“Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” - Động lực thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển

08:27, 10/03/2023

Cuộc vận động (CVĐ) “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của các tổ chức hội, đoàn thể, cơ quan quản lý Nhà nước, đông đảo doanh nghiệp cũng như người dân trong tỉnh. Không chỉ định hướng tiêu dùng, phát triển thị trường trong nước, CVĐ còn góp phần quan trọng thúc đẩy sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.

Sản phẩm bánh kẹo của Công ty TNHH Thương mại Hòa Bình (thành phố Nam Định).
Sản phẩm bánh kẹo của Công ty TNHH Thương mại Hòa Bình (thành phố Nam Định).

Tiếp nối kết quả từ nhiều năm trước, trong năm 2022, CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh được các sở, ngành, địa phương triển khai đồng bộ. Ban chỉ đạo (BCĐ) CVĐ tỉnh đã tham mưu với UBND tỉnh ban hành cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng hàng hóa sản xuất trong nước; đẩy mạnh cải cách hành chính; tạo điều kiện khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ mở rộng thị trường; tăng cường quản lý Nhà nước về chất lượng sản phẩm và quản lý thị trường. Xác định vai trò quan trọng của công tác tuyên truyền, các đơn vị, địa phương đã tổ chức phát động, tuyên truyền các chủ trương của Đảng, Nhà nước và ý nghĩa, mục đích của CVĐ đến các tổ chức, cá nhân trên địa bàn. BCĐ quán triệt đến từng đơn vị, địa phương về trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu trong triển khai, thực hiện CVĐ; vận động, khuyến khích mỗi cán bộ, công chức, viên chức cũng như người dân địa phương hưởng ứng thực hiện CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tiêu dùng cá nhân, coi đó như một hành động thiết thực để thể hiện lòng yêu nước, nét đẹp trong văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam. Đồng thời phối hợp với các tổ chức, đoàn thể thường xuyên kết hợp lồng ghép tuyên truyền nội dung CVĐ qua các phương tiện thông tin đại chúng; treo băng rôn, phát tờ rơi, triển khai nội dung CVĐ qua các buổi sinh hoạt tập thể ở khu dân cư của các tổ chức hội, đoàn thể… Bên cạnh đó BCĐ khuyến khích các cơ quan, đơn vị khi mua sắm công nên ưu tiên lựa chọn hàng hóa do Việt Nam sản xuất. Các doanh nghiệp, nhà sản xuất, kinh doanh, cung ứng dịch vụ… ưu tiên sử dụng các trang thiết bị, nguyên vật liệu, dịch vụ nội địa có chất lượng tương đương hàng ngoại nhập. Qua đó người tiêu dùng nhận thức đầy đủ hơn trách nhiệm và quyền lợi của mình đối với việc sử dụng hàng hoá sản xuất trong nước; thể hiện lòng yêu nước một cách thiết thực bằng việc tiêu dùng hàng hóa sản xuất trong nước, dần thay đổi và hình thành thói quen, văn hoá  tiêu dùng hàng Việt. 

Cùng với công tác tuyên truyền, các ngành chức năng ưu tiên, tạo các điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp địa phương các điều kiện để nâng cao năng lực quản trị, điều hành doanh nghiệp, từ vay vốn đến chuyển giao khoa học kỹ thuật, đầu tư trang thiết bị phát triển sản xuất kinh doanh, tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng và đăng ký thương hiệu cho hàng hóa sản xuất tại địa phương nói riêng, trong nước nói chung. Tuyên truyền, vận động doanh nghiệp và nhà sản xuất quan tâm tôn trọng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao chất lượng hàng hóa, sản phẩm dịch vụ, duy trì ổn định chất lượng theo tiêu chuẩn đã đăng ký. 

Hưởng ứng CVĐ, Sở Công Thương đã làm tốt công tác quản lý thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm và xúc tiến thương mại giới thiệu sản phẩm ở cả thị trường trong và ngoài nước. Qua đó đã có 13 doanh nghiệp sản xuất cơ khí - điện, nhựa, thực phẩm chức năng, chế biến đồ gỗ ứng dụng máy móc thiết bị mới vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm; 2 doanh nghiệp xây dựng mô hình trình diễn sản xuất sản phẩm mới. Sở phối hợp với Cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương) và các tỉnh trong khu vực tổ chức Hội chợ Công Thương khu vực phía Bắc và đưa hàng trăm lượt doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ khu vực trên toàn quốc. Trong năm 2022, Sở Công Thương tổ chức bồi dưỡng kiến thức thương mại điện tử cho hơn 50 doanh nghiệp trên địa bàn tham gia và tăng cường kiến thức, tranh thủ được lợi thế của thương mại điện tử để tăng doanh thu bán hàng, tìm kiếm cơ hội kinh doanh rộng rãi hơn trên môi trường số. 

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức tốt chương trình OCOP; khuyến khích, hỗ trợ các cơ sở xây dựng và áp dụng các chương trình quản lý chất lượng tiên tiến; làm tốt công tác quản lý an toàn thực phẩm nông nghiệp. Tích cực hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thực hiện công bố chất lượng, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm. Trong năm 2022, Sở đã tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng tiêu chuẩn và tự công bố sản phẩm cho 160 sản phẩm; xây dựng phần mềm định danh điện tử cho 150 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất; thiết lập nhật ký điện tử để theo dõi sản xuất cho 33 cơ sở; đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho 30 doanh nghiệp và 400 sản phẩm sử dụng tem QR để quản lý, truy xuất nguồn gốc. Đồng thời, các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp trong phân phối, tiêu thụ hàng hóa, mở rộng thị trường cũng được đẩy mạnh, như: Tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, hội chợ; chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa; chương trình bán hàng Việt khuyến mại; hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng các điểm bán hàng Việt nhằm giúp người dân tiếp cận dễ dàng hơn với những sản phẩm hàng Việt Nam chất lượng, hàng đặc trưng của tỉnh… 

Với sự nỗ lực của các ngành chức năng, doanh nghiệp, hàng hóa sản xuất trong tỉnh đã được nâng cao chất lượng, mẫu mã, tạo sức hút lớn đối với người tiêu dùng, từng bước biến việc “ưu tiên dùng hàng Việt” thành “niềm tin chọn dùng hàng Việt”. Qua khảo sát của Bộ Công Thương tại một số tỉnh, thành phố, trong đó có Nam Định cho thấy, hàng Việt Nam đã chiếm tỷ lệ cao (trên 90%) trong cơ cấu hàng hóa của các nhà phân phối của doanh nghiệp trong nước; tại các hệ thống siêu thị nước ngoài ở Việt Nam, tỷ lệ này chiếm từ 60-96%. Đối với kênh bán lẻ truyền thống, tỷ lệ hàng Việt tại chợ, cửa hàng tiện lợi chiếm từ 60% trở lên. Đặc biệt sau dịch COVID-19, có 76% người tiêu dùng Việt Nam chuộng hàng nội địa. CVĐ cũng đã khích lệ, động viên doanh nghiệp đổi mới công nghệ và cách thức quản lý để sản xuất ra những sản phẩm chất lượng cao, hình thức đẹp, giá thành phù hợp, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của các tầng lớp nhân dân. Trong đó hơn 200 sản phẩm OCOP nói chung và một số sản phẩm nổi tiếng như ngao sạch Lenger, gạo Toản Xuân, nước mắm truyền thống, muối biển, thịt lợn thảo dược Hiền Thục, giò, chả, nem Giao Thủy… được người tiêu dùng nội tỉnh và hầu hết các tỉnh, thành phố trong toàn quốc ưa chuộng. Nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã liên kết sản xuất theo chuỗi tuần hoàn, sản phẩm của đơn vị này làm nguyên liệu sản xuất của đơn vị khác. Do đó trong năm qua mặc dù thị trường hàng hóa (nhất là xuất khẩu) tiêu thụ khó khăn do kinh tế suy giảm nhưng hàng hóa sản xuất nội tỉnh vẫn tiêu thụ tốt, đạt mức tăng trưởng khá. Cùng với việc các doanh nghiệp tự nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu, tăng cường sức cạnh tranh trên thị trường, Cục Quản lý thị trường tỉnh phối hợp với các ngành chức năng liên quan tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, qua đó giúp tạo môi trường, thị trường lành mạnh, tăng sức mua sắm của người tiêu dùng.

Bên cạnh những kết quả đạt được, CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” vẫn còn những hạn chế như: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp thực hiện CVĐ ở một số đơn vị chưa được quan tâm đúng mức; một số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và địa phương chưa nhận thức hết ý nghĩa của CVĐ nên việc tổ chức, vận động vẫn còn mang tính hình thức, chưa đáp ứng với yêu cầu đặt ra. Công tác tuyên truyền chưa sâu rộng, chủ yếu lồng ghép với các chương trình của các tổ chức hội, đoàn thể. Tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng lậu vẫn phức tạp ảnh hưởng đến sản xuất và tiêu dùng trong nước. Mặt bằng chất lượng và giá bán của một số nhóm hàng như đồ gia dụng, thời trang thì hàng Việt vẫn chưa có cạnh tranh so với hàng nhập ngoại. 

Để tiếp tục nâng cao chất lượng CVĐ, thời gian tới, cần nâng cao vai trò của cấp ủy trong lãnh đạo, chỉ đạo, nhất là vai trò của đảng viên, trong nêu gương sử dụng hàng Việt. Đổi mới, đa dạng cách thức tuyên truyền, nhằm thay đổi tư duy “ưu tiên dùng hàng Việt” sang “tin dùng hàng Việt”. Các cơ quan quản lý Nhà nước tiếp tục làm tốt công tác tham mưu để ban hành những cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất hàng hóa chất lượng, giá cả phù hợp. Chú trọng hỗ trợ xây dựng, nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP, quảng bá để người tiêu dùng hiểu và tin dùng sản phẩm; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quảng bá sản phẩm, nhất là bán hàng trực tuyến, phát triển thương mại điện tử kết hợp hài hòa với kênh phân phối truyền thống; tăng cường quản lý Nhà nước về hàng hóa, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về chất lượng sản phẩm, hàng nhập lậu, hàng giả, nhằm củng cố niềm tin của người tiêu dùng đối với hàng Việt Nam./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com