Là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh, thời gian qua, cùng với các địa phương trong tỉnh, Thành phố Nam Định đã tập trung thực hiện các bước chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Đến nay, các bước chuẩn bị bầu cử ở Thành phố Nam Định diễn ra đúng tiến độ, trình tự và thủ tục theo luật định.
|
Cụm pa-nô tuyên truyền về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 trên đường Trường Chinh. |
Để chủ động chuẩn bị cho công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, ngay sau khi có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh về công tác bầu cử, Thành phố Nam Định đã thành lập Ban Chỉ đạo bầu cử, Ủy ban Bầu cử và các tiểu ban phục vụ công tác bầu cử. Đồng thời, ban hành kế hoạch triển khai công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2016-2021 trên địa bàn để các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể chủ động thực hiện. Tiến hành phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên Ủy ban Bầu cử và các tiểu ban phục vụ công tác bầu cử. Bên cạnh đó, thành phố chỉ đạo 25 phường, xã thành lập ban chỉ đạo công tác bầu cử; Ủy ban Bầu cử và tổ chức hội nghị triển khai công tác bầu cử tại địa phương. Đặc biệt, thành phố còn cử cán bộ các phòng, ban chức năng và các đoàn thể trực tiếp xuống giúp các phường, xã triển khai công tác chuẩn bị bầu cử; hướng dẫn các phường, xã thành lập tổ bầu cử; quy trình tổ chức các bước hiệp thương; thủ tục, thời gian nộp hồ sơ ứng cử… Đến nay, thành phố đã thành lập 12 đơn vị bầu cử đại biểu HĐND thành phố và 186 đơn vị bầu cử đại biểu HĐND xã, phường với tổng số 187 khu vực bỏ phiếu. Theo đó, số đại biểu HĐND thành phố được bầu là 40 đại biểu, số đại biểu HĐND xã, phường được bầu là 653 đại biểu. Là địa bàn trung tâm của tỉnh, công tác tuyên truyền về bầu cử được Thành phố Nam Định đặc biệt quan tâm thực hiện. Tiểu ban Thông tin tuyên truyền, Ủy ban Bầu cử thành phố đã bám sát lộ trình trước, trong và sau cuộc bầu cử để xây dựng nội dung và hình thức tuyên truyền phù hợp. Trong đó, công tác tuyên truyền bầu cử đã được triển khai sâu rộng dưới nhiều hình thức phong phú, đa dạng như: Tổ chức hội nghị, sinh hoạt hội, đoàn thể, câu lạc bộ; tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh, tuyên truyền cổ động trực quan… Nội dung tập trung tuyên truyền mục đích ý nghĩa, tầm quan trọng của cuộc bầu cử cũng như quyền và nghĩa vụ của công dân tham gia bầu cử. Đồng thời phổ biến các văn bản, tài liệu về bầu cử như: Hiến pháp năm 2013, Chỉ thị của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ về công tác bầu cử; Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND; các nguyên tắc bầu cử, tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND; các quy định về giới thiệu người ứng cử, tự ứng cử và các bước hiệp thương lựa chọn người ra ứng cử của Ủy ban MTTQ tỉnh... Thông qua các hoạt động tuyên truyền đã giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức rõ mục đích, quyền và nghĩa vụ của việc bầu cử, từ đó nêu cao tinh thần làm chủ, ý thức tự giác của người dân tham gia bầu cử để lựa chọn những người đại diện xứng đáng cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân vào cơ quan Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Ông Nguyễn Văn Hùng, tổ 4, phường Trường Thi cho biết “Sau khi nắm bắt thông tin về bầu cử trên các phương tiện thông tin đại chúng và từ cán bộ tổ dân phố, tôi và mọi người dân trong xóm đều đã hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của cuộc bầu cử, quyền nghĩa vụ của công dân khi tham gia bầu cử, thời gian diễn ra cuộc bầu cử cũng như các thông tin về tiểu sử người tham gia ứng cử... Tôi nghĩ mình phải có nghĩa vụ lựa chọn những đại biểu xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng của cử tri. Đồng thời sẽ sắp xếp thời gian, công việc để tham gia bầu cử đúng quy định”. Đến nay, toàn thành phố đã tổ chức 30 hội nghị tuyên truyền về bầu cử và hàng trăm buổi tuyên truyền về bầu cử lồng ghép thông qua các cuộc họp, sinh hoạt câu lạc bộ của các hội, đoàn thể từ thành phố đến địa bàn dân cư; tổ chức trên 1.000 buổi tuyên truyền về bầu cử trên đài Phát thanh thành phố và đài truyền thanh các phường, xã… Cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thành phố đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy Đảng làm tốt công tác nhân sự, đảm bảo phát huy dân chủ, sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Đảng trong công tác cán bộ, thực hiện quy trình giới thiệu nhân sự bảo đảm cơ cấu, thành phần theo luật định. Trong đó, chú trọng lựa chọn và giới thiệu những người tiêu biểu, có quan điểm, lập trường chính trị vững vàng, đủ tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật, có năng lực, điều kiện thực hiện nhiệm vụ của người đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp. Đến nay, Ủy ban MTTQ Thành phố Nam Định đã tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ ba, chốt danh sách đại biểu ứng cử HĐND thành phố và các phường, xã. Việc tổ chức hội nghị hiệp thương lựa chọn, giới thiệu người tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 diễn ra dân chủ, công khai, đúng luật, thể hiện sự thống nhất cao trong thỏa thuận về cơ cấu, số lượng, thành phần. Kết quả sau hội nghị hiệp thương lần thứ ba, Ủy ban MTTQ thành phố đã giới thiệu 68 người ứng cử đại biểu HĐND thành phố. Ủy ban MTTQ các phường, xã đã giới thiệu 1.094 người ứng cử đại biểu HĐND phường, xã. Bên cạnh đó, thành phố cũng chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các phường, xã chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất như: Lập và niêm yết danh sách cử tri, hòm phiếu, maket phiếu bầu, thẻ cử tri, phù hiệu của các thành viên tổ chức bầu cử, maket khu vực bỏ phiếu... Thành lập 6 đoàn kiểm tra công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XIV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 tại các phường, xã, các đơn vị bầu cử để nắm bắt thông tin, tình hình triển khai công tác bầu cử, kịp thời xử lý, giải quyết khi có tình huống phát sinh. Ngoài ra, thành phố cũng chỉ đạo các ngành, cơ quan, đơn vị được phân công nhiệm vụ cụ thể triển khai tổ chức tuyên truyền; đảm bảo giao thông, thông tin liên lạc trong suốt quá trình chuẩn bị, tổ chức bầu cử, trước, trong ngày bầu cử; bảo đảm an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội; xây dựng phương án chủ động đối phó với những tình huống thiên tai, dịch bệnh có thể xảy ra trong thời gian tiến hành cuộc bầu cử; giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các khiếu nại, tố cáo của công dân trước, trong và sau cuộc bầu cử.
Với sự vào cuộc chủ động và tích cực của Ủy ban Bầu cử, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong thành phố, đến nay, công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử HĐND nhiệm kỳ 2016-2021 ở Thành phố Nam Định đã cơ bản hoàn tất, đảm bảo cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 trên địa bàn thành phố diễn ra thành công tốt đẹp, thực sự là ngày hội của toàn dân./.
Bài và ảnh:
Trần Văn Trọng