Nhằm góp phần triển khai hiệu quả và thúc đẩy quá trình chuyển đổi số (CĐS) trên địa bàn, phấn đấu đến năm 2030 Nam Định cơ bản hoàn thành CĐS, UBND tỉnh đã quyết định thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng (TCNSCĐ), là mắt xích quan trọng trong thúc đẩy CĐS, trực tiếp hướng dẫn và hỗ trợ người dân tiếp cận công nghệ số.
TCNSCĐ được thành lập từ tỉnh đến thôn, xóm, tổ dân phố để tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng những ứng dụng công nghệ số thiết thực với cuộc sống một cách đơn giản, dễ hiểu nhất theo sự điều phối chung của Sở Thông tin và Truyền thông. Đến nay, toàn tỉnh đã thành lập 2.160 TCNSCĐ phổ rộng đến 100% thôn, xóm, tổ dân phố, khu dân cư với 10.557 người tham gia. Mỗi TCNSCĐ có 4 đến 6 thành viên. Để vận hành TCNSCĐ, toàn tỉnh thành lập 237 tổ (nhóm) gồm 5.401 người làm công tác quản lý điều hành. Trong đó, lực lượng chính là lãnh đạo quản lý các địa phương, chuyên gia công nghệ thông tin của các sở, ngành và 722 cán bộ, nhân viên các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông. Ngoài nhiệm vụ chỉ đạo, định hướng, tổ quản lý điều hành trực tiếp tiến hành bồi dưỡng cung cấp thông tin về chủ trương, chính sách, pháp luật về CĐS; hướng dẫn cài đặt, sử dụng các nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số bằng hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến để thành viên TCNSCĐ nắm vững kiến thức, thành thạo các kỹ năng, có khả năng giải đáp thắc mắc, hỗ trợ giải quyết các vấn đề cụ thể về công nghệ số cho người dân. Hướng dẫn các thành viên TCNSCĐ đăng ký kênh Zalo OA (CĐS quốc gia) và tham gia các nền tảng số Việt Nam (như: Zalo, Mocha, Gapo và các nền tảng số phổ biến khác) để nắm bắt thông tin, kịp thời hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm, cách làm hay trong CĐS.
Thành viên tổ công nghệ số cộng đồng xã Tân Thành (Vụ Bản) hướng dẫn người dân sử dụng ứng dụng Bảo hiểm xã hội điện tử. |
Bằng cách tổ chức chặt chẽ, chuyên nghiệp, 100% TCNSCĐ tại các thôn, xóm, tổ dân phố trong tỉnh đều hoạt động hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương. Trong đó TCNSCĐ ở hầu hết các thôn, xóm đều đã triển khai hướng dẫn người dân, hộ gia đình sử dụng dịch vụ công trực tuyến và tương tác với chính quyền qua nền tảng số; tham gia sàn thương mại điện tử uy tín của doanh nghiệp trong nước, các kỹ năng bán hàng, thanh toán điện tử không dùng tiền mặt, sử dụng ứng dụng số phục vụ sản xuất, kinh doanh; kỹ năng đảm bảo an toàn thông tin mạng, sử dụng mạng xã hội văn minh, an toàn; nhận diện và phòng ngừa thông tin xấu, độc trên không gian số; sử dụng các nền tảng số do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất, phát triển phù hợp với đặc thù do địa phương lựa chọn. Ngay từ ngày đầu thành lập, TCNSCĐ đã “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” trực tiếp gặp gỡ, tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng công nghệ số. Tại nhiều địa bàn, người dân ban ngày bận đi làm, TCNSCĐ đã phối hợp với lực lượng Công an tổ chức hướng dẫn trực tiếp cho người dân tiếp cận công nghệ số vào buổi tối tại nhà văn hóa khu dân cư. Tại xã Tân Thành (Vụ Bản) đa phần người dân là lao động tự do, các hộ kinh doanh buôn bán nhỏ, lẻ nên việc tiếp cận công nghệ thông tin cũng gặp nhiều khó khăn, người dân ngại sử dụng công nghệ khi phải đi làm thủ tục hành chính. Tuy nhiên, nhằm triển khai kịp thời, thống nhất, có hiệu quả chương trình CĐS, UBND xã ban hành kế hoạch CĐS đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó nhấn mạnh việc thực hiện CĐS ở khu dân cư. Đồng chí Trần Quốc Nghĩa, Chủ tịch UBND xã cho biết, trong kế hoạch CĐS, địa phương xác định mỗi đoàn viên, thanh niên, cán bộ, công chức, viên chức là một công dân xung kích, gương mẫu trong thực hiện CĐS để hướng dẫn và lan tỏa; mỗi tổ dân phố là hạt nhân trong triển khai truyền thông, hướng dẫn CĐS. Từ tháng 9-2022, xã đã thành lập 1 tổ quản lý CĐS gồm 8 thành viên do đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã làm tổ trưởng và 8 TCNSCĐ, mỗi tổ có 5 thành viên liên tục triển khai, hướng dẫn người dân tiếp cận công nghệ số mọi lúc, mọi nơi, mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân và cộng đồng. Bà Trần Thị Hà, xóm 8 cho biết: Trước đây, mặc dù đã được các doanh nghiệp kinh doanh điện, nước, mạng viễn thông khuyến khích sử dụng thanh toán trực tuyến, nhưng tôi chưa quan tâm. Thời gian gần đây được các thành viên TCNSCĐ trực tiếp cầm tay chỉ việc, hướng dân cài áp thanh toán trực tuyến tôi đã thực hiện thành thục và thấy thuận tiện hơn rất nhiều. Bên cạnh đó tôi còn được hướng dẫn tạo tài khoản công dân số, bảo hiểm xã hội điện tử, sử dụng dịch vụ công trực tuyến để dễ dàng thao tác giải quyết thủ tục hành chính… Những tiện ích điện tử này giúp cho cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của chúng tôi dễ dàng hơn, thêm vào đó là cách hướng dẫn nhiệt tình, trách nhiệm của các thành viên TCNSCĐ khiến tôi cảm thấy hài lòng và tích cực sử dụng dịch vụ, bỏ dần cách làm thủ công trước đây.
Với sự vào cuộc tích cực của TCNSCĐ đã huy động được sự hưởng ứng tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp, người dân vào tiến trình thực hiện CĐS của tỉnh, góp phần không nhỏ vào việc thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ về xây dựng chính quyền điện tử, CĐS đạt và vượt so với yêu cầu của Nghị quyết số 17/NQ-CP, Quyết định số 749/QĐ-TTg; Quyết định số 942/QĐ-TTg; Nghị quyết số 09-NQ/TU. Phát huy tốt vai trò của TCNSCĐ tại các địa phương sẽ giúp đưa nền tảng số, công nghệ số đến từng gia đình, từng người dân nhanh hơn và hiệu quả hơn, trở thành cánh tay nối dài của Ban chỉ đạo CĐS từ tỉnh đến phường, xã và từng người dân. Để TCNSCĐ đi vào thực chất, hiệu quả, góp phần đưa công nghệ số vào mọi ngõ ngách cuộc sống, Ban chỉ đạo CĐS sẽ từng bước giải quyết những khó khăn mà TCNSCĐ gặp phải như: nâng cao nhận thức của người dân về CĐS, việc sử dụng các nền tảng số, dịch vụ số, công nghệ số cho các thành viên; đầu tư cơ sở vật chất để thực hiện CĐS một cách đồng bộ; hỗ trợ các công cụ liên quan CĐS như điện thoại thông minh, máy tính, đường truyền, mạng chưa phổ cập đến 100% người dân và kinh phí để các tổ công nghệ số hoạt động./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin