Hỗ trợ ngành dệt may, da giày hướng đến phân khúc giá trị gia tăng cao

19:10, 14/12/2022

Ngành dệt may, da giày đang là ngành hàng thế mạnh chủ lực của tỉnh; có nhiều lợi thế với nguồn lao động nhiều kinh nghiệm và kỹ năng tích lũy, góp phần tạo nhiều việc làm cho lao động với tốc độ tăng trưởng cao (trên 14%/năm), đóng góp lớn (trên 40%) trong cơ cấu ngành, cũng là mặt hàng xuất khẩu quan trọng của tỉnh.

Gia công đế và mũi giày tại Công ty TNHH Nice Power (Giao Thủy).
Bài và ảnh: Thanh Thúy
Gia công đế và mũi giày tại Công ty TNHH Nice Power (Giao Thủy).

Đây là ngành công nghiệp thế mạnh, truyền thống lâu đời, giữ tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu công nghiệp và GRDP của tỉnh; hiện có hơn 6.000 cơ sở tham gia sản xuất, trong đó có 415 doanh nghiệp. Những năm gần đây, ngành sản xuất trang phục tăng trưởng nhanh với tốc độ bình quân đạt 16,5%/năm cùng với việc mở rộng sản xuất và thu hút nhiều nhà đầu tư FDI. Ngành dệt may đóng góp trên 50% giá trị sản xuất và giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp, tương đương trên 60% giá trị sản xuất và giá trị tăng thêm của ngành chế biến, chế tạo (theo giá hiện hành) trên địa bàn tỉnh. Quy mô giá trị tăng thêm của ngành may mặc tỉnh đứng thứ 2/11 tỉnh, chỉ sau Hà Nội; ngành dệt may tỉnh chiếm 8-10% giá trị sản xuất cả nước, thể hiện vai trò trung tâm dệt may khu vực Nam đồng bằng sông Hồng. 

Sản xuất da, giày là nhóm có kim ngạch xuất khẩu lớn thứ 2 của tỉnh, chỉ đứng sau dệt may. Mặc dù đại dịch COVID-19 khiến ngành da dày bị tác động nghiêm trọng; việc sản xuất và xuất khẩu sản phẩm da giày, ví, túi xách bị gián đoạn nhưng những năm gần đây tốc độ tăng trưởng của ngành vẫn ở mức cao, bình quân năm đạt 34,87% về giá trị sản xuất và 33,1% về giá trị tăng thêm. 

Nhiều doanh nghiệp trong ngành dệt, sản xuất trang phục và sản xuất da, giày quy mô lớn đã tiếp tục vươn lên, khẳng định uy tín, thương hiệu mạnh, chiếm lĩnh thị trường trong và ngoài nước như: TCE VINA DENIM, Dệt nhuộm Sunrise, May Sông Hồng, Youngone Nam Định, Giày AMARA Việt Nam, Golden Victory Việt Nam, Yamani Dynasty… 

Bên cạnh những điểm sáng tích cực đáng ghi nhận, việc phát triển ngành dệt may và da giày vẫn còn những hạn chế như: Công nghiệp da, giày và các sản phẩm liên quan của tỉnh vẫn chủ yếu là các hoạt động gia công, giá trị gia tăng thấp. Ngành dệt may của tỉnh, đặc biệt là ngành may mặc, mới chủ yếu ở phân khúc gia công, giá trị gia tăng thấp. Trung bình giai đoạn 2011-2020, tỷ lệ giá trị gia tăng trong tổng giá trị sản xuất của ngành may mặc của tỉnh chỉ đạt 10,7% (theo giá hiện hành) và 12,6% (theo giá cố định). Sự liên kết trong chuỗi dệt may giữa các doanh nghiệp trong tỉnh còn rất hạn chế. Trong khi thị trường ngành dệt là rất lớn do nhu cầu sử dụng sản phẩm dệt ở thị trường xuất khẩu đều tăng mạnh. Các doanh nghiệp may mặc chủ yếu là gia công, nhập khẩu nguyên, phụ liệu từ nước ngoài hoặc từ các địa phương khác nhưng tốc độ tăng trưởng của ngành dệt của tỉnh có xu hướng chậm lại, sản phẩm dệt trên địa bàn tỉnh chủ yếu phục vụ cho xuất khẩu. Việc nhiều doanh nghiệp dệt may, da giày của tỉnh gần như không đủ nguyên, phụ liệu để sản xuất dù đã có cải thiện hơn nhưng đây vẫn là nút thắt không chỉ trong giai đoạn ảnh hưởng bởi các chính sách đảm bảo an toàn trong đại dịch COVID-19 của các nước cung ứng nguyên liệu mà dự kiến còn là khó khăn dài hạn của cả hai ngành.

Trước thực trạng này, đặt ra yêu cầu cần tiếp tục có các giải pháp thiết thực để nâng cao giá trị gia tăng cho ngành dệt may. Tỉnh yêu cầu trong giai đoạn tới, các ngành, các địa phương tăng cường định hướng, hỗ trợ các doanh nghiệp chủ động tiếp cận, hoà nhập với xu hướng phát triển chung của ngành, ứng dụng công nghệ tiên tiến, tự động hóa, phát triển các phân khúc cao hơn trong chuỗi giá trị của ngành. Trong đó, phát triển ngành dệt may, da giày của tỉnh phù hợp với chiến lược quốc gia về phát triển ngành, thu hút dệt may, da giầy vào khu công nghiệp (KCN) tập trung như KCN Rạng Đông; tích cực nâng cao, cải tiến công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học để từng bước tự động hóa dây chuyền sản xuất, nâng cao giá trị sản xuất, giảm thiểu tác động môi trường. Chú trọng khai thác các tiềm năng phát triển đang còn rất lớn của các ngành hàng này do triển vọng thị trường (nhu cầu và quy mô thị trường) đang ngày càng tăng bởi tính riêng thị trường nội địa, nhất là phân khúc khách hàng thuộc tầng lớp trung lưu dự kiến sẽ tiếp tục gia tăng và chiếm 50% dân số đến năm 2030. Duy trì và phát triển dệt may, da giày theo hướng ưu tiên xuất khẩu với sự tập trung sản xuất những sản phẩm có đặc thù riêng, cao cấp, có hàm lượng công nghệ và chất xám cao, đạt các tiêu chuẩn về môi trường và có nhãn mác sinh thái; phát triển công nghệ thiết kế; tăng tỷ lệ nội địa hoá về nguyên, phụ liệu của hàng dệt may, da giày; chú trọng nghiên cứu phát triển sản phẩm mẫu mốt thời trang đồng bộ giữa may mặc và da giày; phát triển các sản phẩm mới có lợi thế so sánh với các địa phương khác, tạo thương hiệu riêng cho các sản phẩm của tỉnh. 

Việc xây dựng chuỗi cung ứng hoàn chỉnh là không đơn giản và không thể hoàn tất trong thời gian ngắn. Vì vậy, bên cạnh nhiệm vụ cấp thiết là khẩn trương hoàn thiện các chính sách tạo động lực lớn hơn thu hút đầu tư vào sản xuất nguyên, phụ liệu lẫn cải thiện năng lực quản trị, các ngành chức năng, các địa phương cần tăng cường định hướng, hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy mạnh cơ cấu lại sản phẩm theo hướng giảm sản lượng sản phẩm gia công; chuyển dịch sang đầu tư chiều sâu hơn vào các phân khúc giá trị gia tăng cao, tham gia sản xuất theo chuỗi khép kín để đáp ứng quy tắc về xuất xứ và chủ động nguồn nguyên liệu, nhất là nguyên liệu xơ, sợi, da và phụ kiện đồng bộ. Khuyến khích doanh nghiệp đẩy mạnh liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp khác để mở rộng quy mô, tự chủ nguồn lực cần thiết để có thể tiến dần lên các phương thức sản xuất cao hơn, cũng như các mắt xích mang lại giá trị gia tăng cao hơn như thiết kế, marketing, phân phối, tăng cường sản xuất các loại vải, da chất lượng cao và vật liệu, phụ kiện cao cấp, từ đó nâng cao giá trị gia tăng, giúp các sản phẩm dệt may, da giày có sức cạnh tranh cao hơn trên các thị trường có yêu cầu khắt khe như EU, Mỹ. 

Đó là các giải pháp cần thiết để thúc đẩy phát triển ngành dệt may, da giày của tỉnh nhằm hướng đến mục tiêu góp phần phát triển công nghiệp Nam Định trở thành ngành kinh tế động lực chủ đạo của tỉnh như tinh thần định hướng của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XX, nhiệm kỳ 2020-2025./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com