(Tiếp theo kỳ trước)
Kỳ 2: Nhận diện hạn chế, bất cập
Tuy đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận nhưng trong thực hiện nhiệm vụ góp sức phát triển vùng đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) của tỉnh còn hạn chế. Do vậy, cần nhận diện đầy đủ khó khăn, bất cập; xây dựng chủ trương, định hướng mới nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa nội lực của tỉnh cũng như gia tăng mối liên kết, hợp tác phát triển giữa các địa phương trong cả vùng.
Theo UBND tỉnh, do xuất phát điểm thấp, quy mô nền kinh tế của tỉnh vẫn thuộc loại nhỏ, chủ yếu dựa vào yếu tố vốn và hiệu quả sử dụng vốn chưa cao nên chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp; chưa tạo được sự đột phá lớn để rút ngắn khoảng cách phát triển với một số tỉnh trọng điểm trong vùng; vị thế của tỉnh vẫn còn khá khiêm tốn. Mặc dù kinh tế tỉnh đã luôn duy trì tốc độ tăng trưởng khá trong suốt giai đoạn 2016-2020, bình quân đạt 7,11%/năm, cao gấp 1,19 lần cả nước (cả nước tăng 5,99%/năm), nhưng vẫn thấp so với mức bình quân chung của khu vực 8,23%/năm, xếp thứ 9/11 trong vùng. Sản xuất nông nghiệp nhìn chung quy mô nhỏ, chủ yếu là kinh tế hộ, chuyển dịch cơ cấu sản xuất chưa mạnh. Khu vực công nghiệp, động lực phát triển của nền kinh tế thì chưa có doanh nghiệp chủ lực trong sản xuất công nghiệp, chủ yếu là các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo mà mới tham gia ở các khâu, các công đoạn có giá trị gia tăng thấp, sử dụng nhiều lao động. Các ngành dịch vụ chất lượng cao quy mô còn nhỏ; phát triển du lịch, kinh tế biển chưa xứng tầm với tiềm năng, lợi thế của tỉnh, chưa tạo ra được sự đột phá. Cơ cấu kinh tế tuy có thay đổi theo hướng tích cực nhưng còn chậm. Tỷ trọng ngành nông nghiệp vẫn còn cao, năm 2020 vẫn chiếm 22,5% GRDP, cao hơn mức bình quân chung của toàn vùng (5,8%), xếp thứ 2/11 trong vùng. Lĩnh vực công nghiệp và xây dựng chỉ chiếm 39,5%, thấp hơn bình quân chung của vùng (40,7%), xếp thứ 8/11 trong vùng; Chưa có nhiều ngành sản xuất công nghiệp mang hàm lượng giá trị công nghệ cao, giá trị tăng thêm lớn. Ngành dịch vụ chiếm 34,9%, thấp hơn bình quân chung của vùng (43,4%), xếp thứ 4/11 trong vùng; một số ngành dịch vụ mang tính chất động lực của nền kinh tế như tài chính - tín dụng, viễn thông, công nghệ thông tin còn chiếm tỷ trọng thấp. Tỉnh cũng chưa phát huy hết các giá trị văn hóa tại địa phương để thúc đẩy phát triển kinh tế du lịch. Thu ngân sách từ kinh tế địa phương chưa có nguồn thu chủ lực, ổn định; mức huy động vào ngân sách của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa cao; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 3,1%, thấp hơn bình quân chung của vùng (10,1%), đứng cuối bảng. Đến năm 2020, so với 11 tỉnh, thành phố ĐBSH, vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn tỉnh chỉ chiếm 3,9% tổng vốn đầu tư thực hiện trong khu vực, xếp thứ 8/11 trong vùng, đứng trên các tỉnh: Hưng Yên, Hà Nam, Ninh Bình. Năm 2020, tỉnh thu hút được 16 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng số vốn đăng ký đạt 41 triệu USD; xếp thứ 9 về số lượng dự án và thứ 10 về tổng số vốn đăng ký; điều này cho thấy khả năng thu hút vốn đầu tư nước ngoài của tỉnh còn hạn chế.
Nhiều tuyến giao thông quan trọng của tỉnh quy mô nhỏ, thiếu tính kết nối liên vùng. |
Ngoài ra, cơ chế, chính sách, nguồn lực đầu tư để đảm bảo thực hiện các mục tiêu của Nghị quyết 54/NQ-TW còn thiếu, chưa đồng bộ. Trong giai đoạn 2005-2020 do kinh tế thế giới có thời kỳ bị khủng hoảng và suy thoái nghiêm trọng; giai đoạn 2011-2015 Chính phủ thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt, cắt giảm đầu tư công, giảm bội chi ngân sách Nhà nước do đó nhiều công trình trọng điểm đầu tư từ nguồn vốn ngân sách phải tạm dừng hoặc điều chỉnh giảm quy mô. Trong các năm 2020, 2021 và đầu năm 2022 đại dịch COVID-19 xảy ra đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tăng trưởng kinh tế và đời sống xã hội của đất nước, của tỉnh. Mặt khác, do tác động của biến đổi khí hậu, thời tiết, thiên tai tiếp tục có diễn biến phức tạp, bất thường, khó lường (trung bình hàng năm tỉnh bị khoảng 3-4 cơn bão tác động, nhiều cơn bão mạnh đổ bộ trực tiếp) đã phá hủy nhiều công trình hạ tầng kinh tế - xã hội, gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của nhân dân dẫn đến tình trạng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tuy đã được đầu tư, nâng cấp song chưa đáp ứng tốt yêu cầu phát triển trong tình hình mới.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong đánh giá tổng thể các hạn chế của cả vùng đã nêu rõ: “Trước đây Nam Định có ưu thế phát triển hơn Hà Nam và Ninh Bình nhưng hiện nay Hà Nam và Ninh Bình phát triển nhanh hơn. Nguyên nhân quan trọng ở kết nối hạ tầng, nhất là giao thông kết nối của hai tỉnh này tốt hơn trong khi Nam Định chưa tăng tốc phát triển giao thông đối ngoại, kết nối hạ tầng khu vực ven biển chưa thuận lợi nên chưa khai thác hiệu quả, tiềm năng kinh tế biển, liên kết vùng còn hạn chế”. Bên cạnh đó, năng lực, trình độ kỹ năng quản lý Nhà nước của một bộ phận cán bộ, công chức chưa đáp ứng được yêu cầu; sự phối hợp giữa các ngành và các cấp trong một số công việc chưa chặt chẽ, còn có tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm. Tinh thần trách nhiệm, đạo đức công vụ của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa cao dẫn đến việc triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của tỉnh ở một số cơ quan, đơn vị còn thiếu chủ động, chưa kịp thời, quyết liệt. Quản lý đất đai, tài nguyên còn nhiều hạn chế; tình hình ô nhiễm môi trường ngày càng phức tạp. Chất lượng cải cách thủ tục hành chính và hoạt động theo cơ chế “một cửa” ở một số đơn vị chưa tốt, làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư và chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh. Chỉ số về cải cách hành chính (PAR index) xếp thứ 40/63 tỉnh, thành phố; chỉ số sự hài lòng của người dân với sự phục vụ của cơ quan hành chính (SIPAS) xếp thứ 51/63 tỉnh, thành phố còn hạn chế. Việc thực hiện 2 nhiệm vụ trong Nghị quyết số 54-NQ/TW liên quan đến tỉnh là xây dựng thành phố Nam Định thành trung tâm công nghiệp, dịch vụ, đào tạo làm hạt nhân phát triển của tiểu vùng Nam ĐBSH chưa hoàn thành; đầu tư xây dựng trung tâm y tế chuyên sâu ngang tầm khu vực tại Nam Định chưa đạt yêu cầu đề ra.
Ngoài những hạn chế, bất cập nội tại được tỉnh chủ động nhận diện, tại hội nghị tổng kết 17 năm phát triển vùng ĐBSH theo tinh thần Nghị quyết 54-NQ/TW ngày 14-9-2005 của Bộ Chính trị, các địa phương trong vùng đều thống nhất đánh giá: Trình độ phát triển giữa các địa phương trong vùng, giữa các tiểu vùng còn có sự chênh lệch đáng kể. Bên cạnh một số điểm sáng như liên kết giữa Hải Phòng và Quảng Ninh thì việc hợp tác giữa các địa phương trong vùng nhìn chung chưa chặt chẽ, hiệu quả thấp. Chưa hình thành được các vùng sản xuất nông sản hàng hoá tập trung cho xuất khẩu; giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích chưa cao; các ngành sản xuất với công nghệ hiện đại chiếm tỉ lệ thấp, chưa tạo được tiền đề cho sự phát triển nhanh và bền vững hơn nữa; một số loại thị trường hình thành chậm và chưa đồng bộ. Kết cấu hạ tầng vùng chưa đáp ứng yêu cầu; hạ tầng giao thông thiếu kết nối, chủ yếu đường bộ; hạ tầng du lịch còn yếu; hệ thống đô thị phát triển chưa đồng bộ; thiếu liên kết giữa các đô thị, khu kinh tế, khu công nghiệp, nông thôn; phát triển nhà ở xã hội chưa đáp ứng yêu cầu.
Chất lượng quy hoạch còn thấp, thiếu liên kết, đồng bộ; chưa hoàn thành nhiệm vụ lập, thẩm định, phê duyệt Quy hoạch vùng ĐBSH thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 492/QĐ-TTg, ngày 19-4-2022 của Thủ tướng. Chính vì vậy Nam Định và các tỉnh, thành phố trong vùng chưa có cơ sở khoa học, cơ sở pháp lý để phát triển quy hoạch tỉnh có bao gồm các nhiệm vụ liên kết, phát triển vùng ĐBSH một cách hiệu quả nhất. Bởi trên thực tế, nếu không xác định được mục đích, quy mô, tầm cỡ công trình, dự án phục vụ địa phương, phục vụ nội vùng hay phục vụ quốc gia thì sẽ không đạt được mục tiêu tổng thể. Nếu có quy hoạch vùng tổng thể, các địa phương sẽ không bị động, có tầm nhìn sâu, liền mạch, không bị đứt đoạn trong bố trí không gian phát triển cho vùng, nhất là bố trí các mạng lưới khu công nghiệp, trường đại học, trung tâm logistics... theo hướng đảm bảo khả năng liên kết vùng. Từ đó sẽ chủ động, hiệu quả hơn trong thực hiện các phần việc, nhiệm vụ, đầu tư các công trình, dự án đảm bảo chất lượng quy hoạch và phát triển đô thị theo hướng bền vững, bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng, phát triển đô thị xanh, thông minh. Bên cạnh đó, các bộ, ban, ngành Trung ương cũng chưa ban hành cơ chế điều phối liên kết vùng; cơ chế chuyển dịch kinh tế vùng; tiếp tục cơ cấu lại kinh tế vùng gắn với tăng trưởng về công nghệ kinh tế xanh, kinh tế số; cơ chế thúc đẩy, phân công nhiệm vụ trong vùng…
Một số quy định của pháp luật về đầu tư, đất đai và một số chính sách còn bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn triển khai; còn có quy định trong các văn bản pháp luật chưa thống nhất, thủ tục thực hiện phức tạp nhưng chậm được điều chỉnh làm ảnh hưởng chung đến kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của vùng và từng địa phương.
(còn nữa)
Bài và ảnh: Thanh Thúy
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin