Đa dạng các mô hình học tập tại cộng đồng

08:09, 13/09/2019

Gia đình anh Phạm Ngọc Ban, xóm Mỹ Điền, xã Nghĩa Thành (Nghĩa Hưng) từ lâu được người dân địa phương suy tôn là “Gia đình học tập” tiêu biểu. Vợ chồng anh luôn thu xếp việc nhà để tự học, học hỏi đồng nghiệp, tham gia các lớp tập huấn bồi dưỡng chính trị, chuyên môn nghiệp vụ. Gia đình có máy tính nối mạng internet, có góc học tập riêng cho từng người, chuẩn bị đủ các tài liệu liên quan, sách tham khảo phù hợp và bố trí thời gian khoa học cho từng người để học tập. Được sự động viên, khích lệ của bố mẹ, các con anh đều chăm chỉ học tập, tu dưỡng đạo đức, luôn đoạt giải học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh trong các năm học. Hiện các con của anh chị đều đã tốt nghiệp đại học; có công việc ổn định phù hợp với ngành học. 

Học sinh Trường Tiểu học Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng) đọc sách tại thư viện trường.
Học sinh Trường Tiểu học Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng) đọc sách tại thư viện trường.

Dòng họ Phùng Gia, thôn An Duyên, xã Đại An (Vụ Bản) từ lâu đã tích cực chăm lo cho sự nghiệp khuyến học, khuyến tài luôn đi đầu trong công tác khuyến học dòng họ của xã. Trong dòng họ, mọi người đều tích cực học tập nâng cao trình độ. Trẻ em được đi học đúng độ tuổi và phần lớn học lên trung học phổ thông rồi thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng hoặc học trung cấp nghề. Người lao động thì thường xuyên dự các buổi tập huấn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, học bổ túc nâng cao trình độ… Tổng số quỹ khuyến học khuyến tài của dòng họ luôn duy trì trên 20 triệu đồng. Vào ngày giỗ tổ, con em trong họ lại tự nguyện gia tâm ủng hộ cho quỹ để trao thưởng cho các cháu. Từ khi thành lập đến nay, Ban khuyến học dòng họ đã tổ chức 14 lần trao thưởng cho 254 lượt học sinh giỏi, xuất sắc. Từ năm 2016 đến nay, dòng họ có gần 20 cháu đoạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện. Đến nay 80% gia đình trong họ đã đăng ký thực hiện các tiêu chí gia đình học tập. Hiện dòng họ có 17 cử nhân, 3 thạc sĩ công tác trong các lĩnh vực văn hoá, giáo dục, y tế, du lịch, xây dựng… 

Làng An Trung, xã Yên Đồng được đánh giá là “Cộng đồng học tập” tiêu biểu của huyện Ý Yên. Cả 14 dòng họ trong làng đều có tổ chức khuyến học. Hiện làng có 2 cháu đang du học nước ngoài, 7 cháu học cao học, thạc sĩ. Phong trào thi đua học tập giữa các dòng họ, gia đình luôn được duy trì, phát triển. Nhiều gia đình hoàn cảnh khó khăn nhưng có tới 3 người con học đại học như gia đình các ông: Trần Văn Châu xóm 21, Trần Văn Oánh xóm 19… Chi hội khuyến học của làng đã tích cực tuyên truyền, vận động “người người, nhà nhà, dòng họ làm khuyến học”. Vì vậy, quỹ khuyến học của làng luôn duy trì trên 50 triệu đồng; quỹ khuyến học dòng họ có từ 5-10 triệu đồng. Từ khi thành lập đến nay, Chi hội Khuyến học làng An Trung đã phát thưởng cho trên 900 lượt học sinh có thành tích xuất sắc trong học tập với số tiền gần 200 triệu đồng; 14 dòng họ phát thưởng với số tiền trên 50 triệu đồng…

Thực hiện mô hình “Đơn vị học tập”, Trường Mầm non xã Hải Châu (Hải Hậu) đã phối hợp với các ngành, đoàn thể ở địa phương tổ chức nhiều hoạt động thiết thực như: Tuyên dương, khen thưởng giáo viên, học sinh có thành tích tốt trong giảng dạy và học tập; đồng thời tặng quà cho giáo viên, học sinh có hoàn cảnh khó khăn; kết hợp với Đoàn Thanh niên trong chương trình “Ước mơ xanh”, “Hướng tới tương lai”; kết hợp với Ban văn hoá xã treo băng rôn, khẩu hiệu phát động thực hiện các mô hình học tập… Chi hội khuyến học nhà trường kịp thời động viên, tặng quà con em giáo viên đạt kết quả cao trong học tập. Hàng năm 100% giáo viên nhà trường được tạo điều kiện tham gia học tập tin học, ngoại ngữ. Đến nay, trường đã có 30/35 giáo viên (chiếm 85,7%) có chứng chỉ tin học trình độ B, 10/35 giáo viên (chiếm 28,6%) có chứng chỉ tiếng Anh và tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, phần mềm trong quản lý và giảng dạy. 100% giáo viên được tham gia đầy đủ các chuyên đề, hội thảo, lớp tập huấn chuyên môn… của ngành, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ. 100% cán bộ, giáo viên của nhà trường đăng ký phấn đấu xây dựng “Gia đình học tập” tại địa phương, trong đó có 90% gia đình đạt danh hiệu “Gia đình học tập”…

Thực hiện Đề án 281 về “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020”, trong 3 năm qua các ngành chức năng, các địa phương trong tỉnh tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện và đạt được kết quả quan trọng. Công tác khuyến học, khuyến tài được triển khai sâu rộng, hiệu quả. Nhận thức của cán bộ, nhân dân về xây dựng xã hội học tập được nâng lên; hoạt động phối hợp giữa Hội Khuyến học với Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, các đơn vị liên quan được tăng cường; việc vận động người dân tham gia học tập gắn với các phong trào của địa phương, cộng đồng dân cư đã tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đến nay toàn tỉnh có 60,3% gia đình (344.712 gia đình) đã đăng ký gia đình học tập, trong đó 52,6% gia đình được công nhận; 87,6% dòng họ đã đăng ký dòng họ học tập, trong đó 69,1% dòng họ được công nhận dòng họ học tập; 82% thôn làng, tổ dân phố đăng ký cộng đồng học tập và có 66% được công nhận; 87,5% đơn vị đã đăng ký đơn vị học tập và 77,2% đơn vị được công nhận. Về cộng đồng học tập cấp xã, có 100% xã, phường, thị trấn đã đăng ký; trong đó có 148 xã, phường, thị trấn đã được công nhận, đạt 64,6%... Đạt được kết quả trên, Hội Khuyến học tỉnh đã chủ động phối hợp với các ngành chức năng đẩy mạnh tuyên truyền nội dung Đề án xây dựng xã hội học tập; tổ chức nhiều lớp tập huấn nội dung Đề án, yêu cầu nhân rộng các mô hình học tập cho cán bộ Hội Khuyến học ở 229 xã, phường, thị trấn. Hội Khuyến học các huyện, thành phố cũng tổ chức hàng chục lớp tập huấn cho hàng nghìn lượt cán bộ Hội khuyến học. Đến nay, nhận thức của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể, các tầng lớp nhân dân trong tỉnh về vai trò của việc xây dựng xã hội học tập đã được nâng lên. Các cấp Hội Khuyến học trong tỉnh đã xây dựng được đội ngũ cán bộ khuyến học tâm huyết, trách nhiệm, có sức khỏe, năng lực vận động và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ khuyến học, đồng thời làm tốt công tác động viên, khen thưởng để thúc đẩy phong trào. Ngoài ra, các trung tâm học tập cộng đồng đã phát huy được vai trò là thiết chế giáo dục quan trọng ở địa phương để xây dựng xã hội học tập. 

Thời gian tới, các cấp, các ngành trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền với nhiều hình thức đa dạng, phong phú nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhân dân về học tập thường xuyên, suốt đời, đồng thời phổ biến, hướng dẫn đầy đủ, cụ thể tiêu chí gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị học tập đến các gia đình, dòng họ, thôn, tổ dân phố, cơ quan, đơn vị, trường học. Quan tâm phát triển các mô hình học tập của người lớn trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; coi trọng các hình thức học tập tại nơi làm việc, học ở nhà, học tại thư viện, học qua mạng internet; chú trọng xây dựng các mô hình học tập điển hình để nhân rộng, gắn học tập với việc làm, gắn mô hình khuyến học với các hoạt động xây dựng đời sống văn hóa, các phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, làm kinh tế giỏi, phát triển du lịch… Tăng cường phối hợp kiểm tra, đánh giá, xếp loại các mô hình học tập đảm bảo thực chất và tác dụng thiết thực; kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong xây dựng, nhân rộng các mô hình học tập./.

Bài và ảnh: Minh Thuận



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com