Nhiều khó khăn trong quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa

09:03, 07/03/2016

Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa (SPHH) để kịp thời phát hiện những sai sót là nhiệm vụ quan trọng nhằm ngăn chặn những sai phạm gây thiệt hại đến tài sản, quyền lợi và uy tín quốc gia, mỗi tổ chức, cá nhân do hàng hoá không bảo đảm chất lượng gây ra. Trên địa bàn tỉnh ta, những năm qua, các ngành chức năng đã tập trung quản lý chất lượng SPHH, nhiều SPHH khẳng định được thương hiệu, định vị vững chắc trên thị trường trong và ngoài nước. Tuy nhiên, những khó khăn, hạn chế trong công tác quản lý chất lượng SPHH trên địa bàn khiến vẫn còn tình trạng hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái tràn lan, len lỏi, trà trộn trên thị trường.

Cán bộ Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng (Sở KH và CN) kiểm tra điều kiện kinh doanh thiết bị điện tại Siêu thị Big C Nam Định.
Cán bộ Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng (Sở KH và CN) kiểm tra điều kiện kinh doanh thiết bị điện tại Siêu thị Big C Nam Định.

Trong  năm  2015, các Sở quản lý chuyên ngành đã tổ chức kiểm tra 14.074 lượt cơ sở sản xuất, kinh doanh SPHH trên địa bàn. Các đợt thanh, kiểm tra đều tập trung vào thời điểm quan trọng tiềm ẩn nhiều nguy cơ vi phạm chất lượng SPHH như Tết Nguyên đán, Tết Trung thu, giao mùa và đầu vụ sản xuất… Qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện, xử lý vi phạm 3.235 cơ sở, chiếm 22,9% số cơ sở được kiểm tra. Các vi phạm tập trung về đo lường, chất lượng, hàng giả, hàng nhái, không đảm bảo ATVSTP… Các cơ quan chức năng đã xử phạt cảnh cáo và phạt tiền gần 1 tỷ 337,4 triệu đồng, tạm giữ và tiêu hủy nhiều loại hàng hóa không đảm bảo chất lượng. Trong đó, Sở KH và CN tổ chức thanh tra 29 cuộc về sở hữu công nghiệp, ghi nhãn hàng hóa, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đo lường đối với xăng dầu, mũ bảo hiểm xe máy, đồ chơi trẻ em, thiết bị điện, điện tử, an toàn bức xạ hạt nhân tại 394 cơ sở, phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính 6 cơ sở vi phạm. Kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu đối với 12 lô hàng hóa thiết bị điện, điện tử; khảo sát chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường như màng bọc thực phẩm, xúc xích, rượu, nước sinh hoạt để kiểm định chất lượng. Sở NN và PTNT tổ chức 46 cuộc thanh tra chuyên đề tại 1.132 cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông, lâm, thủy sản. Kết quả thanh tra chuyên đề có 271 cơ sở vi phạm, xử phạt hành chính 148,2 triệu đồng đối với 36 cơ sở vi phạm nghiêm trọng. Đồng thời thường xuyên tổ chức kiểm tra điều kiện kinh doanh, đảm bảo ATVSTP tại các cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp, sản phẩm nông, lâm, thủy sản và giám sát chất lượng thực phẩm nông nghiệp như rau, thịt, thủy, hải sản… Qua giám sát đã phát hiện 2 mẫu cá bống bớp tồn dư kháng sinh Enrofloxacin, Chloramphennicol quá mức cho phép; 1 mẫu rau còn dư lượng Endosunlfat. Sở Y tế tổ chức 10 cuộc thanh tra chuyên đề về chất lượng SPHH liên quan trực tiếp đến sức khỏe, chất lượng thuốc và thực phẩm chức năng, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng, phụ gia thực phẩm từ khâu sản xuất đến các cơ sở điều trị; các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; các bếp ăn tập thể, khu công nghiệp… Qua kiểm tra đã phát hiện 2.404 cơ sở vi phạm, phạt hành chính 309,4 triệu đồng; tiêu hủy sản phẩm tại 55 cơ sở vi phạm. Việc các ngành chức năng nỗ lực kiểm tra, kiểm soát chất lượng hàng hóa lưu thông trên địa bàn đã có tác dụng lớn trong việc nâng cao nhận thức và ý thức cho người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng. Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được thì tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ vẫn xuất hiện, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng và môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp. Nguyên nhân của việc này được xác định do công tác quản lý chất lượng SPHH trên địa bàn còn nhiều khó khăn như: Chưa có hệ thống chỉ tiêu thống kê cụ thể để xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ hoạt động quản lý chất lượng SPHH dẫn đến việc chia sẻ thông tin từ các bộ tới địa phương cũng như giữa các cơ quan quản lý Nhà nước tại địa phương và UBND các huyện, thành phố với nhau chưa thống nhất. Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia chưa phủ kín danh mục SPHH nhóm 2 gây khó khăn cho công tác quản lý; một số chỉ tiêu hiện tại các phòng thử nghiệm trong nước chưa thực hiện được gây khó khăn cho lực lượng chức năng khi thực thi nhiệm vụ. Một số bộ chuyên ngành chậm ban hành các văn bản hướng dẫn hoạt động kiểm tra chất lượng SPHH thuộc ngành và không thường xuyên tập huấn nghiệp vụ quản lý chất lượng SPHH cho cán bộ quản lý tại địa phương. Bên cạnh những khó khăn khách quan, trên địa bàn tỉnh ta năng lực các phòng thử nghiệm chưa đáp ứng yêu cầu thử nghiệm chất lượng SPHH; chưa có tổ chức đánh giá sự phù hợp về chất lượng SPHH và thiếu các thiết bị kiểm tra nhanh phục vụ hoạt động thanh tra, kiểm tra trong các lĩnh vực thuốc, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm của Sở Y tế; lưu thông hàng hóa của Sở Công thương, hàng hóa nông, lâm, hải sản của Sở NN và PTNT. Cán bộ làm công tác quản lý chất lượng SPHH mới chỉ có tại một số sở, ngành chuyên môn như Y tế, Công thương, NN và PTNT, KH và CN; các sở, ngành khác đều kiêm nhiệm nhiều công việc nên hạn chế hiệu quả hoạt động chuyên ngành. Kinh phí cho hoạt động thanh, kiểm tra chất lượng hàng hóa còn ít nên không đảm bảo phát hiện kịp thời các vi phạm và chưa đánh giá hết về tình hình chất lượng SPHH sản xuất, lưu thông trên địa bàn.

Để làm tốt công tác quản lý chất lượng SPHH trên địa bàn, thời gian tới, các ngành chức năng, các địa phương cần tăng cường phối hợp tuyên truyền hướng dẫn thực hiện các văn bản pháp luật, các ngành chức năng cần hoàn thiện hệ thống văn bản, quy phạm pháp luật về công tác quản lý chất lượng SPHH theo sự phân công. Bộ KH và CN cần ban hành quy định hướng dẫn chi tiết quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan đầu mối quản lý chất lượng SPHH tại địa phương; tổng hợp danh mục các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và danh mục SPHH nhóm 2 đã được ban hành tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý chất lượng SPHH tại địa phương. Tăng cường công tác đào tạo, tập huấn cán bộ làm công tác quản lý chất lượng; đặc biệt đào tạo kiểm soát viên chất lượng, tập huấn nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra về chất lượng SPHH. Đầu tư tăng năng lực cho các phòng thử nghiệm để hình thành tổ chức đánh giá sự phù hợp cho một số SPHH phục vụ cho công tác kiểm tra, giám định chất lượng hàng hóa từ khâu sản xuất đến tiêu dùng. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các văn bản pháp luật về chất lượng SPHH cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh và cảnh báo chất lượng đối với các loại SPHH có liên quan đến an toàn sức khoẻ và môi trường để người tiêu dùng biết. Tăng cường phối hợp liên ngành kiểm tra, kiểm soát chất lượng hàng hóa; kiểm tra lấy mẫu đánh giá chất lượng đối với các loại SPHH đã công bố tiêu chuẩn, công bố phù hợp quy chuẩn./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com