Lời Bác dạy sáng đường chúng ta đi
.

Lời Bác dạy sáng đường chúng ta đi

09:45, 15/05/2024
 

 

Từ năm 1946 đến năm 1963, Bác Hồ đã 5 lần về thăm và làm việc với Đảng bộ và nhân dân tỉnh Nam Định. Bác ân cần chỉ bảo, dặn dò cần phát huy tinh thần tiên phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên; chú trọng công tác xây dựng Đảng; phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống nhân dân và coi đó là vấn đề có ý nghĩa sống còn đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Thực hiện lời Bác dạy, qua mỗi giai đoạn lịch sử, Đảng bộ, quân và dân trong tỉnh luôn đoàn kết, quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức, vững bước tiến lên trong công cuộc đổi mới, theo đúng niềm mong ước của Bác: "Xây dựng tỉnh Nam Định thành một tỉnh giàu mạnh, làm kiểu mẫu cho toàn miền Bắc...".

 

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Cựu chiến sĩ Điện Biên Nguyễn Văn Lễ, sinh năm 1929, Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng - thế hệ “mở đất” thị trấn Rạng Đông (Nghĩa Hưng) là tấm gương sáng trong công cuộc khai hoang, lấn biển “Chắn sóng thành đê, biến biển thành đồng”. Để có được hai chữ “Rạng Đông” trên bản đồ là công sức, thành quả to lớn mà các thế hệ người lính “Bộ đội Cụ Hồ” và nhân dân đã chung sức, đồng tâm đổ mồ hôi và xương máu để biến một vùng lau sậy, cỏ lác hoang sơ thành bờ xôi ruộng mật, màu xanh sự sống

 

 

 

Trò chuyện với chúng tôi về lịch sử sáng nghiệp miền quê “Mặt trời mọc”, ánh niềm vui từ đôi mắt, ông Lễ hồi tưởng: Cách đây 66 năm, công cuộc khai hoang, lấn biển: “Bắt sóng bạc phải cúi đầu. Buộc biển sâu phải lùi bước. Lấn biển, làm giàu cho Tổ quốc” được khởi công vào ngày 19-5-1958 - đúng ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh và cũng là ngày có quyết định thành lập nông trường mang tên “Rạng Đông”. Thế hệ những người “mở đất” là hơn 900 người lính của đơn vị “Quyết tử quân” Tiểu đoàn 231 Thừa Thiên - Huế, Đại đội 430 Quảng Trị - sau là Trung đoàn 269.

 

Thực hiện chỉ đạo của Trung ương, những người lính “mình đồng da sắt” của miền Trung sau chiến thắng Điện Biên Phủ lại giương cao ngọn cờ “Quyết chiến, quyết thắng” vượt sông Đáy đến với quê biển Nghĩa Hưng bắt tay làm kinh tế, xây dựng miền Bắc XHCN. Với tinh thần “Thắp đuốc làm đêm”, “Thanh niên phi nước đại, phụ lão chẳng ngại khó khăn”, những người lính Trung đoàn 269 cùng lực lượng Tiểu đoàn I Nam Định và dân quân địa phương ngày đêm quai đê, lấn biển.

 

 

 

“Sau 1 năm 8 tháng, ngày 28-12-1959, từ bãi biển hoang sơ, dưới bàn tay, khối óc con người đã trở thành vùng đất giàu tiềm năng. Khi hàn khẩu, đã nối liền con đê dài 14km (nay là đê 58) từ cửa sông Ninh Cơ đến cửa sông Đáy. Mỗi tấc đất, sải đê đều thấm đẫm mồ hôi và nước mắt của những người lính trong cuộc vật lộn “Chắn sóng thành đê, biến biển thành đồng”. Đồng chí Lương Viên, chiến sĩ Trung đoàn 269 và đồng chí Mai Thị Bình, thanh niên xung kích quê Hải Hậu đã lấy thân mình chặn dòng nước xoáy và anh dũng hy sinh trong giờ khắc triệt giang, hàn khẩu con đê” - ông Nguyễn Văn Lễ kể.

 

Bước vào đầu năm 1960, miền Bắc phấn đấu tiến lên XHCN để làm nhiệm vụ hậu phương lớn của tiền tuyến lớn miền Nam, những người lính Trung đoàn 269 được lệnh “chuyển ngành” tại chỗ, thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông trường quốc doanh Rạng Đông.

 

Cựu chiến sĩ Điện Biên Nguyễn Văn Lễ, sinh năm 1929, Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng - thế hệ “mở đất” thị trấn Rạng Đông (Nghĩa Hưng)
là tấm gương sáng trong công cuộc khai hoang, lấn biển “Chắn sóng thành đê, biến biển thành đồng”.

 

Bài học nghệ thuật quân sự “Ngụ binh ư nông” của các vị Vua anh minh vương triều Trần lại được kế thừa và phát huy trong thời đại Hồ Chí Minh. Những người lính Bộ đội Cụ Hồ, quần áo ngày nào còn vương mùi thuốc súng, giờ đã thơm mùi đất nông trường. Rồi khi đế quốc Mỹ đánh phá miền Bắc, một lần nữa, các anh lại cầm súng, anh dũng chiến đấu với kẻ thù để bảo vệ quê hương, bảo vệ thành quả lao động của chính mình trên mảnh đất vừa khai phá. Chắc tay súng, vững tay cày, các sản phẩm nông nghiệp do chính bàn tay lao động của các anh và nhân dân địa phương ngày càng đạt năng suất cao, đóng góp cho chiến trường miền Nam ruột thịt.

 

 

Nữ Anh hùng LLVTND Vũ Thị Thanh Nhâm, Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng, quê xã Nghĩa Thắng, nay là xã Phúc Thắng (Nghĩa Hưng) - tên tuổi của bà đã gắn liền với những chiến công vang dội trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tiêu biểu cho truyền thống yêu nước, cách mạng của người dân vùng chân sóng.

 

Thanh niên thành phố Nam Định xung kích lên đường đánh Mỹ, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Ảnh: Đỗ Dương Uyên
Thanh niên thành phố Nam Định xung kích lên đường đánh Mỹ, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Ảnh: Đỗ Dương Uyên

 

Trong kháng chiến chống Mỹ, nằm giáp bờ Biển Đông, nơi sông Ninh Cơ đổ ra biển, nên Nghĩa Thắng là địa bàn xung yếu về chính trị, quân sự của huyện và của tỉnh; là trận địa xung yếu, một mục tiêu đánh phá ác liệt của địch. Mỗi tấc đất của quê hương đều thấm đẫm mồ hôi, xương máu và nước mắt của biết bao người dân. Chỉ tính từ năm 1966 đến 1972, giặc tổ chức 48 đợt đánh phá, biến vùng đất Nghĩa Thắng và các xã lân cận thành “túi bom, vựa đạn”, gây nên bao đau thương, mất mát cho người dân. Nhưng cũng từ trong đau thương, người dân quê biển đã kiên cường, hiệp đồng với các LLVT thực hiện thắng lợi các phương án đánh giặc trên không, trên sông, trên biển, đánh địch đổ bộ theo đường biển, bảo vệ quê hương.

 

Trung đội nữ dân quân xã Nghĩa Thắng được thành lập, bà Vũ Thị Thanh Nhâm là trung đội trưởng. Lực lượng dân quân xã Nghĩa Thắng đã lập nhiều chiến công hiển hách, phá thủy lôi và các phương tiện chiến tranh của địch, bảo vệ cửa sông, tuyến giao thông huyết mạch. Nhiều phong trào thi đua: “Ruộng rẫy là chiến trường, cuốc cày là vũ khí, nhà nông là chiến sĩ, hậu phương thi đua với tiền phương”, “Phụ nữ ba đảm đang, thanh niên ba sẵn sàng”, thi đua giành mục tiêu “5 tấn thóc, 2 con lợn 1ha” sôi nổi, rộng khắp.

 

Nữ Anh hùng LLVTND Vũ Thị Thanh Nhâm, Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng,
quê xã Nghĩa Thắng, nay là xã Phúc Thắng (Nghĩa Hưng).

 

Nhớ lại những năm tháng nơi “túi bom, vựa đạn”, bà Nhâm kể: “Nhiệm vụ quan trọng của tổ công binh là phải thực hiện rà phá bom, thủy lôi của địch nhằm khai thông luồng lạch. Ban đầu, cách “đánh” của các chiến sĩ tổ công binh là dùng luồng kết thành bè, có gắn nam châm; sau đó, trực tiếp lái bè tiến về vùng có bom nổ chậm; từ trường của nam châm kích từ trường của bom khiến bom phát nổ”. Là người trực tiếp tham gia nhiều trận rà phá bom, thủy lôi, có lần, bà Nhâm bị sức ép của bom hất xuống dòng sông, bất tỉnh, may được các đồng đội ứng cứu kịp thời.

 

 

 “Vinh dự và cũng là hạnh phúc lớn nhất của đời tôi là những lần được gặp Bác Hồ, được trực tiếp nghe Bác nói, Bác hỏi, Bác cǎn dặn và chỉ bảo… Tôi luôn ghi nhớ và nguyện phấn đấu suốt đời thực hiện lời Bác dạy”. Đó là lời tâm sự của Anh hùng Lao động Nguyễn Thị Thạc; người được mệnh danh “Kiện tướng đứng máy sợi” (Nhà máy Dệt Nam Định) những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

 

Anh hùng Lao động Nguyễn Thị Thạc (người đứng bên phải) vinh dự được gặp Bác Hồ tại Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua toàn quốc (ngày 11-5-1962).
Anh hùng Lao động Nguyễn Thị Thạc (người đứng bên phải)
vinh dự được gặp Bác Hồ tại Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua toàn quốc (ngày 11-5-1962).

 

Giọng hào sảng, ánh niềm vui từ đôi mắt, bà Thạc kể: Tôi vinh dự được kết nạp Đảng năm 1959, lúc đó là công nhân trẻ phân xưởng Sợi (Nhà máy Dệt Nam Định). Nǎm 1960, tôi được chọn tham gia Đoàn công tác Nhà máy Dệt Nam Định đi tham quan học tập ở Nhà máy Dệt Bình Nhưỡng (Triều Tiên). Sau chuyến tham quan, trao đổi kinh nghiệm nghề sợi, tôi áp dụng sáng tạo vào điều kiện sản xuất của Nhà máy; trăn trở, tìm sáng kiến trong quy trình nối sợi "mắt nhìn, tay nối, chân quơ bông vương vãi"... trong phân xưởng Sợi, đưa nǎng suất từ 300 cọc sợi ngang, lên 600 cọc sợi; bản thân tôi đạt một ca máy đứng 1.100 cọc sợi , đảm bảo chất lượng, kỹ thuật.

 

“Tôi đứng được nhiều cọc sợi bởi có động lực là lòng yêu nước, chỉ nghĩ làm sao sản xuất thật nhiều sợi, nhiều vải để phục vụ nhân dân, xây dựng miền Bắc vững mạnh, "Tất cả vì miền Nam ruột thịt", góp phần thống nhất đất nước. Chúng tôi ngày ấy chỉ có mục đích là lao động, phấn đấu không ngừng theo lời Bác dạy là: Kế hoạch 1, giải pháp 10 và quyết tâm 20. Lúc bấy giờ thanh niên chỉ nghĩ đến hoàn thành và vượt mức kế hoạch, không bao giờ nghĩ mình sẽ là lao động tiên tiến, hay chiến sĩ thi đua...”, bà Thạc tâm sự.

 

Vợ chồng Anh hùng Lao động Nguyễn Thị Thạc; người được mệnh danh “Kiện tướng đứng máy sợi”
(Nhà máy Dệt Nam Định) những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

 

Ký ức vinh dự, tự hào nhất đối với bà Nguyễn Thị Thạc là lần được gặp Bác Hồ dự và huấn thị tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ V ngày 21-5-1963.

 

Theo lời kể của bà Thạc: Sáng 21-5-9163, bà là đại biểu chính thức Đảng bộ Nhà máy Dệt Nam Định được dự Đại hội Đảng bộ tỉnh V (tại Hội trường Nhà máy Dệt Nam Định). Đại hội vinh dự được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh dự và Huấn dụ. Bác biểu dương "... Trong mấy năm qua Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà đã cố gắng vươn lên và đã thu được một số thành tích về các mặt... Trong 2 năm qua, sản xuất có phát triển tiến bộ hơn trước. Năm 1962, Nhà máy Dệt đã hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch của Nhà nước. Bác gửi lời khen ngợi công nhân và cán bộ nhà máy Dệt. Năm nay càng phải cố gắng hơn, ra sức thi đua với Nhà máy Dệt Bình Nhưỡng (Triều Tiên) để hoàn thành vượt mức kế hoạch năm 1963 và kế hoạch 5 năm".

 

Khắc ghi lời Bác dạy, ngày ấy, với tinh thần “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, cán bộ, công nhân Nhà máy Dệt Nam Định sôi sục khí thế thi đua, đẩy mạnh sản xuất với tinh thần: “Tay búa, tay súng”, “Tay thoi, tay súng”, “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”, “Một triệu mét vải vì miền Nam ruột thịt”. Qua 8 năm chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ (từ tháng 7-1965 đến tháng 1-1973), dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, Đảng bộ Nhà máy Dệt Nam Định đã lãnh đạo đội ngũ công nhân lập nhiều thành tích vẻ vang trong sản xuất và chiến đấu. Nhà máy Dệt Nam Định ở lại sản xuất trên địa bàn thành phố cùng với nhân dân. Với ý chí “địch đến là đánh, địch chạy lại sản xuất”, tuy kẻ thù đã trút hàng nghìn quả bom, tên lửa xuống các khu vực sản xuất nhưng không thể ngăn cản được từng mét vải được dệt từ những ca máy “đội bom mà sản xuất”, những người thợ “tay thoi, tay súng” chi viện cho miền Nam.

 

Một góc Thành Nam.
Một góc Thành Nam.

 

Cho chúng tôi xem những tư liệu, những bức ảnh quý bà vinh dự được chụp với Chủ tịch Hồ Chí Minh, bà Thạc nhớ lại: “Là đại biểu Quốc hội 3 khoá liền (khoá III, IV, V) lại thường được tham gia đoàn Chủ tịch của mỗi kỳ họp, nên nǎm nào tôi cũng được gặp Bác. Trong một lần gặp mặt các nữ đại biểu Quốc hội, Bác nhắc nhở: "Mình được nhân dân tín nhiệm cử ra gánh vác việc của dân của nước, bất kỳ công việc gì có lợi cho dân, cho nước thì phải ra sức khắc phục khó khǎn mà làm. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ phải nắm vững hiến pháp khiêm tốn, gần gũi và lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của nhân dân". 

 

 

 

 

 

 

Trong những lần về thăm và làm việc với Đảng bộ, quân và dân tỉnh Nam Định, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đến phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống nhân dân và coi đó là vấn đề có ý nghĩa sống còn đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. “Nam Định là một tỉnh ruộng đất phì nhiêu, tài nguyên phong phú, dân cần cù, có nhiều khả năng trở thành một tỉnh thật giàu có. Đồng bào tỉnh Nam Định có truyền thống đoàn kết và đấu tranh anh dũng. Trong thời kì kháng chiến, tỉnh Nam Định đã lập nhiều chiến công vẻ vang… Bác tin rằng dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, nhân dân và cán bộ Nam Định sẽ thu được nhiều thắng lợi rực rỡ.” - Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn.

 

Thực hiện lời Bác dạy, Đảng bộ, chính quyền, quân và Nhân dân tỉnh Nam Định phát huy truyền thống anh hùng, kiên trung của các thế hệ cha anh đi trước; ý chí tự lực, tự cường, đoàn kết, đồng lòng xây dựng quê hương Nam Định ngày càng giàu đẹp, văn minh; góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025.
Thực hiện lời Bác dạy, Đảng bộ, chính quyền, quân và Nhân dân tỉnh Nam Định phát huy truyền thống anh hùng, kiên trung của các thế hệ cha anh đi trước; ý chí tự lực, tự cường, đoàn kết, đồng lòng xây dựng quê hương Nam Định ngày càng giàu đẹp, văn minh; góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025.

 

 

Thực hiện Di chúc và những lời căn dặn và chỉ bảo của Người, cán bộ và nhân dân trong tỉnh đoàn kết, thực hiện thắng lợi các phong trào thi đua yêu nước, theo đúng niềm mong ước của Bác: Xây dựng tỉnh Nam Định thành một tỉnh giàu mạnh, làm kiểu mẫu. Gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, Nam Định có những khởi sắc toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội; nhất là những thành tựu quan trọng trong xây dựng nông thôn mới (NTM), hướng tới mục tiêu xây dựng “Nông nghiệp thịnh vượng, Nông dân giàu có, Nông thôn văn minh, hiện đại”.

 

Các đồng chí: Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Quốc Chỉnh; Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đình Nghị đã trao tặng những phần quà tri ân đến các cựu chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Các đồng chí: Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Quốc Chỉnh; Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đình Nghị đã trao tặng những phần quà tri ân đến các cựu chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

 

Từ những bài học kinh nghiệm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 về “tam nông”, với cách thức vừa học, vừa làm, vừa đúc rút kinh nghiệm, vừa tổng kết thực tiễn, tỉnh Nam Định đã sớm xác định: Xây dựng NTM trước hết phải xuất phát từ việc khai thác nội lực, từ chính cộng đồng dân cư, với phương châm “Người dân là chủ thể xây dựng NTM; nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”; các xã, thị trấn, các thôn, đội và người dân nông thôn phải chủ động trong xây dựng NTM; không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

 

Đồng chí Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh
trao Bằng khen cho các tập thể xuất sắc trong "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh
 giai đoạn 2021-2023".

 

Diễn văn của đồng chí Phạm Gia Túc, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định tại Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày Bác Hồ về thăm tỉnh Nam Định, khẳng định: “Bác đã đi xa nhưng tên tuổi và sự nghiệp của Người còn mãi với non sông đất nước ta, sống mãi trong lòng dân tộc ta. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Nam Định luôn khắc ghi lời dạy của Bác, làm động lực, niềm tin, tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, tạo bước đột phá và sức bật mới, đưa Nam Định trở thành trung tâm của vùng Nam đồng bằng sông Hồng".

 

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh các nhiệm kỳ đã ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề liên quan đến “tam nông”; trong đó, đều xác định rõ quan điểm, định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, là cơ sở để các cấp ủy Đảng, chính quyền tổ chức chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội.

 

Thực hiện lời Bác dạy, qua mỗi giai đoạn lịch sử, Đảng bộ, quân và dân trong tỉnh luôn đoàn kết,
quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức, vững bước tiến lên trong công cuộc đổi mới.

 

Với quan điểm: Xây dựng NTM chính là làm cho người dân và vì người dân nông thôn. Người dân được xác định vừa là chủ thể, vừa là nguồn lực, vừa là đối tượng được thụ hưởng khi xây dựng NTM theo phương châm “Dân cần - dân biết - dân bàn - dân làm - dân giám sát - dân hưởng thụ”.  Công tác xây dựng NTM tiếp tục được quan tâm đẩy mạnh triển khai thực hiện theo các tiêu chí nâng cao, kiểu mẫu; đến nay, toàn tỉnh đã có 197/204 xã, thị trấn (chiếm 96,6%) đạt chuẩn NTM nâng cao; 32 xã được công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; huyện Giao Thuỷ đang trình cấp có thẩm quyền xét, công nhận huyện NTM nâng cao năm 2023.

 

Nông thôn mới Hải Hậu Sáng, xanh, sạch, đẹp).
Nông thôn mới Hải Hậu "Sáng, xanh, sạch, đẹp).

Tỉnh tổ chức thành công Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Xúc tiến đầu tư tỉnh Nam Định năm 2024, được dư luận cán bộ, đảng viên và nhân dân đánh giá cao. Việc xây dựng Đề án triển khai sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 trên địa bàn tỉnh được tập trung chỉ đạo quyết liệt, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, đảm bảo đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, được cử tri và nhân dân đồng thuận, nhất trí rất cao; Nam Định là tỉnh đầu tiên của cả nước hoàn thiện Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 trình Bộ Nội vụ thẩm định, sớm trước hạn đăng ký 45 ngày.

 

 

 

Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị thực sự trong sạch, vững mạnh được đẩy mạnh; các phong trào thi đua yêu nước ngày càng tiếp tục đổi mới, sáng tạo, hiệu quả. Huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và bền vững; chăm lo phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa - xã hội; giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; đảm bảo an sinh xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Quyết tâm đưa tỉnh Nam Định sớm trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước để luôn xứng đáng với niềm tin yêu của Bác”./.

Việt Thắng



Xem thêm bình luận