Mô hình khởi nghiệp “Làng sinh thái cộng đồng ven biển”

23:41, 29/12/2022

Vườn quốc gia Xuân Thủy là vùng bãi bồi rộng lớn thuộc huyện Giao Thủy, nơi nổi tiếng là điểm đến hàng năm của các loài chim di cư quý hiếm như cò thìa, rẽ mỏ thìa… Đây là khu Ramsar đầu tiên của Việt Nam và Đông Nam Á với hệ sinh thái cửa sông ven biển điển hình của miền Bắc, quan trọng không chỉ về mặt sinh thái mà còn cả về kinh tế - xã hội, có tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái. 

Du khách tham quan trải nghiệm tại “Làng sinh thái cộng đồng ven biển” của chị Doãn Thị Thoa, xã Giao An (Giao Thủy).
Bài và ảnh: Văn Huỳnh
Du khách tham quan trải nghiệm tại “Làng sinh thái cộng đồng ven biển” của chị Doãn Thị Thoa, xã Giao An (Giao Thủy). 

Tuy nhiên, hiện nay khu bảo tồn thiên nhiên Vườn quốc gia Xuân Thủy đang phải đối mặt với những thách thức to lớn như ô nhiễm môi trường, tàn phá thiên nhiên vùng ven biển đang trở nên nghiêm trọng. Theo số liệu thống kê đến nay, diện tích rừng trong đầm nuôi tôm đã giảm đi một nửa. Năm 2008, diện tích rừng trong đầm khoảng 545ha, đến năm 2020 giảm xuống còn 250ha. Đó là sự báo động về nạn tàn phá thiên nhiên, nếu không hành động kịp thời sẽ gây ra hậu quả nặng nề. Dự án khởi nghiệp “Làng sinh thái cộng đồng ven biển” của chị Doãn Thị Thoa, xã Giao An ra đời với mục đích khai thác du lịch bền vững, trả lại nguyên vẹn hệ sinh thái tự nhiên và cải thiện đời sống của người dân địa phương cũng như nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho mọi người. 

Là người sinh ra và lớn lên tại vùng đất Giao Thuỷ, đau đáu ý tưởng xây dựng ngôi làng sinh thái ven biển nhằm phục hồi những giá trị của tự nhiên, năm 2018 chị Doãn Thị Thoa đã từ bỏ công việc ổn định ở Hà Nội về quê xây dựng Hợp tác xã Khang Tường, với 10 thành viên cùng chung ý tưởng nuôi trồng thủy sản sạch, thuận tự nhiên được đánh bắt. Được sự giúp đỡ của các cấp chính quyền, ban quản lý Vườn quốc gia Xuân Thủy, chị Thoa và nhiều nông dân tiên phong nói không với sản phẩm nuôi công nghiệp, ngăn chặn phá rừng làm đầm. Chị chọn phương thức hợp tác xã chỉ tiêu thụ sản phẩm từ những đầm có rừng sú vẹt rồi làm thương hiệu, chào mời các cửa hàng thực phẩm sạch. Từ ngày có đầu ra cho sản phẩm, giá trị thu mua cao hơn là động lực để những chủ đầm thêm niềm tin giữ rừng. 

Khi công việc kinh doanh thủy hải sản bắt đầu thuận lợi, chị Thoa đã trích ngay lợi nhuận, góp quỹ trồng rừng ngập mặn. Thông qua trang facebook, những bạn bè, khách hàng của chị đã tin tưởng thậm chí cùng chị chung tay, góp sức để trồng lại rừng ngập mặn ở những đầm nuôi ngao, nuôi tôm. Chị Thoa cũng là người tiên phong trồng 1.000 cây ở đầm nhà, mua tặng xã 400 cây sấu trồng 2 bên đường. Khi cây cối tốt tươi, chị sang các đầm bên cạnh vận động vừa trồng cây trên bờ vừa trồng cây dưới nước. Theo mô hình của chị Thoa, nhiều chủ đầm đã triển khai làm đầm không phá rừng mà trồng thêm cây để gây rừng. Bên cạnh đó, mỗi tháng chị trích lợi nhuận từ 2-5 triệu đồng rồi cả năm gom vài chục triệu đồng, kêu gọi bạn bè trồng cây ở đầm, bờ sông, kênh lạch, cồn ngoài biển. Trong 2 năm qua, chị Thoa đã trích lợi nhuận gần 60 triệu đồng để trồng rừng. Trước đó, hàng chục dự án trồng cây chắn sóng, phi lao kết hợp cùng các đoàn thể, các em học sinh ở khắp các địa phương trồng lại hàng chục nghìn cây xanh với mong muốn phủ xanh những cánh rừng ngập mặn đã bị chặt phá.

Với lợi thế từ Vườn quốc gia Xuân Thủy đã có sẵn tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái nhưng chưa được khai thác hiệu quả, trong khi người dân vẫn luôn gặp khó khăn để duy trì ổn định cuộc sống; đặc biệt trước kia 5ha khu đầm rừng tự nhiên đã bị chặt phá để nuôi ngao giống làm ô nhiễm môi trường, khiến các loài rong rêu tự nhiên chết sạch, chị Thoa đã vận động các chủ đầm thử trồng rừng, phục hồi lại hệ sinh thái của khu đầm này. Chị Thoa hỗ trợ giống là những cây sú, vẹt bên dưới, bên trên là những cây dừa, cây bần chua, cây so đũa… Không chỉ tạo sinh thái cảnh quan, rễ của những loại cây này khi bén đất sẽ làm nơi trú ngụ cho tôm, cua, cá mỗi khi nước triều lên. Chỉ trong vòng chưa đầy 1 năm, những cây sú, cây vẹt đã bắt đầu bén rễ, cao từ 50-80cm. Những dấu vết của cua, cáy, của các loài chim di cư đã xuất hiện. 

Từ những thành công bước đầu, nhiều chủ đầm trong Vườn quốc gia Xuân Thủy đã cùng với chị Thoa tham gia dự án “Làng sinh thái cộng đồng ven biển”. Từ 5ha trồng rừng ngập mặn chị Thoa đang phủ xanh và tiếp tục được tin tưởng để hỗ trợ cho 5 đầm ngao giống trồng lại rừng. Bất cứ ai có nhu cầu về trồng rừng ngập mặn, chị đều đón tiếp và sẵn sàng hỗ trợ. Để dự án phát triển, chị Doãn Thị Thoa đã xây dựng kế hoạch nhằm nâng cấp chuỗi giá trị du lịch sinh thái bền vững, bao gồm giá trị sản vật địa phương và bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống. Trong đó, đã trồng bổ sung vào diện tích cây xanh trong rừng ngập mặn bị chặt phá như 5.000 cây sú, vẹt/năm; trồng thêm các loại rau trên những mảnh đất đã được tái tạo ven bờ đê; bảo tồn và phát triển vùng an toàn của Vườn quốc gia (bán kính 3km tính từ lõi của Vườn quốc gia) cho các loài chim quý hiếm, trong đó có các loài được liệt vào sách đỏ thế giới như cò mỏ thìa, rẽ mỏ thìa...; hướng dẫn người dân địa phương trồng trọt, chăn nuôi thủy hải sản thuận tự nhiên (không sử dụng các chất hóa học trong chăn nuôi hay sử dụng thức ăn công nghiệp), loại bỏ dần mô hình nuôi trồng công nghiệp (chặt phá những cây tự nhiên trong đầm và sử dụng chất hóa học trong nuôi trồng); sử dụng các sản phẩm hữu cơ, có thể tái chế, thân thiện với môi trường, không phát sinh rác thải vật lý; phát động phong trào “Mùa hè xanh” như trồng cây xanh, dọn và phân loại rác… cho học sinh, sinh viên địa phương vào dịp hè. 

Từ những kết quả đó, bước đầu chị Thoa đã triển khai dự án tại các đầm nuôi trồng thủy sản của Hợp tác xã mang đến cho khách tham quan là Tour du lịch sinh thái bền vững ECO SEA cung cấp những trải nghiệm tuyệt vời cho du khách khi tới thăm Vườn quốc gia Xuân Thủy. Tại đây, du khách tham gia nhiều hoạt động thú vị như đi thuyền ngắm thiên nhiên Vườn quốc gia với nhiều loài động, thực vật hoang dã và chim di cư quý hiếm, nghe giới thiệu về hệ sinh thái ngập nước Xuân Thủy, đạp xe ngắm cảnh, chụp ảnh, thưởng thức hải sản và các nét sinh hoạt văn hóa về đêm bên sông nước... Đặc biệt, được trực tiếp trải nghiệm trở thành những người nông dân, ngư dân tại ECO SEA từ khâu nuôi trồng tới khâu đánh bắt. Thông qua Tour ECO SEA, một tour du lịch trải nghiệm bền vững dựa trên sự tham gia đóng góp của cộng đồng địa phương đã giúp tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân qua liên kết chuỗi sản phẩm dịch vụ. Dự án khởi nghiệp “Làng sinh thái ven biển” của chị Thoa đã lọt vào chung kết cuộc thi “Khởi nghiệp Nông nghiệp - Đổi mới sáng tạo” năm 2022 do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức và được Ban tổ chức đánh giá cao./.

Bài và ảnh: Văn Huỳnh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com