Các làng hoa cảnh vào vụ Tết

18:36, 12/12/2022

Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Nông dân các vùng trồng hoa, cây cảnh trong tỉnh đang tất bật, tập trung chăm sóc, bảo vệ, chuẩn bị cho vụ hoa quan trọng trong năm.

Làng trồng hoa, cây cảnh xã Nam Phong (thành phố Nam Định) nổi tiếng lâu đời với nghề trồng, cung cấp nhiều giống hoa, cây cảnh, đặc biệt là các giống đào, quất cho người tiêu dùng địa phương và các tỉnh lân cận vào mỗi dịp Tết Nguyên đán. Thời gian này, các hộ trồng quất, đào đang tuốt lá, bón phân, tưới nước, để cây tập trung làm nụ và nở hoa vào đúng dịp Tết. Với kinh nghiệm hơn 35 năm trồng và kinh doanh cây cảnh, nhà vườn Huy Bé của ông Đoàn Huy Bé, thôn Ngô Xá đã xây dựng được thương hiệu nhà vườn uy tín có sức cạnh tranh mạnh trên thị trường cây cảnh miền Bắc với quất thế, bưởi, cam, quýt cảnh, sanh, si các loại. Quất trong vườn của ông đều đẹp nhất vùng bởi quả to, tròn, chín đều. Những cây quất cao trên dưới 2m, tán dầy, lừng lững, quả trĩu trịt vàng ươm, nhìn từ xa như một bó đuốc khổng lồ. Bình quân mỗi vụ hoa, cây cảnh Tết gia đình ông thu về hơn 500 triệu đồng. Nhà vườn của gia đình ông hiện có hơn 1.000 gốc quất, hơn 1.000 cây tùng La hán, mộc hương với tổng diện tích gần 10 mẫu. Vườn được chia theo từng khu vực, với nhiều chủng loại quất có giá dao động từ 1,5 triệu đến vài chục triệu đồng/cây. Thời điểm này, đa số quất trong vườn đã kết trái, ra nhiều lộc xanh mướt, ông Bé và thợ làm vườn nhà tôi đã có khách đặt trước hết rồi chỉ chờ ngày chuyển đi, một số cây các doanh nghiệp thuê chơi Tết; những cây bé hơn phù hợp cho gia đình cũng đang được chăm chút cho đẹp để Tết này bán chợ hoặc người mua lẻ. Năm nay tuy không bão gió nhưng mưa nhiều nên việc chăm sóc cây cũng rất vất vả. Bên cạnh đó, công thợ lẫn vật giá leo thang khiến chi phí tăng lên không ít nên lợi nhuận cũng giảm ít nhiều. Ngoài ra, sức mua của thị trường hoa cây cảnh Tết này cũng không mạnh mẽ như cuối năm 2021”. Ông Bé cho biết thêm, hàng năm, thương lái đều đến thăm, mua cây cảnh từ trước Tết Nguyên đán chừng 2 tháng, sau đó chụp ảnh một số cây, quay clip vườn trồng rồi đi thuê bến bãi (điểm bán) và quảng bá trên mạng, vừa để bán online và để người mua biết địa chỉ tìm đến mua. Năm nay, thị trường cây cảnh Tết chững lại. Nếu những năm trước dịch, đến thời điểm này, nhà vườn của ông đã bán được hơn 2/3 vườn thì năm nay số lượng đặt hàng mới chỉ đạt 1/3. Từ đầu tháng, khách đến mua và đặt cây rất thưa thớt. Cây quất của gia đình năm nay quả to đều, lá xanh hơn mọi năm, hy vọng nhu cầu thị trường chơi cây quất cảnh năm nay cao, để người nông dân bớt được khó khăn sau mấy năm ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Một vườn hoa cúc ở xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc). 
Một vườn hoa cúc ở xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc). 

Còn tại vườn đào của anh Đoàn Huy Trường với hơn 30 năm chuyên trồng các loại: Đào cổ, đào bích và cả giống đào quý như đào Thất Thốn. Vườn nhà anh hiện có hơn 240 gốc đào, mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng. Nắm bắt được xu thế chơi cây của thị trường, bên cạnh việc bán, anh Trường cũng phát triển thêm dịch vụ cho khách thuê cây để chơi Tết. Cây cho thuê có giá dao động từ 4 triệu đến 20 triệu đồng. Để có được những thế đào đẹp, ra nhiều nụ thì mỗi dịp đầu xuân khi cây giống được đưa về nhà vườn đều phải chiết cành tạo thế cho cây, chăm sóc tới tháng 10 hàng năm thợ vườn sẽ chuẩn bị kích cho đào ra nụ và tới tháng 11 thì bắt đầu tuốt lá. “Cây đào vốn ưa nước mà năm nay mưa nhiều nên những giống đào trồng tại đây được đánh giá là phát triển tốt và thuận lợi”, anh Trường chia sẻ thêm. Không chỉ đào, quất cảnh là cây cảnh chủ lực, Nam Phong còn là nơi phát triển các mô hình trồng hoa cảnh giàu tiềm năng cạnh tranh trên thị trường. Chị Phạm Thị Hoa, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất và kinh doanh hoa cây cảnh Nam Phong tại thôn Phù Long 1 cho biết: “Trên 2ha đất bãi giáp sông Đào, chúng tôi hiện đang sản xuất hơn 30 nghìn gốc lan các loại, hơn 70 nghìn cây hoa ly, 100 nghìn khóm hoa cát tường, đảm bảo cung ứng đủ phục vụ thị trường Tết Quý Mão 2023”. Đặc biệt, với công nghệ nhà lưới hiện đại trồng hoa lan hồ điệp công nghệ cao rộng 1.000m2 của hợp tác xã đã giúp người dân dễ dàng được chơi loại hoa đẹp, “quý tộc” với giá cả phù hợp. Hiện tại, hơn 70% số hoa lan đã có khách hàng từ các nơi đặt hàng trước. Các loại hoa khác như hoa ly, cát tường, dơn đều đang được hợp tác xã tập trung chăm bón đảm bảo sinh trưởng tốt, ra hoa đúng thời điểm. Dự kiến, vụ hoa Tết 2023, hợp tác xã sẽ có doanh thu từ 4-5 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho 10-15 lao động thường xuyên.

Thời điểm này, các làng hoa, cây cảnh khác tại các xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc), Điền Xá (Nam Trực) cũng tất bật trồng, chăm sóc hoa, lên chậu chuẩn bị các luống hoa gối vụ để kịp có hoa đón trước, trong và sau Tết. Gia đình ông Hoàng Đức Sơn ở thôn Hồng Hà, xã Mỹ Tân chuyển sang trồng hoa Tết đã hơn 5 năm nay. Để có hoa cung ứng ra thị trường Tết, hàng năm cứ vào cuối tháng 8 âm lịch, gia đình ông bắt đầu xuống giống. Sau nhiều tháng chăm sóc, đến nay những luống hoa cúc cây đã cao gần 1m; bắt đầu đâm nụ, đẻ nhánh. Ông đang ngắt tỉa bớt nụ, mỗi cây chỉ để lại một nụ ở chính giữa để cây tập trung nuôi dưỡng hoa chính. Ông Sơn cho biết: Cũng như mọi năm, vụ hoa Tết gia đình tôi trồng hơn 10 nghìn cây cúc vàng và cúc trắng. Chỉ 1 tháng nữa thôi, là được thu hoạch. Hiện giá bán hoa cúc đang ở thời điểm có lãi, dao động từ 2.500-3.000 đồng/bông; so với cùng kỳ năm ngoái thì năm nay cao hơn 1.000 đồng. Nếu thời tiết ủng hộ, giá cả ổn định đến cuối năm thì Tết năm nay gia đình ông “yên tâm” ăn Tết.

Tết đến, Xuân về là dịp mà nhu cầu tiêu thụ hoa tươi tăng đột biến. Sau hai năm do dịch bệnh COVID-19, nhu cầu chơi hoa trầm lắng làm người trồng hoa gặp không ít khó khăn. Năm nay vụ hoa Tết đang được bà con kỳ vọng được mùa, được giá để bù đắp cho hai năm trước, và không khí mùa xuân được trọn vẹn hơn với đào quất, hoa tươi các loại tưng bừng khoe sắc, đến với mọi nhà./.

Bài và ảnh: Đức Toàn

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com