Vốn ngân hàng tạo động lực để Giao Thủy phát triển toàn diện nền kinh tế 

08:40, 10/03/2023

Năm 2023, huyện Giao Thủy phấn đấu tổng giá trị sản xuất đạt trên 22 nghìn tỷ đồng; cơ cấu giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 31%; công nghiệp, xây dựng, dịch vụ chiếm 69%; sản lượng thủy hải sản đạt 69.160 tấn, sản lượng lợn hơi xuất chuồng đạt 17.700 tấn; thu nhập bình quân thực tế đầu người đạt 90 triệu đồng/người/năm. Công tác xây dựng nông thôn mới (NTM) có thêm từ 1-3 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và từ 2 xã trở lên đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Để đạt được các mục tiêu trên, các ngân hàng trên địa bàn huyện tiếp tục bám sát mục tiêu và định hướng của Hội sở chính, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của huyện, đẩy mạnh thu hút vốn, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận với vốn vay có lãi suất ưu đãi để mở rộng quy mô, phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập.

Cán bộ Agribank huyện Giao Thủy hướng dẫn người dân gửi tiền tiết kiệm tại quầy.
Cán bộ Agribank huyện Giao Thủy hướng dẫn người dân gửi tiền tiết kiệm tại quầy.

Ngay từ khi mới thành lập, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) Chi nhánh huyện Giao Thủy luôn là ngân hàng tích cực nhất giải ngân vốn cho lĩnh vực tam nông trên địa bàn huyện. Đồng chí Lương Quốc Toàn, Giám đốc Agribank Chi nhánh huyện Giao Thủy cho biết: "Năm 2022, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 có thời điểm diễn biến phức tạp, dẫn tới hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân gặp không ít khó khăn. Song dưới sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Hội sở chính Agribank, chính quyền các cấp nên hoạt động của hệ thống mạng lưới tín dụng Agribank huyện hoàn thành nhiệm vụ đề ra. Tổng nguồn vốn gần 3.500 tỷ đồng, tăng so với đầu năm 360 tỷ đồng, tỷ lệ tăng trưởng 11%, đạt 145% kế hoạch năm. Dư nợ cho vay gần 2.700 tỷ đồng cho 9.200 hộ vay, giảm 600 hộ so với đầu năm, số tiền tăng 162 tỷ đồng so với đầu năm, tốc độ tăng trưởng 6,5%, hoàn thành 110% kế hoạch năm". 

Trong đó, cho vay hộ sản xuất gần 8.800 hộ với số tiền trên 2.600 tỷ đồng, chiếm 99%; cho vay doanh nghiệp 8 tỷ đồng, cho vay tiêu dùng qua thấu chi 16 tỷ đồng. Trong năm 2022 đã phát hành được 5.300 thẻ, lũy kế thẻ đã phát hành gần 49 nghìn thẻ. Các dịch vụ bảo hiểm tín dụng, thu hộ tiền điện, trả lương qua tài khoản, thu hộ học phí triển khai hiệu quả. Hoạt động mạng lưới tín dụng năm 2022 không ngừng được mở rộng với 293 tổ vay vốn. Trong đó số tổ viên còn dư nợ ngân hàng là 9.200 hộ, dư nợ gần 2.700 tỷ đồng. Ngoài ra, Agribank Chi nhánh huyện Giao Thủy đã đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt với 2 điểm Autobank CDM, 3 ATM, 5 máy POS và mã QR Code cho 520 điểm cửa hàng kinh doanh dịch vụ trên địa bàn toàn huyện. Để tạo điều kiện phục vụ khách hàng nộp lãi đến kỳ hạn, Chi nhánh đã chủ động khuyến khích khách hàng vay vốn trích tài khoản nộp lãi tự động nhằm tiết kiệm chi phí, thời gian cho cả khách hàng và ngân hàng. Đến nay đã có 30% khách hàng vay vốn nộp lãi qua hình thức này.  

Là người có thâm niên gần 30 năm trong nghề nuôi tôm thẻ chân trắng, ông Cao Văn Ba ở xóm Lâm Hồ, xã Giao Phong đã xây dựng thành công mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trong nhà kính với quy mô hơn 4ha, sản lượng hàng năm đạt hơn 100 tấn, doanh thu bình quân từ 15-20 tỷ đồng/năm, tạo việc làm ổn định cho hàng chục lao động. Ông Ba cho biết: “Từ năm 1989, tôi khởi nghiệp với mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng, với đồng vốn ít ỏi của gia đình. Lúc đó, Agribank Chi nhánh huyện Giao Thủy đã hỗ trợ cho vay với dư nợ 5-10 triệu đồng. Trong suốt 10 năm đầu đó, Agribank luôn đồng hành cùng gia đình tôi trải qua nhiều thăng trầm với nghề nuôi tôm thẻ chân trắng. Đến năm 1999, dư nợ của gia đình tôi tại Agribank là 200 triệu đồng”. Nhờ có vốn đồng hành của Agribank, gia đình ông đã vượt qua khó khăn, vươn lên khá giả. Ông Ba chia sẻ: “Hiện tại, kinh tế gia đình đã vững vàng hơn trước, tuy không phải vay vốn nhưng chúng tôi rất tin tưởng gửi tiền tiết kiệm vào Agribank. Mong rằng, Agribank sẽ giúp đỡ các hộ dân khác trên địa bàn huyện vay vốn làm giàu, xây dựng quê hương Giao Thủy ngày càng giàu có, trù phú hơn”. Ông Mai Văn Hoán, ở xóm Lâm Hoan, xã Giao Phong cũng là một khách hàng thân thiết với Agribank Chi nhánh huyện Giao Thủy suốt hơn 20 năm nay chia sẻ: “Với cơ sở sơ chế hải sản của gia đình tôi, nếu không có nguồn vốn Agribank không thể nào phát triển được quy mô sản xuất như ngày nay với công suất hơn 3 tạ chả cá/ngày. Ngoài ra, tôi còn kinh doanh thêm các đồ hải sản khô đóng gói đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao như: Cá thu một nắng, chả mực, chả cá, tôm bóc nõn”. Thị trường tiêu thụ sản phẩm của cơ sở đã được mở rộng ra nhiều tỉnh, thành phố như: Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên, Hà Nội. Doanh thu mỗi năm bình quân đạt hơn 200 triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 5-6 lao động và hàng chục đầu mối thu mua hải sản khác.

Ngoài nguồn vốn ngân hàng thương mại, hiện trên địa bàn huyện, Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Giao Thủy còn triển khai 9 chương trình tín dụng chính sách với tổng nguồn vốn trên 442 tỷ đồng. Từ nguồn vốn huy động, Ngân hàng CSXH huyện đã giải ngân cho trên 3.800 lượt khách hàng với số tiền trên 163 tỷ đồng, doanh số thu nợ gần 110 tỷ đồng, dư nợ đạt trên 442 tỷ đồng. Riêng 4 tổ chức chính trị - xã hội tham gia ủy thác cho vay thông qua 384 tổ tiết kiệm và vay vốn với hơn 12 nghìn hộ vay vốn, dư nợ trên 440 tỷ đồng, chiếm 99,9% tổng dư nợ. Từ đồng vốn ngân hàng, nhiều dự án sản xuất nông nghiệp, mô hình kinh tế công nghệ cao được ứng dụng tạo nên sức bật mới trong phát triển nông nghiệp, nông thôn của huyện. Tính đến hết năm 2022, huyện Giao Thủy có 17/22 xã, thị trấn được công nhận chuẩn NTM nâng cao; xã Giao Phong là xã đầu tiên của tỉnh được công nhận chuẩn NTM kiểu mẫu. Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP được quan tâm triển khai, năm 2022 có thêm 28 sản phẩm được tỉnh công nhận, nâng tổng số lên 85 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, dẫn đầu toàn tỉnh.

Thời gian tới, các ngân hàng trên địa bàn huyện sẽ tập trung cải cách thủ tục hành chính, rút gọn hồ sơ, thời gian, giải ngân vốn vào các lĩnh vực sản xuất ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ, NHNN, Hội Sở chính. Tăng cường phổ biến các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt qua ngân hàng đến với người dân gần gũi, dễ hiểu, dễ sử dụng. Về hoạt động của Ngân hàng CSXH, tập trung cho vay các chương trình tín dụng chính sách, đặc biệt là các chương trình tín dụng ưu đãi theo Nghị định số 11/2022/NĐ-CP của Chính phủ; tích cực huy động các nguồn vốn, tiền gửi của tổ chức, cá nhân, tiền gửi qua tổ tiết kiệm và vay vốn, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trọng tâm năm 2023 theo Nghị quyết Hội đồng quản trị, ngân hàng cấp trên giao và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương./.

Bài và ảnh: Đức Toàn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com