Phòng, chống rác thải nhựa, từ nhận thức đến hành động

04:09, 06/09/2019

Có dịp về quê ăn giỗ, tôi được chứng kiến tại góc sân nơi các bà các chị đang chuẩn bị làm cỗ là hàng chục chiếc túi ni lông đựng thực phẩm các loại. Ngay sau khi lấy thực phẩm ra chế biến, tất cả các túi ni lông được cho vào một túi to hơn cùng với nhiều loại rác thải khác. Dạo qua một số bãi tập kết rác ở địa bàn nông thôn cũng dễ dàng nhận thấy rất nhiều túi ni lông, chai lọ nhựa. Mỗi lúc gió to, túi ni lông bay cả xuống khu vực cánh đồng và dòng sông gần đó. Tại khu vực thành phố Nam Định, tình trạng lạm dụng túi ni lông, đồ nhựa của người dân cũng khá phổ biến. Sau một buổi sáng đi chợ, trong giỏ xe của bà Nguyễn Thị Trinh ở Khu đô thị Hòa Vượng (thành phố Nam Định) mang về nhà có tới gần chục chiếc túi ni lông đựng thức ăn cho một ngày sử dụng gồm: rau, thịt, đậu, trứng, hoa quả… Riêng đồ ăn sáng đã đựng trong 3 túi với bánh cuốn, nước chấm, chanh ớt rau thơm. Túi ni lông đã trở thành vật dụng phổ biến của cả người bán lẫn người mua. Chị Trần Thị Hoa bán rau ở chợ Cầu Sắt, phường Lộc Vượng (thành phố Nam Định) cho biết, trung bình mỗi ngày, chị phải dùng gần trăm chiếc túi ni lông đựng hàng cho khách. Một chủ hàng bán xôi tại cổng Trường Tiểu học Chu Văn An cũng thừa nhận, mỗi buổi sáng thường dùng vài chục hộp xốp đựng xôi bán cho học sinh. Trong công viên Vị Xuyên, nhiều lần chúng tôi chứng kiến sự lạm dụng các sản phẩm đồ nhựa dùng một lần  trong buổi đi chơi, các bạn trẻ đã gọi dịch vụ mang tới mấy chục cốc trà sữa kèm theo ống hút nhựa. Không chỉ có túi ni lông, sản phẩm nhựa dùng một lần, trong sinh hoạt hàng ngày, nhiều gia đình hiện nay cũng đang dùng rất nhiều đồ bằng nhựa, từ rổ rá, xô chậu đến bàn ghế, cốc, bát do sự tiện dụng và giá thành thấp. Ngoài ra, tính sơ sơ mỗi gia đình trong một năm còn thải ra môi trường hàng chục chai lọ nhựa đựng nước giặt, nước rửa bát, dầu gội đầu, sữa tắm… Các đồ dùng bằng nhựa, túi ni lông, hộp xốp không chỉ gây nguy hại trực tiếp về mặt sức khỏe cho con người mà khi xả ra môi trường còn rất khó phân hủy, làm ô nhiễm đất, nguồn nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái.

Thu gom rác thải tại xã Điền Xá (Nam Trực).
Thu gom rác thải tại xã Điền Xá (Nam Trực).

Trước những nguy hại của rác thải nhựa và túi ni lông ngày càng gia tăng, thời gian qua, các ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh đã tích cực vào cuộc, đẩy mạnh tuyên truyền vận động, kêu gọi cộng đồng thay đổi hành vi, thói quen sử dụng túi ni lông và sản phẩm nhựa dùng một lần. Công tác tuyên truyền được thực hiện thường xuyên, lồng ghép trong các hội nghị, cuộc họp và tuyên truyền trực tiếp đến người dân nhằm nâng cao nhận thức của cả cộng đồng về tầm quan trọng của việc phòng, chống rác thải nhựa. Các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã tuyên truyền, vận động chị em thay đổi nhận thức, từ bỏ thói quen sử dụng túi ni lông, sản phẩm nhựa dùng một lần, thay thế bằng đồ dùng làm từ thiên nhiên và thân thiện với môi trường. Tháng 4 vừa qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức hội nghị truyền thông công tác bảo vệ môi trường và ra mắt mô hình “Chi hội Phụ nữ chống rác thải nhựa, bảo vệ môi trường” tại chi hội 8 xã Mỹ Thắng (Mỹ Lộc) thu hút 120 hội viên phụ nữ tham gia. Trong hội nghị này, các đại biểu đã được thông tin về thực trạng ô nhiễm môi trường từ rác thải nhựa và rác thải ni lông, hướng dẫn cách thu gom, phân loại và xử lý rác thải tại hộ gia đình; giới thiệu một số mô hình ủ rác thải hữu cơ làm phân bón cho cây trồng nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Thông qua chương trình truyền thông đã góp phần nâng cao nhận thức cho hội viên phụ nữ chung tay hành động nhằm giảm thiểu lượng rác thải nhựa trong cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày; đồng thời chị em sẽ là lực lượng nòng cốt, gương mẫu đi đầu trong việc hạn chế sử dụng túi ni lông, nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần; sử dụng túi vải, làn nhựa khi đi chợ; tích cực tham gia hưởng ứng các hoạt động dọn vệ sinh môi trường, thu gom và đổ rác thải đúng nơi quy định. Bên cạnh đó, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã đẩy mạnh xây dựng và phát huy hiệu quả các mô hình “Chi hội Phụ nữ 5 không, 3 sạch”, “Nói không với túi ni lông”, “Phụ nữ thân thiện với môi trường”, “Chi hội không có rác thải”, “Thôn xóm không có rác thải”, “Dòng sông không rác thải”, “Tuyến đường xanh - sạch - đẹp do chi hội tự quản” và tuyến đường hoa… Tại xã Trực Khang (Trực Ninh), mô hình thu gom vỏ thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng của hội viên phụ nữ thời gian qua cũng đã góp phần quan trọng trong việc bảo vệ môi trường, hạn chế rác thải nhựa. Trước thực tế một bộ phận người dân sau mỗi đợt phun thuốc trừ sâu thường vứt bỏ tràn lan vỏ lọ thuốc, túi ni lông gây ô nhiễm đất, không khí và nguồn nước; ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người, Hội Phụ nữ xã đã chỉ đạo các chi hội lồng ghép tuyên truyền các nội dung về bảo vệ môi trường trong các buổi sinh hoạt Hội để nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, hội viên phụ nữ. Qua đó, mỗi cán bộ, hội viên phụ nữ trở thành một tuyên truyền viên tích cực, vận động nhân dân cùng thực hiện tốt việc thu gom chai lọ, vỏ thuốc bảo vệ thực vật bỏ vào đúng nơi quy định để xử lý. Đối với các cấp Hội Nông dân cũng đã duy trì 135 mô hình Hội Nông dân cơ sở tham gia bảo vệ môi trường nông thôn; xây dựng các mô hình tự quản vệ sinh môi trường, thu gom xử lý rác thải. Tiêu biểu như Hội Nông dân huyện Vụ Bản, 18/18 cơ sở Hội đã thành lập được 223 tổ tự quản vệ sinh môi trường với 1.561 thành viên tham gia, nhận trách nhiệm tự quản 313 tuyến đường; Hội Nông dân huyện Hải Hậu vận động các hộ nông dân phân loại rác thải tại nguồn và đào được 12.300 hố xử lý rác; Hội Nông dân huyện Ý Yên thành lập được 189 tổ thu gom rác thải… Hội Cựu chiến binh xây dựng mô hình “Hội Cựu chiến binh tham gia bảo vệ môi trường” tại các xã Trực Thái (Trực Ninh), Đại An (Vụ Bản). Đoàn Thanh niên thành lập 229 đội thanh niên xung kích, thanh niên tình nguyện bảo vệ môi trường; tổ chức trên 1.200 buổi dọn vệ sinh môi trường, thu gom trên 6,5 tấn rác thải. Tháng 7 vừa qua, Ban đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh đã phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tập huấn cho hội viên 2 nội dung: phát động phong trào chống rác thải nhựa; tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Qua đó, người cao tuổi đã nâng cao nhận thức để tuyên truyền cho hội viên và nhân dân sử dụng các sản phẩm thay thế sản phẩm nhựa khó phân hủy, sử dụng một lần trong sinh hoạt gia đình; thực hiện thu gom, phân loại rác thải nhựa, bao bì, túi ni lông trước khi vận chuyển đến nơi tái chế, xử lý theo quy định… Sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, các ngành, các địa phương thời gian qua đã góp phần quan trọng vào việc giảm thiểu rác thải nhựa.

Tuy nhiên, để phòng, chống rác thải nhựa, công tác tuyên truyền cần được các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể thực hiện thường xuyên, liên tục hơn nữa để đảm bảo tính bền vững, vận động cán bộ, hội viên và nhân dân đẩy mạnh hoạt động tự quản bảo vệ môi trường ở các khu dân cư; thực hiện thu gom, phân loại rác thải ngay tại gia đình, hạn chế tiến tới loại bỏ hoàn toàn túi ni lông, sản phẩm nhựa dùng một lần trong đời sống./.

Bài và ảnh: Lam Hồng

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com