Mối quan hệ giữa doanh nghiệp và ngân hàng là mối quan hệ cộng sinh, doanh nghiệp có “khoẻ” thì ngân hàng mới “mạnh”. Chính vì thế, trong quá trình quyết liệt thực hiện chuyển đổi số (CĐS) của ngành Ngân hàng thời gian qua, các doanh nghiệp cũng được hưởng lợi rất nhiều. Các ngân hàng đều tung ra các gói sản phẩm tài trợ ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp từng bước tiếp cận với CĐS thông qua quản trị, điều hành, vận hành sản xuất, thanh toán số, giao dịch mọi lúc, mọi nơi qua các ứng dụng công nghệ số.
Thanh toán mua hàng hoá qua ví điện tử MOMO tại Siêu thị GO! (thành phố Nam Định). |
Tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) Chi nhánh Bắc Nam Định, ngoài việc cung cấp sản phẩm truyền thống là tín dụng cho các doanh nghiệp, Chi nhánh còn cung cấp các sản phẩm trọn gói về cho vay, tài trợ chuỗi cung ứng, dịch vụ thanh toán, tài trợ thương mại, bảo hiểm, trả lương, giải pháp quản lý tài chính, thu hộ, quản lý dòng tiền, dịch vụ ngân hàng điện tử… Hoạt động này được Vietinbank thực hiện chuyên nghiệp và hiệu quả, giúp tiết kiệm chi phí, thời gian, nhân lực cho doanh nghiệp. Cùng với đó, Chi nhánh đã triển khai chuyển đổi ứng dụng nền tảng ngân hàng số VietinBank eFAST mới - “Trợ lý tài chính số” ưu việt dành cho doanh nghiệp, mang lại lựa chọn tốt nhất cho khách hàng doanh nghiệp cả về “chất”, “lượng” và “giá”, đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh. Từ các dịch vụ ngân hàng thường xuyên và thiết yếu đối với doanh nghiệp như: Cho vay (giải ngân, trả nợ khoản vay), phát hành bảo lãnh, tiền gửi có kỳ hạn, quản lý khoản phải trả (thanh toán lương, nộp ngân sách Nhà nước, chuyển tiền điện, nước...), quản lý thanh khoản (quản lý dòng tiền tập trung bù đắp)... đến các dịch vụ chuyên biệt như: thấu chi online, gửi hồ sơ giao dịch, thanh toán hóa đơn chuyển tiền ngoại tệ không yêu cầu cung cấp chứng từ gốc; chứng từ ký số (sao kê, sổ phụ, lệnh chi…); hóa đơn điện tử đều được Vietinbank eFAST mới hỗ trợ doanh nghiệp sẵn sàng trong 24/7. Với tiện ích trên, Chi nhánh đã thu hút hơn 1.000 khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ trong 10 tháng đầu năm 2022.
Nhằm đồng hành cùng doanh nghiệp trong quá trình CĐS, thời gian qua, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Chi nhánh Nam Định đã cung cấp danh mục đa dạng các sản phẩm, dịch vụ tài chính số bao gồm các dòng sản phẩm về quản lý khoản phải thu, quản lý khoản phải trả, quản lý thanh khoản… giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí và dễ dàng tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng trong công tác CĐS tại doanh nghiệp. Bên cạnh đó, để hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục hạn chế về nguồn lực tài chính cho CĐS, BIDV đã triển khai các chính sách, chương trình khuyến mại dành cho doanh nghiệp như miễn phí toàn bộ giao dịch chuyển tiền trong nước dành cho khách hàng mới/khách hàng ngủ đông khi đăng ký Gói dịch vụ tài chính - BIDV iBank; giảm 50% phí tài trợ thương mại và chuyển tiền quốc tế giao dịch trên kênh ngân hàng điện tử BIDV iBank; miễn phí kết nối dịch vụ BIDV iConnect của BIDV, đàm phán với đối tác cung cấp ERP để có chính sách ưu đãi cho khách hàng sử dụng dịch vụ BIDV iConnect. Ngoài ra, BIDV cũng tích cực phối hợp với các sở, ban, ngành triển khai các chương trình truyền thông, đào tạo về sản phẩm số dành cho doanh nghiệp với nhiều hình thức mới mẻ, dễ tiếp cận để lan tỏa các giải pháp của BIDV tới khách hàng, từ đó thực hiện được các mục tiêu của BIDV về hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa CĐS. Trước đó, từ năm 2021, BIDV Chi nhánh Nam Định cũng triển khai dự án “SME Digitrans” giúp doanh nghiệp đẩy nhanh CĐS, ứng dụng công nghệ vào quản trị điều hành, quản trị tài chính - kế toán. Hàng loạt các ngân hàng khác cũng tung ra các gói sản phẩm hỗ trợ doanh nghiệp CĐS, tiếp cận và làm quen với kinh tế số như Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank) với ngân hàng số hợp kênh Ommi - Chanel Banking với các dịch vụ tiện ích hiện đại như dịch vụ đăng ký vay trực tuyến; mở tài khoản trực tuyến bằng định danh điện tử (eKYC) và giao dịch ngay mà không cần đến quầy; dịch vụ giao dịch điện tử qua email với chữ ký số giúp giao dịch từ xa mọi lúc mọi nơi; 100% chứng từ điện tử an toàn và bảo mật nhờ đa dạng phương thức xác thực như chữ ký số, advance token, mSign cùng mô hình phê duyệt từ đơn đến đa cấp...
Tuy nhiên, theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, việc tham gia quá trình CĐS của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh vẫn còn chậm bởi nhiều lý do như: doanh nghiệp nhận thức chưa đầy đủ về CĐS; lo lắng về chi phí, nhân lực công nghệ, bảo mật thông tin nội bộ, bí mật kinh doanh… Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc xác định hướng đi, lộ trình cụ thể để CĐS. Trên thực tế, rất nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa có nhu cầu về CĐS nhưng lại lo lắng về tốn kém đầu tư trong khi khá băn khoăn về tính hiệu quả vì việc định lượng lợi ích thực hiện CĐS ngay lập tức là rất khó. Về cơ bản, việc thực hiện CĐS của doanh nghiệp vẫn do tự thân quyết định, sự hỗ trợ của Nhà nước chỉ có định hướng để CĐS của doanh nghiệp được tốt hơn. Chính vì thế, việc hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa CĐS rất cần thiết, giúp doanh nghiệp tự nhận diện được đang ở giai đoạn nào của quá trình CĐS để xác định được vấn đề cốt lõi cần thực hiện của CĐS…
Để hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận với tiến trình CĐS dễ dàng, đơn giản và hiệu quả cao hơn, thời gian tới, các ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh thiết kế các gói vay, ứng dụng công nghệ số hỗ trợ doanh nghiệp quản trị điều hành, quản trị tài chính - kế toán nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển thương mại điện tử tại thị trường trong nước và xuất khẩu, ứng dụng các giải pháp công nghệ số tăng cường hiệu quả sản xuất kinh doanh, giúp doanh nghiệp củng cố tài chính, số hóa hệ thống, mở rộng mạng lưới phân phối và dịch chuyển sang phương thức kinh doanh thương mại điện tử. Cùng với đó, bản thân các doanh nghiệp cũng cần quan tâm tăng cường đầu tư công nghệ, lựa chọn chiến lược CĐS phù hợp với thực tiễn của doanh nghiệp. Có như vậy, công cụ công nghệ số của ngân hàng cung cấp mới có thể phát huy hết hiệu quả giúp tạo chuyển biến mạnh mẽ trong doanh nghiệp./.
Bài và ảnh: Đức Toàn
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin