Đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng được coi là công đoạn khó khăn nhất trong chuỗi quy trình từ sản xuất đến tiêu dùng. Đối với những nông sản mới đưa vào sản xuất, ở tỉnh ta như nấm dược liệu, cà chua hương vị hoa quả… việc thuyết phục người dân tiêu thụ sản phẩm càng trở nên khó khăn hơn bởi hàng loạt băn khoăn của người tiêu dùng đối với các mặt hàng mới: Giá trị dinh dưỡng, tiêu chuẩn VSATTP… Tuy nhiên, nhiều nông dân, tổ chức, doanh nghiệp không chỉ làm tốt nhiệm vụ sản xuất mà đã năng động, khai thác ứng dụng công nghệ thông tin, internet quảng bá, tiếp thị cho sản phẩm của mình.
Anh Nguyễn Văn Sơn (bên trái), khu 6, Thị trấn Rạng Đông (Nghĩa Hưng) giới thiệu sản phẩm cá bống bớp tại Hội chợ triển lãm nông nghiệp quốc tế - AgroViet tổ chức tại Hà Nội. |
Trên địa bàn tỉnh, nghề trồng nấm gần đây phát triển nhanh chóng với hàng chục trang trại lớn của: Trung tâm Dạy nghề công lập Nghĩa Hưng, gia đình anh Tạ Đức Khương, xã Nghĩa Lạc (Nghĩa Hưng), gia đình anh Hoàng Xuân Thành, xã Hải Chính (Hải Hậu), mô hình nuôi trồng nấm trong vùng đệm Vườn quốc gia Xuân Thủy… với sản lượng hàng trăm tấn/năm. Tuy nhiên thị trường tiêu thụ chủ yếu là các viện nghiên cứu, Cty dược phẩm, các thành phố lớn… mà người dân địa phương lại hoàn toàn không sử dụng sản phẩm hữu ích này. Đồng chí Đới Văn Ngọc, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề công lập huyện Nghĩa Hưng cho biết: “là một trong những người đầu tiên đưa cây nấm về trồng tại tỉnh ta, sau bao vất vả mày mò học hỏi làm ra sản phẩm, lứa đầu tiên thu hoạch, tôi hăm hở cử nhân viên mang ra chợ bán, bà con tới xem rất đông nhưng lại kháo nhau là ăn nấm độc nên chẳng ai dám mua. Chợ gần cũng thế, đi chợ xa cũng vậy, thêm vài lứa nữa không bán được, anh em trong Trung tâm đành mang sản phẩm tìm thị trường xa. Nấm ăn đã vậy, nấm linh chi do Trung tâm trồng chất lượng cao, giá rẻ nhưng cũng chẳng ai tiếp cận, sử dụng, trong khi sẵn sàng bỏ hàng triệu đồng mua nấm linh chi nhập khẩu không rõ nguồn gốc chất lượng về dùng”. CLB nấm của Vườn quốc gia Xuân Thủy là một trong những đơn vị có cách tiếp thị sản phẩm nấm tới người tiêu dùng một cách bài bản. Được sự hỗ trợ của Ban quản lý Vườn quốc gia, CLB đã tổ chức hội thi nấu ăn “Nấm vì sức khỏe của cộng đồng và môi trường” thu hút đông đảo bà con nhân dân của 5 xã vùng đệm của Vườn quốc gia tới xem. Tại cuộc thi, bà con được giới thiệu quy trình sản xuất, giá trị dinh dưỡng của nấm đối với sức khỏe con người, cách chế biến các món ăn từ nấm và thưởng thức bữa tiệc nấm do các thí sinh chế biến. Chị Hoàng Thị Hoa, xã Giao Hương cho biết: Qua hội thi nấu ăn “Nấm vì sức khỏe của cộng đồng và môi trường” tôi mới vỡ lẽ rằng nấm trồng đúng quy trình đều đảm bảo là nấm sạch. Mà giống nấm cũng rất khó tính, nếu tưới nước bẩn, thậm chí, khi tra mầm nấm vào bịch, chỉ cần tay bị bẩn thôi cũng đã làm hỏng nấm rồi. Thành phần đạm trong mỗi kg nấm tương đương với 1kg thịt động vật và còn kèm theo các khoáng chất tốt cho tim mạch, hệ thống miễn dịch và khả năng chống lão hóa cao. Cách chế biến đa dạng, đơn giản chỉ cần luộc, hoặc xào cùng thịt nạc, lòng gà hay nấu canh xương là đã rất ngon rồi. Các nước văn minh họ đã sử dụng, lẽ nào mình lại để phí một nguồn thực phẩm tốt. Vì vậy, tôi sẽ bổ sung các sản phẩm nấm vào thực đơn bữa ăn gia đình. Ngay sau hội thi, sản lượng nấm tiêu thụ trong vùng đã tăng hẳn lên. Bà con khu vực Vườn quốc gia Xuân Thủy đã quen với sự xuất hiện của nấm trong mâm cơm gia đình. Đặc biệt vào ngày tuần, ăn chay (rằm, mùng 1 hằng tháng), nấm tươi là mặt hàng thu hút khách hàng hơn bất cứ thực phẩm chay công nghiệp khác trên thị trường. Ở các trang trại khác không có điều kiện tổ chức như ở CLB nấm Vườn quốc gia Xuân Thủy nhưng việc bán nấm ăn ở các khu chợ dân sinh đã được đổi mới. Người bán đã in kèm theo tờ nhãn giới thiệu công dụng, cách sơ chế nấm và những món ngon chế biến từ nấm. Nhiều nơi còn có sẵn dụng cụ nhà bếp để chế biến những món ăn cho khách thưởng thức ngay tại chợ… Đối với nấm linh chi, để làm thay đổi nhận thức của người tiêu dùng, Trung tâm Dạy nghề công lập huyện Nghĩa Hưng đã đề xuất với Sở KH và CN hỗ trợ thực hiện đề tài “Đánh giá chất lượng nấm linh chi nuôi trồng so với nấm ngoại nhập”. Thực hiện đề tài, Trung tâm đã phối hợp với Viện Dược liệu (Bộ Y tế) phân tích chỉ tiêu chất lượng của nấm nuôi trồng và nấm ngoại nhập lưu thông trên thị trường; nghiên cứu quy trình di truyền và hoàn thiện quy trình trồng nấm để đạt chất lượng cao nhất và đưa đi kiểm nghiệm tại Cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng (Bộ KH và CN), Cục ATTP (Bộ Y tế). Khi được chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, Trung tâm đã công bố sản phẩm nấm dược liệu linh chi khô ra thị trường, khuyến cáo người tiêu dùng về công dụng, chức năng, chỉ tiêu chất lượng sản phẩm thông qua các hội chợ thương mại, hội chợ công nghệ toàn quốc và các kênh tiêu dùng khác. Bên cạnh đó, Trung tâm còn hướng dẫn các cơ sở trồng nấm trong tỉnh thực hiện quy trình chuẩn khi nuôi trồng, thu hái và bảo quản. Do đó, đến thời điểm này, sản phẩm nấm linh chi của các trang trại trên địa bàn đã được người tiêu dùng chấp nhận với giá bán dao động trên dưới 1 triệu đồng/kg, có thời điểm lên tới 1,5-2 triệu đồng/kg. Mỗi năm toàn tỉnh sản xuất hàng chục tấn nấm linh chi khô.
Huyện Nghĩa Hưng được coi là “thủ phủ” của cá bống bớp, ngày ngày vẫn xuất bán hàng trăm tấn cá bống bớp cho thị trường miền Trung, Trung Quốc. Đây là loài cá nước mặn, to tròn, béo nục có trọng lượng 2-3 lạng/con, thớ thịt trắng, ngọt và thơm, có giá trị dinh dưỡng cao, lại lành tính, thích hợp với việc bồi bổ cơ thể, phục hồi sinh lực nhưng do giá bán cao hơn các giống cá bống truyền thống nên người dân miền Bắc nói chung và người dân huyện Nghĩa Hưng ít quan tâm sử dụng. Mong muốn sản phẩm cá bống bớp được đón nhận ngay tại vùng nuôi và mở rộng thị trường tiêu thụ nội địa, đặc biệt là các tỉnh phía Bắc luôn thôi thúc các thành viên trong Hiệp hội cá bống bớp Nghĩa Hưng. Ban chủ nhiệm Hiệp hội cùng với các cơ quan chức năng xúc tiến việc xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm cá bống bớp Nghĩa Hưng, các thành viên trong hiệp hội mang cá đi chào bán, tuyên truyền giá trị dinh dưỡng, cách chế biến ở hầu hết các nhà hàng, khách sạn trong vùng… Anh Nguyễn Văn Sơn, khu 6, Thị trấn Rạng Đông ngoài việc đầu tư hàng chục tỷ đồng xây dựng trại sản xuất giống cá bống bớp với diện tích rộng trên 6ha quy mô 110 bể sản xuất giống; 17 ao nuôi cá giống và 10 ao cá thương phẩm, anh Sơn còn tích cực tìm kiếm thị trường tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm. Bắt đầu từ việc mày mò tìm hiểu anh xác định được điểm yếu trong khâu tiêu thụ cá bống bớp là sản phẩm chưa có thương hiệu, chưa xác định được nguồn gốc xuất xứ theo trình tự pháp luật quy định đối với sản phẩm hàng hóa nên sản phẩm dù ngon, lành và rẻ cũng chưa tham gia được vào chuỗi tiêu thụ hiện đại và thị trường xuất khẩu. Để tháo gỡ khó khăn này, trong những lần đi tìm hiểu thị trường, anh đã để ý kỹ cách chế biến món ăn từ cá bống bớp của người Trung Quốc ở các vùng có tiếng như Đài Loan, Hồng Kông và cả người dân các tỉnh, thành phố trong cả nước rồi in thành tài liệu hướng dẫn người dân trong vùng. Anh còn lặn lội đến nhà hàng, khách sạn ở các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh… tự tay chế biến món ăn từ cá bống bớp để giới thiệu với khách hàng. Anh đã chủ động đề nghị các ngành chức năng như Sở KH và CN, NN và PTNT hỗ trợ việc xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm cá bống bớp cũng như nhãn hiệu riêng của cơ sở để nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm và tham gia hội chợ triển lãm để giới thiệu sản phẩm đến với người tiêu dùng trong nước và quốc tế… Không phụ công anh, đến nay, ngoài thị trường truyền thống, sản phẩm cá bống bớp Sơn Nguyệt đã có mặt trong hệ thống các nhà hàng đặc sản tại Hà Nội, Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An với những món ăn bổ dưỡng như: cá bống bớp kho rim tiêu, gừng; cá bống bớp nấu canh chua lá lốt; cá bống bớp nấu giềng mẻ, cháo cá bống bớp và cá bống bớp tiềm thuốc bắc… Ngay tại Thành phố Nam Định, cũng có đại lý phân phối sản phẩm cá bống bớp Nghĩa Hưng do anh làm đầu mối cung ứng. Khách hàng trong và ngoài tỉnh tìm đến với cá bống bớp Nghĩa Hưng ngày một nhiều. Chỉ riêng cơ sở sản xuất, kinh doanh cá bống bớp của anh Sơn đã có quan hệ với hàng chục đầu mối cung ứng cá bống bớp tại các tỉnh khu vực phía Bắc.
“Cái khó ló cái khôn”. Nặng lòng với những nông sản độc đáo mang đặc trưng của địa phương đã thôi thúc những người sản xuất nông sản trở thành những thương gia giỏi, tự tích lũy những bài học tiếp thị, ma-két-tinh sản phẩm, làm thay đổi thói quen của người tiêu dùng hỗ trợ khâu tiêu thụ sản phẩm. Từ những kết quả bước đầu này cần sự “tiếp sức” của các cơ quan chức năng trong việc tạo điều kiện cho người dân tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm trong và ngoài nước để hiểu rõ và thực hành nguyên tắc sản xuất gắn với thị trường, bảo đảm hiệu quả đầu tư trong nông nghiệp./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương