Di sản

06:05, 10/05/2019

Man.United chắc chắn không thể kết thúc mùa giải trong tốp 4 và đây đã là lần thứ 4 trong vòng 6 mùa giải qua. Giai đoạn gần nhất mà họ có các kết quả tệ thế này đó là trước khi giải ngoại hạng Anh ra đời, thời điểm 1988-1991, lúc huấn luyện viên Alex Ferguson chỉ vừa mới chân ướt chân ráo đến sân Old Trafford.

Một vài mùa thì không sao, nhưng 6 năm trời mà không có tiến bộ thì đó là một vấn đề khác. Man.United đã trải qua đến 4 huấn luyện viên khác nhau chỉ trong thời gian ngắn ngủi ấy và tiêu tốn hơn 700 triệu bảng cho việc mua sắm cầu thủ.

Họ đã thử dùng những chuyên gia danh hiệu như Mourinho, hay “kiến trúc sư” Louis Van Gaal, hay mạo hiểm với những “người được chọn” David Moyes, Solskjaer… nhưng ở các góc độ khác nhau, có thể nói là chẳng ai thành công. Chính vì thế, giới phân tích của Anh cho rằng vấn đề của Man.United không phải là làm gì cho tương lai mà là phải tìm cách “thỏa hiệp” với di sản khổng lồ mà huấn luyện viên Alex Ferguson để lại.

Bởi thực tế bóng đá Anh có sự khác biệt so với những giải đấu khác. Tại Đức, Bayern Munich có sa sút thì cũng chẳng có đội nào thay thế vị trí của họ, thế nên họ nhanh chóng quay lại đỉnh cao trong thời gian ngắn. Đây cũng là trường hợp của Paris SG (Pháp), Juventus (Italy). Trong khi đó, giải Tây Ban Nha cũng chỉ là cuộc đua giữa Barcelona và 2 đội bóng thành Madrid. Vì thế mà kể cả khi liên tục chịu biến động lớn thì Real Madrid cũng chẳng đánh mất vị thế của mình.

Trong khi đó, thời điểm Sir Alex nghỉ hưu, thì Man.City còn bị chế nhạo là “gã hàng xóm ồn ào”, chưa hình thành khái niệm Big Four. Nhưng bây giờ, đã là Big Six, tức là 6 đội bóng có sức mạnh gần như tương đương nhau, thế nên cuộc đua tốp 4 mùa này mới khốc liệt đến tận vòng 37.

Những gì mà Sir Alex để lại không chỉ là “di sản” về lối chơi hay hệ thống như kiểu của ông Wenger tại Arsenal. Man.United là một đế chế lớn nhất trong thế giới bóng đá nếu xét trên mọi phương diện. Bất kỳ ai tiếp nhận cũng xem như phải gánh trên vai mình một ngọn núi ngay từ lúc khởi đầu.

Đã vậy, cuộc chuyển giao quyền lực ở Old Trafford hầu như không có giai đoạn chuẩn bị. Sự thiệt thòi hầu như thuộc về những nhà cầm quân kế nhiệm. Mọi nỗ lực thay đổi đều có nguy cơ bị đè bẹp bởi “ngọn núi di sản” ấy. Thế nên, nếu Man.United muốn thành công sớm, họ phải học cách quên nhanh quá khứ. Bằng không, chỉ còn chờ thời gian để mọi thứ mờ nhạt đi.

Có một câu chuyện tương tự nhiều khả năng sẽ diễn ra ở Việt Nam, liên quan đến “di sản” mà huấn luyện viên Park Hang-seo có thể để lại trong tương lai. Nhà cầm quân người Hàn Quốc đang xây nên một “lâu đài” đồ sộ cả về thành tích lẫn con người và cả chi phí đầu tư. Huấn luyện viên Park Hang-seo hiện nay đang có trong tay dàn trợ lý lên đến chục người, có thể triệu tập cùng lúc 50-60 cầu thủ, được  đáp ứng gần như ngay lập tức mọi yêu cầu về tập luyện…

Chưa bao giờ bóng đá Việt Nam được vận hành với một quy mô lớn đến như vậy, tất nhiên là đi kèm với khoản tài chính khổng lồ. Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng ấy, nhiều khả năng huấn luyện viên Park Hang-seo tiếp tục thành công và triều đại của ông cho đến nay vẫn chưa ai hình dung đến sự vĩ đại của nó.

Nên mới có câu hỏi: Liệu trong những thứ mà chúng ta đang đầu tư cho đội tuyển, có chi tiết nào để chuẩn bị cho tương lai mà không có thầy Park? Hay lúc đó, mọi thứ trở về lại như cách đây chục năm, từ con người đến đầu tư./.

Theo SGGP

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com