Đầu tuần, tôi nhận lời mời về dự đám cưới con một người họ hàng bên vợ ở quê. Vì đang còn làm việc nên vợ chồng tôi tranh thủ thời gian cuối buổi chiều về mừng trước. Đám cưới quê bây giờ, riêng khoản phông bạt, loa đài không hề thua kém mà còn có vẻ “hoành tráng” hơn ở thành phố. Trong cái nóng oi nồng, rát bỏng của chiều hè, ngoài mảng phông màn, cổng chào rộn ràng kết hoa rực rỡ; có đến sáu chiếc loa, mỗi chiếc to bằng cái tủ lạnh được mở hết công suất những bản nhạc mạnh khiến người nghe cảm thấy tức ngực, nhấp nhổm mới thể hiện “đẳng cấp” âm thanh. Mới 5 giờ chiều, khoảng hai chục mâm cỗ đã được bày ra. Vừa ngồi xuống, tôi sững người vì trên mâm toàn là “cày tơ bảy món”. Thấy vậy anh con cả của bác họ vội vàng giải thích: “Hôm nay mới chỉ là cỗ bắc rạp. Chú biết rồi, lợn thì đang trong đận dịch tả châu Phi, gà ăn mãi cũng chán nên họ hàng bàn nhau làm món này cho dễ ăn. Trưa mai là cỗ cưới, sẽ có đủ các món chế biến từ dê, bò, gà, tôm, mực… Chú út hiền lành, ít quan hệ nên tổ chức cưới cũng tùng tiệm, nhẹ nhàng, chỉ bảy chục mâm”…
Sau vài lần chạm cốc, thấy tôi ăn uống dè dặt, cho rằng tôi quen kiểu “sang chảnh” phố phường, kỳ thị món “mộc tồn” trong cỗ bắc rạp ở quê, một anh có vai vế trong họ giả say, giọng lè nhè khiêu khích:
- Chú ở phố thì ở chỗ nào nhỉ? Ngoại thành hay trung tâm? Mà phố xá các chú kiểu gì thế không biết? Nhà cửa thì rẻ bèo. Nhà hai ba tầng gì mà bảy, tám trăm triệu cũng mua được. Tôi vừa bán mảnh đất trống ở mặt đường làng, cầm cả tỷ bạc ngon ơ (!). Vợ chồng thằng con tôi cũng đang làm ăn ở phố, sắp tới tôi nhất quyết bắt về quê sống cho thoải mái chứ phố xá chen chúc, khổ sở mà làm gì (?).
Thấy không thể lý lẽ với kiểu người này, tôi miễn cưỡng đưa đẩy:
- Bác nói đúng! Thành phố bây giờ “người khôn, của khó”; kiếm đồng tiền vất vả, lại phải tiêu nhiều. Các bác ở quê “sẵn nong sẵn né” nhà cửa ruộng vườn, làng nghề phát triển, nhiều việc làm, thu nhập cao nên cuộc sống xông xênh (!).
Sau bữa rượu, chị vợ bác cả kéo tôi sang nhà chơi. Trong câu chuyện, chị mong tôi thông cảm về chuyện không đâu xảy ra trong lúc ăn. Chị bảo, ở quê bây giờ, ngoài trồng lúa, người dân có thu nhập từ ngành nghề nên cuộc sống cũng đỡ khó khăn. Tuy kinh tế phát triển nhưng bản tính cố hữu là sự tùy tiện, đố kỵ, thích thể hiện “hơn người” vẫn hằn sâu trong văn hóa, lối sống của một bộ phận người dân. Ở đâu cũng vậy, để kiếm được đồng tiền, phải lao động vất vả. Vợ chồng chú út gia cảnh cũng khó khăn nhưng để giữ mối quan hệ bình đẳng với xóm làng cũng phải gồng lên, lo cho con cái như các gia đình khác để không bị coi thường…
Tôi đồng tình với suy nghĩ của chị. Đành rằng tâm lý thích thể hiện, thích “hơn người” là thuộc tính của con người nhưng ở một số người đó là bệnh hiếu thắng, ghen tị, sợ người khác coi thường… Những gì “tai nghe, mắt thấy” và đặc biệt là chuyên bên mâm rượu lúc chiều, nếu tôi không kiềm chế thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra (?). Lời của cổ nhân: “Cây lúa, hạt càng nhiều, càng mẩy thì cúi càng thấp” như là phương thức để ứng phó và cũng là để chữa trị hữu hiệu bệnh thích thể hiện của không ít người trong cuộc sống hôm nay./.
Đức Linh