Cây cà chua đông trên đồng đất Nghĩa Thành

08:00, 15/12/2022

Về xã Nghĩa Thành (Nghĩa Hưng) những ngày này, từ trên vườn xuống ruộng, người dân đang tất bật với cây cà chua vụ đông. Người chăm sóc, người thu hoạch như chạy đua với thời gian. Khoảng chục năm trở lại đây, cây cà chua vụ đông đang thực sự trở thành cây trồng kinh tế chủ lực của xã khi đem lại cho người dân hàng chục triệu, thậm chí cả trăm triệu đồng mỗi vụ.

Nông dân xóm Hậu Điền, xã Nghĩa Thành (Nghĩa Hưng) chăm sóc cây cà chua vụ đông.
Nông dân xóm Hậu Điền, xã Nghĩa Thành (Nghĩa Hưng) chăm sóc cây cà chua vụ đông.

Đến thăm gia đình ông Đinh Công Yết, xóm Hậu Điền đang chăm sóc ruộng cà chua, ông vui vẻ chia sẻ: Vụ đông năm nay, gia đình tôi trồng 1 mẫu cà chua, trong đó có 5 sào trên vườn, 5 sào ngoài ruộng. Với diện tích đất vườn, tôi sử dụng giống cà chua Tre Việt số 1 để trồng trong vụ đông sớm. Dù thời tiết năm nay không thuận lợi, đầu vụ gặp mưa lớn, ảnh hưởng đến năng suất song cà chua sớm luôn có giá cao hơn gấp 2-3 lần so với chính vụ nên mỗi sào vẫn lãi 7 triệu đồng. Có những năm thời tiết thuận lợi, cà chua vụ đông sớm có thể cho lãi 14-15 triệu đồng/sào. Diện tích cà chua trồng dưới ruộng mới trồng được 1 tháng. Ông sử dụng giống TN448 là giống chịu được độ ẩm cao, ưa đất thịt, phù hợp chân đất ruộng ở Nghĩa Thành. “Đây là lứa cà chua tôi để bán sau Tết - là thời điểm học sinh trở lại trường học, công nhân đi làm, các bếp ăn tập thể hoạt động trở lại, nên giá cà chua tăng cao hơn. Bình quân mỗi năm gia đình tôi lãi hơn 100 triệu đồng từ cây cà chua”, ông Yết vui vẻ cho biết thêm. Là một trong những hộ có diện tích trồng cà chua lớn nhất của xã, ông Trần Văn Thường, xóm Phúc Điền cho biết: “Từ lâu, cây cà chua được xem như nguồn thu nhập chính của gia đình. So với các loại cây khác, cà chua có ưu điểm dễ chăm sóc, năng suất ổn định, hiệu quả kinh tế cao. Để có vườn cà chua đẹp, sai quả, ngoài yếu tố chất đất, khí hậu thích hợp, người trồng cần phải dành nhiều thời gian chăm sóc, đặc biệt cần phải chủ động nguồn nước tưới để giữ độ ẩm cho cây, thường xuyên vệ sinh sạch sẽ ruộng vườn để cây sinh trưởng, phát triển tốt. Sâu hại chủ yếu ở cây cà chua là sâu xanh đục quả, sâu vẽ bùa, bọ phấn trắng và một số bệnh mốc sương mai, đốm lá... nên phải theo dõi những biểu hiện sâu, bệnh trên cây để có biện pháp phòng trừ kịp thời. So với các vùng khác thì cà chua ở Nghĩa Thành có chất lượng thơm ngon hơn, mẫu mã đẹp, vì thế việc tiêu thụ cà chua cũng dễ dàng hơn cho nông dân”.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Phan Văn Huy, Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thành cho biết: Từ năm 2010 phong trào trồng cà chua ở xã đã phát triển mạnh do mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, từ khi xã triển khai thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhiều diện tích cấy 2 vụ lúa kém hiệu quả được chuyển sang trồng 2 màu 1 lúa hoặc 3 vụ màu. Diện tích trồng cà chua trong vụ đông của xã tăng lên đáng kể, trở thành cây trồng chủ lực của xã. Nhằm phát triển vụ đông bền vững, UBND xã đã quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa, trong đó có vùng trồng cây cà chua để đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, chủ động liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân. Hàng năm, UBND xã có kế hoạch nạo vét, hỗ trợ bơm nước tạo nguồn để người dân chủ động trong việc tưới, tiêu nước cho cây vụ đông. Vụ đông năm 2022, tổng diện tích gieo trồng của xã Nghĩa Thành đạt 104ha; trong đó cây cà chua chiếm đến gần 60% diện tích với trên 100 hộ dân tham gia trồng. Diện tích cà chua được nông dân trồng trên đất màu, vườn, bãi đạt 18ha; diện tích dưới ruộng 2 lúa trên 40ha. Hiện nay, trên đất màu, vườn, bãi được các hộ dân sử dụng chủ yếu là giống cà chua Tre Việt số 1, số 2; dưới đất ruộng 2 lúa được sử dụng giống cà chua TN488. Qua nhiều vụ vừa sản xuất, vừa thử nghiệm, vừa rút kinh nghiệm thì đây là 2 giống cà chua có khả năng chống chịu tốt với ngoại cảnh, năng suất, chất lượng cao rất phù hợp với điều kiện thời tiết, khí hậu, thổ nhưỡng và nguồn nước của địa phương. Để không gặp khó khi tiêu thụ, nông dân Nghĩa Thành thực hiện công thức luân canh, rải vụ, không trồng đồng loạt 1 trà. Vụ cà chua đông sớm thường được trồng trên các diện tích đất màu vườn, bãi từ đầu tháng 9 và đến tháng 11 bắt đầu cho thu hoạch. Ở trà sớm này, mặc dù cà chua năng suất không cao bằng chính vụ song bù lại giá bán thường rất cao, dao động từ 12-17 nghìn đồng/kg, sau khi trừ chi phí có thể lãi bình quân 7-10 triệu đồng/sào. Với diện tích đất 2 lúa, khi lúa chín phơi màu cũng là lúc nông dân Nghĩa Thành rục rịch mua hạt giống về gieo trên vườn ươm. Sau khi thu hoạch lúa, tầm khoảng cuối tháng 10, đầu tháng 11 người dân đánh cây con ở vườn ươm trồng xuống ruộng. Với phương thức luân canh, rải vụ, cây cà chua luôn đem lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con. Hình thành vùng trồng cà chua hàng hóa, tại xã Nghĩa Thành cũng xuất hiện nhiều thương lái “ruột” gắn bó với nông dân, giá thu mua thường theo giá trị trường nên không để xảy ra tình trạng cà chua ùn, ứ tại ruộng.

“Vào những ngày thu hoạch, ruộng vườn Nghĩa Thành đỏ rực màu cà chua, trên các con đường xe cộ ra, vào tấp nập. Nhờ cây cà chua mà nhiều hộ dân thoát nghèo, thậm chí xây nhà 2-3 tầng khang trang, nhà cửa đầy đủ tiện nghi” - Phó Chủ tịch UBND xã Phan Văn Huy cho biết thêm. Tuy nhiên theo anh Huy, hiện cà chua Nghĩa Thành vẫn còn gặp tình trạng “được mùa, mất giá” nên trong vụ đông năm 2022, xã Nghĩa Thành thực hiện “Dự án xây dựng mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cà chua TN448” với quy mô 36ha. Tham gia dự án, các hộ dân được hỗ trợ 50% chi phí về giống, vật tư nông nghiệp, thuốc bảo vệ thực vật và được liên kết bao tiêu sản phẩm đầu ra với giá ổn định. Theo hạch toán của các hộ dân, sau khi trừ chi phí mỗi ha trồng cà chua mang lại thu nhập trên 150 triệu đồng, tăng gấp 3-4 lần so với trồng lúa. Dự kiến vụ đông năm 2023, dự án sẽ mở rộng diện tích liên kết lên 45ha. Điều này sẽ góp phần giải bài toán về chất lượng nông sản, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển nông nghiệp địa phương một cách bền vững trước những biến động của thị trường. Cũng trong năm 2022, UBND xã đã đăng ký sản phẩm OCOP “Cà chua Hậu Điền”, từng bước xây dựng thương hiệu sản phẩm địa phương, mở rộng thị trường tiêu thụ nhằm nâng cao thu nhập cho người dân./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com