Thúc đẩy tiến độ số hóa thị trường bán lẻ truyền thống

08:21, 23/02/2023

Đến đầu năm 2023, tỉnh ta có gần 177 nghìn hộ sản xuất nông nghiệp với khoảng 2.200 sản phẩm đang giới thiệu, bán hàng trên các sàn giao dịch thương mại điện tử Voso và Postmart. Bên cạnh đó hàng nghìn cơ sở chuyên doanh, tiểu thương đã áp dụng phần mềm bán hàng trực tuyến và các ứng dụng thanh toán trực tuyến không dùng tiền mặt. Con số này tăng gấp nhiều lần so với năm 2021 đã khẳng định hiệu quả và xu hướng tất yếu của việc số hóa thị trường bán lẻ truyền thống. 

Lễ ký kết hợp tác đưa nông sản an toàn lên sàn giao dịch thương mại điện tử Voso giữa Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với Viettel Nam Định.
Lễ ký kết hợp tác đưa nông sản an toàn lên sàn giao dịch thương mại điện tử Voso giữa Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với Viettel Nam Định.

Thời gian gần đây thị trường bán lẻ truyền thống đã có sự dịch chuyển lớn từ mua sắm trực tiếp tại các điểm bán hàng sang mua sắm trực tuyến; giảm chi tiêu tiền mặt, thay bằng thanh toán điện tử với nhiều hình thức (sử dụng thẻ ngân hàng, chuyển khoản, ví điện tử…). Tăng cường sử dụng mạng xã hội, truy cập các website, sàn thương mại điện tử để lựa chọn hàng hóa trực tuyến, “săn” chương trình khuyến mãi, hàng giá rẻ… Để thích ứng với những thay đổi này, thị trường bán lẻ truyền thống cũng đã chuyển đổi cách thức vận hành, bán hàng, quản lý doanh nghiệp bán lẻ từ hình thức kinh doanh truyền thống sang môi trường ứng dụng công nghệ kỹ thuật số hiện đại. Đồng hành cùng thị trường bán lẻ truyền thống là các doanh nghiệp công nghệ, ngân hàng và tổ chức tín dụng đã tích cực hỗ trợ, hướng dẫn tiểu thương tham gia các nền tảng kinh doanh trực tuyến. Trong đó 2 sàn giao dịch thương mại điện tử chủ lực của Viettel và Bưu điện là Voso, Postmart đã hỗ trợ hàng trăm nghìn hộ dân thành lập gian hàng online để giới thiệu sản phẩm và chuyển phát hàng hóa đến tay người tiêu dùng. VNPT Nam Định đã triển khai dịch vụ Mobile Money tới hàng nghìn thuê bao điện thoại mà không yêu cầu người sử dụng phải có tài khoản ngân hàng, điện thoại thông minh cũng không nhất thiết phải có kết nối mạng internet để giao dịch. Người dùng chỉ cần có sim thuê bao Vinaphone và sử dụng bất kỳ loại điện thoại nào đều có thể đăng ký dịch vụ; thanh toán chỉ bằng một tin nhắn SMS. Dịch vụ này đã giúp người dân có thêm sự lựa chọn khi muốn thanh toán không dùng tiền mặt mà chưa có tài khoản ngân hàng. Mô hình Chợ công nghệ 4.0 của Viettel Nam Định đã thu hút hơn 800 tiểu thương tại 10 chợ dân sinh trên địa bàn tỉnh mở tài khoản và điểm thanh toán không dùng tiền mặt; 82% tiểu thương thực hiện thanh toán số; 15% giao dịch mua bán tại chợ được thanh toán số. Đa số tiểu thương rất tích cực tham gia Chợ công nghệ 4.0 thanh toán không dùng tiền mặt. Viettel Nam Định sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình Chợ công nghệ 4.0; đồng thời sẽ mở rộng các tiện ích của mô hình với các dịch vụ phụ trợ như gửi xe, bến bãi, vệ sinh… theo hướng cá nhân hóa theo nhu cầu của mỗi người dùng. Việc số hóa thị trường bán lẻ đang được chia thành 3 phân khúc. Đi đầu trong thị trường bán lẻ truyền thống là các siêu thị, trung tâm thương mại và cửa hàng chuyên doanh bánh kẹo, rượu, bia, sữa, đồ gia dụng… ứng dụng phần mềm quản lý bán hàng đồng bộ và tích hợp cả tính năng chăm sóc khách hàng do đơn vị đó tự đăng ký hoặc các nhãn hàng cung cấp. Nhóm các cửa hàng buôn bán nhỏ sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt của các doanh nghiệp viễn thông và mạng xã hội để quảng cáo, cập nhật hàng hóa, giá cả và giao dịch với khách hàng. Nhóm tiểu thương ở các chợ dân sinh mới bắt đầu tiếp cận sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt. Theo quy chuẩn của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), quá trình số hóa thị trường bán lẻ truyền thống của các tiểu thương trên địa bàn tỉnh vẫn còn ở mức sơ khai, chưa áp dụng triệt để và khai thác hết hiệu quả của công nghệ số vào hoạt động kinh doanh. Nguyên nhân được xác định do đặc thù của tiểu thương chợ truyền thống ít có khả năng tiếp cận công nghệ nên còn e ngại sử dụng và chưa thật sự chú trọng kênh bán hàng online. Các tiểu thương khó đáp ứng được yêu cầu ổn định chất lượng hàng hóa, điều kiện lưu thông khi đưa sản phẩm lên các sàn giao dịch thương mại điện tử hay phần mềm bán hàng chuyên nghiệp.  

Thị trường bán lẻ truyền thống hiện đang đáp ứng gần 90% nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn tỉnh, do đó quá trình số hóa sẽ khó diễn ra nhanh chóng. Song đây là xu hướng tất yếu. Để thúc đẩy nhanh quá trình số hóa thị trường bán lẻ truyền thống, các ngành chức năng, doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin căn cứ hướng dẫn của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) với điểm chính để hỗ trợ các tiểu thương tham gia nền tảng trực tuyến như: Chuyển đổi kênh bán hàng truyền thống sang xây dựng kênh bán hàng online trên các trang mạng xã hội, website, sàn thương mại điện tử; tích hợp, cộng tác với dịch vụ thanh toán điện tử, dịch vụ giao hàng tận nơi, tích điểm điện tử, mã khuyến mãi; quản trị và chăm sóc khách hàng tự động; ứng dụng giải pháp công nghệ quản trị và vận hành doanh nghiệp… Chú trọng thúc đẩy phát triển nền tảng sàn thương mại điện tử, hạ tầng logistics thông qua chuỗi giá trị, kết nối các nhà sản xuất lớn, các nhà phân phối vừa và nhỏ, các nhà bán buôn và các kênh thương mại bán lẻ, các công ty thương mại điện tử cùng cấu thành nên chuỗi cung ứng. Tăng cường liên kết thương mại điện tử giữa các vùng miền trên toàn quốc. Hỗ trợ người dân đưa sản phẩm dịch vụ của mình lên sàn thương mại điện tử để góp phần hình thành một thế hệ “doanh nhân số” từ chính những người nông dân, tiểu thương. Bên cạnh đó, bản thân tiểu thương cũng phải nỗ lực thay đổi nâng cao kỹ năng tiếp cận công nghệ, kỹ năng quản lý… khi mọi hoạt động đều được đưa lên nền tảng online. Phấn đấu đến năm 2025, tỷ trọng kinh tế số đạt 20% GDP; thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt trên 10%; tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt trên 50% như Kế hoạch số 105/KH-UBND, ngày 5-8-2022 của UBND tỉnh thực hiện Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số giai đoạn 2022-2025 đã đề ra./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com