Ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, khí thế làm việc sôi động được ghi nhận tại nhiều doanh nghiệp trên toàn tỉnh, thể hiện tinh thần nỗ lực khai thác các dư địa phục hồi và tăng trưởng với kỳ vọng năm 2023 sẽ tiếp tục phục hồi, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh.
Công nhân Công ty Cổ phần May Sông Hồng ra quân sản xuất đầu năm. |
Ngay từ mùng 6 Tết, Công ty TNHH Cơ khí Nam Định (Nam Trực) đã phấn khởi bắt tay vào sản xuất để kịp giao những đơn hàng ngay đầu xuân Quý Mão và đảm bảo tiến độ thực hiện các đơn hàng đã ký cho cả năm 2023. Ông Lê Hải Đăng, Giám đốc Công ty TNHH Cơ khí Nam Định cho biết: “Để có những tín hiệu vui này là nhờ những năm gần đây Công ty đã nỗ lực, chủ động đầu tư hệ thống máy móc hiện đại”. Được biết, riêng năm 2022, Công ty đầu tư 10 tỷ đồng lắp đặt thêm một dây chuyền đúc chi tiết bằng công nghệ CNC, các máy móc cắt, gọt công nghệ laser; trang bị phần mềm tối ưu nhất cho các bộ phận tiếp cận với các cơ quan chức năng, tiếp cận, quảng bá sản phẩm tới khách hàng trên môi trường internet. 30 cán bộ, công nhân của Công ty đều được đào tạo qua trường nghề, thợ kỹ thuật cao, làm việc lâu năm của đất nghề cơ khí Đồng Côi. Trước đây, hầu hết các nguyên liệu đầu vào Công ty đều phải nhập khẩu, nhưng hiện nay Công ty nỗ lực nghiên cứu, tự sản xuất các linh kiện chi tiết nên đã giảm nhập khẩu, không ngừng nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, chủ động nguyên liệu đầu vào, hạ chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm nên đảm bảo tính cạnh tranh khi cung ứng sản phẩm ra thị trường. Năm 2022, Công ty quyết liệt nâng cấp chất lượng các sản phẩm sẵn có và thí điểm sản xuất thêm một số sản phẩm mới để năm 2023 đưa vào sản xuất hàng loạt. “Nhờ đó, Công ty khẳng định được thương hiệu là một trong những doanh nghiệp sản xuất linh kiện cơ khí “top” đầu của Việt Nam với chất lượng sản phẩm không thua kém gì sản phẩm cùng loại của nước ngoài. Doanh thu năm 2022 của Công ty đạt trên 50 tỷ đồng, đóng góp vào ngân sách Nhà nước 500 triệu đồng và tiếp tục ký kết được nhiều đơn hàng với các đối tác lớn hoạt động trong lĩnh vực thiết bị phục vụ ngành đường sắt, khai thác mỏ, điện lực” - ông Đăng chia sẻ thêm. Dù sau Tết phải đi làm sớm hơn vài ngày so với lịch chung nhưng cán bộ, công nhân ai cũng rất phấn khởi, cho biết: một phần do trong năm qua Công ty luôn tích cực chăm lo đời sống vật chất tinh thần (nhất là mức lương hàng tháng, thưởng lương tháng thứ 13); phần khác trong bối cảnh người lao động một số ngành nghề khác đang phải cắt giảm lương, giãn việc do thiếu đơn hàng thì việc Công ty đã nhận được các đơn hàng lớn, dài hơi, đảm bảo việc làm trong năm tới rất đáng phấn khởi, người lao động có động lực để phấn đấu làm việc.
Trong bối cảnh đơn hàng xuất khẩu của ngành thủy sản trên toàn quốc có xu hướng giảm nhưng ngay trong tháng 1-2023, Công ty TNHH Thủy sản Lenger Việt Nam đã xuất khẩu được 157 công-ten-nơ ngao đông lạnh. Đây là thành công tiếp nối kết quả khả quan Công ty đạt được trong năm 2022 với sản lượng trên 7.000 tấn sản phẩm (tương đương 286 công ten nơ) ngao đông lạnh, đạt 14 tỷ USD. Bên cạnh đó, Công ty còn nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm bán tại thị trường nội địa với 4 sản phẩm được chứng nhận đạt chuẩn OCOP 4 sao của tỉnh (trong đó có 1 sản phẩm đang được đề xuất đạt chuẩn OCOP 5 sao cấp quốc gia), giúp doanh thu thị trường nội địa 50 tỷ đồng. Theo ông Nguyễn Hồ Nguyên, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Lenger Việt Nam: “Năm 2023, Công ty tiếp tục gặp nhiều khách thức lớn, về xuất khẩu thị trường tiếp tục suy thoái, nhất là thị trường châu Âu, sút giảm doanh số đơn hàng tới 90%. Để có thể tiếp tục giữ được thị trường này, Công ty đã thương lượng với khách hàng, chủ động giảm lãi suất. Nhằm bù đắp vào mức giảm lãi suất, Công ty đã chủ động phương án sẵn sàng tăng công suất lên gấp đôi; phấn đấu sản lượng xuất khẩu đạt 400-500 công-ten-nơ ngao đông lạnh. Để đạt các mục tiêu đề ra, Công ty tiếp tục củng cố mối liên kết với các cơ sở, hộ nuôi cung cấp nguyên liệu, vật tư, nâng cao chất lượng con nuôi với kích cỡ lớn hơn, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Tập trung chuẩn bị các điều kiện để triển khai dự án xây dựng trại giống để sản xuất giống ngao kích cỡ lớn hơn; xây dựng một mô hình nuôi ngao trên bờ, để đảm bảo lộ trình sớm có nguồn ngao đầu vào đạt chất lượng cao hơn. Tiếp tục mở rộng, thâm nhập sâu vào thị trường nội địa thông qua hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện ích trên toàn quốc.
Theo đại diện Công ty Cổ phần May Sông Hồng, dự báo năm tới thị trường xuất khẩu dệt may còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng không khắc nghiệt như thời điểm đại dịch COVID-19. Với những doanh nghiệp có nền tảng tốt như May Sông Hồng, các đơn hàng năm 2023 đã được xác nhận cơ bản và vẫn sẽ tăng trưởng ổn định. Cùng với chủ trương tiết kiệm tối đa các chi phí, tạm dừng các dự án đầu tư sửa chữa lớn, Công ty tập trung quản lý chất lượng sản phẩm tốt hơn để tránh bị phạt tiền từ phía khách hàng, linh hoạt bố trí thời gian làm việc; ưu tiên đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật theo hướng tăng tự động hóa và thân thiện môi trường; đào tạo nâng cao đội ngũ thiết kế, phát triển mẫu, kinh doanh, kiểm soát chất lượng, không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh về chất lượng sản phẩm, dịch vụ chăm sóc người tiêu dùng; ưu tiên đồng hành với khách hàng hiện hữu, tìm kiếm thêm khách hàng mới. Đặc biệt coi trọng chính sách chăm lo, bảo đảm an sinh xã hội, trả lương đầy đủ cho gần 13 nghìn người lao động.
Theo dự báo tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong quý I năm 2023 của Cục Thống kê tỉnh: Có 65,6% số doanh nghiệp dự báo tình hình sản xuất, kinh doanh ổn định và tốt lên; 34,35% khó khăn hơn so với hiện tại, nhất là nhóm doanh nghiệp ngành dệt may, da giày với sự sụt giảm về đơn hàng, chi phí đầu vào ở mức cao và thiếu hụt nguồn cung nguyên vật liệu. Tuy nhiên, theo đánh giá của UBND tỉnh, kinh tế năm 2023 có thể chưa tốt như giai đoạn những tháng đầu năm 2022 nhưng vẫn lạc quan, giảm khó so với nửa cuối năm 2022. Đặc biệt, Nam Định có thuận lợi để phát triển kinh tế từ “đà” tăng trưởng GRDP 9,07% của năm 2022; các doanh nghiệp vẫn còn nhiều dư địa để phục hồi, tăng trưởng nếu áp dụng tăng cường, đồng bộ, linh hoạt các giải pháp. Các cấp chính quyền, ngành chức năng sẽ tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp chuẩn bị đầy đủ các điều kiện thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, bảo đảm nguồn cung và lưu thông hàng hóa, giảm áp lực lạm phát; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, không để phát sinh đầu cơ, tích trữ, thao túng giá của các nguyên vật liệu phục vụ sản xuất. Tỉnh cũng khuyến khích các doanh nghiệp cần tập trung triển khai các giải pháp khắc phục khó khăn, tận dụng cơ hội phát triển ngành và hội nhập quốc tế. Đặc biệt, cần chú trọng theo sát chuyển động thực tiễn thị trường đảm bảo chủ động để khi khách hàng tăng chi tiêu thì doanh nghiệp tăng sản xuất, dòng luân chuyển của kinh tế sẽ được nối lại liên tục.
Một năm khởi đầu từ mùa xuân, mùa của sinh sôi, phát triển. Tinh thần phấn khởi, nỗ lực thi đua đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh ngay từ những ngày đầu xuân của các doanh nghiệp tạo khí thế hướng tới mục tiêu thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; tạo nền móng để hoàn thành thắng lợi các Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin