Để Nam Định trở thành cực phát triển quan trọng của vùng Nam đồng bằng sông Hồng: Kỳ 3 - Nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với tình hình mới

07:54, 23/03/2023

(Tiếp theo và hết)
 

Kỳ 3: Nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với tình hình mới

Nhằm khắc phục triệt để những hạn chế, yếu kém còn tồn tại trong thời gian qua, trên cơ sở tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW, Bộ Chính trị khoá XIII đã tiếp tục ban hành Nghị quyết 30-NQ/TW; Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 30-NQ/TW về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Cùng với các địa phương trong vùng, Tỉnh ủy Nam Định đã xây dựng Chương trình hành động, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW với các mục tiêu, giải pháp thúc đẩy phát triển vùng ĐBSH thiết thực, phù hợp với 
tình hình mới.

Nghị quyết 30-NQ/TW của Bộ Chính trị ban hành ngày 23-11-2022 và Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 30 của Chính phủ ban hành tại Nghị quyết 14/NQ-CP ngày 8-2-2023 hướng tới mục tiêu xây dựng vùng ĐBSH phát triển nhanh, bền vững, hiện đại, văn minh, sinh thái, đậm đà bản sắc dân tộc; là trung tâm kinh tế, tài chính lớn mang tầm khu vực và thế giới; trung tâm hàng đầu của cả nước về văn hóa, giáo dục... Theo đó, ngay tại hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành đẩy nhanh tiến độ thực hiện, sớm hoàn thành và phê duyệt quy hoạch vùng, quy hoạch quốc gia, để các tỉnh, thành phố trong vùng có cơ sở định hướng, gia tăng liên kết giữa các tỉnh trong vùng, liên kết giữa các vùng trên toàn quốc; sớm ban hành các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSH theo hướng tăng cường sự liên kết giữa các địa phương trong vùng; tăng cường các cơ chế, chính sách khuyến khích hình thành các cụm liên kết ngành theo các lĩnh vực có lợi thế của từng địa phương. 

Nhằm khắc phục triệt để những hạn chế, yếu kém còn tồn tại trong thời gian qua, trên cơ sở tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW, Bộ Chính trị khoá XIII đã tiếp tục ban hành Nghị quyết 30-NQ/TW; Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 30-NQ/TW về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) đến năm 2030
Được tạo điều kiện thuận lợi, Tập đoàn Xuân Thiện bước đầu triển khai san lấp mặt bằng dự án đầu tiên trong chuỗi dự án quy mô lớn tại Cồn Xanh (Nghĩa Hưng).
 

Ngay sau hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ, Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động số 30-CTr/TU ngày 17-2-2023, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch hành động số 32/KH-UBND ngày 24-2-2023. Tỉnh đặt mục tiêu huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, nhất là nguồn lực con người, để xây dựng tỉnh phát triển nhanh và bền vững; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ; có mối quan hệ liên kết phát triển mật thiết với các tỉnh lân cận trong vùng và cả nước. Phấn đấu đến năm 2030: Nam Định là tỉnh phát triển khá của cả nước, là cực phát triển quan trọng của vùng Nam ĐBSH; tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt khoảng 9,0-9,5%/năm; GRDP (giá hiện hành) tăng khoảng 3 lần so với năm 2020; GRDP bình quân đầu người đạt mức bình quân chung của vùng; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân đạt từ 6,5% trở lên; kinh tế số đạt khoảng 30% GRDP; tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 45%. Có 100% số xã, thị trấn đạt chuẩn NTM nâng cao, trong đó có 35% số xã, thị trấn đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 8 huyện đạt chuẩn NTM nâng cao, trong đó có 3 huyện được công nhận huyện NTM kiểu mẫu… Về tầm nhìn đến năm 2045, Nam Định là một cực phát triển quan trọng của vùng Nam ĐBSH, là trung tâm kinh tế hiện đại, động lực phát triển quan trọng và điểm kết nối giao thương hàng hóa, dịch vụ và văn hóa của vùng ĐBSH với hệ thống kết cấu hạ tầng phát triển đồng bộ và hiện đại; quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.

Để thực hiện mục tiêu nêu trên, tỉnh đề ra 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Đáng kể, tỉnh chỉ đạo quyết liệt chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử, đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, xúc tiến và thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các thành phần kinh tế, nhất là các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp tư nhân đóng vai trò nòng cốt, dẫn dắt phát triển, về tìm hiểu đầu tư vào tỉnh. Trong đó, ưu tiên các dự án có vốn lớn, công nghệ cao, thân thiện với môi trường, sản phẩm có giá trị gia tăng và sức cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và thế giới; ưu tiên thu hút đầu tư phát triển, tăng tỷ trọng sản phẩm các ngành công nghiệp có công nghệ hiện đại như: Cơ khí chế tạo, sản xuất thiết bị máy móc, lắp ráp ô tô, linh kiện điện tử, thuốc chữa bệnh, chế biến thực phẩm, hàng tiêu dùng... và một số ngành công nghiệp có thế mạnh của tỉnh. Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào phát triển công nghiệp nông thôn; thu hút đầu tư các cơ sở giáo dục quy mô lớn, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Thu hút đầu tư khai thác tiềm năng, thế mạnh về du lịch của địa phương trong mối tương quan với du lịch của vùng như du lịch văn hóa tâm linh, sinh thái, lịch sử; phát triển các trung tâm vui chơi, giải trí để khai thác những điều kiện, lợi thế về cảnh quan, sinh thái, các giá trị văn hoá, tâm linh. 

Chú trọng thực hiện nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển hợp lý các ngành, lĩnh vực. Phát triển nông nghiệp hiệu quả cao, bền vững, sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu theo hướng dựa trên ứng dụng công nghệ cao, sản xuất an toàn, hữu cơ; sản xuất sản phẩm có giá trị cao theo chuỗi giá trị. Đẩy mạnh chương trình khuyến công, hỗ trợ các doanh nghiệp tiểu thủ công nghiệp, làng nghề phát triển; phát triển mạnh các ngành công nghiệp phục vụ nông nghiệp và dịch vụ nông nghiệp như công nghiệp sản xuất thiết bị, máy móc, vật tư phục vụ nông nghiệp, công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản. Hỗ trợ doanh nghiệp khai thác, tận dụng tốt các cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường tham gia các Hiệp định thương mại tự do với Việt Nam, nhất là các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Quan tâm phát triển hệ thống chợ, mạng lưới thương mại truyền thống, hệ thống vận tải đa phương thức và dịch vụ logistics trên cơ sở ứng dụng khoa học công nghệ. Phát triển các ngành thương mại, dịch vụ văn hóa, thể thao, giáo dục, đào tạo, y tế, du lịch... theo hướng văn minh, hiện đại, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
 

Tập trung thực hiện đồng bộ các biện pháp chống thất thu ngân sách; nghiên cứu, đề xuất cơ chế chính sách về tài chính - ngân sách, đầu tư để khuyến khích, nuôi dưỡng và phát triển nguồn thu; khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn thu để tạo động lực phát triển cho tỉnh. Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nhất là nguồn lực xã hội hóa, để đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm, động lực, có tính chiến lược lâu dài, gia tăng tính kết nối, liên kết vùng, góp phần nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội. Ưu tiên hoàn thiện mạng lưới giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối nội vùng và liên vùng, trong đó tập trung hoàn thành các dự án đầu tư trọng điểm như: xây dựng đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển với đường cao tốc cầu Giẽ - Ninh Bình (giai đoạn II), cầu Bến mới, cầu Đống Cao, cầu Ninh Cường; xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh; đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - đường bộ ven biển; cầu vượt sông Đáy nối tỉnh Ninh Bình và tỉnh Nam Định. Trước mắt, tập trung hoàn thành cơ sở hạ tầng một số khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) để thu hút các nhà đầu tư thứ cấp vào sản xuất kinh doanh, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tích cực hoàn thành các dự án hạ tầng văn hóa - xã hội như khu Trung tâm lễ hội thuộc Khu di tích lịch sử - văn hóa thời Trần, Bệnh viện Đa khoa tỉnh; Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, Khu thiết chế Công đoàn. Chú trọng đầu tư nâng cấp, kiên cố hóa, phát triển đồng bộ hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, đê điều, thủy lợi; các công trình thu gom, xử lý rác thải, nước thải. Tiếp tục triển khai và hoàn thành các khu đô thị, khu dân cư tập trung của các huyện, thành phố đồng bộ, hiện đại; xây dựng hoàn chỉnh mạng lưới đô thị trên địa bàn theo quy hoạch, đảm bảo nâng cao chất lượng, diện mạo kiến trúc cảnh quan đô thị theo hướng hiện đại, văn minh, bền vững và giữ gìn những giá trị, bản sắc văn hóa của mỗi đô thị...

Đặc biệt, chú trọng xây dựng, phát triển hai vùng kinh tế trọng điểm gồm vùng kinh tế biển và xây dựng, phát triển thành phố Nam Định. Trong đó, xây dựng vùng kinh tế ven biển trở thành vùng kinh tế động lực; trọng tâm là phát triển Khu kinh tế Ninh Cơ thành trung tâm giao thương về công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch và cảng biển; xây dựng Khu kinh tế ven biển huyện Nghĩa Hưng là trung tâm sản xuất đồng bộ từ sợi, dệt, nhuộm, may mặc và thời trang; hình thành cảng biển quy mô lớn; xây dựng, phát triển các đô thị ven biển như: Thịnh Long, Quất Lâm, Rạng Đông... theo hướng phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch biển, nghỉ dưỡng. Khảo sát, nghiên cứu và thu hút đầu tư Nhà máy điện khí LNG Nam Định tại huyện Hải Hậu; tiềm năng điện gió gần bờ và ngoài khơi tại các huyện Nghĩa Hưng, Giao Thủy, Hải Hậu... Thành phố Nam Định tiếp tục được tập trung xây dựng thành trung tâm phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ, văn hóa và thể thao, giáo dục và đào tạo, y tế; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại. Hoàn thành một số dự án, công trình có tính điểm nhấn về hạ tầng, kiến trúc cảnh quan và tập trung phát triển các đặc trưng, bản sắc của thành phố như: Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đền Trần - Chùa Phổ Minh,...

Thúc đẩy liên kết đa lĩnh vực một cách mạnh mẽ, hiệu quả hơn với các tỉnh, thành phố trong vùng; chú trọng hợp tác, kết nối, liên kết trong các lĩnh vực thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm và đầu tư kết cấu hạ tầng. Trước mắt, phối hợp đề xuất đầu tư tuyến đường cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng; nâng cấp Quốc lộ 37C Nam Định - Ninh Bình - Hòa Bình... Phối hợp với các tỉnh, thành phố trong vùng phát triển các khu, CCN gắn với không gian phát triển công nghiệp của cả nước, vùng ĐBSH, gắn với các tuyến hành lang, vành đai kinh tế và các vùng kinh tế trọng điểm như: Hành lang kinh tế Bắc - Nam, vành đai kinh tế ven biển Quảng Ninh - Hải Phòng - Thái Bình - Nam Định - Ninh Bình...

Tập trung triển khai thực thi chủ trương chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ với các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với tình hình mới, chính quyền và nhân dân Nam Định quyết tâm nắm bắt cơ hội để gia tăng liên kết, tiếp tục cải thiện vị thế của tỉnh, cùng các thành viên toàn vùng hoàn thành thắng lợi mục tiêu phát triển vùng ĐBSH theo Nghị quyết 30-NQ/TW của Bộ Chính trị./. 

Bài và ảnh: Thanh Thúy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com