Nghề làm hương ở Nghĩa Lâm

09:03, 18/03/2016

Bên cạnh nghề chế biến lương thực - thực phẩm truyền thống với sản phẩm chính là các loại miến dong, miến gạo, thời gian gần đây, xã Nghĩa Lâm (Nghĩa Hưng) còn phát triển thêm nghề làm hương. Hiện tại, trên địa bàn xã có gần chục cơ sở sản xuất, thu hút hàng trăm lao động tham gia với mức thu nhập bình quân từ 100-120 nghìn đồng/người/ngày. Ngoài các sản phẩm truyền thống phục vụ thị trường nội địa, sản phẩm hương thắp của xã Nghĩa Lâm đã được xuất khẩu sang Ấn Độ…

Từ nghề trầm xưa

Theo lời các cụ cao niên, có thời gian gắn bó với nghề từ 30-40 năm như: Mai Văn Thúy, xóm 4; Mai Lương Huấn, xóm 6… nghề làm hương (xưa gọi là nghề trầm) có thể coi là nghề truyền thống, gia truyền từ 2-3 đời ở xã Nghĩa Lâm. Các ông Thúy, Huấn đều là thế hệ thứ 2, thứ 3 trong gia đình theo nghề. Tuy nhiên, nghề trầm xưa ở Nghĩa Lâm chỉ sản xuất thủ công 2 loại hương “se”, hương “nhúng” cung ứng cho nhân dân trong vùng. Ông Huấn năm nay 55 tuổi, cả đời gắn bó với nghề cho biết: Làm hương là nghề gia truyền, ông Huấn được cha là cụ Mai Lương Trắc truyền dạy và chỉ chuyên làm hương “nhúng”: các loại nguyên liệu khô (trầm, thuốc bắc, mùn cưa…) được trộn đều theo tỷ lệ gia truyền, người làm hương cầm tăm hương nhúng vào nước cho ướt, sau đó lại nhúng vào bột hương khô. Các công đoạn đều phải nhẹ nhàng, nâng niu để bột không tan và hỗn hợp nước - bột nhuyễn đều bám vào chân hương. Cứ như vậy lặp lại quy trình 3 lần thì mang đi phơi. Hương nhúng do sản xuất thủ công, thô sơ nên hình thức xấu, độ to nhỏ không đều nên chỉ phục vụ nhu cầu của bà con trong xóm, trong xã. Khác với hương “nhúng”, các công đoạn làm hương “se” cầu kỳ, kỹ hơn. Đầu tiên là nguyên liệu bột để làm hương phải được sàng, sẩy cẩn thận, tránh bị bụi, bẩn bay vào ảnh hưởng đến chất lượng của hương. Bột phải được “luyện” nhuyễn với nước và phụ gia đảm bảo độ dẻo, mịn nhất định mới dùng dụng cụ để “se”. Dụng cụ se hương rất đơn giản gồm một mặt bàn phẳng và “tay xoa” làm bằng gỗ, hình chữ nhật kích thước rộng khoảng 15cm, dài khoảng 30cm. Tuy nhiên không phải gỗ nào cũng làm được tay xoa mà nhất thiết phải là gỗ lát, sau khi được thợ khéo bào nhẵn, đóng tay cầm vừa vặn, trên tay cầm lại phải đục moi một lỗ hổng để cài con then dài khoảng 10cm. Sau đó tay xoa phải được gia công bằng cách hơ qua lửa để hai cạnh dài (dọc theo tay cầm) cong khoảng 0,3-0,4cm so với phần còn lại để khi vê, nén hương vừa tròn, đều, bột bám chắc vào chân hương mà không dính vào bàn hoặc tay xoa. Vì các công đoạn sản xuất hoàn toàn thủ công nên thợ làm hương xưa, dù lành nghề như các ông Huấn, ông Thúy năng suất cao lắm mỗi ngày cũng chỉ sản xuất được từ 2.000 nén hương. Và không phải ngày nào cũng làm được vì nghề trầm phụ thuộc vào thời tiết, hương làm ra phải có nắng, hanh để phơi. Nếu hương không “được” nắng thì 9 phần là hỏng hoặc mất mùi. Hương vê xong phải dựng một lúc cho se chắc mới được mang ra phơi, sau khoảng 3-4 tiếng phơi liên tục lại phải “đảo” để hương không bị cháy nắng và khô đều mới đóng gói thành để mang đi chợ bán. Mỗi tháng, những hộ làm hương theo phương pháp truyền thống chỉ thực sự làm nghề được vài buổi là nhiều. Vì thế, dù là nghề truyền thống nhưng suốt một thời gian dài, cả xã chỉ có vài hộ theo nghề.

Sản xuất hương xuất khẩu tại cơ sở của anh Ngô Văn Lục, xóm 1, xã Nghĩa Lâm.
Sản xuất hương xuất khẩu tại cơ sở của anh Ngô Văn Lục, xóm 1, xã Nghĩa Lâm.

Đến nghề làm hương hiện nay

Sự phát triển của nghề làm hương hiện nay ở Nghĩa Lâm không thể không nhắc tới “dấu ấn” quan trọng là sự hỗ trợ của khoa học kỹ thuật. Hiện nay, ở Nghĩa Lâm các hộ sản xuất hương đã thay thế toàn bộ quy trình sản xuất thủ công bằng các loại máy vê hương hiện đại, dùng điện. Là một trong những người đầu tiên mạnh dạn đầu tư máy vê hương để sản xuất, anh Mai Cát Tường, con trai ông Mai Lương Huấn cho biết: Năm 2011, anh đầu tư gần 30 triệu đồng mua 2 máy vê hương chuyên sản xuất các loại hương thắp truyền thống. Ưu điểm của máy là năng suất gấp 2-3 lần sản xuất thủ công, sản phẩm không những đều, đẹp mà còn đa dạng về mẫu mã, kích thước. Nhờ có máy vê hương, mỗi ngày, cơ sở của anh sản xuất được từ 5.000-7.000 nén hương các loại, tạo việc làm cho 2 lao động chính với mức thu nhập bình quân từ 150-170 nghìn đồng/người/ngày; 3-5 lao động phụ làm theo thời vụ đóng gói, dán nhãn cũng có thu nhập từ 60-80 nghìn đồng/người/ngày. Từ thành công của anh Tường, nhiều hộ làm hương theo phương pháp truyền thống như hộ các ông: Mai Văn Thúy, xóm 4; Ngô Văn Lục, xóm 1 cũng đã mạnh dạn đầu tư máy để phát triển sản xuất. Nhờ có máy vê hương, từ tháng 1-2014 đến nay, mỗi tháng cơ sở của ông Thúy sản xuất được khoảng 18-20 vạn nén hương các loại. Bên cạnh sản phẩm hương thắp truyền thống (nén hương dài, chân hương nhuộm màu đỏ, hồng), từ năm 2014 đến nay, xã Nghĩa Lâm còn có cơ sở của anh Ngô Văn Lục chuyên sản xuất hương xuất khẩu sang Ấn Độ. Khác với hương bán nội địa, hương xuất khẩu ngắn hơn; chân hương nhuộm màu vàng. Hiện tại, cơ sở của anh Lục có 6 máy làm hương, công suất tối đa 60kg hương thành phẩm/ngày; tạo việc làm cho 7 lao động thường xuyên với mức thu nhập bình quân 120-130 nghìn đồng/người/ngày. Để nâng cao năng suất, mở rộng quy mô sản xuất, trong tháng 3-2016, anh Lục đang tiến hành đầu tư gần 50 triệu đồng lắp đặt 6 đầu đưa hương tự động cho 6 máy; đầu tư 1 lò sấy hình vuông (chiều dài cạnh 80cm) sử dụng kết hợp điện (quạt hút) và than bùn (lò). Công suất của lò sấy tối đa khoảng 6 tạ hương/mẻ từ 10-12 tiếng liên tục. Theo anh Lục, với 6 máy tự động và lò sấy, năng suất của cơ sở sẽ được nâng lên gấp đôi, khoảng 120kg hương thành phẩm/ngày và sản xuất được liên tục không phải phụ thuộc vào thời tiết như làm thủ công.

Làm hương đang là nghề thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng của nhiều hộ dân ở xã Nghĩa Lâm, và còn góp phần giải quyết việc làm, thu nhập cho hàng trăm lao động nông nhàn. Thời gian tới, xã Nghĩa Lâm tạo điều kiện tối đa về nguồn vốn ưu đãi, thủ tục hành chính, mặt bằng để các cơ sở sản xuất đầu tư mở rộng, phát triển nghề theo hướng bền vững, đóng góp nhiều hơn vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động của xã, hướng xây dựng xã NTM./.

Bài và ảnh: Thành Trung

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com