Phát triển kinh tế biển ở Phúc Thắng

07:40, 06/12/2022

Xã Phúc Thắng (Nghĩa Hưng) được thành lập trên cơ sở sáp nhập 2 xã Nghĩa Thắng và Nghĩa Phúc. Thời gian qua, xã đã tập trung thực hiện nhiều biện pháp đẩy mạnh phát triển kinh tế thủy sản trên các lĩnh vực: khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy sản, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.

Cơ sở sản xuất nước mắm Lạch Giang của chị Phạm Hồng Mịn, xóm 5, xã Phúc Thắng được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao từ năm 2020.
Cơ sở sản xuất nước mắm Lạch Giang của chị Phạm Hồng Mịn, xóm 5, xã Phúc Thắng được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao từ năm 2020.

Nuôi trồng thủy sản được coi là một trong những “mũi nhọn” kinh tế của địa phương. Hiện nay, toàn xã có 193ha nuôi thủy sản với các đối tượng chủ lực như: tôm thẻ chân trắng, ngao, cua biển… Tổng giá trị nuôi trồng hàng năm đạt gần 40 tỷ đồng. Hưởng ứng phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, trên địa bàn xã ngày càng có nhiều gương hội viên nông dân tiêu biểu với mức thu nhập hàng trăm triệu đến hơn một tỷ đồng/năm trở lên. Tiêu biểu như hộ các anh: Vũ Văn Chức, Nguyễn Văn Dương ở xóm 3; Đinh Văn Bản ở xóm 10… Gia đình anh Vũ Văn Chức sản xuất giống ngao và nuôi ngao thương phẩm đã được gần 20 năm. Đến nay, mỗi năm cơ sở của anh Chức sản xuất khoảng 400-500 tấn ngao, xuất bán đi các địa phương trong tỉnh và các tỉnh Ninh Bình, Thái Bình… Năm 2020 sản phẩm ngao của anh được chứng nhận đạt tiêu chuẩn ASC (Chứng nhận theo tiêu chuẩn ASC là sự xác nhận cấp quốc tế đối với thủy sản được nuôi có trách nhiệm, giảm thiểu tối đa tác động xấu lên môi trường, hệ sinh thái, cộng đồng dân cư và đảm bảo tốt các quy định về lao động). Hiện cơ sở của gia đình anh Chức đang tạo việc làm cho 30-35 lao động địa phương với mức lương 7 triệu đồng/người/ tháng. Mô hình nuôi tôm công nghệ cao của hộ ông Đinh Văn Bản, xóm 10, có 4 ao nuôi. Ao nuôi tôm đều được thiết kế kiểu ao nổi với ưu điểm đón được nhiều gió, nhiều ánh sáng nên hạn chế được rủi ro cho đàn tôm trong điều kiện thời tiết diễn biến thất thường, môi trường không ổn định. Ao nổi còn có ưu điểm là thuận tiện cải tạo vệ sinh phơi nền đáy được dài ngày nên hạn chế mầm bệnh. Với mô hình đầu tư khá hiện đại, khép kín nên có thể thả tôm nuôi thâm canh với mật độ khá dày, trung bình từ 200-290 con/m2, sau khoảng 100 ngày thả nuôi có thể thu hoạch, tôm đạt kích cỡ 35-40 con/kg. Ông Bản dành 3 ao lớn để nuôi tôm, ao còn lại ông dùng để xử lý nguồn nước đầu vào. Từ đầu năm đến nay, ông Bản đã thu được khoảng 5 tấn tôm thương phẩm, thu lãi khoảng 700 triệu đồng. Anh Nguyễn Văn Dương ở xóm 3 có 10ha nuôi tôm, ngao... Đầu năm 2022, qua tìm hiểu, anh nhận thấy thị trường hiện nay đang có nhu cầu về ốc hương rất lớn. Đây là loại ốc có chất lượng thịt thơm ngon, giàu chất dinh dưỡng nên anh đã mạnh dạn nuôi thử nghiệm ốc hương thương phẩm. Bước đầu mô hình nuôi thử nghiệm ốc hương đã có những thành công nhất định. Anh Dương cho biết: “Ốc hương có khả năng kháng bệnh rất tốt, ít chịu tác động bởi ô nhiễm môi trường, thời gian nuôi ngắn, rất thích hợp với những vùng nước mặn, có thể phát triển được ở vùng nước có độ mặn lên đến 20-30 phần nghìn, thức ăn đơn giản là các loại cá tạp ngoài biển”. Thời gian đầu, anh nuôi thử nghiệm thành công ốc hương trên diện tích gần 1.000m2 với số lượng 5 triệu con giống. Đến nay ốc sinh trưởng tốt và bắt đầu bán ra thị trường. Anh Dương cho biết khi thả giống cần chú ý chọn con giống có kích cỡ đồng đều, không bị biến dạng, có màu sắc đặc trưng, không thả giống quá nhỏ để tránh hao hụt. Cần chú ý loại bỏ những con ốc bị vỡ vỏ, đặc biệt là phần cuối của vỏ. Mật độ nuôi vừa phải, tối đa khoảng 500 con/m2. Trước khi thả cần để ốc giống thích nghi dần với nhiệt độ nước ao, không thả ngay để tránh ốc bị sốc nhiệt. Đáy ao được trải bạt và phun cát dày 20cm, xung quanh mép nước được vây lưới để tránh trường hợp ốc bò ra ngoài, gây thất thoát, đồng thời giúp việc chăm sóc và kiểm soát được lượng thức ăn hàng ngày dễ dàng hơn, giảm tình trạng ô nhiễm nguồn nước.

Bên cạnh nuôi trồng, lĩnh vực chế biến thủy sản trên địa bàn xã Phúc Thắng cũng khá phát triển với gần 20 cơ sở chuyên sản xuất nước mắm, mắm tôm, chế biến bột cá… Cơ sở sản xuất nước mắm Lạch Giang của gia đình chị Phạm Hồng Mịn ở xóm 5 là một trong những cơ sở chế biến tiêu biểu của xã. Sản phẩm nước mắm Lạch Giang đã được công nhận là sản phẩm OCOP, đánh giá 3 sao từ năm 2020. Nước mắm được chế biến từ cá lâm, một loài cá thuộc họ cá trích, giàu đạm, thơm ngon được thị trường ưa chuộng. Mỗi năm cơ sở  tiêu thụ khoảng 5.000 lít nước mắm, được cung cấp đi các tỉnh, thành phố trên cả nước. Hay cơ sở chế biến hải sản của anh Nguyễn Văn Chiến, xóm 10 đầu tư dây chuyền liên hoàn các công đoạn hấp, sấy, nghiền trị giá hàng tỷ đồng chuyên chế biến bột cá nhạt cung ứng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi. Bình quân mỗi tháng, cơ sở thu mua trên 200 tấn cá tạp các loại, tạo việc làm, thu nhập cho 10 lao động. Ngoài ra còn một số cơ sở chế biến thủy, hải sản có hiệu quả khá như cơ sở của các ông: Vũ Văn Chiến, xóm 3; Nguyễn Vũ Cẩm, xóm 10... Bên cạnh đó, lĩnh vực khai thác thủy sản ở Phúc Thắng cũng tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động. Toàn xã hiện có 130 tàu, thuyền các loại với tổng công suất là 5.315CV hoạt động các nghề khai thác ven bờ, thả lưới rê và đánh bắt xa bờ ở các ngư trường từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa. Sản lượng khai thác hải sản hàng năm đạt khoảng 3.900 tấn với tổng giá trị trên 224 tỷ đồng.

Để tạo điều kiện cho người dân phát triển nuôi trồng, khai thác thủy hải sản, xã Phúc Thắng tiếp tục khuyến khích, tạo điều kiện cho các chủ tàu tăng cường bám biển tổ chức sản xuất hiệu quả trên biển; duy trì tốt hoạt động của các cơ sở chế biến hải sản; đẩy mạnh phối hợp mở các lớp tập huấn kỹ thuật nuôi thủy sản cho nông dân... góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương./. 

Bài và ảnh: Thanh Hoa
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com