Bài dự thi Giải Búa liềm vàng lần thứ VIII-2023: Sắp xếp, sáp nhập thôn (xóm), tổ dân phố - Kết quả và những vấn đề đặt ra - Kỳ IV: Hiệu quả từ việc sáp nhập thôn (xóm), tổ dân phố

18:35, 26/09/2023

Kỳ I:  Quyết tâm chính trị cao

Kỳ 2 Những vấn đề đặt ra sau sáp nhập thôn (xóm), tổ dân phố

Kỳ III:  “Gỡ khó”  sau sáp nhập

Tiếp theo và hết

Với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của “Ý Đảng, lòng dân”, quá trình sắp xếp, sáp nhập các thôn (xóm), TDP mới trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành đúng tiến độ, đạt kết quả cao. Qua đó đã giảm đáng kể số lượng thôn, TDP và kinh phí chi cho các chức danh; đồng thời tăng quy mô số hộ và nhân khẩu, nâng cao tính tự quản của người dân, tạo sức mạnh triển khai hiệu quả các hoạt động, phong trào ở địa phương… góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn.

Sự đồng thuận của cán bộ, đảng viên xóm 2 xã Hải Tân (Hải Hậu) là tiền đề thực hiện thành công phong trào xây dựng nông thôn mới.
Sự đồng thuận của cán bộ, đảng viên xóm 2 xã Hải Tân (Hải Hậu) là tiền đề thực hiện thành công phong trào xây dựng nông thôn mới.

Về xóm 2, xã Hải Tân (Hải Hậu), chúng tôi cảm nhận rõ nét sự đổi thay và ngày càng khởi sắc của một vùng quê cách mạng. Đường dẫn vào các dong ngõ rộng rãi, xanh mát bóng cau, bóng dừa. Trong xóm ngoài làng có rất nhiều những ngôi nhà cao tầng bề thế đan xen với những ngôi nhà kiên cố, khang trang. Dẫn chúng tôi đi một vòng quanh xóm, giới thiệu về những công trình, di tích “nổi tiếng” của xóm, đồng chí Bí thư Đảng uỷ xã Hải Tân Hoàng Hữu Lạc cho biết: “Xóm 2 hiện nay được sáp nhập từ các xóm Lê Đê và Phạm Tăng, lấy theo tên 2 liệt sĩ của 2 xóm đã hy sinh trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Quá trình xã xây dựng Đề án sắp xếp, sáp nhập thôn (xóm), TDP và tổ chức lấy ý kiến nhân dân đều nhận được sự đồng thuận cao của cán bộ, đảng viên và nhân dân 2 xóm. Vì vậy, việc sáp nhập diễn ra thuận lợi, nhanh chóng”. Đồng chí Phạm Văn Thịnh, Bí thư chi bộ xóm 2 cho biết thêm: “Mặc dù trước khi sáp nhập Lê Đê có 17,6% dân số theo đạo Công giáo trong khi 100% người dân thôn Phạm Tăng theo đạo Phật. Tuy nhiên do nhận thức được sự cần thiết của việc sáp nhập các thôn (xóm) nên người dân 2 xóm đều đồng thuận với chủ trương sáp nhập. Sau sáp nhập, mặc dù là xóm “xôi, đỗ” nhưng người dân xóm 2 sống rất hài hoà, đoàn kết, giúp đỡ, hỗ trợ nhau trong cuộc sống cũng như các sinh hoạt văn hoá, tập tục ma chay, cưới hỏi”. Đặc biệt, vốn là 2 xóm có nghề trồng hoa cây cảnh lâu năm, từ khi xóm mới hình thành, người dân có điều kiện trao đổi kinh nghiệm, kiến thức, giới thiệu bạn hàng… nên hỗ trợ nhau rất tốt trong việc làm ăn. Đời sống bà con theo đó cũng được cải thiện đáng kể. Thu nhập bình quân đầu người của xóm 2 hiện đạt khoảng 78-80 triệu đồng/người/năm”. Xóm mới, dân số đông lại có tinh thần đoàn kết nên trong các công việc chung của xóm, đặc biệt là đóng góp xây dựng hạ tầng NTM, xóm “dễ dàng” huy động được nguồn lực, đóng góp lớn. Đầu năm 2023, chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, xóm đã huy động bà con nhân dân đóng góp để lắp đặt hệ thống camera an ninh trên tất cả các tuyến đường của xóm.

16h30 phút một chiều đầu thu tháng 9 oi nồng, lác đác đã thấy bóng từng tốp 2, 3 trẻ em đạp xe vào NVH Tây Nam Tiến, xã Hải Hưng (Hải Hậu)… chơi. Khoảng 15 phút sau, sân NVH đông đúc hẳn lên. Đầu cổng, 2 phụ nữ trung tuổi đang thay nhau tập trên các thiết bị tập đi bộ trên không. Cách đó không xa, một nhóm các cụ cao niên đứng thành hàng tập dưỡng sinh. Không khí sinh hoạt sôi nổi tại NVH Tây Nam Tiến sẽ được duy trì cho đến khoảng 22h đêm. Từ trong hội trường NVH, phóng tầm mắt bao quát cả khu vực rộng lớn lên đến 1.700m2, đồng chí Lê Văn Trình, Bí thư chi bộ xóm Tây Nam Tiến, xã Hải Hưng tự hào cho biết: “NVH Tây Nam Tiến chỉ là một trong những công trình được xóm triển khai xây dựng sau sáp nhập từ nguồn đóng góp của bà con trong xóm. Mặc dù kinh phí xây dựng lớn, trên 2 tỷ đồng nhưng do dân số đông, bà con đồng thuận nên chỉ một thời gian ngắn chúng tôi đã huy động được tiền và xây NVH trong thời gian 9 tháng. Tôi nghĩ, đây chính là một trong những lợi ích rất thiết thực cho địa phương và người dân từ việc sáp nhập thôn (xóm)”. Ngoài NVH Tây Nam Tiến, trong 1 năm trở lại đây, xóm còn huy động nhân dân đóng góp làm 2 tuyến đường dân sinh, trị giá 200 triệu đồng, xây thêm các bồn hoa ở các dong ngõ, trị giá gần 30 triệu đồng.

Huyện Giao Thuỷ có tổng số 332 thôn (xóm), TDP nhưng chỉ có 87 thôn (xóm), TDP thuộc diện phải sáp nhập; có 195 thôn (xóm), TDP thuộc diện khuyến khích sáp nhập và 5 thôn (xóm), TDP đạt 100% tiêu chí vẫn thực hiện sáp nhập. Đồng chí Phạm Quang Ái, TUV, Bí thư Huyện ủy Giao Thủy cho biết: “Đảng bộ, chính quyền huyện nhận thức rõ việc sắp xếp lại các thôn (xóm), TDP nhằm khắc phục tình trạng thôn (xóm), TDP có quy mô dân số nhỏ, không đồng đều, phân tán, ảnh hưởng đến tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; nhất là kết quả huy động sức dân đóng góp xây dựng hạ tầng giao thông, thủy lợi, xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu, giảm gánh nặng ngân sách chi trả phụ cấp cho cán bộ không chuyên trách và kinh phí hoạt động cho các tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở”. Qua tính toán, dựa trên các yếu tố đặc thù theo quy định và đảm bảo cho sự phát triển của địa phương, huyện Giao Thủy đã xây dựng phương án thực hiện sắp xếp, sáp nhập đối với các thôn (xóm), TDP diện phải sáp nhập; các thôn (xóm), TDP thuộc diện khuyến khích sáp nhập và thôn (xóm), TDP đạt 100% tiêu chí vẫn thực hiện sáp nhập do có các thôn (xóm), TDP liền kề thuộc diện phải sáp nhập. Sau sáp nhập, toàn huyện đã thành lập 106 thôn (xóm), TDP mới, giảm được 136 thôn (xóm), TDP, hàng năm ước tính giảm chi ngân sách hàng tỷ đồng.

Một buổi sinh hoạt của chi bộ TDP 4, phường Thống Nhất (TP Nam Định).
Một buổi sinh hoạt của chi bộ TDP 4, phường Thống Nhất (TP Nam Định).

Đã hơn một năm rưỡi kể từ khi các thôn (xóm), TDP trên địa bàn tỉnh thực hiện việc sáp nhập. Thực tế cho thấy, sau sáp nhập, hầu hết các thôn (xóm), TDP không chỉ khắc phục được thực trạng thôn (xóm) có quy mô nhỏ, phân tán, khó khăn trong huy động nguồn lực đầu tư để thực hiện mục tiêu xây dựng NTM mà còn tạo điều kiện để người dân cơ cấu lại ngành nghề, phát triển sản xuất, tiêu thụ nông sản hàng hóa. Việc tăng quy mô dân số của thôn (xóm), TDP và tăng số lượng đảng viên trong chi bộ, hội viên của các tổ chức chính trị - xã hội cũng tạo thuận lợi hơn cho việc lựa chọn người hoạt động không chuyên trách ở thôn (xóm), TDP, giảm chi ngân sách và từng bước nâng cao mức đãi ngộ cho người làm việc ở các thôn (xóm), TDP. Trước khi sắp xếp, sáp nhập, toàn tỉnh có 8.617 người hoạt động không chuyên trách ở thôn (xóm), TDP; có 13.178 cán bộ đoàn thể ở cơ sở; 3.128 Công an viên, bảo vệ. Sau khi sắp xếp, sáp nhập, qua rà soát, tổng hợp toàn tỉnh có 8.576 người hoạt động không chuyên trách ở thôn (xóm), TDP và các chức danh khác bị dôi dư. Ngoài việc đã hoàn thành chi trả kinh phí hỗ trợ cho số người dôi dư nói trên, qua tính toán, ngân sách tỉnh tiết kiệm được khoảng 6 tỷ đồng/năm kinh phí chi phụ cấp cho người hoạt động không chuyên trách ở thôn (xóm), TDP.

Bên cạnh đó, sáp nhập thôn (xóm), TDP còn tạo điều kiện cho các chi bộ đảng nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, xoá được tình trạng các chi bộ ghép. Chi bộ xóm Pheo Tiền, xã Kim Thái (Vụ Bản) được sáp nhập từ 2 chi bộ xóm Pheo và xóm Tiền. Trước sáp nhập, mỗi chi bộ chỉ có khoảng hơn 15 đảng viên, sau sáp nhập, số lượng đảng viên của chi bộ Pheo Tiền tăng lên 37 đảng viên. “Thêm người là thêm sức mạnh”, đồng chí Trần Văn Ba, Bí thư chi bộ thôn Pheo Tiền khẳng định. Để cụ thể hoá cho “sức mạnh” của chi bộ mới, đồng chí Bí thư chi bộ nêu một loạt dẫn chứng. Mặc dù chi bộ đông người nhưng nền nếp sinh hoạt rất đảm bảo, tỷ lệ đảng viên tham gia sinh hoạt luôn đạt từ 80-85%. Đảng viên đông thì “sự lan toả” trong việc nắm bắt chủ trương đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, đặc biệt là các định hướng phát triển kinh tế đến nhân dân càng sâu rộng. Nhờ nắm bắt được các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước trong phát triển kinh tế cộng với sự năng động chịu khó của bà con nhân dân nên thu nhập đầu người của thôn ngày càng tăng, đạt trên 60 triệu đồng/năm. Ngoài ra, việc sáp nhập thôn (xóm) còn huy động nguồn lực từ nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi cho xóm nâng cao chất lượng xây dựng NTM. Cụ thể, sau sáp nhập, một số cán bộ, đảng viên và bà con nhân dân trong xóm đã tự nguyến hiến trên 100m2 để mở rộng đường, đóng góp 300 nghìn đồng/khẩu để nhanh chóng bê tông hoá các tuyến đường dân sinh trong xóm.

Xóm Pheo Tiền, xã Kim Thái (Vụ Bản) hiện nay.
Xóm Pheo Tiền, xã Kim Thái (Vụ Bản) hiện nay.

Bằng sự nỗ lực quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, nhiệm vụ sắp xếp, sáp nhập thôn (xóm), TDP trên địa bàn tỉnh đã đạt kết quả tích cực, bảo đảm tiến độ đề ra. Sau sáp nhập, hoạt động của chính quyền cấp xã ngày càng hiệu lực, hiệu quả. Khí thế thi đua thực hiện các phong trào ở các địa phương sôi nổi, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Qua đó, góp phần tích cực phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. 8 tháng đầu năm 2023, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục ổn định và phát triển. Một số chỉ tiêu kinh tế có tốc độ tăng trưởng khá so với cùng kỳ như: chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 13,57%; tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ ước đạt 44.727 tỷ đồng, tăng 14%; tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn ước đạt 113.796 tỷ đồng, tăng 12% so với đầu năm... Tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới và điều chỉnh tăng vốn cho 36 dự án (bao gồm 25 dự án đầu tư trong nước và 11 dự án FDI) với tổng số vốn đăng ký 1.835,3 tỷ đồng và 181,9 triệu USD… Phong trào xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu sôi nổi khắp các địa phương trong tỉnh; đến nay, toàn tỉnh đã có 189/204 xã, thị trấn đạt chuẩn NTM nâng cao (đạt 92,6%) và 19 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Quốc phòng - an ninh được củng cố và tăng cường; trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Từ thành công của việc sắp xếp, sáp nhập thôn (xóm), TDP còn tạo cơ sở, tiền đề “niềm tin” để tỉnh tiến hành sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030. Đồng chí Phạm Gia Túc, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ khẳng định: “Kết quả đạt được trong việc sắp xếp các thôn (xóm), TDP sẽ là những kinh nghiệm bài học quý để toàn tỉnh triển khai việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Các địa phương cần phát huy kinh nghiệm, kết quả đạt được từ việc sắp xếp, sáp nhập các thôn (xóm), TDP cùng với sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân để thực hiện thành công sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030”./.

Thu Thủy - Hoa Xuân Viết Dư
Ảnh: Viết Dư

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com