí vận chuyển, nâng cao thu nhập, phát triển dịch vụ thương mại trên địa bàn.
Bằng sự năng động, dám nghĩ, dám làm, nhiều chị em phụ nữ đã thành công với mô hình phát triển kinh tế từ nghề trồng hoa, cây cảnh, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, qua đó khẳng định vai trò, vị trí của phụ nữ trong gia đình và xã hội./.
Bài và ảnh: Thanh Hoa
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin