Nhằm giáo dục truyền thống cách mạng, lịch sử địa phương cho học sinh, những năm qua, Ban Thường vụ Huyện ủy Hải Hậu đã chỉ đạo Ban Tuyên giáo, Phòng Giáo dục và Đào tạo phối hợp biên soạn lịch sử Đảng bộ huyện thành 3 bài giảng: Hải Hậu trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945; Đảng bộ và nhân dân huyện Hải Hậu kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954); Quân dân Hải Hậu kháng chiến chống Mỹ, góp phần bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc (1954-1975). Đề cương bài giảng được gửi cho các nhà trường trong toàn huyện để thực hiện tích hợp giảng dạy với lịch sử Việt Nam cho các khối lớp từ khối 6 đến khối 12, mỗi bài một tiết học trên lớp và thực hiện giảng dạy ngoại khóa. Các nhà trường đã triển khai nghiêm túc việc giáo dục lịch sử Đảng bộ huyện. Một số trường đã tổ chức kiểm tra sự hiểu biết của các em về lịch sử Đảng bộ huyện bằng các hình thức như: thi vấn đáp, thi viết, bốc thăm trả lời câu hỏi hay bằng các trò chơi hái hoa dân chủ... Dịp lễ hội truyền thống của huyện, các nhà trường còn tổ chức cho học sinh tham dự cuộc thi tìm hiểu “Hải Hậu - mảnh đất - con người”... Thông qua việc tích hợp giảng dạy lịch sử Đảng bộ địa phương gắn với lịch sử Việt Nam trong các giờ học môn Lịch sử và các giờ ngoại khóa đã giúp học sinh có những hiểu biết cơ bản về truyền thống lịch sử văn hiến, truyền thống cách mạng của mảnh đất con người Hải Hậu, từ đó giáo dục các em lòng yêu quê hương, đất nước.
Học sinh Trường Trung học phổ thông Quang Trung (Nam Trực) tìm hiểu truyền thống lịch sử địa phương tại phòng truyền thống của nhà trường. |
Trong những năm qua, Sở Giáo dục và Đào tạo đã đưa lịch sử địa phương vào giảng dạy tại các giờ ngoại khoá. Đây là cách làm mới góp phần đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy bộ môn Lịch sử. Trong các tiết học, giáo viên lồng ghép kiến thức, nỗ lực sáng tạo phương pháp chuyển tải, khơi dậy niềm yêu thích để học sinh hứng thú, tự giác tìm hiểu, trân trọng giữ gìn và phát huy giá trị lịch sử, văn hoá của địa phương. Bên cạnh đó, thông qua việc đa dạng hóa phương pháp giảng dạy như: dạy tích hợp, liên môn, lồng ghép nội dung chương trình với các hoạt động ngoại khóa…, đã tạo môi trường lý tưởng giúp học sinh chủ động tìm hiểu, khám phá và nâng cao hiểu biết về các giá trị văn hóa, lịch sử địa phương. Ở cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông, các môn: Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân với bố cục ngắn gọn, nội dung khúc triết, tích hợp được các giá trị văn hóa đặc trưng của từng địa phương, giúp học sinh dễ đọc, dễ hiểu, dễ tiếp thu. Trong đó, ở từng khối lớp, nội dung giảng dạy cũng được xây dựng phù hợp. Ở cấp tiểu học, hoạt động giáo dục văn hóa, lịch sử địa phương được khuyến khích giảng dạy thông qua các tiết học Mỹ thuật, Âm nhạc, các tiết học ngoại khóa trong nhà trường. Phương pháp "học mà chơi, chơi mà học" giúp học sinh dễ dàng tiếp thu nội dung bài giảng, có thể nhớ lâu, nhớ kỹ các giá trị văn hóa, lịch sử của quê hương. Tích hợp giáo dục truyền thống cách mạng, lịch sử địa phương trong các nhà trường là các hoạt động “mở” vì vậy, bên cạnh giáo dục trên lớp, các nhà trường linh hoạt tổ chức chiếu phim tư liệu văn hóa và lịch sử, đưa học sinh đi tham quan các bảo tàng, di tích, đài tưởng niệm, các làng nghề truyền thống, dạy hát các làn điệu dân ca, liên hoan văn nghệ, thi tuyên truyền giới thiệu sách theo chủ đề… Qua đó, học sinh có thêm cơ hội được tìm hiểu, khám phá, mở rộng kiến thức về văn hóa, lịch sử của quê hương, khơi gợi được những tình cảm tự nhiên, nuôi dưỡng tâm hồn các em. Tại nhiều điểm di tích, học sinh được các bậc lão thành cách mạng kể về những câu chuyện đấu tranh và bảo vệ quê hương của cha ông. Các nhà trường còn tổ chức hoạt động về nguồn, tham quan di tích lịch sử, thăm hỏi tân binh nhập ngũ bảo vệ Tổ quốc, giúp gia đình chính sách bằng những việc làm ý nghĩa, mang tính giáo dục sâu sắc. Qua mỗi lần tham quan, một số trường học còn tổ chức cho học sinh viết bài giới thiệu về lịch sử hình thành, biện pháp bảo vệ, giữ gìn và phát huy giá trị di tích. Đặc biệt, vào dịp kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12), nhiều trường mời các bác cựu chiến binh nói chuyện truyền thống cách mạng của địa phương, của dân tộc… để các em hiểu về truyền thống, những công lao đóng góp to lớn của thế hệ cha anh đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, qua đó góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, tạo động lực để các em vươn lên trong học tập. Đây cũng là chương trình có ý nghĩa thiết thực được các nhà trường và các cấp Hội Cựu chiến binh phối hợp duy trì trong nhiều năm.
Qua những bài học bổ ích trong chương trình giáo dục truyền thống cách mạng, lịch sử Đảng bộ địa phương, học sinh đã có cách nhìn và cảm nhận chân thực về lịch sử quê hương, đồng thời góp phần giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hoá, lịch sử truyền thống của dân tộc, tri ân những anh hùng tiền nhân của quê hương đất nước, nguyện tiếp bước cha ông xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp./.
Bài và ảnh: Hồng Minh