Nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đồng đều giữa các trường học, bậc học, từ năm học 2016-2017, thành phố Nam Định đã xây dựng và chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án “Nâng cao độ đồng đều về chất lượng giáo dục giữa các trường tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn giai đoạn 2016-2021”.
Phòng Giáo dục và Đào tạo đã đẩy mạnh tuyên truyền nội dung Đề án tới các trường học, bậc học; đồng thời tích cực thực hiện nội dung với những giải pháp thực hiện đề án phù hợp điều kiện thực tiễn. Chỉ đạo các trường thực hiện việc đánh giá xếp loại giáo viên và cán bộ quản lý vào cuối năm học; phối hợp với các ban, ngành, các phường, xã trong công tác điều tra phổ cập và quản lý đăng ký hộ khẩu đúng nơi cư trú. Phòng Giáo dục và Đào tạo tăng cường công tác bồi dưỡng, nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên. Trong đó, mỗi năm mở 15 lớp bồi dưỡng chính trị vào đầu các năm học; thường xuyên tổ chức cho cán bộ, giáo viên toàn ngành học tập các nghị quyết của Đảng và các văn bản hướng dẫn của ngành; mở các lớp Trung cấp lý luận chính trị cho hiệu trưởng, phó hiệu trưởng và giáo viên cốt cán trong dự nguồn của các bậc học; cử cán bộ quản lý, giáo viên tham dự đầy đủ các lớp tập huấn chuyên môn do Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức. Trong các năm học, Phòng Giáo dục và Đào tạo đều duy trì việc tổ chức hội thảo, hội giảng, góp phần bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ quản lý và giáo viên các trường học, bậc học. Từ năm 2016 đến nay đã có 37 cán bộ quản lý, giáo viên được cử đi học các lớp nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ; 145 cán bộ, giáo viên được cử đi học lớp Trung cấp lý luận chính trị. Các kỳ hội giảng trung học cơ sở, hội thi giáo viên giỏi tiểu học cấp tỉnh, đội tuyển giáo viên của thành phố đều xếp thứ nhất. Điều đáng mừng là, một số đơn vị có khó khăn ở ngoại thành như: Các trường trung học cơ sở: Nam Phong, Mỹ Xá; các trường tiểu học: Lộc An, Lộc Vượng, Nam Phong, Trần Văn Lan cũng có giáo viên đạt loại Giỏi trong Hội thi giáo viên giỏi cấp tỉnh.
Học sinh Trường Tiểu học Lê Hồng Sơn (thành phố Nam Định) với các sản phẩm được làm từ phòng học STEM. |
Để nâng cao độ đồng đều về cơ sở vật chất, chất lượng giáo dục, thành phố thực hiện điều chuyển cán bộ quản lý và giáo viên giữa các trường trên địa bàn; tăng cường hỗ trợ cơ sở vật chất, đầu tư kinh phí cho các trường có khó khăn. Lộc An là xã nghèo, kinh phí đầu tư cho phát triển giáo dục còn hạn chế; dân số luôn biến động gây khó khăn cho nhà trường trong tuyển sinh và phổ cập giáo dục, chất lượng giảng dạy không đồng đều do một số giáo viên trẻ mới vào nghề nên chưa có kinh nghiệm. Việc thực hiện dạy 2 buổi/ngày chỉ chú ý đến chất lượng đại trà, không đủ thời gian và giáo viên cho công tác bồi dưỡng học sinh năng khiếu. Công tác tuyển sinh của trường gặp nhiều khó khăn khi nhiều người dân xin cho con em học trái tuyến. Thực hiện đề án, cán bộ, giáo viên nhà trường được tham dự đầy đủ các lớp tập huấn chuyên môn do Phòng Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức; các tổ trưởng chuyên môn được học tập kỹ năng nghiệp vụ đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư 22/BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo và dự các lớp tập huấn nâng cao phương pháp dạy học gắn với việc phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh. Nhà trường cũng được Phòng Giáo dục và Đào tạo, UBND xã Lộc An hỗ trợ kinh phí cho các hoạt động giáo dục và hoạt động dạy học của thầy và trò; được tiếp nhận 4 giáo viên dạy giỏi các môn Toán, Tiếng Việt từ các trường tiểu học: Lộc Vượng, Hùng Vương, Chu Văn An, Phạm Hồng Thái về đào tạo chất lượng “mũi nhọn” từ tháng 12 đến tháng 5 của từng năm học. Được sự quan tâm đầu tư của Phòng Giáo dục và Đào tạo, của UBND xã, đến nay, nhà trường đã đạt chuẩn quốc gia, chuẩn xanh - sạch - đẹp - an toàn, đạt kiểm định chất lượng giáo dục cấp độ 3. Chất lượng giáo dục của nhà trường từng bước được nâng cao. Từ năm học 2016-2017 đến nay, năm nào nhà trường cũng có từ 1-2 giáo viên thi giáo viên dạy giỏi cấp thành phố đạt loại giỏi; 1 giáo viên tham gia dự thi cấp tỉnh và đạt giải nhất; năm nào nhà trường cũng có từ 2-3 học sinh thi đỗ vào Trường Trung học cơ sở Trần Đăng Ninh và nhiều em đoạt giải trong các cuộc thi hùng biện tiếng Anh; thi TOFEL; thi chữ đẹp; giao lưu Olympic các môn học cấp trường. Số lượng học sinh đầu vào của trường ngày càng tăng. Năm học 2018-2019 trường tuyển được 108 học sinh… Từ năm 2016 đến nay, thành phố đã tiến hành điều chuyển 21 cán bộ quản lý và giáo viên giữa các trường, hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các trường khó khăn. Từ nguồn thu trái tuyến, nhiều trường học cơ sở vật chất được đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp. Ở bậc tiểu học có các trường: Kim Đồng, Trần Phú, Trần Văn Lan, Nguyễn Văn Trỗi, Lê Hồng Sơn, Chu Văn An, Trần Quốc Toản, Phạm Hồng Thái, Hồ Tùng Mậu, Hùng Vương. Ở bậc trung học cơ sở có các trường: Quang Trung, Lý Thường Kiệt, Tống Văn Trân, Lý Tự Trọng, Trần Bích San, Lương Thế Vinh, Phùng Chí Kiên, Trần Đăng Ninh... Ngoài ra, các trường đẩy mạnh xã hội hoá; huy động các nguồn lực từ các cơ quan, doanh nghiệp và phụ huynh hỗ trợ kinh phí cải tạo cảnh quan trường lớp, mua sắm trang thiết bị dạy học để nâng cao chất lượng giáo dục. Nhiều trường trước kia còn phòng học cấp 4 nay đã được xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, chuẩn xanh - sạch - đẹp - an toàn. Cấp tiểu học có 2 trường: Chu Văn An, Nguyễn Văn Cừ được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 2; 3 trường được công nhận đạt chuẩn xanh - sạch - đẹp - an toàn gồm: Chu Văn An, Kim Đồng, Lộc Hoà. Cấp trung học cơ sở có 4 trường đạt chuẩn quốc gia, gồm: Lộc Hoà, Lý Thường Kiệt, Lý Tự Trọng, Trần Bích San…
Với nhiều giải pháp đồng bộ, đến nay, đội ngũ cán bộ quản lý của các trường học, bậc học ở thành phố Nam Định đã đảm bảo về số lượng và chất lượng; đội ngũ giáo viên được bổ sung đầy đủ về số lượng và chủng loại, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng. Việc tăng cường nhân lực, cơ sở vật chất cho các nhà trường đã giúp hệ thống trường học của thành phố được cải thiện. Chất lượng đồng đều của các trường tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn thành phố có nhiều chuyển biến. Các trường trước đây khó khăn về tuyển sinh đến nay đã có bước phát triển mới về chất lượng và các phong trào giáo dục; tiêu biểu như các trường tiểu học: Lộc An, Nam Phong, Lộc Vượng, Trần Tế Xương, Nguyễn Văn Cừ, Lộc Hoà, Trần Phú; các trường trung học cơ sở: Tô Hiệu, Lộc Hạ, Lộc Hoà, Lộc An, Quang Trung, Lộc Vượng. Đặc biệt, một số trường khó khăn trước kia hạn chế về công tác bồi dưỡng học sinh giỏi như các trường tiểu học: Nguyễn Văn Cừ, Lộc Vượng, Lộc An, Nam Phong; các trường trung học cơ sở: Lộc An, Lộc Hoà, Tô Hiệu, Lê Đức Thọ, Lộc Vượng, Lý Thường Kiệt, đến nay đã có học sinh giỏi cấp tỉnh. Chất lượng giáo dục của các trường khó khăn cũng được nâng lên. Hàng năm, chất lượng tuyển sinh đầu vào lớp 10 trung học phổ thông của thành phố luôn là đơn vị trong tốp dẫn đầu toàn tỉnh. Một số trường khó khăn đã vươn lên đạt tỷ lệ cao về số học sinh đỗ vào các trường trung học phổ thông công lập như: Trung học cơ sở Tô Hiệu, Trung học cơ sở Lộc Hạ, Trung học cơ sở Lộc Hoà.
Tiếp tục thực hiện Đề án “Nâng cao độ đồng đều về chất lượng giáo dục giữa các trường tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn giai đoạn 2016-2021”, Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố phối hợp các phòng liên quan thực hiện tốt công tác điều chuyển giáo viên từ trường trọng điểm, trường có chất lượng tốt về trường khó khăn để nâng cao chất lượng đồng đều giữa các trường trong cùng bậc học. Phối hợp với các phường, xã tuyên truyền tới phụ huynh; không cho con học trái tuyến./.
Bài và ảnh: Minh Thuận