Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh: Phát huy lời dạy của Bác trong khoa học và công nghệ

08:00, 18/05/2023

Sinh thời, mặc dù trong bối cảnh đất nước nghèo nàn, lạc hậu, lại bị thù trong giặc ngoài lăm le, song Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm và cho rằng khoa học và kỹ thuật (KH và KT) có ảnh hưởng rất lớn trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và phát triển đất nước. Người không ngừng quan tâm đến công tác chăm lo bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ KH và KT để phục vụ kháng chiến, kiến quốc. Học tập và thực hiện các quan điểm, tư tưởng của Bác, ngành Khoa học và Công nghệ (KH và CN) tỉnh ta đã phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, nguồn lực KH và CN góp phần để tỉnh phát triển toàn diện, ổn định, bền vững, từng bước đưa Nam Định trở thành một trong những tỉnh khá, là cực phát triển quan trọng của vùng Nam đồng bằng sông Hồng và cả nước.

Học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (thành phố Nam Định) trong giờ thực hành tin học.
Bài và ảnh: Ngọc Ánh
Học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (thành phố Nam Định) trong giờ thực hành tin học. 

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất của Hội phổ biến KH và KT Việt Nam ngày 18-5-1963, Bác Hồ đã nêu những quan điểm về tầm quan trọng của KH và CN đối với vấn đề năng suất lao động: “Khoa học phải từ sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng, nhằm nâng cao năng suất lao động và không ngừng cải thiện đời sống của nhân dân, bảo đảm cho chủ nghĩa xã hội thắng lợi…”. Thực hiện lời dạy của Bác, trong những năm qua, ngành KH và CN đã tập trung nguồn lực thúc đẩy hoạt động nghiên cứu theo hướng ứng dụng, bám sát các chương trình, kế hoạch phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, trong đó đặc biệt chú trọng đến sản xuất như: Kế hoạch phát triển nông nghiệp hữu cơ tỉnh Nam Định giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới... và đã đạt nhiều thành tích nổi bật. Trong lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn, các nghiên cứu ứng dụng phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ và an toàn; xây dựng các mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị cao, chọn tạo và phân lập các chủng vi sinh bản địa có tính thích nghi cao phục vụ quá trình sản xuất, thúc đẩy thương mại hóa các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh. Nhiều kết quả nghiên cứu được ứng dụng vào sản xuất và đời sống, mang lại hiệu quả cao như: “Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng theo hướng hữu cơ, sử dụng công nghệ sinh học thay thế thuốc kháng sinh và hóa chất”; “Xây dựng quy trình sản xuất rau theo hướng hữu cơ và tổ chức sản xuất liên kết tại tỉnh Nam Định”; “Nghiên cứu tuyển chọn, lưu giữ và nhân nuôi sinh khối một số loài tảo biển giàu dinh dưỡng làm thức ăn nuôi ngao giống trên địa bàn tỉnh Nam Định”; “Nghiên cứu hoàn thiện quy trình sản xuất probiotic - đa enzyme và ứng dụng bổ sung trong thức ăn nuôi trồng thủy sản, xử lý môi trường nuôi nhằm tăng hiệu quả kinh tế và đảm bảo tính bền vững tại tỉnh Nam Định”… Đặc biệt dự án “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình sản xuất hoa thương phẩm chất lượng cao tại Nam Định” được triển khai thành công, đã xây dựng được các mô hình sản xuất các loại hoa thương phẩm chất lượng có giá trị kinh tế cao và thuận lợi tiêu thụ như lan hồ điệp; lily, cát tường... Trong 2 năm sản xuất, doanh thu của dự án ước đạt 8,1 tỷ đồng, lãi thuần ước đạt gần 2 tỷ đồng, cho thấy hướng đi trong hoạt động nghiên cứu ứng dụng KH và KT, công nghệ mới là phù hợp, thiết thực.

Quan điểm về áp dụng KH và CN để bảo vệ môi trường, hạn chế tác hại của thiên tai cũng được hình thành từ rất sớm trong tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bản thân Người rất quan tâm và sống hòa mình, gần gũi với thiên nhiên. Bác cho rằng vấn đề bảo vệ môi trường phải gắn liền với việc cải thiện đời sống của nhân dân. Do vậy, cũng với quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa, bảo vệ, cải thiện môi trường mà KH và CN là yếu tố then chốt bảo đảm cho sự phát triển nhanh, bền vững là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân ta. Thời gian qua, ngành KH và CN đã thực hiện một số đề tài, dự án như: “Điều tra đánh giá hiện trạng ô nhiễm kim loại nặng trong đất sản xuất nông nghiệp”; “Nghiên cứu hiện trạng, nguyên nhân suy thoái rừng ngập mặn và xây dựng mô hình khôi phục rừng ngập mặn”; “Nghiên cứu thực trạng và đề xuất giải pháp tạo quỹ đất phục vụ xây dựng cơ sở hạ tầng và chỉnh trang đô thị”; “Nghiên cứu đánh giá ô nhiễm làng nghề cơ khí và xây dựng mô hình thí điểm hệ thống xử lý nước thải làng nghề”; “Nghiên cứu nguyên nhân bồi tụ cửa Hà Lạn sông Sò và đề xuất giải pháp ổn định để đảm bảo an toàn cho tàu thuyền”; “Nghiên cứu đánh giá ô nhiễm làng nghề cơ khí và xây dựng mô hình thí điểm hệ thống xử lý nước thải làng nghề tại xã Xuân Tiến, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định”… Là địa phương có xuất phát điểm của nền kinh tế chưa cao, nên việc các làng nghề truyền thống của tỉnh phát triển một mặt đem lại hiệu quả kinh tế nhưng mặt khác cũng kéo theo những hạn chế tiêu cực, nhất là về môi trường, do tốc độ phát triển nóng, công nghệ lạc hậu, năng lực tài chính hạn hẹp. Những nghiên cứu ứng dụng KH và CN đã từng bước góp phần khắc phục các hạn chế nêu trên, ngăn ngừa, hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm, suy thoái và sự cố môi trường do hoạt động của con người và tác động của tự nhiên gây ra. Đồng thời, xây dựng cơ sở dữ liệu về nguồn tài nguyên, đa dạng sinh học, khí hậu - thủy văn làm căn cứ hoạch định định hướng phát triển của địa phương.

Quán triệt quan điểm “Đoàn kết, tập hợp đội ngũ trí thức, trọng dụng nhân tài, tạo điều kiện tối đa cho trí thức phát huy tài năng, hiểu biết của mình phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân…” của Bác, tỉnh đã đẩy mạnh công tác đào tạo gắn với sử dụng, trọng dụng nhân tài. Đồng thời mở rộng các chương trình hợp tác, liên kết đào tạo với nước ngoài và các trường đại học đầu ngành, viện nghiên cứu trong nước để nâng cao nhận thức, năng lực cán bộ KH và CN, chuyển giao kết quả nghiên cứu, công nghệ mới. Ngoài ra, tỉnh đã có chính sách thu hút nhà khoa học của các cơ quan Trung ương tham gia có hiệu quả vào việc tư vấn, phản biện, nghiên cứu và đề xuất giải pháp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong một số vấn đề lớn, quan trọng thông qua các chương trình, đề tài, dự án về KH và CN. Việc phát triển nguồn nhân lực KH và CN đã góp phần quan trọng, thiết thực vào sự phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của tỉnh. Trong giai đoạn từ năm 2019 đến nay, ngành KH và CN đã tổ chức quản lý triển khai gần 100 nhiệm vụ KH và CN phục vụ phát triển các ngành, lĩnh vực: nông nghiệp, phát triển nông thôn và xây dựng nông thôn mới; công nghiệp và xây dựng; tài nguyên và môi trường; y tế và giáo dục; ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số; khoa học xã hội và nhân văn... Sự phát triển của KH và CN đã góp phần đáng kể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Năm 2022, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Nam Định đạt 9,07%, cao nhất từ trước đến nay, là một trong những tỉnh có mức tăng trưởng cao của cả nước trong bối cảnh toàn cầu chịu tác động tiêu cực hậu dịch COVID-19 trên diện rộng.

Trong thời đại công nghệ số, tốc độ phát triển dữ liệu, khoa học như vũ bão hiện nay, những quan điểm, lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về KH và CN vẫn mãi là kim chỉ nam, động lực để tỉnh tiếp tục phát huy truyền thống quê hương văn hiến, quê hương đất học “địa linh nhân kiệt” tạo nên những bước đột phá xứng đáng về KH và CN, đóng góp thiết thực vào sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, cải thiện an sinh xã hội và chất lượng cuộc sống, xây dựng quê hương Nam Định nói riêng, đất nước Việt Nam nói chung ngày một giàu đẹp hơn như Người hằng mong ước./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com