Những tín hiệu tích cực từ chăn nuôi gia cầm

08:11, 07/12/2022

Hiện nay, giá gia cầm giống, gia cầm thịt, trứng duy trì ở mức cao nhất trong khoảng 3 năm trở lại đây, do đó chăn nuôi gia cầm đang phát triển ổn định trở lại, tạo thêm nhiều việc làm và thu nhập cho người nuôi.

Trang trại của ông Nguyễn Văn Năng, xã Trực Hùng (Trực Ninh) thu về trên dưới 10 nghìn quả trứng/ngày mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Trang trại của ông Nguyễn Văn Năng, xã Trực Hùng (Trực Ninh) thu về trên dưới 10 nghìn quả trứng/ngày mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Qua khảo sát thị trường cho thấy, hiện giá gà giống dao động khoảng 15-16 nghìn đồng/con bán xô, nếu người mua chọn thì giá bán 27-28 nghìn đồng/con; giá ngan, vịt giống cũng đang ở mức cao, bán xô khoảng 25 nghìn đồng/con. Như vậy, giá gia cầm giống tăng từ 4.000-7.000 đồng/con tùy loại. Lý giải cho điều này, theo các hộ chăn nuôi thì dịp cuối năm đang là thời điểm các hộ chăn nuôi tăng đàn, tái đàn chuẩn bị nguồn cung phục vụ thị trường tết nên nhu cầu về con giống tăng cao. Ngoài ra, hơn 2 năm qua, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và các loại dịch bệnh trên động vật nuôi diễn biến phức tạp, giá các loại thức ăn chăn nuôi tăng đột biến, có thời điểm giảm sâu khiến người chăn nuôi thua lỗ phải bỏ nuôi dẫn đến nguồn cung con giống giảm, vì thế giá gia cầm giống tăng. 

Cũng như gia cầm giống, từ đầu năm đến nay, giá trứng gia cầm các loại duy trì mức cao, mang lại thu nhập khá cho người nuôi. Duy trì quy mô 18 nghìn con gà sinh sản, mỗi ngày ông Nguyễn Văn Năng, xã Trực Hùng (Trực Ninh) thu về trên dưới 10 nghìn quả trứng. Theo ông Năng, để bảo đảm hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi, ngoài việc tuân thủ quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, ông chú trọng lựa chọn giống gà bảo đảm chất lượng, khỏe mạnh. Gà siêu trứng là giống gà cao sản và cho năng suất cao về sản phẩm trứng gà, tỷ lệ đẻ duy trì từ 60-80%. Trứng gà to đều, lòng đỏ to, thơm ngon. Gà có khả năng chống chịu bệnh tốt, có thể nuôi nhốt hoặc thả vườn, là loài dễ nuôi, đẻ trứng khỏe. Từ đầu năm 2022 đến nay, giá trứng gà tăng dần và duy trì ổn định. Hiện, trứng gà có giá 3.400-3.600 đồng/quả, thương lái thu mua nhanh nên người chăn nuôi có lãi. Đối với gà thịt, giá bán hiện cũng ở mức 75-80 nghìn đồng/kg. Anh Nguyễn Văn Thế, thôn Đắc Lực, xã Liên Bảo (Vụ Bản) cho biết: Sau khi “bỏ chuồng” hơn 1 năm do dịch bệnh, tôi đã đầu tư xây dựng 2 chuồng, nuôi 1.200 con gà ri lai/lứa. Hiện, tôi đang xuất bán lứa gà đầu với giá 75 nghìn đồng/kg, lãi hơn 40 triệu đồng/1.000 con. Tôi đang tiếp tục nuôi gối sóng 1.500 con gà để phục vụ thị trường tết… Theo nhận định của những người có kinh nghiệm trong nghề chăn nuôi, từ nay đến tết giá gà thịt khó giảm và nếu giảm thì cũng không giảm đến mức làm người nuôi thua lỗ bởi hiện nay các hoạt động kinh doanh dịch vụ đang phục hồi mạnh mẽ trở lại sẽ làm tăng nhu cầu về thực phẩm. Đặc biệt, càng gần đến cuối năm nhu cầu này càng tăng mạnh để phục vụ cho các hoạt động cưới xin, lễ hội. “Chúng tôi hy vọng giá gà duy trì ở mức trên 75 nghìn đồng/kg để người chăn nuôi có thu nhập để bù đắp cho hơn 2 năm thua lỗ do dịch COVID-19”, anh Thế chia sẻ thêm.

Theo đánh giá của Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN và PTNT): Giá gia cầm và sản phẩm từ gia cầm tăng là phù hợp với quy luật thị trường khi nhu cầu tăng, chi phí đầu vào cho chăn nuôi tăng. Thời gian qua, dịch bệnh trên đàn vật nuôi cơ bản được kiểm soát nên chăn nuôi gia cầm phát triển ổn định. Tổng đàn gia cầm toàn tỉnh ước đạt 9,5 triệu con, tương đương năm 2021. Sản lượng thịt gia cầm ước đạt 33 nghìn tấn, vượt 11,3% so với kế hoạch năm 2022, tăng 639 tấn (2%) so với năm 2021. Sản lượng trứng gia cầm ước đạt 450 triệu quả, tăng 36,3 triệu quả (8,8%) so với năm 2021. Hiện tại, các cơ sở chăn nuôi đang tập trung tái đàn, duy trì tổng đàn nhằm tăng cường nguồn cung thực phẩm cho thị trường cuối năm và các kỳ lễ, tết sắp tới. Phó Giám đốc Sở NN và PTNT Hoàng Thị Tố Nga khuyến cáo: người chăn nuôi chỉ tái đàn, tăng đàn khi bảo đảm đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất. Trong quá trình nuôi cần thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, kiểm soát tốt nguồn giống; thường xuyên vệ sinh, khử trùng tiêu độc chuồng trại; thực hiện tốt đợt tiêm phòng vụ thu đông. Chú ý xử lý nền chuồng bằng men vi sinh, thay mới chất độn chuồng, cho gà uống kháng sinh và kháng sinh thảo dược để phòng các bệnh về đường ruột và hô hấp khi thời tiết thay đổi. Với việc tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, hoàn toàn có cơ sở khẳng định thực phẩm cuối năm nay dồi dào, bảo đảm đủ nguồn cung đáp ứng nhu cầu của thị trường. 

Từ nay đến Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, ngành Nông nghiệp tập trung hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi đẩy nhanh việc tái đàn, nâng cao hiệu quả sản xuất. Sở NN và PTNT đề nghị các địa phương theo dõi sát tình hình dịch bệnh, nhất là các bệnh nguy hiểm như bệnh dịch tả lợn châu Phi, cúm gia cầm, lở mồm long móng, tai xanh, viêm da nổi cục… để chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống, dập dịch ngay, không để phát sinh ổ dịch và hạn chế lây lan, ảnh hưởng đến nguồn cung đáp ứng nhu cầu thị trường dịp cuối năm./.

Bài và ảnh: Văn Đại
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com