Qua 15 năm thực hiện mô hình "An toàn trường học"

08:09, 18/09/2019

“An toàn trường học” là mô hình quan trọng trong phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc đã được tỉnh ta triển khai nền nếp từ 15 năm nay. Các nội dung chính cần thực hiện của mô hình đó là tuyên truyền vận động cán bộ, giáo viên, học sinh tham gia giữ gìn an ninh trật tự; đẩy mạnh hoạt động của các tổ chức tự quản trong nhà trường; phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an ngăn chặn các loại tội phạm, tệ nạn xã hội xâm nhập học đường, góp phần xây dựng trường học an toàn. 

Công an huyện Xuân Trường triển khai kế hoạch đảm bảo an ninh trật tự trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn.
Công an huyện Xuân Trường triển khai kế hoạch đảm bảo an ninh trật tự trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn.

Ngay từ năm 2002, cấp ủy, chính quyền các huyện, thành phố đều ban hành văn bản triển khai mô hình đến các xã, thị trấn và các cơ sở giáo dục. Theo đó, tính đến đầu năm 2003, toàn tỉnh đã có 852/852 cơ sở giáo dục ban hành văn bản thực hiện; tổ chức cho 100% cán bộ, giáo viên, học sinh từ trung học cơ sở trở lên ký cam kết thi đua xây dựng nhà trường an toàn về an ninh trật tự. Trong quá trình triển khai mô hình, các địa phương, cơ sở giáo dục đã gắn với việc quán triệt, triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước; chương trình, kế hoạch của Bộ Công an, Bộ Giáo dục và Đào tạo về phối hợp thực hiện công tác đảm bảo an ninh trật tự trong các nhà trường. Xác định đối tượng của phong trào là các cơ sở giáo dục, đội ngũ cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên các cấp, các bậc học nên công tác tuyên truyền tập trung vào nhiệm vụ đảm bảo an ninh, trật tự; tuyên truyền các thủ đoạn hoạt động lợi dụng của các thế lực thù địch, bọn tội phạm; tuyên truyền các quy định của pháp luật về an toàn giao thông, phòng cháy chữa cháy; gắn với tổ chức các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm. Trung bình mỗi năm, ngành Công an phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo tổ chức trên 900 buổi nói chuyện chuyên đề, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ, công nhân viên, giáo viên, học sinh, sinh viên để truyền tải những quy định mới về an ninh, trật tự; ký cam kết thực hiện Nghị định 36/CP của Chính phủ cùng những quy định đảm bảo trật tự, an toàn giao thông dịp lễ, tết; phối hợp với các ngành phát động nhiều cuộc thi tìm hiểu về những vấn đề liên quan đến an ninh trật tự phù hợp với các cấp học, bậc học; điển hình như cuộc thi “Giao thông thông minh” trên mạng internet; thi tìm hiểu về HIV/AIDS thu hút đông đảo học sinh, sinh viên tham gia. Đặc biệt, năm 2013, khối các trường tiểu học đã phát động cuộc thi viết thư với chủ đề “Ước mơ về mái trường bình yên” và xây dựng “Văn hoá giao thông” tập hợp được 82.597 bài dự thi vòng 1 ở cơ sở, 3.826 bài dự thi vòng 2 ở cấp huyện, 100 bài dự thi vòng chung kết cấp tỉnh. Khối các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên, đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề cũng tổ chức hội thi “An toàn trường học”; qua đó có tác dụng lan tỏa lớn trong tuyên truyền, vận động thực hiện phong trào.

Để mô hình “An toàn trường học” đi vào chiều sâu, hai ngành Công an, Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ giáo viên chủ nhiệm; củng cố tổ chức đoàn, hội, đội ngũ bảo vệ chuyên trách, các tổ chức tự quản trong học sinh, sinh viên. Trong quá trình thực hiện đã chỉ đạo đổi mới nội dung, hình thức, bổ sung các nội dung mô hình “An toàn trường học” đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong từng giai đoạn. Cụ thể, năm 2006, mô hình “An toàn trường học” được triển khai theo hướng “Tự quản, tự phòng, tự bảo vệ”. Năm 2010, tập trung nâng cao chất lượng lực lượng nòng cốt qua xây dựng mô hình “3 giỏi, 2 vững mạnh”; phát huy vai trò bí thư chi bộ, giáo viên chủ nhiệm, lực lượng bảo vệ giỏi, các đoàn thể, các tổ chức tự quản trong học sinh, sinh viên. Năm 2011, phát động phong trào “Ba an toàn” về an ninh trật tự bao gồm an toàn về con người, tài sản, địa bàn. Thời điểm này, phong trào “An toàn trường học” bổ sung thêm nội dung nâng cao nhận thức, chống “suy thoái” về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Tiếp đó, khi phong trào đã đi vào chiều sâu, các cơ sở giáo dục tăng cường hướng dẫn học sinh, sinh viên thực hiện “5 tự quản” là tự quản về thời gian, về quan hệ ứng xử, về sinh hoạt... thực hành “3 tự phòng” gồm phòng chống tội phạm, ma túy, tai tệ nạn xã hội; “2 tự bảo vệ” đó là bảo vệ tính mạng, tài sản. Nhiều đơn vị, địa phương đã cụ thể hóa các tiêu chí của phong trào thành các tiêu chí cụ thể phù hợp với đặc điểm, tình hình địa phương, đơn vị, đối tượng với những mô hình, cách làm sáng tạo, hiệu quả như các mô hình: “Phòng, chống bạo lực học đường trên không gian mạng”, “Tuyến đường an toàn giao thông”, “Cổng trường an toàn”, “Ký túc xá an toàn”, “Đội xung kích trường học”, “Lớp học tự quản”, “Camera an ninh trường học”. Tiêu biểu như các Trường Trung học phổ thông: Nguyễn Khuyến, Nghĩa Hưng A, Hải Hậu A, Xuân Trường B, Tống Văn Trân, Lê Quý Đôn, Trần Văn Bảo, Nguyễn Huệ; các Trường Đại học: Điều dưỡng, Sư phạm kỹ thuật Nam Định. Hiện toàn tỉnh đang có 9.245 giáo viên chủ nhiệm lớp ở các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và 964 giáo viên, cố vấn học tập ở các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề. Trong những năm qua, đội ngũ giáo viên chủ nhiệm đã thực hiện tốt chức năng quản lý, giáo dục học sinh, sinh viên; thường xuyên theo dõi, đôn đốc nhắc nhở quá trình học tập, rèn luyện, nền nếp sinh hoạt, học tập, hướng dẫn học sinh, sinh viên tham gia sinh hoạt các tổ chức đoàn, đội, hội; chấp hành tốt nội quy, quy chế học tập, sinh hoạt; thực hiện đầy đủ các quy định về phòng, chống tội phạm ma túy và các tệ nạn xã hội, thực hiện an toàn giao thông. Giáo viên chủ nhiệm thường xuyên phối hợp với các tổ chức Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội sinh viên, Hội cha mẹ học sinh, bảo vệ nhà trường, lực lượng Công an, nhất là lực lượng Cảnh sát khu vực, Công an xã, phường, thị trấn quản lý tốt số học sinh, sinh viên ngoại trú; tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao cùng nhiều hoạt động khác lôi cuốn, giáo dục học sinh, sinh viên; động viên, giúp đỡ giải quyết kịp thời những băn khoăn, vướng mắc của các em trong học tập, sinh hoạt; giáo dục học sinh cá biệt, chậm tiến có nguy cơ vi phạm pháp luật; hướng dẫn các tổ tự quản hoạt động. Thông qua việc thực hiện các tiêu chí của mô hình “An toàn trường học”, các nhà trường đã tập trung xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện; tăng cường các hoạt động vui chơi, trải nghiệm; tổ chức phong phú các hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống, truyền thống cách mạng, giáo dục kỹ năng sống, tư vấn tâm lý, hướng nghiệp; tích hợp giáo dục đạo đức cho học sinh thông qua các môn học; đa dạng hóa các hoạt động ngoài giờ lên lớp, sinh hoạt trong các câu lạc bộ, phát huy tính tự tin, sáng tạo trong học sinh, sinh viên; góp phần phòng ngừa, ngăn chặn tệ nạn xã hội xâm nhập học đường.

Qua 15 năm thực hiện mô hình “An toàn trường học” đã mang lại hiệu quả thiết thực góp phần phòng ngừa xã hội, hạn chế phát sinh tội phạm, các tai nạn, tệ nạn xã hội trong nhà trường. Thông qua mô hình, hàng năm cán bộ, giáo viên, học sinh đã cung cấp cho lực lượng Công an trên 1.400 tin; trong đó nhiều tin có giá trị giúp lực lượng chức năng điều tra, khám phá trên 80% số vụ việc về an ninh trật tự. Thông qua mô hình đã nâng cao trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu các cơ sở giáo dục, đặc biệt là vai trò của ban giám hiệu các nhà trường trong công tác giữ gìn an ninh trật tự trong trường học. Mô hình đã góp phần tăng cường mối quan hệ chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong công tác đảm bảo an ninh trật tự. Sự phối hợp, gắn bó chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội có hiệu quả, tạo nên một môi trường giáo dục hài hòa, thân thiện, cởi mở giúp học sinh nâng cao nhận thức, hành động, tự giác rèn luyện. Mô hình được nhân lên rộng rãi đang từng bước tạo ra thế trận liên hoàn trong công tác phối hợp giữa nhà trường với lực lượng Công an cùng cấp; góp phần thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về an ninh trật tự. Bên cạnh đó, các nhà trường còn phát huy tốt vai trò của giáo viên chủ nhiệm trong quản lý, giáo dục học sinh. Qua đó, đã xuất hiện nhiều cách làm hiệu quả, sáng tạo, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên; tự giác chấp hành quy định của pháp luật, tích cực phòng ngừa, tố giác tội phạm, tệ nạn xã hội, thực hiện quyền, nghĩa vụ của công dân. Mô hình “An toàn trường học” là hướng đi đúng để từng bước xã hội hoá công tác đảm bảo an ninh trật tự từ mỗi nhà trường, cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh./.

Bài và ảnh: Xuân Thu



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com