"Đất có nghề, quê khởi sắc"

07:41, 08/12/2022

Xã Điền Xá (Nam Trực) có 3.833 hộ, 13.725 nhân khẩu. Năm 2012, xã Điền Xá được công nhận là xã nghề (theo Quyết định số 1470/QĐ-UBND ngày 1-10-2012 của UBND tỉnh). Trong đó, các thôn Vị Khê, Lã Điền, Trừng Uyên được công nhận là làng nghề truyền thống; các thôn: Phú Hào, Thượng, Trung, Hạ được công nhận là làng nghề. Đồng chí Đào Hữu Khánh, Chủ tịch UBND xã Điền Xá cho biết: Sau khi về đích nông thôn mới (NTM), năm 2019, xã Điền Xá được UBND huyện chọn làm điểm xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu; thí điểm xây dựng “Mô hình tổ chức sản xuất làng nghề kiểu mẫu Vị Khê hướng tới du lịch sinh thái”. Đảng ủy xã ban hành Nghị quyết số 02/NQ-ĐU “Về đẩy mạnh phát triển kinh tế, phát huy thế mạnh của xã nghề trồng hoa, cây cảnh gắn với xây dựng NTM nâng cao”; hoàn thành quy hoạch, kế hoạch phát triển sản xuất với 2 sản phẩm chủ lực là lúa và cây cảnh. Theo đó, xã quy hoạch vùng trồng hoa với tổng diện tích là 240,05ha, diện tích đất vườn (đất thổ canh) là 179,73ha… Tổ chức thực hiện cải tạo, nâng cấp nhiều hạng mục công trình, cơ sở hạ tầng như: Tuyến đê kiểu mẫu, hệ thống đường trục xã, đường thôn xóm, cầu Đồng Vang, kè và cống hộp kênh Vị Khê I… đã làm thay đổi diện mạo của xã Điền Xá. Đến nay, trên địa bàn xã đã hình thành các vùng chuyên canh: Cây hoa các loại tại khu vực Tân Phú, Trừng Uyên, cây trang trí bồn cảnh đường diềm, cây cảnh ngắn ngày và cỏ Nhật tại các bãi đê sông Hồng khu vực Vị Khê, Lã Điền, Phú Hào. Mỗi hộ dân trong các làng nghề cũng tự thiết kế, quy hoạch đất vườn của gia đình thành các khu trồng các cây hoa, khu trồng cây phôi, khu trưng bày tác phẩm cây cảnh nghệ thuật theo mô hình nhà vườn kiểu mẫu, đảm bảo cảnh quan môi trường, phù hợp với đặc thù điểm du lịch sinh thái. Bên cạnh đó, khu vực làng nghề truyền thống được quy hoạch để tập trung đầu tư thành Trung tâm văn hóa - du lịch - thương mại với các công trình liên hoàn gồm: Đình tổ làng nghề, khu trưng bày sản phẩm làng nghề với đầy đủ các tư liệu lịch sử, công cụ lao động sản xuất; triển lãm ảnh các tác phẩm cây cảnh nghệ thuật của làng nghề qua các thời kỳ; xây dựng, nâng cấp các công trình cầu, cống, đường giao thông, trồng hoa dọc các tuyến đường tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp; xây dựng website quảng bá, liên kết với các doanh nghiệp lữ hành. 

Du khách tham quan, chọn mua sản phẩm tại làng nghề sơn mài Cát Đằng, xã Yên Tiến (Ý Yên).
Du khách tham quan, chọn mua sản phẩm tại làng nghề sơn mài Cát Đằng, xã Yên Tiến (Ý Yên).

Toàn tỉnh hiện có 142 làng nghề, trong đó, huyện Hải Hậu 41 làng nghề (chiếm 28,9%); huyện Ý Yên 25 làng nghề (chiếm 17,6%); huyện Nam Trực 21 làng nghề (chiếm 14,8%)… Hệ thống làng nghề trong tỉnh gồm 5 nhóm: nhóm làng nghề chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản; nhóm làng nghề sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; nhóm sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ; nhóm làng nghề sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh; nhóm làng nghề các dịch vụ phục vụ sản xuất, phục vụ đời sống dân cư nông thôn. Thời gian qua, nhất là tại 80 làng nghề được UBND tỉnh công nhận (theo Quyết định 1276/QĐ-UBND, gồm 5 làng nghề truyền thống, 29 làng nghề truyền thống và 46 làng nghề) đã góp phần khai thác tiềm năng về vị trí địa lý, tài nguyên và con người ở từng địa phương, huy động được nguồn vốn và nhân lực xã hội của nhiều thành phần kinh tế vào phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, du lịch. Năm 2021, giá trị sản xuất của làng nghề đạt khoảng 6.800 tỷ đồng (chiếm khoảng 45% giá trị sản xuất ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh). Trong đó, nhóm hàng chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản 1,3%; nhóm hàng thủ công mỹ nghệ 3,3%; nhóm sản xuất đồ gỗ mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ 78,4%; nhóm sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh 16,9%. 

Toàn tỉnh có 34 làng nghề sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ với tổng số 3.660 hộ sản xuất, giá trị sản xuất đạt 3.848,899 tỷ đồng. Trong đó, 2 huyện Ý Yên và Hải Hậu có 11 làng nghề sản xuất đồ gỗ với 2.115 hộ tham gia sản xuất, giá trị sản xuất đạt 1.288,82 tỷ đồng. Những năm qua, các làng nghề sản xuất đồ gỗ, mộc mỹ nghệ, mộc dân dụng phát triển mạnh mẽ, số lượng các hộ làm nghề cũng tăng lên, tạo việc làm cho hơn 7.000 lao động, trong đó thợ chạm khắc chiếm tới 60%. Thu nhập bình quân đạt khoảng 150 nghìn đồng/người/ngày, thợ giỏi có thể tới 400 nghìn đồng/người/ngày. Nhiều hộ gia đình trong các làng nghề mộc đã đầu tư các thiết bị máy móc công nghệ cao để tăng năng suất và chất lượng sản phẩm; hàng hóa được ưa chuộng được tiêu thụ khắp miền Bắc, xuất khẩu sang Trung Quốc, Nhật Bản, Tây Ban Nha... Toàn tỉnh có 28 làng nghề sản xuất và kinh doanh cây cảnh (3 làng nghề truyền thống và 25 làng nghề) tập trung tại các huyện Nam Trực (8 làng nghề), Hải Hậu (18 làng nghề), Ý Yên (1 làng nghề) và Xuân Trường (1 làng nghề). Tổng giá trị sản xuất của nhóm làng nghề cây trồng và sinh vật cảnh năm 2021 đạt 832,94 tỷ đồng với 6.302 hộ/doanh nghiệp tham gia sản xuất kinh doanh. Hoạt động của các làng nghề trong tỉnh tạo chuyển biến trong chuyển dịch cơ cấu lao động, thu hút 17.540 hộ cơ sở sản xuất, với 43.479 lao động, trong đó lao động thường xuyên chiếm 62,2%, lao động không thường xuyên 37,8%.

Đồng chí Nguyễn Sinh Tiến, Phó Giám đốc Sở NN và PTNT cho biết: Thực hiện Công văn số 83 của UBND tỉnh ngày 4-2-2021 về việc đẩy mạnh bảo tồn và phát triển ngành nghề nông thôn, làng nghề, thời gian qua, Sở NN và PTNT đã chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương tiến hành kiểm tra, khảo sát các làng nghề đã được UBND tỉnh công nhận (giai đoạn 2012-2021). Bên cạnh kết quả đạt được, việc khai thác tiềm năng các làng nghề còn một số vướng mắc. Tại các làng nghề và làng nghề truyền thống, các chủ cơ sở ngành nghề nông thôn kinh doanh nhỏ lẻ, thiếu liên kết chặt chẽ với nhau; nhiều sản phẩm tiêu thụ theo mùa, thời vụ, sản phẩm chất lượng thấp, đơn điệu về mẫu mã, chủng loại, gây khó khăn trong xây dựng thương hiệu, cải tiến mẫu mã; khả năng xúc tiến thương mại; sản phẩm tạo ra không mang lợi nhuận cao. Xu hướng hiện nay có sự chuyển dịch lao động từ các làng nghề vào các khu, cụm công nghiệp, dẫn đến nhiều làng nghề, làng nghề truyền thống bị mai một; có làng nghề, nghề truyền thống không còn hộ sản xuất. Chủ cơ sở sản xuất ở làng nghề thiếu kỹ năng quản trị kinh doanh để khai thác và phát triển thị trường tiêu thụ, quảng bá - xúc tiến thương mại để xây dựng thương hiệu làng nghề. Công tác quản lý môi trường làng nghề đã được các cấp, ngành quan tâm triển khai nhưng chưa triệt để, kết quả chưa cao. Kinh phí hỗ trợ cho các hoạt động làng nghề còn hạn chế, chưa thường xuyên; chưa thực hiện tốt việc lồng ghép vào một số chương trình để thúc đẩy làng nghề phát triển bền vững. Hoạt động du lịch làng nghề mới chỉ chú trọng vào việc đưa khách đến nơi để tìm hiểu, tham quan hoạt động làng nghề mà chưa giới thiệu được những giá trị văn hóa khác của làng nghề truyền thống. Do đó, không có những sản phẩm du lịch giữ chân du khách, doanh thu từ hoạt động du lịch (thu từ dịch vụ lưu trú, mua sắm sản phẩm làng nghề) không cao. Bên cạnh đó, các làng nghề cũng chưa tập trung phát triển những sản phẩm mới để vừa thu hút du khách, vừa thúc đẩy đầu ra cho các sản phẩm nghề truyền thống, khiến hệ thống sản phẩm du lịch thiếu đồng bộ, kém hấp dẫn. Toàn tỉnh có 35 làng nghề không đạt tiêu chí về tỷ lệ số hộ tham gia sản xuất tại làng nghề (Có tối thiểu 20% tổng số hộ trên địa bàn tham gia), đặc biệt có 7 làng nghề truyền thống (thêu ren) không còn hộ tham gia sản xuất; 6 làng nghề sản xuất gây ô nhiễm môi trường. Đối chiếu với các tiêu chí công nhận làng nghề, làng nghề truyền thống theo khoản a, khoản c, điều 5 Nghị định 52/2018/NĐ-CP, có 41 làng nghề phải thu hồi quyết định công nhận, 39 làng nghề xem xét công nhận lại.

Để bảo tồn, phát triển làng nghề bền vững, giai đoạn tới cần nâng cao vai trò quản lý Nhà nước về bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với du lịch, đưa du lịch thành thế mạnh của từng địa phương. Ban hành và tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách phù hợp với đặc điểm của làng nghề được bảo tồn nhằm nâng cao hiệu quả thực tiễn của các hoạt động bảo tồn di sản văn hóa làng nghề và phát triển du lịch cộng đồng. Tuyên truyền vận động người dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề truyền thống của địa phương để tích cực tham gia bảo tồn, lưu giữ những giá trị văn hóa, sản phẩm truyền thống độc đáo; khuyến khích học nghề, học việc phục vụ bản thân, gia đình và tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập, duy trì và phát triển nghề. Lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ, đầu tư phát triển của Nhà nước thông qua các chương trình xây dựng NTM; Chương trình phát triển du lịch, Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững; Chương trình khuyến công, khuyến nông; Chương trình OCOP của tỉnh; Chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn...; đa dạng hóa các hình thức huy động vốn, như: góp vốn, thành lập hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp, vay vốn từ các tổ chức tín dụng… để đầu tư phát triển nghề, làng nghề truyền thống; tăng cường vận động các nguồn tài trợ và đầu tư từ các tổ chức phi Chính phủ, các tổ chức nước ngoài để khai thác thêm các nguồn vốn hỗ trợ công tác đào tạo nghề, tìm kiếm thị trường; đầu tư hạ tầng làng nghề, xử lý môi trường ở các làng nghề. Tăng cường công tác đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ quản trị kinh doanh cho các chủ cơ sở sản xuất trong làng nghề. Hỗ trợ nghệ nhân, thợ giỏi trong việc bồi dưỡng truyền nghề, dạy nghề để duy trì, phát triển và lưu truyền những giá trị văn hóa truyền thống các sản phẩm của làng nghề./.

Bài và ảnh: Việt Thắng



Tìm hiểu mbti và cách áp dụngTìm hiểu mbti và cách áp dụng

BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com