Tác phẩm tham dự giải báo chí Búa Liềm vàng lần thứ IX-2024: Khơi dậy sức dân từ phong trào thi đua “Dân vận khéo” (kỳ II)

19:07, 20/05/2024
kỳ I  - Sâu sát trong lãnh đạo, chỉ đạo 

(Tiếp theo kỳ trước)

Từ sự lãnh đạo sâu sát, cụ thể của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự vào cuộc tích cực của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và các đoàn thể, phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào chiều sâu, phát huy hiệu quả trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị; kết hợp đồng bộ giữa công tác dân vận với hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền, cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quan tâm giải quyết những nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của nhân dân, bảo đảm hài hòa lợi ích Nhà nước, tập thể và cá nhân.

Nông thôn mới Xuân Trường hôm nay.
Nông thôn mới Xuân Trường hôm nay.

 

II - Hiệu quả công tác dân vận

 

Trên lĩnh vực kinh tế, nhiều mô hình đã vận động hội viên, đoàn viên, các thành phần kinh tế tham gia, qua đó phát huy được thế mạnh của địa phương, huy động được nguồn lực và ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh, tham gia khởi nghiệp, tạo sản phẩm xanh, sạch, an toàn đáp ứng yêu cầu thị trường. Điển hình là các mô hình: “Chung sức xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, kiểu mẫu”, “Toàn ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chung sức xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, nông dân giàu có, nông thôn văn minh” giai đoạn 2021-2025, “Nâng cao chất lượng an toàn thực phẩm”, “Xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao”, “Thi đua phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp”, “Nghiên cứu và triển khai ứng dụng khoa học, kỹ thuật”, “Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, xây dựng cánh đồng lớn”, “Thi đua lao động giỏi”, “Phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật”, “Doanh nghiệp thân thiện với môi trường”, “Nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động”... Đặc biệt, phong trào thi đua Dân vận khéo trong xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu đã giúp cho cán bộ, đoàn viên, hội viên và quần chúng nhân dân hiểu rõ quyền lợi, trách nhiệm trong việc đóng góp sức người, sức của, chung tay xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu.

Đồng chí Phạm Quang Ái, TUV, Bí thư Huyện ủy Giao Thủy cho biết: Xác định xây dựng NTM là nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong nhiệm kỳ 2020-2025, Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo triển khai xây dựng mới các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” nhằm khơi dậy nguồn lực từ nhân dân hoàn thiện các tiêu chí NTM, hướng tới năm 2025 huyện đạt NTM kiểu mẫu. Đến nay, đã có nhiều mô hình, điển hình “Dân vận khéo” đã đi vào chiều sâu, được tập thể, cá nhân, địa phương, đơn vị tích cực hưởng ứng. Điển hình như các mô hình “Xây dựng tuyến đường hoa”, “Tuyến đường xanh - sạch - đẹp kiểu mẫu do phụ nữ tự quản”, “Xây dựng môi trường nông thôn xanh - sạch - đẹp”, “Nhà sạch - vườn xanh - đường, sông không rác”, “Đội thanh niên tình nguyện hỗ trợ công tác chuyển đổi số”, “Hàng cây thanh niên”, “Thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, “Xây dựng cảnh quan môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp”, “Xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao”, “Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, xây dựng cánh đồng lớn”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”, “Dạy tốt, học tốt”, “Xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia”... Trong quá trình thực hiện từng tiêu chí NTM nâng cao, kiểu mẫu, nhân dân trong huyện đã đóng góp 201.975/990.045 tỷ đồng, bằng 20,4% tổng nguồn kinh phí xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu; tự nguyện hiến trên 323.860,4m2 đất, góp 131.616 ngày công để xây dựng cơ sở hạ tầng, đường giao thông, hệ thống thuỷ lợi nội đồng nhằm phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh. Từ nguồn vốn huy động, huyện và các xã, thị trấn tập trung ưu tiên đầu tư xây dựng, hoàn thiện các tiêu chí về trường học, giao thông, thủy lợi, trạm y tế và đầu tư phát triển sản xuất, nước sạch vệ sinh môi trường. Đến nay, toàn huyện có 13/20 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 11/20 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Huyện Giao Thủy đạt chuẩn 9 tiêu chí theo Bộ tiêu chí huyện NTM nâng cao, giai đoạn 2021-2025. Cùng với huyện Giao Thủy, các huyện, thành phố khác trong tỉnh cũng đã phát huy được sức mạnh từ phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu, đô thị văn minh để sớm hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu, đô thị văn minh theo nghị quyết đại hội đảng bộ địa phương nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra. Đến nay, toàn tỉnh có 197/204 xã, thị trấn (chiếm 96,6%) đạt chuẩn NTM nâng cao và 32/188 xã, thị trấn đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (đạt 17%).

Không chỉ thúc đẩy phát triển kinh tế, phong trào “Dân vận khéo” cũng góp phần tích cực trong việc thực hiện chính sách an sinh xã hội, môi trường, văn hóa, giáo dục, y tế. Nổi bật là các mô hình: “Chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo”, “Xóm văn hoá NTM”, “Gia đình văn hoá NTM”, “Cơ quan, đơn vị văn hóa NTM”, “Tuyến phố sáng _ xanh - sạch - đẹp - văn minh”, “Vận động nhân dân tham gia thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang”, “Học không bao giờ cùng”, “Xây dựng trường chuẩn quốc gia xanh - sạch - đẹp - an toàn”, “Thầy thuốc như mẹ hiền”, “Nâng cao chất lượng chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân”, “Xây dựng cơ sở y tế sáng - xanh - sạch - đẹp”. Điển hình như mô hình “Vận động nhân dân tham gia thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang”, sau thời gian ngắn thực hiện, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động; phát huy tính gương mẫu của cán bộ, đảng viên, việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang đã có nhiều chuyển biến tích cực, được người dân đồng thuận hưởng ứng. Các khu dân cư xây dựng hương ước, quy ước, người dân đã tự nguyện thực hiện nếp sống mới trong việc cưới, việc tang. Nhiều đám cưới được tổ chức gọn nhẹ, tiết kiệm, văn minh, không phô trương, kéo dài, thực hiện làm cỗ không chia phần và ăn cỗ không lấy phần. Việc tổ chức đám tang cơ bản được rút ngắn, bỏ các hủ tục lạc hậu...

Trên lĩnh vực an ninh quốc phòng, các mô hình “Dân vận khéo” được thể hiện với nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả, khơi dậy được truyền thống yêu nước, phát huy vai trò của nhân dân, góp phần xây dựng mối quan hệ gắn bó máu thịt với nhân dân. Các mô hình tiêu biểu như: “Tiếng loa an ninh”, “Tổ dân phố, thôn không có tội phạm và tệ nạn xã hội”, “Khu dân cư văn hóa tiêu biểu”, “Lắp đặt camera giám sát an ninh”, “Phòng chống tệ nạn xã hội”, “Khu dân cư không có tội phạm và tệ nạn xã hội”, “Toàn dân tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông”, “Toàn dân tham gia phòng cháy chữa cháy”; “Khu dân cư phòng chống ma tuý, tội phạm”, “Hòm thư tố giác”, “Tuổi trẻ Nam Định tự hào truyền thống, tiếp bước cha anh”, “Quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc và an ninh trật tự khu, xóm biên giới”, “Tổ tự quản tàu thuyền, bến bãi an toàn”, "Sửa chữa nhà Đại đoàn kết, nhà mái ấm biên cương", “Vì những con tàu xa khơi”, “Đồng hành cùng em đến trường”, “Con nuôi đồn biên phòng”, “Nâng bước trẻ em đến trường”. Thực tiễn đã chứng minh, các mô hình trên đều rất thiết thực, gắn với từng nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh. Đơn cử như các mô hình “Lắp đặt camera giám sát an ninh”; “Toàn dân tham gia phòng cháy chữa cháy” tại khu dân cư là những mô hình mới thích ứng với việc đảm bảo an ninh trật tự trong điều kiện công nghệ thông tin phát triển cũng như yêu cầu cấp bách phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ ngay từ cơ sở, từ phút đầu phát cháy. Triển khai mô hình, lực lượng Công an phối hợp với các địa phương tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của nhân dân trong công tác giữ gìn an ninh, phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ; vận động mỗi hộ dân tự trang bị ít nhất 1 bình chữa cháy cầm tay; tự tổ chức thực tập phương án chữa cháy, thoát nạn phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương. Hay tại khu vực có đồng bào theo đạo đã hình thành nhiều mô hình hay trong bảo vệ an ninh Tổ quốc như: “Xây dựng xứ, họ tiên tiến, gia đình Công giáo gương mẫu”, “Xứ, họ đạo bình yên, gia đình văn hóa”, “Dòng họ tự quản”, “Giáo xứ, giáo họ không có tội phạm, không có ma túy, không có tệ nạn xã hội”, “Tâm sáng, hướng thiện”, “Xây dựng chùa tinh tiến”,... các mô hình đã phát huy truyền thống yêu nước, trách nhiệm của đồng bào có đạo trong đấu tranh phòng, chống tệ nạn xã hội, giữ gìn an ninh trật tự ở từng khu dân cư, góp phần đảm bảo an ninh tôn giáo trên địa bàn.

Trong xây dựng hệ thống chính trị, các cấp ủy đảng, chính quyền đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn viên và các tầng lớp nhân dân về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, từ đó nêu cao trách nhiệm của công dân đối với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Các cấp ủy chỉ đạo xây dựng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” gắn với việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở và công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; vận động nhân dân tham gia giám sát, phản biện xã hội, xây dựng chính sách, pháp luật, phản ánh kiến nghị của cử tri. Đặc biệt, thực hiện chủ trương sắp xếp, sáp nhập thôn (xóm), tổ dân phố; sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, giai đoạn 2023-2025, MTTQ các cấp đã phối hợp với các tổ chức thành viên đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận trong nhân dân. MTTQ đã tham mưu cho cấp ủy, phối hợp với chính quyền tiến hành bầu trưởng xóm (thôn), tổ trưởng tổ dân phố sau sắp xếp, sáp nhập thôn (xóm), tổ dân phố đảm bảo theo quy định. Hay trong thời gian gần đây, nhằm đáp ứng yêu cầu thực hiện mục tiêu chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử, kịp thời chuyển tải các chủ trương, chính sách phát triển của tỉnh đến người dân, đã có nhiều mô hình hay, sáng tạo được triển khai hiệu quả như mô hình: “Chuyển đổi số tại trường tiểu học, THCS tiến tới xây dựng mô hình các trường học số trên địa bàn tỉnh Nam Định”, "Tuyến đường 4.0", “Hỗ trợ đưa sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử”, “Thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn”, “Tổ công nghệ số cộng đồng”... Ngoài ra, phong trào thi đua “Dân vận khéo” cũng đã góp phần quan trọng giúp Nam Định tạo sự đồng thuận cao trong các tầng lớp nhân dân để ủng hộ chủ trương di dời, giải toả và bàn giao mặt bằng thực hiện các dự án phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

(Còn nữa)
Bài và ảnh:
Văn Trọng

III - Tiếp tục lan tỏa phong trào thi đua "Dân vận khéo" 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com