Với tư cách là khách mời danh dự, gian hàng Việt Nam đã gây ấn tượng đặc biệt với các bạn Pháp và quốc tế tại Hội chợ quốc tế Grenoble, tỉnh Isère, phía đông - nam nước Pháp, diễn ra từ ngày 1 đến 12-11.
Đây là sự kiện do Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp (Bộ VH, TT và DL) tổ chức, nằm trong khuôn khổ chuỗi các hoạt động nhân kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 5 năm đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Pháp.
Khai trương gian hàng Việt Nam tại Hội chợ Văn hoá - Du lịch Grenoble. |
Tham gia Hội chợ quốc tế Grenoble với tư cách khách mời danh dự, Việt Nam được ban tổ chức bố trí không gian rộng 700m2 với vị trí đẹp tại hội chợ để giới thiệu hàng thủ công, ẩm thực, âm nhạc dân gian, đồ trang trí, hàng thêu, sơn mài, điêu khắc, đồ trang sức, quần áo truyền thống để giới thiệu đến bạn bè Pháp và quốc tế. Với chủ đề chính của hội chợ năm nay là “lễ hội âm nhạc”, bên trong khu không gian Việt Nam được được bố trí một sân khấu 30m2, chung quanh trang trí hoa sen, để 16 nghệ sĩ đến từ Nhà hát Chèo Việt Nam biểu diễn với năm suất diễn/ngày, mỗi suất trung bình 20 phút, diễn ra trong suốt thời gian hội chợ.
Hội chợ quốc tế Grenoble cũng là dịp để quảng bá về đất nước Việt Nam tươi đẹp, an toàn, thân thiện, chất lượng, với nhiều địa điểm du lịch hấp dẫn như: Vịnh Hạ Long, Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, phố cổ Hội An... được UNESCO xếp hạng là di sản thế giới.
“Ngó lúa vàng” Triển lãm nối mạch nguồn văn hóa
“Ngó lúa vàng” là triển lãm giới thiệu gần 40 tác phẩm đa dạng về đề tài và chất liệu của 20 nghệ sĩ diễn ra từ ngày 6 đến 15-11 tại VICAS Art Studio 32 Hào Nam - Hà Nội.
Các tác phẩm phản ánh vẻ đẹp dung dị, mộc mạc của những vùng nông thôn đồng bằng, những nẻo trung du, miền núi, sắc thái làng quê bán sơn địa… với cây đa, cổng làng, vườn bao quanh tường nhà xây bằng đá, những vạt cây bên mương nước, lối đi cuối xóm dẫn ra cánh đồng của nhiều nghệ sĩ sinh ra, lớn lên trên mảnh đất Hà Tây trước kia. Nhiều người hiện vẫn sống và làm việc, sáng tác tại các địa bàn ngoại thành Hà Nội như Sơn Tây, Ba Vì, Quốc Oai, Hoài Đức, Mỹ Đức, Ứng Hòa, hoặc công tác ở nội đô nhưng thường xuyên đi đi về về giữa nội - ngoại thành. Cảnh sắc, tập quán, đời sống những nẻo đường xứ Đoài, xứ Sơn Nam Thượng xưa kia vẫn gieo nhiều cảm hứng cho tác phẩm của họ.
Triển lãm Ảnh nghệ thuật Việt Nam
Tại Thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh đang diễn ra Triển lãm Ảnh nghệ thuật Việt Nam 2018 do Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ VH, TT và DL), Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, Sở VH, TT và DL, Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Quảng Ninh phối hợp tổ chức. Đây là sự kiện điểm nhấn trong Năm du lịch quốc gia 2018 Hạ Long - Quảng Ninh. Triển lãm gồm chủ đề "Hạ Long - Quảng Ninh - Góc nhìn mới" và sáng tác tự do. Sau gần ba tháng phát động, Ban tổ chức nhận được 10.190 tác phẩm (bao gồm cả ảnh đơn và ảnh bộ) của 1.436 nhiếp ảnh gia cả nước tham dự. Hội đồng nghệ thuật đã chọn 245 tác phẩm của 192 tác giả để trưng bày triển lãm; trong đó có 22 tác phẩm xuất sắc được trao giải, gồm: 2 HCV, 4 HCB, 6 HCĐ và 10 giải khuyến khích. Triển lãm mở cửa hết ngày 8-11.
Thêm 8 Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Bộ VH, TT và DL vừa ban hành Quyết định số 4069/QĐ-BVHTTDL (ngày 30-10-2018) về việc công bố Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, đợt 25. Theo đó, 8 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục thuộc bốn loại hình: nghề thủ công truyền thống, nghệ thuật trình diễn dân gian; tập quán xã hội và tín ngưỡng; lễ hội truyền thống. Cụ thể gồm: nghề làm bánh tráng Mỹ Lồng, nghề làm bánh phồng Sơn Đốc (tỉnh Bến Tre); Hò Đồng Tháp (tỉnh Đồng Tháp); Lễ hội Cầu ngư (tỉnh Quảng Bình); Lễ Bỏ mả của người Raglai (tỉnh Ninh Thuận); Lễ Cấp sắc của người Sán Dìu, Pả Dung của người Dao (tỉnh Thái Nguyên); Soọng Cô của người Sán Dìu (tỉnh Vĩnh Phúc)./.
PV (tổng hợp)