Thời điểm này, người nuôi thủy sản tại các địa phương đang tích cực chuẩn bị các điều kiện để bước vào vụ nuôi thủy sản chính trong năm. Việc chuẩn bị tốt ao nuôi, nguồn giống, vật tư, thức ăn… không chỉ tạo ra sự chủ động trong suốt quá trình nuôi mà còn tiết giảm chi phí đầu tư, nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm hàng hóa và thu nhập cho người dân.
Gia đình ông Nguyễn Văn Đăng, thôn Đắc Lực, xã Liên Bảo (Vụ Bản) huy động máy xúc đắp bờ, xử lý môi trường ao trước khi bước vào vụ nuôi mới. |
Những năm gần đây, gia đình anh Nguyễn Văn Hòa, thôn Chiều, xã Minh Tân (Vụ Bản) đã nhận thầu diện tích hơn 2ha khu ruộng ven sông Sắt để phát triển trang trại tổng hợp thả cá kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm. Anh Hòa cho biết: Thực hiện khuyến cáo của ngành Nông nghiệp và chính quyền địa phương, anh đã tiến hành bơm kiệt nước, tổ chức san phẳng, phơi nền, rắc vôi bột khử trùng, xử lý đáy ao; đồng thời sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống kênh dẫn nước vào ao nuôi. Sau khi xử lý kỹ môi trường ao nuôi, căn cứ vào tình hình thời tiết, anh mới quyết định xuống giống thả các loại cá trắm đen, trắm cỏ, chép theo hướng chuyên canh nhằm gia tăng thu nhập.
Theo đánh giá của Chi cục Thủy sản (Sở NN và PTNT), thời điểm này, các hộ nuôi thủy sản cả vùng nuôi nước ngọt cũng như vùng mặn lợ đều đang tích cực chuẩn bị các điều kiện để sẵn sàng cho vụ nuôi mới thắng lợi. Đồng chí Mai Đăng Nhân, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết: “Trong phát triển nuôi thủy sản hiện nay, cải tạo môi trường nói chung, ao đầm nuôi nói riêng, rất quan trọng để tạo môi trường nuôi thuận lợi, hạn chế mầm bệnh tồn lưu trong ao, tạo sự an toàn cho các giống thủy sản mới thả và suốt cả quá trình sinh trưởng, phát triển”. Vì vậy, cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương cần chủ động hướng dẫn người nuôi thủy sản tập trung nhân lực, phương tiện máy móc tiến hành nạo vét, tu sửa, cải tạo ao, đầm, xử lý môi trường nước trước khi bước vào vụ nuôi mới. Đồng thời vệ sinh sạch sẽ, khử trùng tất cả dụng cụ phục vụ từ vụ nuôi trước như máy bơm, ống dẫn nước, hệ thống quạt sục khí…
Theo kế hoạch, năm 2023 diện tích nuôi thủy sản toàn tỉnh là 16 nghìn ha với tổng sản lượng nuôi trồng, khai thác trên 195 nghìn tấn. Các địa phương tập trung phát triển các vùng nuôi thủy sản tập trung theo quy hoạch; khuyến khích phát triển đa dạng các đối tượng nuôi phù hợp với điều kiện của địa phương, chú trọng vào các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao và thị trường có nhu cầu. Tăng cường quản lý các cơ sở nuôi các đối tượng thủy sản chủ lực, cơ sở sản xuất, ương dưỡng con giống thủy sản; cơ sở nhập khẩu, mua bán thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi thủy sản. Ngay từ những tháng đầu năm 2023, Sở NN và PTNT đã chỉ đạo các cơ sở sản xuất giống thủy sản trong tỉnh chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết, sẵn sàng cho vụ sản xuất mới. Chủ động căn cứ lịch mùa vụ, nhu cầu thực tiễn để sản xuất các loại giống thủy sản đảm bảo chất lượng cung ứng cho người nuôi. Theo đó, các cơ sở sản xuất con giống nước ngọt đã chọn cá bố, mẹ và cho sinh sản một số loài cá có giá trị kinh tế cao như: cá trắm cỏ, trắm đen, cá lăng, cá chép; các đối tượng nuôi khác gồm lươn, cá chạch đồng, ếch Thái Lan cũng được người dân học hỏi kỹ thuật, kinh nghiệm để nhân giống. Đồng chí Nguyễn Thị Bích Ân, Phó Giám đốc Trung tâm Giống thủy hải sản Nam Định cho biết: “Thực hiện chỉ đạo của Sở NN và PTNT và nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu nuôi thả của người dân trong và ngoài tỉnh, Trung tâm đã tập trung đầu tư, cải tạo cơ sở, trang thiết bị, nâng cao tay nghề cho kỹ thuật viên nhằm sản xuất được con giống thủy sản chất lượng tốt nhất”. Hiện nay, Trung tâm đang đẩy mạnh sản xuất các giống thủy sản gồm: tôm sú, tôm thẻ chân trắng; cá chép, cá trắm cỏ, trắm đen; cá Koi, các loại thủy đặc sản như: ếch Thái Lan, ốc nhồi, cá ngạnh, cá lăng, cá trôi trắng Việt Nam và một số đối tượng nuôi mặn lợ là cua biển, cá Hồng Mỹ, hàu Thái Bình Dương và hàu cửa sông… Các loại con giống của Trung tâm sản xuất có chất lượng tốt, khỏe, sạch bệnh, khi đưa vào nuôi thương phẩm được đánh giá có sức chống chịu tốt với điều kiện thời tiết, khí hậu bất lợi, nhanh lớn nên được các đối tác nuôi đặt hàng và bao tiêu đầu ra ổn định.
Một trong những yếu tố quyết định tới sự thành công của nuôi thủy sản chính là chất lượng môi trường nuôi, vì vậy Sở NN và PTNT đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn thường xuyên thực hiện quan trắc, cảnh báo môi trường. Chi cục Thủy sản đã phối hợp với các địa phương tiến hành 16 đợt thu mẫu quan trắc môi trường theo kế hoạch với tần suất 2 lần/tháng tại các vùng nuôi tôm thẻ chân trắng, nuôi nước ngọt tập trung, vùng nuôi ngao với tổng số mẫu quan trắc là 224 mẫu. Ngoài ra, đã tiến hành thu mẫu 2 đợt quan trắc đột xuất tại các vùng nuôi tôm nước lợ, nuôi cá bống bớp, nuôi cá lóc bông, nuôi cá trắm đen trong tỉnh. Kết quả quan trắc đã được gửi tới các địa phương có điểm thu mẫu để thông tin tới người nuôi; hướng dẫn người nuôi chủ động áp dụng các biện pháp xử lý môi trường ao, đầm và vùng nuôi để phòng, chống các đối tượng bệnh dịch trên con nuôi thủy sản nói chung, nhất là trên tôm thẻ chân trắng và ngao. Đối với các yếu tố môi trường bất lợi, ảnh hưởng đến các đối tượng nuôi đều đã được khuyến cáo các biện pháp xử lý phù hợp. Phối hợp với các đơn vị liên quan, các cấp chính quyền tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở, đại lý kinh doanh các loại vật tư phục vụ nuôi thủy sản nhằm hạn chế tối đa các loại thức ăn, hóa chất, chế phẩm sinh học, các chất xử lý, cải tạo môi trường nuôi... không đảm bảo chất lượng được cung cấp cho người nuôi, ảnh hưởng không tốt đến chất lượng, năng suất vụ nuôi thủy sản. Khuyến cáo các hộ nuôi áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, các biện pháp nuôi thủy sản thâm canh, siêu thâm canh, hạn chế sử dụng các loại thuốc kháng sinh, hóa chất trong quá trình nuôi, tăng cường sử dụng các loại chế phẩm sinh học nhằm đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường.
Chuẩn bị tốt các điều kiện sản xuất và thực hiện nghiêm quy trình kỹ thuật theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn là cơ sở để bảo đảm vụ nuôi thủy sản năm nay thắng lợi./.
Bài và ảnh: Văn Đại
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin