Gần đây, tại một số địa phương trong cả nước liên tiếp xảy ra tình trạng mất an ninh, an toàn trường học; đặc biệt, tình trạng phụ huynh học sinh vào trường học hành hung, gây thương tích, xúc phạm danh dự nhà giáo, tinh thần và thể chất học sinh, tác động xấu đến môi trường giáo dục trong nhà trường và gây bức xúc trong dư luận xã hội. Trước thực trạng trên, Bộ Giáo dục và Đào tạo có Công văn 1295/BGDĐT-GDCTHSSV ngày 5-4-2018 gửi các tỉnh, thành phố tăng cường công tác bảo đảm an ninh, an toàn trường học. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các nhà trường tích cực giáo dục đạo đức, văn hóa học đường cho học sinh; tăng cường các hoạt động ngoại khóa, các tiết học tập thể, giáo dục kỹ năng sống... nhằm tạo sân chơi lành mạnh, giúp học sinh có cơ hội thể hiện mình, giao lưu chia sẻ, tăng mối đoàn kết trong cộng đồng học sinh, góp phần ngăn chặn bạo lực học đường. Các nhà trường đã đẩy mạnh hoạt động của các câu lạc bộ như: Tiếng Anh, Nghệ thuật, Tin học, Kỹ năng sống, Thể dục thể thao… để thu hút học sinh tham gia, qua đó hạn chế những tác động xấu từ các trò chơi bạo lực và tác động xấu từ xã hội...
Cô và trò Trường Tiểu học Trần Văn Lan (Thành phố Nam Định) với các sản phẩm sáng tạo - STEM. |
Nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của học sinh và hạn chế bạo lực học đường, Trường Trung học cơ sở Nam Cường (Nam Trực) luôn quan tâm xây dựng văn hoá trường học. Thầy giáo Nguyễn Thanh Hài, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trường có 531 học sinh ở 16 lớp. Hàng năm, ngay từ đầu năm học, nhà trường tổ chức cho học sinh ký cam kết thực hiện các quy định của nhà trường về giữ gìn trật tự không vi phạm pháp luật, không mang vật liệu cấm đến trường; phối hợp với Công an xã tuyên truyền giữ gìn an ninh trật tự, an toàn giao thông, không tàng trữ, sử dụng vật liệu gây nổ. Bên cạnh đó, nhà trường cụ thể hoá những nội dung xây dựng văn hóa trường học trong các nội quy, quy định như đi học đúng giờ, mặc đồng phục, đoàn kết, giúp nhau học tập, không vi phạm các quy định về an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ... Ở Trường Trung học cơ sở Hoàng Văn Thụ (Thành phố Nam Định), ngay từ đầu năm học, nhà trường quán triệt đến toàn thể giáo viên giáo dục học sinh ý thức bảo vệ cơ sở vật chất của trường để phục vụ cho việc học tập. Ngoài sự gương mẫu của mỗi cán bộ, giáo viên, giáo viên chủ nhiệm phối hợp chặt chẽ với phụ huynh giáo dục học sinh chấp hành các quy định trong xây dựng môi trường văn hoá trường học. Trong các tiết học xã hội, các buổi ngoại khóa, giáo viên thường xuyên lồng ghép giáo dục để học sinh có những nhận thức đúng đắn về bạo lực học đường, về những hành vi, biểu hiện cụ thể, bạo lực về thân thể, nhân phẩm..., giúp các em chủ động phòng tránh và điều chỉnh hành vi của mình. Do vậy, những xích mích nhỏ của học sinh trong trường luôn được giải quyết kịp thời, tạo môi trường học tập an toàn, văn hóa học đường.
Để chủ động phòng, chống bạo lực học đường, Sở Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản chỉ đạo các nhà trường tăng cường phối hợp với công an địa phương và các tổ chức xã hội tổ chức các diễn đàn, nói chuyện chuyên đề, các buổi ngoại khoá nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của giáo viên, học sinh trong việc “nói không với hành vi bạo lực”. Đồng thời, phát huy vai trò của cán bộ, giáo viên, phụ huynh, học sinh trong việc ngăn chặn, tố giác tội phạm, tệ nạn xã hội và hành vi bạo lực đối với bản thân, người xung quanh. Tăng cường kiến thức, kỹ năng phát hiện sớm các dấu hiệu bạo lực học đường, các biểu hiện ảnh hưởng đến an ninh, an toàn trong trường học, khả năng xử lý, ứng biến và chủ động phòng, chống các hành vi bạo lực học đường. Các cơ sở giáo dục phát huy hiệu quả phối hợp giữa nhà trường với cha mẹ học sinh trong việc phòng ngừa và ngăn chặn có hiệu quả tình trạng bạo lực học đường, hạn chế thấp nhất các vụ việc đáng tiếc xảy ra. Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thành phố chỉ đạo các cơ sở giáo dục tăng cường nền nếp, kỷ cương, xây dựng và thực hiện Quy tắc ứng xử văn hoá trong trường học. Thực hiện có hiệu quả công tác tư vấn tâm lý cho học sinh, quan tâm giáo dục học sinh có hoàn cảnh đặc biệt. Triển khai quyết liệt các biện pháp phòng ngừa và ngăn chặn có hiệu quả tình trạng học sinh đánh nhau; các hành vi bạo lực, xâm hại đối với học sinh trong các cơ sở giáo dục. Chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện đầy đủ các nội dung, quy định về xây dựng trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích; các quy định về đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động - phòng, chống cháy nổ; các quy định về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, an ninh trật tự trường học… Ngoài ra, chính quyền, các tổ chức đoàn thể và lực lượng công an địa phương cũng tích cực phối hợp phát huy tinh thần trách nhiệm, vai trò trong hoạt động phòng ngừa bạo lực học đường./.
Bài và ảnh: Minh Thuận