Chuyển biến trong công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng

07:47, 28/03/2023

Những năm qua, công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ địa phương, lịch sử các ban, ngành, đoàn thể được các cấp ủy đảng quan tâm chỉ đạo thực hiện. Qua đó chất lượng các ấn phẩm lịch sử Đảng được nâng cao, đảm bảo tính Đảng, tính khoa học, phản ánh trung thực quá trình hình thành, phát triển của các Đảng bộ từ tỉnh đến cơ sở trong từng giai đoạn lịch sử.

Cán bộ Ban Tuyên giáo Thành ủy Nam Định nghiên cứu, sưu tầm, khai thác, bổ sung tư liệu lịch sử Đảng bộ thành phố.
Cán bộ Ban Tuyên giáo Thành ủy Nam Định nghiên cứu, sưu tầm, khai thác, bổ sung tư liệu lịch sử Đảng bộ thành phố.

Thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW, ngày 18-1-2018 của Ban Bí thư “Về tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng”, Ban TVTU và các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy tiếp tục ban hành văn bản lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng. Tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng đảm bảo về trình độ chuyên môn đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đặt ra. Hiện nay, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Ban Tuyên giáo các huyện, thành, đảng ủy trực thuộc đều phân công lãnh đạo phụ trách công tác lịch sử Đảng và có 20 cán bộ có trình độ chuyên môn cao đảm nhiệm về công tác lịch sử Đảng. Hội Khoa học lịch sử tỉnh có trên 80 người. Việc bố trí nguồn kinh phí, cơ sở vật chất phục vụ công tác lịch sử Đảng được quan tâm đầu tư. Khi triển khai các công trình lịch sử, các đơn vị đều xây dựng kế hoạch để bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách Nhà nước hàng năm và dài hạn, đảm bảo cho công tác nghiên cứu, biên soạn, lịch sử Đảng, các điều kiện làm việc, cơ sở vật chất cho cán bộ làm công tác lịch sử Đảng. Các đơn vị đảng bộ xã, phường, thị trấn xuất bản lịch sử được UBND tỉnh hỗ trợ mỗi đơn vị 10 triệu đồng từ năm 2006. Các đảng bộ huyện cũng chỉ đạo trích một phần kinh phí từ ngân sách để chi cho việc xuất bản lịch sử đảng bộ địa phương, như: huyện Ý Yên hỗ trợ 20 triệu đồng, huyện Trực Ninh 5 triệu đồng, huyện Xuân Trường 5 triệu đồng, xã Mỹ Thành được huyện Mỹ Lộc hỗ trợ 20 triệu đồng…

Sách lịch sử Đảng bộ các địa phương ở Đảng bộ huyện Nam Trực được quan tâm biên soạn và phát hành
Sách lịch sử Đảng bộ các địa phương ở Đảng bộ huyện Nam Trực được quan tâm biên soạn và phát hành.

Đối với công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ địa phương, lịch sử các ban, ngành, đoàn thể; công tác sưu tầm, khai thác các nguồn tư liệu luôn được các cấp ủy đảng quan tâm chỉ đạo thường xuyên, sâu sát. Trong quá trình chỉ đạo thực hiện nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ địa phương, lịch sử các ban, ngành, đoàn thể, các cấp ủy đảng đều thành lập Ban chỉ đạo, Ban sưu tầm tư liệu, Ban biên soạn, xây dựng kế hoạch, đề cương, tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm, xin ý kiến các đồng chí lão thành cách mạng, các đồng chí lãnh đạo chủ chốt, các đồng chí ủy viên Ban thường vụ, Ban chấp hành qua các thời kỳ… để thống nhất ý kiến, bổ sung hoàn thành bản thảo. Công tác sưu tầm, khai thác các nguồn tư liệu ở trong và ngoài nước, tư liệu phỏng vấn các nhân chứng lịch sử, tư liệu thời kỳ vận động thành lập Đảng… được các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị trong tỉnh phối hợp thực hiện hiệu quả. Từ năm 2018 đến nay, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã xác minh, cung cấp tư liệu về một số cán bộ tiền khởi nghĩa và lão thành cách mạng trong tỉnh theo đề nghị của Ban Tổ chức Tỉnh ủy và một số địa phương, đơn vị; phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan tiến hành sưu tầm, cung cấp tư liệu về một số sự kiện, cá nhân, như: cung cấp tư liệu về cụ Bùi Bằng Đoàn phục vụ việc làm phim của Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương; phối hợp với các sở, ngành, địa phương và Báo Nhân dân xây dựng phim tư liệu “Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh - Biên niên sử truyền hình” trên địa bàn tỉnh; phối hợp cung cấp tư liệu phục vụ Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương xây dựng phim tài liệu “Đồng chí Nguyễn Cơ Thạch - Người cộng sản kiên trung, nhà ngoại giao lỗi lạc”. Tham mưu phối hợp với Trung tâm Phim Tài liệu và Phóng sự, các Ban thuộc Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện các chương trình “Nam Định thời tiền sử”; “Từ những miền quê”; ghi hình phim tài liệu “Khát vọng tỉnh Nam Định - Đánh thức vùng đất Rạng Đông”; thực hiện hai bộ phim tài liệu giới thiệu toàn cảnh các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn tỉnh Nam Định… Cùng với công tác khai thác tư liệu, việc sưu tầm, thẩm định tư liệu được ngành Tuyên giáo của tỉnh và các cơ quan, đơn vị quan tâm thực hiện tốt và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Ban Tuyên giáo từ tỉnh đến cơ sở đã tích cực chỉ đạo, tổ chức sưu tầm, bổ sung tư liệu mới với nhiều nguồn, nhiều hình thức khác nhau. Nhằm bảo quản và thuận tiện cho việc tra cứu các tư liệu lịch sử sau này, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã triển khai và hoàn thành kế hoạch lưu trữ toàn bộ tư liệu lịch sử Đảng bộ tỉnh của ngành Tuyên giáo vào ổ đĩa cứng từ năm 2012; chỉ đạo, tiến hành xây dựng cơ sở dữ liệu lịch sử Đảng bộ, đã sao chụp gần 40 nghìn trang tư liệu, đưa toàn bộ các tư liệu về lịch sử Đảng từ 1930-1975 vào cơ sở dữ liệu, tiện lợi cho việc lưu trữ, bảo quản và sử dụng. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cũng đã tiến hành phân loại, lập danh mục, scan khoảng 50 nghìn trang tư liệu; cập nhật được khoảng 2.000 tư liệu từ các nguồn: Báo Nam Định, các trang thông tin điện tử của tỉnh, các ngành, địa phương, các báo, tạp chí…

Từ công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp và sự vào cuộc quyết liệt của các ngành, các cấp từ tỉnh đến cơ sở, công tác nghiên cứu, biên soạn, lịch sử Đảng trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng. Hiện nay, cấp tỉnh đã hoàn thành việc biên soạn, xuất bản “Lịch sử Đảng bộ tỉnh Nam Định” đến năm 2005, gồm 2 tập (1930-1975 và 1975-2005) và nhiều công trình, ấn phẩm lịch sử chuyên đề có chất lượng tốt. Tiêu biểu như các công trình, ấn phẩm: “Những người Cộng sản ưu tú trên quê hương Nam Định”, “Đảng bộ tỉnh Nam Định - Những thành tựu nổi bật trong 5 năm 2011-2015”, “Đồng chí Trường Chinh - Nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng, người con ưu tú của quê hương Nam Định”... Mặt trận Tổ quốc và 100% các đoàn thể chính trị đã xuất bản lịch sử cơ quan, đơn vị. Ở cấp huyện, thành phố và đảng ủy trực thuộc: 100% các huyện, thành phố và đảng ủy trực thuộc đã triển khai biên soạn và xuất bản lịch sử Đảng bộ đến năm 2000 và 2005; Đảng bộ huyện Trực Ninh đang tiến hành nghiên cứu, biên soạn, bổ sung, xuất bản lịch sử Đảng bộ huyện đến năm 2020. 100% các đơn vị ngành Quân đội và trên 80% đơn vị ngành Công an của các huyện, thành phố trong tỉnh đều đã triển khai tổ chức nghiên cứu, biên soạn và xuất bản lịch sử truyền thống của đơn vị mình. Ở cấp xã có 225/226 xã, phường, thị trấn xuất bản lịch sử Đảng bộ. Các ấn phẩm lịch sử của các Đảng bộ đã xuất bản đều được tiến hành kỹ lưỡng, cẩn trọng theo đúng quy trình, thủ tục, hướng dẫn, cơ bản đảm bảo về chất lượng, hình thức, góp phần làm phong phú thêm trang sử vẻ vang, hào hùng của tỉnh; phục vụ tốt cho công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống, công tác chính trị, tư tưởng của Đảng bộ tỉnh./.

Bài và ảnh: Văn Trọng

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com