Sức bật mới của nền kinh tế

23:19, 29/12/2022

Nhìn lại năm 2022, trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều khó khăn, bất ổn, nhiều nền kinh tế suy giảm tăng trưởng song kinh tế - xã hội của tỉnh vượt qua đại dịch COVID-19, đã có bước phục hồi mạnh mẽ và tương đối toàn diện, các cân đối lớn luôn được đảm bảo, nền tảng vĩ mô ổn định.

Doanh nghiệp đầu tư nhà xưởng sản xuất, kinh doanh tại xã Nghĩa Minh (Nghĩa Hưng).
Ảnh: Viết Dư

Doanh nghiệp đầu tư nhà xưởng sản xuất, kinh doanh tại xã Nghĩa Minh (Nghĩa Hưng).

Ảnh: Viết Dư

Nền kinh tế tăng trưởng ấn tượng

Theo UBND tỉnh, năm 2022: Tổng sản phẩm GRDP tăng 9,07%, cao nhất từ trước đến nay. Một số ngành, lĩnh vực duy trì mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ và cao hơn bình quân chung của cả nước. Sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh duy trì đà phục hồi và đạt mức tăng trưởng khá; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 14,62% so với năm 2021, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có tốc tộ tăng cao nhất, tăng 14,58%. Toàn tỉnh đã xây dựng được 453 “cánh đồng lớn” với tổng diện tích 19.150ha, trong đó có 3.316ha được bao tiêu sản phẩm. Tình hình chăn nuôi phát triển ổn định; dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm được kiểm soát tốt, không để lây lan trên diện rộng; sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng cả năm ước đạt 155,5 nghìn tấn, bằng 100% kế hoạch và tăng 3,3% so với năm 2021; sản lượng thủy sản ước đạt 189,3 nghìn tấn, bằng 101,5% kế hoạch và tăng 6,0% so với năm 2021. Thị trường giữ vững ổn định; đảm bảo cân đối cung, cầu hàng hóa phục vụ sản xuất, kinh doanh và nhu cầu tiêu dùng của nhân dân; tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng xã hội ước đạt 60.295 tỷ đồng, tăng 14,4% so với năm 2021. Tổng giá trị hàng xuất khẩu trên địa bàn vượt mốc 3 tỷ USD, bằng 101,7% kế hoạch năm và tăng 14,4% so với năm 2021; giá trị hàng nhập khẩu ước đạt 1.615 triệu USD, tăng 9,3% so với năm 2021. Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt 8.000 tỷ đồng, bằng 121% dự toán năm. Các chỉ số kể trên cho thấy kinh tế của tỉnh năm 2022 đã phục hồi, tăng trưởng mạnh mẽ; đồng thời đã khẳng định được nội lực của nền kinh tế; khả năng chống chịu khá tốt mọi khó khăn, cũng như nhạy bén khai thác cơ hội mở ra sau đại dịch và nhanh chóng đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu của các doanh nghiệp. 

Biện pháp thiết thực

Những kết quả này có được là nhờ sự lãnh đạo thống nhất của cấp ủy Đảng, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, sáng tạo của các cấp chính quyền, ngành chức năng cùng sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp và người dân toàn tỉnh. Các cấp, các ngành chức năng đã quyết liệt thực hiện hiệu quả, thống nhất các chính sách hỗ trợ theo chỉ đạo của Chính phủ tạo động lực, kích thích cho cả tổng cung và tổng cầu, củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô và thúc đẩy cải cách thể chế kinh tế sâu rộng hơn theo đúng tinh thần của Nghị quyết 11/NQ-CP; trong đó đặc biệt chú trọng đến các chính sách tài khóa tạo thêm sức bật cho doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể.

Sản xuất đế và mũi giày tại Công ty TNHH Nice Power (Giao Thủy).
Sản xuất đế và mũi giày tại Công ty TNHH Nice Power (Giao Thủy).

Các ngành, các địa phương thúc đẩy việc cơ cấu lại nội bộ các ngành kinh tế theo hướng phát huy lợi thế so sánh và phát triển các chuỗi sản xuất - tiêu thụ sản phẩm chất lượng, giá trị gia tăng cao, ngày một đáp ứng nhu cầu khắt khe của người tiêu dùng, nhất là người tiêu dùng tại các thị trường nước ngoài. Thực hiện các giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) để tháo gỡ khó khăn, mở đường cho thủy sản của tỉnh vào thị trường châu Âu, đến nay, toàn tỉnh đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho 502/540 tàu cá, đạt 92,96% tổng số tàu thuộc diện phải lắp đặt. Tỉnh cũng đã hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có sản phẩm tham gia Chương trình OCOP, ước cả năm 2022 toàn tỉnh có thêm 60 sản phẩm được công nhận đạt hạng từ 3 sao trở lên; lũy kế đến nay toàn tỉnh đã có 251 sản phẩm OCOP. Các ngành, các địa phương còn tăng cường các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp chuẩn bị đầy đủ các điều kiện thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, bảo đảm nguồn cung và lưu thông hàng hóa, giảm áp lực lạm phát. Đối với các mặt hàng thiếu hụt trong ngắn hạn đã đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, không để phát sinh đầu cơ, tích trữ, thao túng giá; khuyến khích doanh nghiệp tăng cường giải pháp cắt giảm chi phí sản xuất, nhập khẩu kịp thời nguyên vật liệu. 

Bên cạnh đó, tỉnh chỉ đạo quyết liệt giải ngân và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công để tạo sức lan tỏa, hiệu ứng kích cầu đầu tư tư nhân và khu vực FDI. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn tỉnh trong năm 2022 ước đạt 50.075 tỷ đồng, tăng 16,5% so với năm 2021. Tổng nguồn vốn đầu tư công là 5.556,238 tỷ đồng. Các chương trình đầu tư được đảm bảo nguyên tắc có trọng tâm, trọng điểm; chú trọng đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là các dự án hạ tầng giao thông; khu, cụm công nghiệp có quy mô lớn, quan trọng, có tính kết nối liên vùng. Nhiều công trình, dự án trọng điểm đang triển khai như tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh, giai đoạn II dự án xây dựng tuyến đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - đường bộ ven biển, tỉnh lộ 488B, 485B, Khu Trung tâm lễ hội thuộc Khu di tích lịch sử - văn hóa thời Trần; Bệnh viện Đa khoa tỉnh... khi hoàn thành sẽ tạo diện mạo mới, động lực cho phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới. Quyết liệt triển khai chương trình chuyển đổi số, cải cách hành chính; 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện được cung cấp trực tuyến ở mức độ 4 và kết nối liên thông trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Chỉ số đánh giá về chuyển đổi số năm 2021 của tỉnh xếp thứ 11/63 tỉnh, thành phố. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021 đứng thứ 24/63 tỉnh, thành phố, tăng 16 bậc so với năm 2020, thuộc nhóm xếp hạng khá cả nước. Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2021 đứng thứ 16 trên toàn quốc, tương đương năm 2020. Chỉ số cải cách hành chính (PARINDEX) năm 2021 đứng thứ 40/63 tỉnh, thành phố, tăng 7 bậc so với năm 2020. Công tác quy hoạch được quan tâm nâng cao chất lượng và chỉ đạo sâu sát đảm bảo kịp thời, tạo cơ sở pháp lý cho công tác đầu tư phát triển và xúc tiến thu hút, kêu gọi đầu tư vào các địa bàn. Đã hoàn thành hồ sơ, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo quy định; phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng thị trấn các huyện đến năm 2030, quy hoạch xây dựng vùng liên huyện Hải Hậu - Giao Thủy và vùng liên huyện Nghĩa Hưng - Ý Yên đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050, quy hoạch phân khu hai bên Đại lộ Thiên Trường cùng nhiều quy hoạch quan trọng khác...

Tăng mạnh niềm tin với người dân, doanh nghiệp

Những biện pháp chỉ đạo, điều hành đúng hướng, thiết thực của các cấp chính quyền, ngành chức năng đã giúp nền kinh tế tỉnh phục hồi nhanh, mạnh mẽ. Người dân được đảm bảo đời sống vật chất, tinh thần, tiếp tục chung sức cùng Nhà nước đầu tư các công trình hạ tầng thúc đẩy phát triển sản xuất, văn hóa, xã hội. Phong trào chung sức xây dựng NTM được hưởng ứng tích cực. Trong năm 2022, đã có thêm 76 xã, thị trấn được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao; đưa tổng số toàn tỉnh đến nay có 182/204 (89%) xã, thị trấn đạt chuẩn NTM nâng cao; 23 xã, thị trấn đang hoàn thiện tiêu chí xã NTM kiểu mẫu; xã Giao Phong (Giao Thủy) đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (vượt chỉ tiêu Nghị quyết số 06-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh).

Sức hấp dẫn và kết quả thu hút đầu tư cũng chuyển biến tích cực. Đến ngày 25-11-2022, đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới và điều chỉnh tăng vốn cho 38 dự án với tổng số vốn đăng ký 31.187 tỷ đồng và 38,22 triệu USD (bao gồm 32 dự án đầu tư trong nước và 6 dự án FDI). Đặc biệt, Tập đoàn Xuân Thiện đã khởi công xây dựng dự án Nhà máy sản xuất cấu kiện bê tông đúc sẵn với tổng vốn đầu tư 900 tỷ đồng, nằm trong dự án tổng thể Tổ hợp Thép xanh Xuân Thiện Nam Định đầu tư tại khu vực Cồn Xanh (Nghĩa Hưng) với tổng vốn đầu tư 98.900 tỷ đồng. Ngoài ra, trong năm 2022, tiếp tục có nhiều doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn trong và ngoài nước tiếp cận, xúc tiến cơ hội đầu tư tại địa bàn tỉnh cho thấy các nhà đầu tư đang đặt niềm tin rất lớn vào môi trường đầu tư, vị thế kinh tế của Nam Định trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Năm 2023, là năm thứ ba thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025; là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để bảo đảm hoàn thành các mục tiêu phát triển tỉnh đã đề ra cho cả giai đoạn 2021-2025 và 2021-2030. Những kết quả đã đạt được trong năm 2022 là nền tảng, động lực để các cấp chính quyền và người dân, doanh nghiệp toàn tỉnh tiếp tục thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com