I - Sâu sát trong lãnh đạo, chỉ đạo
II - Hiệu quả công tác dân vận
(Tiếp theo và hết)
Phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã thực sự đi vào đời sống xã hội, có sức lan tỏa sâu rộng, trở thành phong trào thi đua của cả hệ thống chính trị và được các tầng lớp nhân dân đồng tình, hưởng ứng. Bên cạnh những kết quả đạt được cũng còn một số tồn tại, hạn chế cần nghiêm túc rút kinh nghiệm để việc tổ chức phong trào thi đua “Dân vận khéo” ngày càng thiết thực, hiệu quả hơn, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Tân binh huyện Xuân Trường lên đường nhập ngũ. |
III - Tiếp tục lan tỏa phong trào thi đua
"Dân vận khéo"
Đến nay toàn tỉnh đã xây dựng được 3.545 mô hình, điển hình “Dân vận khéo”, trong đó có 2.066 mô hình tập thể và 1.479 điển hình cá nhân. Các mô hình tập trung vào việc tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới (NTM), đô thị văn minh; tham gia phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tham gia giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ chủ quyền biên giới, biển, đảo; vận động đồng bào theo tôn giáo thực hiện tốt các chủ trương, chính sách, pháp luật; vận động nhân dân hiến đất, tài sản để giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án, công trình trọng điểm... Phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã huy động được sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân, tạo sự đồng thuận trong thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xây dựng hệ thống chính trị, quốc phòng - an ninh của địa phương. Từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay, kinh tế của tỉnh duy trì ổn định và phát triển. Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch theo hướng tích cực. Thu hút đầu tư đạt kết quả tốt, đã thu hút được một số dự án đầu tư lớn, công nghệ cao, thân thiện với môi trường, có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông được quan tâm đầu tư và tập trung chỉ đạo thực hiện; nhiều công trình, dự án trọng điểm đang được triển khai khi hoàn thành sẽ tạo diện mạo mới, động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới. Đặc biệt, ngành Giáo dục và Đào tạo giữ vững thành tích gần 30 năm liên tục trong tốp dẫn đầu cả nước về chất lượng giáo dục. Chính sách an sinh xã hội được đảm bảo; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Để tiếp tục phát huy vai trò tạo sự đồng thuận, tin tưởng trong nhân dân, góp phần quan trọng phát huy quyền làm chủ, sự chủ động, tích cực của nhân dân tham gia thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã xác định rõ những tồn tại, hạn chế và rút ra bài học kinh nghiệm. Trong đó, việc triển khai xây dựng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” theo tư tưởng dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở một số cấp uỷ đảng, chính quyền còn lúng túng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện. Việc triển khai các văn bản liên quan đến phong trào thi đua “Dân vận khéo” còn chậm. Vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội còn hạn chế. Nhiều mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực của đời sống xã hội chưa đồng đều, chưa thực sự gắn kết với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở... nên chưa có sức thuyết phục. Công tác kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc triển khai thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” chưa được tiến hành thường xuyên. Một số mô hình, điển hình chưa đáp ứng được tâm tư nguyện vọng chính đáng của nhân dân nên hiệu quả không cao, thiếu sức lan toả.
Đồng chí Ngô Ngọc Vũ, Phó Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy cho biết: Từ thực tiễn xây dựng mô hình, điển hình “Dân vận khéo”, rút ra những bài kinh nghiệm là: Phong trào được thực hiện hiệu quả khi có sự quan tâm lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền vào cuộc chỉ đạo; Ban Dân vận các cấp làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy ban hành những chủ trương, giải pháp đẩy mạnh phong trào và đề xuất cơ chế chính sách để nhân rộng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” đạt hiệu quả cao; xây dựng phong trào thi đua “Dân vận khéo” phải gắn kết được lợi ích chính đáng, thiết thực của tổ chức, cá nhân tham gia vào phong trào; lựa chọn mô hình, điển hình phù hợp với nhu cầu của nhân dân, thực tiễn của địa phương để phát triển bền vững và tạo sức lan toả sâu rộng; đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát; tiến hành công tác sơ kết, tổng kết, biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến, đồng thời đúc kết kinh nghiệm, phổ biến, nhân rộng các điển hình trong nhân dân.
Phát huy những kết quả đạt được trong thời gian qua và để phong trào thi đua “Dân vận khéo” tiếp tục được triển khai toàn diện, hiệu quả, thời gian tới, các cấp uỷ Đảng cần tiếp tục chỉ đạo thực hiện hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị và các văn bản của Đảng, Nhà nước về công tác dân vận với trọng tâm là nghị quyết đại hội Đảng các cấp; Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 3-6-2013 của BCH Trung ương Đảng khóa XI “Về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”; nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với thực hiện Kết luận số 01-KL/TW ngày 18-5-2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Phát huy vai trò của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia các phong trào thi đua do tỉnh, địa phương phát động. Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, thiết thực, hiệu quả, bám sát cơ sở; nâng cao chất lượng các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, bám sát nhiệm vụ chính trị, nhu cầu, lợi ích chính đáng của đoàn viên, hội viên và nhân dân để xác định nội dung, cách thức phát động thi đua sát tình hình thực tế của địa phương, đơn vị. Chú trọng công tác tuyên truyền và phổ biến những kinh nghiệm, cách làm hay, biểu dương, khen thưởng kịp thời tập thể, cá nhân làm tốt; nhân rộng những điển hình tiên tiến. Đưa việc chỉ đạo xây dựng mô hình vào nội dung chương trình công tác của cấp uỷ tại địa phương, đơn vị. Tiếp tục hoàn thiện, nhân rộng các mô hình, điển hình trong phong trào thi đua “Dân vận khéo” có hiệu quả thực tiễn đã được các cấp, các ngành xây dựng và công nhận; đồng thời chỉ đạo, phát động các cấp, các ngành và nhân dân nghiên cứu, xây dựng các mô hình, điển hình mới trên các lĩnh vực sau đó mới nhân rộng. Thường xuyên làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc, chỉ đạo hiệu quả phong trào thi đua “Dân vận khéo” và tăng cường công tác bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận, đặc biệt cán bộ ở cơ sở từng bước đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới./.
Bài và ảnh: Văn Trọng
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin