Triển lãm chuyên đề "Cổ vật - Nơi miền biên ải"

04:02, 15/02/2019

Từ ngày 26-1 đến 20-2 tại Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lạng Sơn tổ chức triển lãm chuyên đề “Cổ vật - Nơi miền biên ải”. Với gần 200 hình ảnh, tài liệu, hiện vật chọn lọc tiêu biểu từ thời kỳ tiền sử, sơ sử đến thế kỷ XIX, triển lãm mang đến một góc nhìn đa chiều, tổng quan về cổ vật tại Lạng Sơn. Qua đó giúp người xem hiểu biết sâu sắc về nguồn gốc, đặc điểm của cổ vật, những nỗ lực của các ngành chức năng trong việc gìn giữ, bảo vệ cổ vật vùng biên giới.

Các đại biểu cắt băng khai mạc triển lãm. Nguồn: langson.gov.vn
Các đại biểu cắt băng khai mạc triển lãm. Nguồn: langson.gov.vn

Những cổ vật tại triển lãm được chia thành ba phần, gồm: Phần cổ vật thời kỳ tiền sử, sơ sử (các di vật khảo cổ thuộc các nền văn hóa tiền sử Bắc Sơn, Mai Pha, Đông Sơn gắn liền với các di tích được nghiên cứu, khám phá và khai quật); phần cổ vật 10 thế kỷ đầu Công nguyên có niên đại từ thế kỷ thứ X của Việt Nam, trong đó nổi bật là đồng tiền đầu tiên của Việt Nam - tiền “Thái Bình hưng bảo” của nhà Đinh; phần cổ vật qua các triều đại phong kiến Việt Nam từ thế kỷ XI đến đầu thế kỷ XX.

Lan tỏa tình yêu với nghệ thuật dân gian

Trong chuỗi hoạt động của Phố sách Xuân Kỷ Hợi 2019 (phố 19 tháng 12, Hoàn Kiếm, Hà Nội), chương trình “Tò he: Sáng tạo đầu xuân - Nặn hình thế giới” đã thu hút được đông đảo phụ huynh và các em nhỏ. 

Chương trình do Công ty Sách Đinh Tị và Ban quản lý Phố sách Hà Nội tổ chức với mong muốn thắp lửa tình yêu các trò chơi dân gian qua nghệ thuật nặn tò he. Tại đây, các em nhỏ đã được nghe kể những câu chuyện thú vị về tò he và tự tay nặn những con giống tò he của riêng mình. Tò he không chỉ là đồ chơi dân gian, mà còn được xem như những tác phẩm nghệ thuật. Tò he gần gũi với cuộc sống của người Việt, mang hồn của làng quê Việt Nam. Cách làm tò he đơn giản, chỉ gồm một con dao nhỏ, que tre, sáp ong và bột nặn. Bằng trí tưởng tượng và đôi bàn tay khéo léo, những nghệ nhân có thể làm ra nhiều hình tò he sinh động và phong phú. Đây không chỉ là dịp để các bạn nhỏ trải nghiệm nghề tò he truyền thống mà còn là cơ hội gắn kết cha mẹ với các con, cùng nhau lan toả những giá trị văn hoá dân tộc.

Ra mắt bộ sách về nhân sĩ trí thức Sài Gòn - Gia Định trước năm 1954

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh vừa ra mắt bộ sách “Lịch sử nhân sĩ trí thức Sài Gòn - Gia Định đồng hành cùng dân tộc giai đoạn 1930-1954” gồm 631 trang, được thực hiện từ đầu năm 2015 và hoàn thành ngày 20-9-2018. Trong đó, phần mở đầu được các tác giả khái quát về nhân sĩ, trí thức thời kỳ trước khi có Đảng; hai phần chính của bộ sách là thời kỳ Đảng Cộng sản lãnh đạo phong trào cách mạng giải phóng dân tộc đi theo quỹ đạo của Cách mạng vô sản (1930-1945) và Nhân sĩ trí thức Sài Gòn - Gia Định đồng hành cùng dân tộc, giai đoạn kháng chiến chống Pháp (1945-1954)./.

 PV (tổng hợp)

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com