Tiên phong khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo

19:55, 07/12/2022

Hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo được xác định là một trong những yếu tố then chốt thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, trong đó thanh niên là lực lượng hùng hậu, luôn thể hiện bản lĩnh, trí tuệ, không ngừng phấn đấu để hiện thực hóa, chinh phục ước mơ. Cùng với sự hỗ trợ tích cực của tổ chức Đoàn trên địa bàn tỉnh, nhiều thanh niên với mong muốn cống hiến cho quê hương, đất nước đã trở thành đội ngũ tiên phong trong phong trào khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

Dự án “Phát triển làng nghề truyền thống Bách Cốc cổ” của anh Vũ Minh Ngọc, phường Thống Nhất (thành phố Nam Định) đạt giải Ba cuộc thi “Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn” năm 2021 do Trung ương Đoàn tổ chức.
Bài và ảnh: ngọc ánh
Dự án “Phát triển làng nghề truyền thống Bách Cốc cổ” của anh Vũ Minh Ngọc, phường Thống Nhất (thành phố Nam Định) đạt giải Ba cuộc thi “Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn” năm 2021 do Trung ương Đoàn tổ chức. 

Nhận thấy việc chôn lấp để xử lý rác thải sinh hoạt thường tốn rất nhiều diện tích, gây ô nhiễm môi trường, anh Trần Xuân Trường, xã Thọ Nghiệp (Xuân Trường) đã nảy sinh ý tưởng chế tạo 1 hệ thống xử lý rác thải đơn giản, hiệu quả phù hợp với điều kiện địa phương. Đi tham khảo nhiều hệ thống xử lý rác thải ở nhiều cơ sở, nghe tư vấn từ nhiều đơn vị chuyên môn, đặc biệt là quyết tâm “thôi thúc” xử lý rác thải một cách triệt để. Anh đã thành lập Công ty TNHH một thành viên kinh doanh thương mại tổng hợp Vĩnh Phát. 

Sau nhiều lần nghiên cứu, điều chỉnh, anh Trường đã chế tạo thành công hệ thống phân loại rác thải cân bằng sinh thái gồm đầy đủ các bộ phận như: thiết bị phân loại rác hữu cơ, rác vô cơ, nilon; thiết bị làm sạch và sấy khô rác nilon; lò đốt; khu xử lý rác hữu cơ… Cơ chế vận hành của lò là: rác thải sinh hoạt từ các hộ gia đình được thu gom tập kết về xưởng sản xuất đã được máy phân loại thành các phần riêng biệt. Rác thải hữu cơ được kết hợp chế phẩm sinh học tái chế thành phân hữu cơ; rác thải nhựa cứng được phân loại riêng, rác thải nilon mỏng được làm sạch, sấy khô để bán cho đơn vị tái chế nilon. Chỉ sành sứ, gạch đá, vải còn lại với khối lượng rất ít là được đốt hoặc chôn lấp. Mặc dù công suất còn nhỏ so với các xí nghiệp xử lý rác thải chuyên nghiệp song hệ thống phân loại và xử lý rác thải đang áp dụng rất hiệu quả tại địa phương, dễ vận hành, khai thác được nguồn tài nguyên, khắc phục được nhược điểm của máy xử lý rác thải nhập khẩu là giá cao, phải sử dụng công nhân có tay nghề cao để vận hành… Hiện Công ty đầu tư 6 tỷ đồng để phục hồi xử lý bãi rác thải chôn lấp tại xã với diện tích 0,85ha, trồng cây xanh và xây dựng sân bóng đá, cung cấp dịch vụ giải trí lành mạnh cho thanh, thiếu niên; đầu tư công nghệ lò đốt và dây chuyền xử lý rác thải hiện đại, tổ chức thu gom, xử lý rác cho 100% các xóm trong xã; tạo việc làm cho 15 công nhân làm việc trực tiếp tại khu xử lý rác thải với thu nhập từ 4-5 triệu đồng/người/tháng; hàng năm ước đạt doanh thu 3 tỷ đồng, lợi nhuận 700 triệu đồng.

Trong 1 lần đi trên đường nhặt được khung lẵng hoa bỏ đi; nhìn sản phẩm khá đơn giản, anh Trần Văn Đức, xã Trực Tuấn (Trực Ninh) tự hỏi “quê mình nhân công nhiều sao mà phải nhập hàng ở nơi khác về? Sao mình không thử tự làm?”. Nghĩ là làm. Anh Đức đã đầu tư xây dựng hệ thống nhà xưởng cùng nhiều thiết bị phục vụ sản xuất như máy hàn, máy mộc pha chế gỗ, sắt làm khung và nhập nguyên liệu gỗ, tre nứa, mây, cói… để sản xuất lẵng hoa, giỏ hoa mây tre đan. Qua thời gian vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, vừa học hỏi trên thị trường, từ chỗ chỉ sản xuất nhỏ hẹp trong phạm vi gia đình, anh Đức đã dần mở rộng 2 xưởng sản xuất giỏ hoa với diện tích 1.500m2, tạo việc làm cho 30 lao động thường xuyên và 100 lao động thời vụ. Năm 2021, doanh thu cơ sở sản xuất giỏ hoa Đức Thiện của anh đạt gần 4 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 760-800 triệu đồng.

Hai anh Trần Xuân Trường và Trần Văn Đức là những gương thanh niên nông thôn tiêu biểu được vinh danh trong lễ trao Giải thưởng Lương Định Của lần thứ 17 diễn ra vào tháng 11 vừa qua tại thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng). Đây là giải thưởng thường niên nhằm ghi nhận, biểu dương, tôn vinh những thanh niên nông thôn có thành tích đặc biệt xuất sắc trong sản xuất, kinh doanh, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ, phát triển ngành nghề, bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới. Trước đó, trong cuộc thi “Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn” năm 2021, thanh niên Nam Định đã được vinh danh trên bản đồ khởi nghiệp quốc gia với 1 giải Nhất dành cho Dự án “Nông trại cờ đỏ” của anh Lương Văn Trường, xã Nghĩa Trung (Nghĩa Hưng); 1 giải Ba dành cho Dự án “Phát triển làng nghề truyền thống Bách Cốc cổ” của anh Vũ Minh Ngọc, phường Thống Nhất (thành phố Nam Định). Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện một số mô hình thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tiêu biểu như: chế biến, kinh doanh thực phẩm của anh Phạm Văn Phong, thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu); sản phẩm OCOP “Trà sáng tạo” của chị Bùi Thị Thủy, xã Thọ Nghiệp (Xuân Trường); nông nghiệp sạch “Nông trại DOFARM” của anh Đỗ Văn Hợp, xã Nam Thái (Nam Trực); kinh tế trang trại tổng hợp của anh Nguyễn Tiến Hà, xã Liên Minh (Vụ Bản)… 

Những năm qua, phong trào khởi nghiệp nói chung và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của thanh niên Nam Định đã đạt được những kết quả quan trọng. Thông qua các hoạt động tuyên truyền, định hướng khởi nghiệp, tìm kiếm, phát triển và hỗ trợ các ý tưởng, dự án khởi nghiệp, Đoàn Thanh niên các cấp đã có nhiều hình thức để hỗ trợ đoàn viên, thanh niên khởi nghiệp trên chính mảnh đất quê hương. Bên cạnh đó, tổ chức Đoàn đã quan tâm nhân rộng các mô hình thanh niên khởi nghiệp thành công và thanh niên làm kinh tế giỏi để tạo sự lan tỏa, hun đúc tinh thần khởi nghiệp, tính sáng tạo trong thanh niên. Triển khai công tác hỗ trợ thanh niên vay vốn phát triển kinh tế, tính đến hết quý III-2022, Tỉnh Đoàn có 186 tổ tiết kiệm vay vốn với gần 6.000 khách hàng vay, tổng dư nợ là 202,6 tỷ đồng thông qua Chương trình ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh. Từ nguồn vốn giải quyết việc làm của Trung ương Đoàn, đến ngày 28-11-2022 đã có 23 dự án của thanh niên được vay gần 1,5 tỷ đồng. Nhờ nguồn vốn vay của Trung ương Đoàn và Ngân hàng Chính sách xã hội, nhiều hộ thanh niên trong tỉnh đã có điều kiện làm ăn, vươn lên thoát nghèo. Nhiều thanh niên đã khởi nghiệp trên tất cả các lĩnh vực kinh tế qua việc phát huy thế mạnh nông nghiệp và các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, các sản phẩm OCOP… Nhằm nâng cao nhận thức, khát vọng khởi nghiệp, phát triển năng lực khởi nghiệp của thanh niên trong tỉnh, tham gia kiến tạo môi trường hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp phát triển đất nước, quê hương trên cơ sở khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện chương trình “Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp” giai đoạn 2022-2030 với các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm là: tuyên truyền nâng cao nhận thức của thanh niên về chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về khởi nghiệp, phát triển kinh doanh, về vai trò của thanh niên đối với sự phát triển kinh tế; hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp và phát triển kinh doanh; phát triển hệ sinh thái hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp; nghiên cứu, đề xuất chính sách, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, phát triển kinh doanh…

Với các giải pháp thiết thực, hiệu quả, các cấp, ngành trong tỉnh đang đồng hành sát cánh cùng thanh niên trong lập nghiệp, khởi nghiệp, phát huy tinh thần xung kích của tuổi trẻ vào thực tiễn sản xuất và đời sống, đáp ứng yêu cầu quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của đất nước./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh


 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com